Ngày 4 tháng 1, 2021, học sinh của trường Sovannaphumi đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt trước khi vào lớp học. Cambodia đã mở cửa lại các trường học và các viện bảo tàng sau nhiều tháng đóng cửa vì đại dịch coronavirus - Reuters

 

 

 

 

 

Trái ngược tình cảnh tại nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia bắt đầu thực hiện nới lỏng biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong 6 tuần.

 

 

Trái ngược với một số nước trong khu vực, Campuchia bắt đầu thực hiện nới lỏng biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong 6 tuần sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vào tháng 11 năm ngoái.

 

 

Sáng 4/1, học sinh đeo khẩu trang đã xếp hàng dài ngoài cổng trường tiểu học Sovannaphumi ở thủ đô Phnom Penh chờ đo nhiệt độ thân thể để vào trường.

 

 

Theo kế hoạch, các trường tư thục tại Campuchia sẽ mở cửa trong tuần này đón học sinh quay trở lại, trong khi các trường công lập sẽ khôi phục hoạt động vào tuần tới.

 

 

Ngoài trường học, Campuchia cũng đã cho phép mở cửa trở lại Nhà tù Tuol Sleng - địa điểm tham quan nổi tiếng ở thủ đô Phnom Penh.

 

 

Tháng 11/2020, Campuchia triển khai thực hiện một loạt biện pháp hạn chế sau khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến 1 phụ nữ 56 tuổi, người từng đi tới 2 thành phố lớn của nước này kể từ ngày 20/11.

 

 

Việc Campuchia nới lỏng các biện pháp phong tỏa trái ngược tình cảnh tại nhiều nước trong khu vực.

 

 

Thái Lan ngày 4/1 cảnh báo nước này có thể triển khai lệnh phong tỏa mới nếu số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng và buộc nước này tiến tới phải tuyên bố 28 tỉnh là vùng có nguy cơ cao.

 

 

Cùng ngày, báo Khmer Times đưa tin Chính phủ Campuchia vừa thông báo hủy Lễ hội Sông lần thứ 7, dự kiến diễn ra ở tỉnh Kampong, do đại dịch COVID-19.

 

 

Theo thông tư do Bộ Du lịch Campuchia ban hành, chính quyền tỉnh Kampong Thom có thể bắt đầu chuẩn bị cho Lễ hội Sông sẽ diễn ra vào năm tới 2022.

 

 

Người phát ngôn Bộ Du lịch Top Sopheak cho biết việc hủy Lễ hội Sông năm nay phù hợp với hướng dẫn y tế về phòng chống dịch COVID-19. Năm ngoái, Lễ hội Biển cũng bị hủy vì lý do tương tự. Tuy nhiên, khách du lịch nội địa vẫn có thể thăm quan mọi miền trên đất nước.

 

 

Lễ hội Sông thường được tổ chức vào tháng 3 hằng năm tại các tỉnh dọc theo sông Mekong và sông Tonle Sap.

 

 

Sự kiện này được coi là cơ hội để thúc đẩy du lịch và quảng bá sản phẩm của địa phương.

 

 

Lễ hội Sông lần thứ 6 năm ngoái diễn ra ở tỉnh Battambang, bất chấp nỗi lo đại dịch COVID-19. Lễ hội thu hút khoảng 300.000 người tham gia.

 

 

Trong khi đó, trên mạng Twitter, báo Global Times ngày 4/1 đưa tin, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã công bố quy định kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên thành 21 ngày đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài để phòng dịch COVID-19.

 

 

Cùng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc Đại lục đã ghi nhận thêm 33 ca mắc COVID-19, trong đó có 20 ca nhiễm nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 87.150 ca. Trong khi đó, số trường hợp tử vong do bệnh này ở Trung Quốc hiện là 4.634 ca.

 

 

Ngày 4/1, Singapore cho biết nước này đang xem xét nới lỏng hạn chế đi lại với những người từng đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19, bao gồm những người có kế hoạch tới Singapore tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới.

 

 

Do đại dịch, quốc đảo này đã cấm hoạt động đi lại không thiết yếu, cũng như hạn chế thỏa thuận đi lại phục vụ mục đích kinh doanh và công vụ với một số nước.

 

 

Tuần trước, Singapore cũng trở thành một trong những nước châu Á đầu tiên khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia đối với dịch bệnh COVID-19.

 

Tại Indonesia, cơ quan chức năng nước này sẽ triển khai chương trình tiêm chủng vào tuần tới sau khi phân phối khoảng 700.000 liều vắcxin COVID-19 tới các trung tâm, cơ sở y tế đảm nhận tiêm chủng ở các địa phương.

 

 

Tính đến nay, Indonesia (Nam Dương) đã giành được quyền sở hữu hơn 329 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, chủ yếu từ các nhà sản xuất Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và AstraZeneca.

 

 

Tuy nhiên, người được tiêm chủng trong giai đoạn đầu, sử dụng vắcxin CoronaVac do Sinovac của Trung Quốc sản xuất.

 

 

 

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này cần tiêm chủng cho 181 triệu người dân (67% dân số). Ông cho biết 1,3 triệu người làm việc trong lĩnh vực y tế sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước. Indonesia sẽ phải mất 15 tháng để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng nói trên.