TRẦN LAM GIANG

 

(TÀI LIỆU CỦA THƯ VIỆN VIỆT NAM thuộc TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VIỆT NAM

VHV FOUNDATION-VIETNAMESE CULTURAL CENTER)

 

 

Cội nguồn nguyên thủy của bất cứ một dân tộc nào cũng bao hàm ít hoặc nhiều huyền thoại. Thí dụ như người Trung Hoa tự hào với nguồn gốc Tam Hoàng của họ. Sử ký Tư Mã Thiên ghi rằng Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng. Theo sách Xuân Thu Mệnh Lịch, Thiên Hoàng gồm 20 anh em, mỗi người làm vua 18.000 năm; Địa Hoàng là một họ gồm 11 người, mỗi người làm vua 18.000 năm; Nhân Hoàng làm vua 150 đời, kéo dài 45.600 năm. Huyền thoại lịch sử này huyễn hoặc một cách quá đáng, cho dù có bao hàm những ẩn dụ do người đời sau suy luận ra.

 

 

Cho đến bây giờ, khoa khảo cổ cũng như khoa nhân chủng học chưa tìm thấy dấu tích gì của Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng để lại.

 

 

Về nguồn gốc dân tộc Việt ta, sử thần Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt Sử Ký Ngoại Sử Toàn Thư Tự” (Bài tựa của phần ngoại kỷ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) có viết:

 

 

“Thủy tổ ta là giòng dõi họ Thần Nông, thế là nơi trời sinh ra bậc chân chúa, ngang hàng cùng Bắc triều (triều đình nước Tầu) mỗi bên làm đế một phương.”

 

 

Trong “Biểu dâng sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” lên vua Lê Thánh Tông, Sử thần Ngô Sỹ Liên viết:

 

 

“Sách Đại Việt Sử Ký chép chính sự của đế vương thời trước. Kể từ khi mở bờ cõi nước Nam (Việt Nam), các vua ta nối tiếp nhau trị nước, thật đúng là ngang hàng với Bắc triều (triều đình nước Tầu).

 

 

Năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), tiến sỹ Lê Tung, làm quan đến chức đặc tiến kim tử Vinh Lộc Đại Phu, Thiếu Bảo, Lễ Bộ Thượng Thư Đông Các Đại Học Sỹ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu viết “Việt Nam Thông Khảo Tổng Luận” dâng lên vua, có ghi rằng:

 

 

 

“Kể từ khi Kinh Dương vương, họ Hồng Bàng nối giòng dõi họ Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng tỏ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hóa. Vua lấy đức mà cảm hóa dân, giũ áo khoanh tay (nhà vua lấy đạo nhân ái mà quản trị dân, không đặt ra những điều lệ luật pháp phức tạp làm phiền nhiễu cuộc sống con người). Người dân cày ruộng, đào giếng. Ra đồng thì làm lụng, về nhà thì thoải mái nghỉ ngơi. Đó chính là phong tục rất cổ từ thời Đế Viêm vậy.

 

 

“Lạc Long Quân nối ngôi, lấy con gái họ Âu Lạc, có điềm lành sinh trăm con trai. Tổ của giống nòi Bách Việt đúng thực bắt đầu từ đấy.  Hưởng lộc nước rất nhiều năm, rất lâu dài. Đã giầu thọ lại nhiều con trai, xưa nay chưa từng có vậy.”

 

 

Về nguồn gốc Rồng Tiên của dân tộc Việt, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi:

 

 

“Kinh Dương vương tên húy là Lộc Tục, giòng dõi họ Thần Nông.

 

 

“Nhâm Tuất năm thứ nhất (2879 trước lịch Tây) cháu ba đời Đế Viêm hiệu Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi đi tuần thú phương Nam, kết duyên cùng Vụ tiên nữ sinh ra vua (Kinh Dương vương). Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn truyền ngôi báu. Vua không dám nhận, nhường lại cho anh. Đế Minh bèn lập Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong vua là Kinh Dương vương, trị vì phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ, lấy con gái vua Động Đình là nàng Thần Long mà sinh ra Lạc Long Quân.

 

 

“Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm, lấy nàng Âu Cơ con gái vua Đế Lai, sinh ra trăm con trai là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng chung hợp.: Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền Nam (có bản chép là về miền Nam Hải, dân gian truyền khẩu là xuống biển). Phong con trưởng làm Hùng vương, nối ngôi vua.”

 

 

Qua sử sách, truyền thuyết cũng như đền đài tế tự trong dân gian, người Việt nối đời xác quyết là giòng giống Rồng Tiên:

 

 

“Trứng Rồng lại nở ra Rồng

Liu điu lại nở ra giòng liu điu”

 

 

Giòng giống Rồng Tiên, người Việt, có nền văn minh nhân bản vượt lên trên những giòng giống chỉ biết vụ lợi phát tài, hiểm độc nhỏ nhen như loài rắn liu điu.

 

 

Giòng giống Rồng Tiên, đoàn kết keo sơn, thương yêu gắn bó trong tình máu mủ ruột rà, cùng nhau chung sống như là một đại gia đình hơn 4.000 năm (1) ở miền núi sông gấm vóc, gọi nhau là đồng bào (cùng chung bọc mẹ). Trong hơn bốn nghìn năm ấy có khi vinh, có khi nhục, nhưng bao giờ cũng giữ được phẩm cách cao quý Rồng Tiên, giá trị nhân phong lẽ sống tình người, không cá đối bằng đầu với loại xa rời nhân tính.

 

 

Rồng Tiên chỉ là biểu tượng. Lạc Long Quân có cha mẹ là người, hiển nhiên ngài là một người. Người ấy tài ba đức độ vượt bực, không ai có thể sánh cùng, ví như rồng trong đám mày râu. Bà Âu Cơ con vua Đế Lai, cũng hiển nhiên là người, một người nhan sắc tuyệt trần, nết na phẩm hạnh như tiên trong đám quần thoa.

 

 

Rồng Tiên trong gốc nguồn lịch sử dân tộc Việt không phải là vật tổ (totem) như cái nhìn sai lạc của một số sử gia Tây phương phát xuất từ những dân tộc có vật tổ./-

 

 

TRẦN LAM GIANG

(Trích từ KỶ YẾU THƯ VIỆN VIỆT NAM 2001)

 

(Nguồn: https://lovelittlesaigon.org/a368/y-nghia-tien-rong)