Quan hệ Mỹ-Đức được thúc đẩy; Indonesia (Nam Dương) trở thành tâm dịch Covid-19 thế giới; châu Âu lao đao vì thảm hoạ thiên nhiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

 

 

 

 

Thủ tướng Đức thực hiện chuyến thăm Mỹ cuối cùng trong nhiệm kỳ.

 

Chiều tối ngày 14/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rời Berlin lên đường thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Đây rất có thể sẽ là chuyến công du lớn cuối cùng của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức trước khi nhiệm kỳ dài 16 năm của nhà lãnh đạo này sẽ khép lại sau ngày 26/9 tới.

 

 

 

 

Thủ tướng Angela Merkel thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: Reuters)

 

 

 

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng vào chiều hôm 15/7. Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn một giờ đồng hồ, hai nhà lãnh đạo ký Tuyên bố Washington về các nguyên tắc chung, trong đó khẳng định: "Mỹ và Đức cam kết bảo vệ một thế giới mở, trong đó tất cả các dân tộc trên toàn thế giới khi xác định cấu trúc chính trị của mình phải được tự do thoát khỏi sự can thiệp nước ngoài, sự ép buộc hoặc chi phối của các quốc gia bên ngoài".

 

 

 

Một số vấn đề được đề cập tại cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Đức bao gồm dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, "các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn" liên quan đến các công nghệ mới, lệnh hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, và một số lo ngại xoay quanh Nga và Trung Quốc.

 

 

Chuyến thăm được coi là nỗ lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc “tái khởi động" quan hệ song phương.

 

 

Tại cuộc hội đàm, ông Biden gọi bà Merkel là “người bạn tuyệt vời” của cá nhân cũng như của nước Mỹ, trong khi nhà lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ coi trọng mối quan hệ này, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc xây dựng một nước Đức tự do và dân chủ sau Đệ Nhị Thế chiến.

 

 

 

 

 

Indonesia (Nam Dương) vượt Ấn Độ, trở thành tâm dịch thế giới.

 

Ngày 15/7, Indonesia ghi nhận 56.757 ca nhiễm Covid-19 chính thức của trong vòng 24 giờ, vượt qua Ấn Độ và trở thành quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Tổng số ca tử vong và số ca nhiễm của quốc gia này lần lượt chạm mốc hơn 71.000 và 2,7 triệu ca, theo Reuters.

 

 

 

 

Ngày 17/7, Indonesia có thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do Covid-19. (Nguồn: AA)

 

 

 

 

Theo chuyên gia dịch tễ học của Indonesia, Dicky Budiman, dịch bệnh tại Indonesia hiện nay trầm trọng hơn nhiều so với Ấn Độ. Số lượng người nhiễm thực sự tại Indonesia có thể vượt quá 100.000/ngày. Số tử vong thậm chí có thể sẽ là 2.000 người/ngày vào cuối tháng 7.

 

 

 

Khủng hoảng Covid-19 của Indonesia lúc này chưa có dấu hiệu dừng lại khi biến chủng Delta dễ lây lan vẫn đang càn quét mạnh. Đảo Java, đảo đông dân nhất của Indonesia, hiện đang là tâm dịch của nước này.

 

 

Những gì từng diễn ra tại Ấn Độ cũng đang tái diễn tại Indonesia. Các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải. Một số nơi phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân.

 

 

 

Tình trạng thiếu hụt oxy y tế đang ám ảnh các bệnh nhân và gia đình. Một số cửa hàng bán oxy y tế đã phải đóng cửa do thiếu nguồn cung.

 

 

 

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia hôm 15/7 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Pfizer/BioNTech. Đến nay, Indonesia đã đảm bảo hơn 140 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, phần lớn là vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

 

 

 

 

 

Bạo loạn chết người tại Nam Phi.

 

Các cuộc bạo loạn, cướp bóc phản đối việc cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bị bỏ tù đã khiến ít nhất ít nhất 117 người thiệt mạng, theo AP.

 

 

 

 

Bạo loạn nổ ra tại Nam Phi.

 

 

 

 

Bạo loạn xảy ra chủ yếu tại tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal. Hơn 2,200 người đã bị bắt giữ với cáo buộc trộm cắp. Nhiều người mất mạng vì bị giẫm đạp, trong khi các cửa hàng bị cướp phá.

 

 

Ngày 15/7, chính phủ Nam Phi cho biết, 10,000 binh sĩ đã có mặt trên các tuyến đường cùng cảnh sát tuần tra. Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Phi cũng đã triển khai 12,000 binh sĩ dự bị.

 

 

Xe buýt, xe tải, máy bay và trực thăng cũng đã được sử dụng để đưa quân đội tới các khu vực xảy ra bạo lực. NBC cho biết một đoàn xe gồm hơn 12 phương tiện vận tải bọc thép đã chở binh sĩ đến Gauteng nhằm phô trương sức mạnh.

 

 

Cựu Tổng thống Zuma tự nộp mình ngày 7/7, chấp nhận bản án 15 tháng tù. Tòa án cho rằng ông coi thường tòa án sau khi từ chối cung cấp bằng chứng cho một cuộc điều tra chống tham nhũng trong 9 năm ông cầm quyền.

 

 

Những người ủng hộ ông Zuma phản đối việc cựu tổng thống bị bắt giam. Họ phong tỏa các con đường lớn, yêu cầu trả tự do cho ông. Các cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành bạo loạn. Các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực bị cướp và đốt phá.

 

 

Tình hình bất ổn khiến người dân rơi vào tình trạng khủng hoảng, thiếu lương thực và thuốc men. Thậm chí, họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, điều mà hầu hết người dân Nam Phi chưa từng trải qua trong đời.

 

 

 

 

 

Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng 2021.

 

Ngày 13/7, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng 2021 với độ dài 469 trang, trong đó đề cập nhiều vấn đề mang tính thời sự.

 

 

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Nobuo Kishi, giới thiệu sách trắng quốc phòng năm nay tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 13/7. (Nguồn: Kyodo)

 

 

 

 

Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay bao gồm 4 phần, lần lượt đề cập môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản; chính sách an ninh và quốc phòng của nước này; ba trụ cột quốc phòng và các thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng của Nhật Bản.

 

 

 

Sách Trắng 2021 của Nhật Bản có 3 chuyên đề đặc biệt, điểm lại những sự kiện quốc phòng nổi bật của Nhật Bản trong năm 2020, các chiến dịch cứu trợ thảm họa trong 10 năm qua và nêu bật những thách thức của nước này trong 3 lĩnh vực gồm vũ trụ, không gian mạng và quang phổ điện tử.

 

 

Đáng chú ý, lần đầu tiên Sách Trắng quốc phòng đề cập đến sự ổn định ở eo biển Đài Loan và tầm quan trọng của khu vực này trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Theo Sách Trắng, khu vực này dần trở thành con át chủ bài mới trong bối cảnh sức ép từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

 

 

 

 

Thời tiết khắc nghiệt tại nhiều khu vực trên thế giới.

 

Những cơn mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày vừa qua đã khiến khu vực Tây Âu hứng chịu một trong những thảm hoạ thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế chiến.

 

 

 

Đức, Bỉ bàng hoàng vì lũ lụt chưa từng thấy. (Nguồn: EPA)

 

 

 

 

 

Trong đó, Đức là quốc gia châu Âu bị thiệt hại nặng nề nhất. Tới sáng ngày 16/7 (giờ địa phương), con số thương vong tại quốc gia này đã vượt mốc 100.

 

 

Tại Bỉ, từ 2 ngày qua, nước này đã phải hứng chịu trận lũ lớn chưa từng có trong lịch sử quốc gia được mệnh danh là "trái tim châu Âu" này. Theo thống kê từ lực lượng cứu hộ Liên bang Bỉ, tới nay đã có 9 người thiệt mạng và 4 người mất tích.

 

 

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến đợt nắng nóng kéo dài, có nơi nhiệt độ cao kỷ lục trong nhiều năm, đã gây ra hàng loạt vụ cháy rừng, hạn hán nghiêm trọng.

 

 

Trong ngày 12/7, các đám cháy rừng đã bao trùm trên hơn 404.600 ha đất ở miền Tây nước Mỹ và Canada.

 

 

Nắng nóng đã có dấu hiệu giảm bớt sau đợt sóng nhiệt dữ dội vào cuối tháng 6, nhưng trong những ngày gần đây, thời tiết khắc nghiệt lại quay trở lại Bắc Mỹ khi nắng nóng tiến sâu vào đất liền đến tận rìa của dãy núi Rocky.