Thông báo được đưa ra hôm 4/2, cho biết Hyundai hiện thiếu nguồn dây dẫn điện từ nhà cung ứng Leoni, Đức, và được sản xuất ở Trung Quốc. Thương hiệu con Kia cũng bị ảnh hưởng do cùng một nguồn cung.

Một trong ba nhà máy phải dừng sản xuất có Ulsan, cũng là nhà máy lớn nhất của Hyundai trên toàn thế giới, với sản lượng hàng năm tới 1,6 triệu xe. Những sản phẩm đầu tiên bị ảnh hưởng là mẫu SUV mới Palisade và dòng sedan hạng sang Genesis.

Theo dữ liệu thương mại, trong 2019, Hàn Quốc nhập khẩu một lượng lớn linh kiện ôtô từ Trung Quốc với giá trị 2,56 tỷ USD, tăng 74% so với mức 1,47 tỷ USD trong 2018. Hyundai có bảy nhà máy tại Hàn, chiếm 40% sản lượng của hãng trên toàn cầu.

Nhà máy tại Ulsan nằm trong số ba nhà máy phải dừng sản xuất. Ảnh: Hyundai

Nhà máy tại Ulsan nằm trong số ba nhà máy phải dừng sản xuất. Ảnh: Hyundai

Trong khi đó, một loạt hãng xe cũng đã tạm dừng sản xuất tại Trung Quốc gồm BMW, Daimler, Ford, Honda, Nissan, Renault, Tesla, Toyota và Volkswagen. Các nhà cung ứng như Bosch cũng hành động tương tự.

Hiện gần như mọi hãng xe và các nhà cung ứng linh phụ kiện nước ngoài đều có liên doanh 50/50 với một hãng Trung Quốc để được hoạt động tại quốc gia này. Dừng sản xuất cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giới công nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Kỳ nghỉ Tết nguyên đán - vốn kết thúc vào ngày 29/1 - đã được kéo dài đến 9/2. Một số hãng, trong đó có Honda, tạm đóng cửa nhà máy lâu hơn thế.

Thực tế, tạm dừng hoạt động có thể là sự điều chỉnh thị trường cần thiết trước tình hình cung vượt cầu về lượng ôtô sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng kết quả dẫn tới một khả năng xấu. Nếu việc đóng cửa kéo dài hàng tuần, các hãng xe có thể phải trả giá đắt liên quan tới hàng hóa dự trữ và doanh số xe mới. Các hãng như Volvo phải dựa nhiều vào linh kiện từ Trung Quốc, như lốp dự phòng, có thể ảnh hưởng xấu tới các nhà máy ngoài Trung Quốc.

Mỹ Anh (theo Arirang, Financial Times, Automotive News, Reuters)