CẢM HỨNG ĐỂ VIẾT TIỂU THUYẾT "CU CHÍ - CU PHONG" LÀ TỪ NHÂN VẬT JD VANCE
Cu Chí - Cu Phong là tiểu thuyết tự truyện. Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong, một nhà khoa học, một doanh nhân với cuộc đời trải qua nhiều nghịch cảnh, đã không đầu hàng mà vươn lên bằng đôi chân trần. Nhân vật Cu Chí - Cu Phong là hình ảnh ẩn dụ về chính tác giả: một đứa trẻ bị định kiến vùi dập, nhưng không sờn lòng, nản chí mà tận dụng năng lực và sức phấn đấu liêm chính giữa dòng đời sỏi đá để trở thành người kiến tạo giá trị cho xã hội.
Theo tác giả, tiểu thuyết là một hành trình thật – không tô vẽ – đầy nước mắt, nghị lực, và khát vọng sống. Nhân vật là chủ thể, không đổ lỗi cho thời thế, không tìm cách biện minh nhưng xác định giá trị và vì giá trị mà bươn tới để đạt lấy giá trị.
Ông muốn chia sẻ một bài học Phong để hiểu rõ tâm tình của ông sống động cho những ai từng bị bỏ trước khi khám phá các bí kíp thành lại phía sau, nhưng vẫn ước nguyện đạt của ông được trình bày rõ ràng, và có ý chí để làm chủ chính cuộc mạch lạc nhưng không kém phần thực đời mình. Hãy đọc Cảm hứng và tiễn, sôi động trong tác phẩm Cu Chí Lời Tự sự của Thạc sĩ Nguyễn Văn - Cu Phong.
(Xem lại KỲ 2)
Gạo không đủ ăn, phải độn thêm sắn lát, khoai lang, hay bo bo - một loại thực phẩm "đầu vô ra sao thì đầu ra y vậy" vì nó khó tiêu hoá.
Khi cơm sôi, tôi không đủ sức bưng nồi cơm xuống, phải chạy qua nhà cụ Thầy Lề, nhờ cụ tẻ nước giúp.
Nước cơm ấy là sự sống của bé Út. Ai nhìn con bé cũng xót xa: “Con nhỏ chắc không sống nổi đâu…”
Nhưng xót xa rồi thì cũng chỉ biết thở dài, bởi ai cũng đói, ai cũng khổ ... cũng thiếu trước hụt sau.
Tôi chăn bò, cõng theo em gái, và học viết chữ trên nền đất.
“Vở là nền đất, bút là roi tre.”
Chữ đầu đời của tôi được viết bằng cây roi và đất đường làng khô ráp, bụi mịn là thứ tạo ra các vệt dài ngắn mỗi khi roi tre của tôi chạm mặt đường.
Ba tôi khi ấy tham gia đội phun thuốc trừ sâu cho Hợp tác xã. Đó là công việc độc hại nhất trong mọi công việc đồng áng, nên được tính công gấp đôi – rồi quy ra thóc, lúa hay khoai lang nhận về.
Mỗi lần ông đi phun thuốc về, người sặc mùi hóa chất. Trong nhà không còn một con ruồi nào dám bén mảng.
Áo ông ướt đẫm, lưng cong xuống như vừa vác đá suốt cả ngày. Ông nằm vật ra chiếu, thở dốc từng hơi như thể vừa bơi từ một thế giới khác trở về.
Tôi vốn quen với cảnh ấy, nên luôn chuẩn bị sẵn một ca nước chanh – loại chanh đá hoa tím trồng sau hè, trái nhỏ, vỏ dày, ít nước nhưng thơm nức.
Mỗi lần như thế, ông đưa tay đón lấy, ực vài hơi cạn sạch, rồi thều thào:
– Cảm ơn con… Ba ngủ đây…
Tôi tưởng đó chỉ là một sự mệt nhọc thường ngày. Mãi về sau lớn lên, tôi mới biết: thứ thuốc trừ sâu ông dùng là loại cực độc – 666, hay hexachlorocyclohexane – thứ hóa chất mà chỉ cần hít phải vài lần cũng đủ phá huỷ gan, thận, và thần kinh. Thứ thuốc ấy từng bị cấm ở nhiều nước, nhưng ở quê tôi ngày ấy vẫn được dùng như thể nước lã.
Ông đã đánh đổi chính sinh mạng mình, để đổi về vài kilogam lúa, khoai cho đàn con nheo nhóc.
Một lần, khi tôi đã đủ lớn để hiểu thế nào là đói, là thiếu, là bất công, tôi ngồi bên ông, hỏi:
– Nếu như không có thay đổi thể chế, nhà mình có bị khổ vậy không ba?
Không cần suy nghĩ, ông đáp ngay:
– Không. Không bao giờ!
Rồi ông nói tiếp, giọng khàn khàn nhưng ánh mắt rực sáng:
– Ruộng đất nhà mình đủ để cày bừa, tích góp lương thực, nuôi sống gia đình.
Nhưng họ bắt ba đem nộp hết vào Hợp tác xã. Ruộng đất thì kẻ nhiều người ít, nhiều kẻ không có ruộng đất; sức lao động thì kẻ yếu người mạnh, kẻ siêng người lười … gom hết lại, rồi chia đều thành quả – đó là thứ kinh tế hoang tưởng. Vì khi đã đầu thai thành con người – từ khi mới sinh ra – vốn đã mang trong mình cái mầm ác. Bản chất ai cũng có tham, có ích kỷ, có hơn thua, có đố kỵ…
Mà đã vậy thì không thể nào có chuyện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” như họ rao giảng được. Nó mất công bằng. Nó giết chết động lực. Rốt cuộc chỉ còn cái xác của lao động, không còn linh hồn của con người nữa.
Ông dừng lại, thở một hơi sâu. Tôi nhìn ông, lần đầu tiên thấy rõ nơi đáy mắt ông là một trời u uẩn, như từng chôn kín cả một cuộc đời bị đánh tráo.
– Gia đình mình gãy gánh bởi thời thế, thì buộc phải xuôi dòng nước đục …
Nhưng nhớ cho kỹ, con à: Làm kinh tế chỉ có kinh tế tư hữu mới sinh ra được thành quả thật, giá trị thật. Vì ở đó, tài trí và sức lực mới được phát huy hết.
Mới có lòng tin vào mồ hôi, nước mắt mình đổ ra. Còn ở nơi mà mọi thứ bị san bằng theo khẩu phần, thì mầm sống cũng bị dẫm chết từ trong trứng nước…
Tôi không nhớ rõ sau đó ông nói gì thêm. Chỉ biết, đêm ấy tôi nằm thao thức rất lâu, lần đầu tiên thấy ba mình không chỉ là người cha cực nhọc trong bộ áo bạc màu, mà là một con người từng sống, từng mơ ước, từng khát vọng về một sự tự do, phồn thịnh … và rồi bị cuốn trôi.
Ba tôi không giảng đạo lý. Ông chỉ nói những điều từng đẫm qua máu và mồ hôi của chính mình.
Hôm nay, khi ngồi viết lại những dòng này - giữa một đất nước xa lạ, một cuộc đời tưởng đã sang trang - tôi vẫn còn nghe thấy giọng ông. Trầm, khàn, nhưng dứt khoát.
Và tôi biết: mình đang sống nốt phần đời dang dở mà ba chưa kịp sống trọn.
CHƯƠNG 2
CÁI BÓNG CỦA NGƯỜI LÍNH THUA TRẬN
Phần 1: Ở lại - Một dạng khác của lưu đày
Ba tôi – một người lính Việt Nam Cộng Hòa – sau ngày Sài Gòn thất thủ, đã bị bắt đi tù cải tạo, rồi bị quản thúc suốt mười năm tại địa phương. Gia đình tôi bị dán nhãn “ngụy”, sống lầm lũi bên lề xã hội, gánh chịu biết bao thiệt thòi và nhục nhằn. Ngay từ tuổi thơ, tôi đã nếm trải những nỗi sợ và tổn thương đầu đời – từ ánh mắt kỳ thị, từ sự ruồng bỏ âm thầm và cả những lời lẽ miệt thị không thương tiếc:
“Đáng đời con cái nhà ngụy”.
Chiến tranh khép lại không có nghĩa là đau khổ cũng chấm dứt. Người lính khi ra trận mang theo lý tưởng thiện lành và khát vọng muốn bảo vệ đồng bào. Nhưng khi thời cuộc thay đổi, họ - những người bên thua trận - lại phải gánh lấy phần cay đắng nhất. Cha tôi là một trong số đó.
Những năm trong trại tù cải tạo nằm sâu trong rừng núi - nơi mà cái chết luôn chờ chực, ông phải đối mặt với đói khát, bệnh sốt rét và sự vô định. Có người vĩnh viễn không trở về. Có người sống sót, khi trở về lại tiếp tục bị cô lập khỏi xã hội, bị đẩy đi “kinh tế mới” nơi rừng sâu nước độc. Họ lại phải tiếp tục cuộc sống trong một chiếc bóng khác - bóng của sự giám sát, dè dặt và thiệt thòi.
Họ không còn là công dân, không được công nhận là con người bình thường. Con cái của họ – một số trong anh em chúng tôi – bị đóng dấu vào lý lịch, bị cấm học đại học, bị chặn mọi con đường tiến thân.
Chỉ những ai từng trải tình cảnh ấy, từng bị đọa đày ấy, mới cảm nhận hết nỗi cùng cực đến tận xương tủy của những năm tháng đó.
Tôi nhớ, sau khi ra khỏi trại tù Tiên Lãnh, ba tôi bị quản thúc tại địa phương thêm mười năm. Ruộng vườn bị tịch thu. Ông phải lao động quần quật cho hợp tác xã chỉ để đổi lấy vài lon gạo, vài ký khoai sắn, vài lít dầu lửa, vài mét vải che thân…sống trong chế độ tem phiếu nghiệt ngã, không được phép chọn lựa điều gì cho bản thân hay gia đình.
Người ta ra rả bêu réo ông là “ngụy quân, ngụy quyền”, xem rẻ cả thân phận và sinh mạng con người. Họ dùng các cuộc họp tố cáo, đấu tố để đe dọa tinh thần. Mỗi tuần, mỗi tháng ba tôi phải trình diện, phải viết bản tự kiểm điểm, tường thuật khai báo quá khứ, ghi lại từng hành động trong ngày – như những cái bẫy luôn rình rập. Chỉ cần một sơ hở là có thể bị kết tội thêm.
Tôi nhớ cái đám cưới âm thầm của chị tôi – phải tổ chức vào ban đêm, đưa dâu giữa khuya vắng như thể trốn chạy điều gì sai trái. Tất cả những ai dự đám cưới đêm đó đều phải lên ủy ban xã khai báo vào ngày hôm sau.
Ba tôi sống trong tâm trạng bất an kéo dài. Mỗi lần bị “mời” đi họp là mỗi lần như đi vào nơi vô định. Không ai biết, liệu ông có trở lại nhà hay không. Trước khi đi, ông luôn nói những câu giống như lời trăn trối. Mẹ tôi và những đứa con chỉ biết cầu trời cho mau sáng, để được nhìn thấy dáng ba lặng lẽ trở về sau đêm dài lo lắng.
Ai có thể hiểu được nỗi lo âu treo lơ lửng như lưỡi gươm bén trên đầu ấy? Ai có thể cảm nhận được sự bức bối, tủi hờn, tuyệt vọng len lỏi vào từng hơi thở, từng bước chân trong đời sống tưởng chừng yên bình mà hóa ra bị kiểm soát đến từng tiếng nói?
Cái bóng của người lính thua trận không chỉ đè lên cuộc đời ba tôi, mà còn phủ bóng u tối lên cả tuổi thơ tôi và cả một thế hệ con cháu – những người đã bị đóng khung bởi cái gọi là “thành phần ngụy – thành phần phản cách mạng”.
Chị Hai tôi – người con gái đầu lòng trong nhà – đã sớm ý thức được gánh nặng mà ba đang gồng gánh. Chị thương ba không chỉ bằng nước mắt, mà bằng cả quyết định định đoạt đời mình. Trong bối cảnh ấy, giữa những năm tháng mà từng bước chân của gia đình tôi đều bị rình rập, đe dọa, chị đã lựa chọn một lối đi nghiệt ngã.
Chị chấp nhận làm vợ một người đàn ông có lý lịch “đỏ” – cháu ruột của một ông chủ tịch xã hung hãn và đầy thế lực. Cuộc hôn nhân ấy không đến từ tình yêu. Nó đến từ một nỗi lo sợ thường trực và một tấm lòng hiếu thảo sâu thẳm.
Chị tin rằng, nếu “yên bề gia thất” với một gia đình thuộc hàng “công thần cách mạng”, thì ít nhất ba tôi sẽ được thở dễ hơn, không còn bị gọi lên ủy ban giữa đêm, không còn sống trong thấp thỏm mỗi lần nghe tiếng gõ cửa.
Nhưng rồi, hạnh phúc mong manh ấy cũng vỡ vụn. Bởi khi không có tình yêu làm gốc, hôn nhân chỉ là chiếc lồng giam kín tâm hồn. Chị dần héo úa, cam chịu trong một cuộc sống không thuộc về mình – nơi người chồng “có lý lịch tốt” xem vợ mình như món đồ chơi, chứng minh quyền thế hơn là người tri kỷ.
Tôi, đứa em nhỏ, đã thấy đôi mắt chị từng đêm đỏ hoe. Chị đã hy sinh tuổi thanh xuân – không phải cho mình – mà để trả ơn sinh thành cho ba. Rồi chị cũng bỏ quê hương để ra đi, như chạy trốn quá khứ khốc liệt và nặng trĩu. Chạy trốn một cuộc đời không phải của mình.
Ánh mắt ba tôi khi nhắc đến chị Hai - lặng đi, trĩu nặng - đã khiến tôi hiểu rằng: có những vết thương không ở trong chiến trận, không đẫm máu, nhưng lại đau tận đáy lòng.
Người thua trận ở lại – nhiều khi – chính là kẻ phải chịu sự đày đọa tột cùng. Sau này, khi tôi đặt chân đến nước ngoài, hòa vào cộng đồng người Việt tị nạn, tôi nghe nhiều câu chuyện đẫm nước mắt: về những thuyền nhân bỏ mạng giữa biển khơi, về những gia đình tan tác trên hành trình tìm tự do, về những ngày đầu vật lộn nơi đất lạ quê người.
Họ có nỗi đau của vượt biển, của lạc loài. Họ có những mất mát không gì thay thế. Và điều đó hoàn toàn xứng đáng để được thương cảm, được ghi nhớ.
Nhưng có lần, ông bạn trạc tuổi, là hậu duệ của một quân nhân vượt biển, so sánh: "Khi vượt biển đến vùng đất tự do này tụi tao cực lắm, phải chết hụt sống dai mới qua được. Còn ở lại như tụi mày thì vẫn có cơm ăn, áo mặc, vẫn sống trong nhà của mình".
Người bạn đâu biết rằng, “sống” chưa bao giờ đồng nghĩa với “tồn tại”. "Còn sống" chưa bao giờ đồng nghĩa với "được sống". Bởi người ở lại như tôi, như ba tôi, như chị tôi – đã sống trong một hình thức tồn tại không khác gì cái chết: một cái chết âm thầm, rỉ rả, từng ngày.
Không vượt biển không có nghĩa là không vượt ngục. Ngục tù của chúng tôi là cuộc sống hằng ngày – nơi tự do là xa xỉ, nơi tiếng nói không có trọng lượng, nơi nhân phẩm bị xếp sau lý lịch.
Nếu những người ra biển lớn là những con thuyền vật lộn với sóng gió, thì chúng tôi – những người ở lại – là những chiếc ghe mắc cạn trong vũng lầy của định kiến và khinh miệt. Chết trên biển, hay sống trong im lặng và khuất lấp, lãng quên. Tình huống nào cũng chạnh lòng không kém.
Như một nốt lặng sâu lắng. Như một lời nhắc rằng: không phải nỗi đau nào cũng nhìn thấy được. Ông bạn im lặng và ri rỉ nước mắt, giọng bạn như hụt hơi:
- Cuộc chiến vừa tàn, tưởng là mừng, rất thương tâm cho những người ngã xuống cũng như người ở lại. Người mất thì cũng mất rồi. Người ở lại – không có nghĩa là được tha. Và có những người không vượt biển, nhưng vẫn chết chìm trong quê hương mình.
May mà thời đó đã qua. Tôi ra khỏi ám ảnh và vươn lên.
Phần 2: Nỗi sợ và tổn thương đầu đời - Củ sắn sống giữa cơn đói
Quê tôi, lũy tre xanh dày đặc ôm trọn xóm nghèo như vòng tay mẹ siết chặt đứa con thơ. Người dân quê tôi ăn trên chõng tre, ngủ trên chõng tre, và chết cũng trên chõng tre.
Tôi nhớ, một đêm trăng khuyết của những ngày giáp Tết, trăng lồng qua ngọn tre, tạo ra những vạt sáng lờ mờ đan xen tiếng kẽo kẹt của những ngọn tre già va nhau khi gió lùa qua.
Lũ trẻ chúng tôi, đứa nào cũng cố tạo cho mình một chiếc lồng đèn bằng thân cây lục bình. Lục bình quê tôi thân ngắn, phình to như quả trứng gà. Chúng tôi hái phần thân phình ấy, khoét bỏ phần ruột xốp bên trong rồi bắt đom đóm bỏ vào trong, làm thành chiếc đèn đom đóm mộc mạc mà lung linh.
Đêm ấy, chúng tôi đuổi bắt nhau, hét la inh ỏi từ bệnh xá xã ra đến tận cánh đồng Kiến Thiết – nơi có nhiều mồ mả của những người chết đói trong năm Ất Dậu xa xưa. Dưới trăng khuyết, những chiếc đèn bằng sinh vật sống, và cười đùa hồn nhiên của lũ trẻ … làm cho miền quê nghèo như sáng bừng lên đôi chút hy vọng.
Bất ngờ, từ cuối đường cái, thấy người lớn lố nhố, lời qua tiếng lại râm ran. Không nghe rõ họ nói gì, chỉ thấy xôn xao, đan xen tiếng đàn ông, đàn bà. Giữa đám đông ấy, tôi thấy một người đàn ông gầy guộc, xanh xao. Anh bị trói tay ra sau, trước ngực đeo một tấm bảng giấy nguệch ngoạc dòng chữ: “Tên ăn trộm sắn”. Hai ông bảo vệ vai mang súng, tay ghì chặt anh ta đẩy đi.
Thấy người quen, tôi gọi lớn:
-Anh Lên! Anh Lên! Anh có sao không? Anh đào sắn cho heo ăn hả? Người đàn ông cúi gằm mặt, để mặc cho toán bảo vệ hợp tác xã đẩy anh đi.
Họ lôi anh từ đầu làng đến cuối làng, rồi dừng lại ở hội trường đội sản xuất của hợp tác xã. Đám đông tò mò kéo theo sau. Chiếc đèn đom đóm trên tay tôi bị bóp nát lúc nào không hay, nhưng tôi vẫn nắm chặt con đom đóm trong tay như níu giữ chút ánh sáng mong manh của lòng tin.
Tại hội trường, ông đội trưởng đội bảo vệ bước ra, giọng lạnh lùng:
-Đây là tên trộm sắn của hợp tác xã! Hắn nhổ nguyên bụi sắn, rửa tại cống nước kênh và ăn ngấu nghiến để hằn xóa vết tích. May mà chúng tôi bắt được. Nếu không, cả cánh đồng sắn sẽ bị đào sạch trong vài ngày nữa. Phải xử phạt thật nặng để răn đe kẻ khác.
Họ hất cằm anh lên, để cả làng nhìn mặt. Giống sắn lùn quê tôi lúc đó năng suất rất cao, nhưng nếu ăn sống dễ bị say, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sắn này chỉ dùng để chế biến thức ăn cho heo của hợp tác xã. Vậy mà anh Lên – một con người cùng đường vì cái đói – đã phải ăn sống nó.
Họ đẩy anh vào trong hội trường, cửa đóng sập lại. Bọn trẻ chúng tôi chạy vòng ra sau, nhốn nháo dòm anh qua vách gỗ. Căn phòng tối om, chỉ thấy một bóng đen cựa quậy có lẽ vì bị muỗi chích.
Một ông chức lớn cầm đèn pin rọi thẳng vào mặt đám đông, quát:
-Giải tán! Về hết đi!
Ánh đèn pha thẳng vào mắt khiến tôi chói lòa không mở nổi mắt. Có ai đó tức giận hỏi:
-Anh lấy quyền gì mà rọi đèn vào mặt tôi?
-Tao có quyền rọi vào mặt từng đứa. Từng đứa! Để bắt hết lũ ăn trộm sắn như thằng này!
Đám đông xì xào, bực tức. Có người lẩm bẩm:
-Thời buổi gì mà con người trở nên hung dữ, vô cảm như vậy…
Tôi lủi thủi theo dòng người ra về, trong bóng tối. Con đom đóm tội nghiệp trong tay tôi cũng đã nghẹt thở. Ánh sáng le lói cuối cùng vụt tắt như nỗi hy vọng trong lòng tôi đêm ấy.
Tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Ba tôi thở dài, nói:
-Từ cổ chí kim, người ta chỉ nghe chuyện ăn sống khoai lang, đậu phộng… chứ ai lại ăn sắn sống bao giờ? Giống sắn lùn này, nấu chín ăn còn dễ say huống chi ăn sống. Mai là Đại hội hợp tác xã, chờ tí thì được ăn no. Sao lại phải liều mình vì mấy củ sắn lùn? ª
(Xem tiếp kỳ tới)