Đại diện Grab Việt Nam đánh giá một siêu ứng dụng hoạt động thành công chỉ khi nó giải quyết được nhu cầu thực tế hàng ngày của người dân.

Buổi hội thảo Hệ sinh thái mở từ các ứng dụng "triệu đô" diễn ra sáng 31/10 tại TP HCM với sự tham dự của hơn 100 startup Việt đến từ nhiều lĩnh vực, cùng sự góp mặt của các nhà đầu tư và chuyên gia của Grab Việt Nam, EY, Swiss EP, VinID, NBN Media, Datamart, Swift247, Powersell. Chương trình thảo luận về chiến lược hợp tác giữa startup và các đơn vị siêu ứng dụng đang phát triển hệ sinh thái mở.

Nền tảng của siêu ứng dụng

Theo đại diện từ Grab Việt Nam, siêu ứng dụng (super app) còn được gọi là ứng dụng tất cả trong một (one-stop app). Mô hình này là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán... Nó giúp tiết kiệm không gian cho điện thoại, người dùng có thể sử dụng nhiều dịch vụ và tiện ích khác nhau trên cùng một ứng dụng. Nhờ khả năng gia tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên có sẵn như nền tảng khách hàng và năng lực công nghệ như AI, machine learning, big data... các siêu ứng dụng có thể phân tích hành vi và thói quen của khách hàng, từ đó tìm ra cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

Trong chiến lược đầu tư của mình, các siêu ứng dụng có khả năng đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp đồng thời đem đến nhiều lợi ích chung cho xã hội. Sự thành công của mô hình này trên thế giới có thể kể đến các tên tuổi như Grab, Amazon, WeChat, Alipay..., minh chứng thông qua những lợi ích đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người dùng.

Tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, Grab đã xây dựng mô hình siêu ứng dụng đa dịch vụ trên nền tảng hệ sinh thái mở (Open Platform). Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác của Grab Việt Nam cho rằng, nói siêu ứng dụng có vẻ to lớn nhưng thực tế nó xuất phát từ những nhu cầu rất nhỏ, hàng ngày của người dân.

"Một siêu ứng dụng được đánh giá là thành công chỉ khi nó giải quyết được nhu cầu đó của người dùng", ông Huy nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác của Grab Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác của Grab Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần.

Phát biểu tại hội thảo Hệ sinh thái mở từ các ứng dụng "triệu đô" do báo VnExpress tổ chức, ông Huy cho biết để phát triển siêu ứng dụng tại Việt Nam, phải đặt tâm thế của nhà cung cấp dịch vụ vào vị trí của người dùng nhằm xác định, thấu hiểu nhu cầu, từ đó mới tìm ra giải pháp phát triển, đưa dịch vụ đến tay khách hàng.

Cụ thể, khi người dùng cần đặt thức ăn, siêu ứng dụng phải mang đến một món ăn chất lượng trong thời gian nhanh nhất. Khi cần di chuyển, ứng dụng cung cấp phương tiện nhanh chóng nhất, chi phí tiết kiệm và an toàn. Đó là hành trình không ngừng mở rộng hệ sinh thái đa dịch vụ của Grab, từ GrabTaxi (năm 2014), GrabBike (năm 2014), GrabExpress (năm 2015), GrabCar (năm 2016) trung tâm R&D (năm 2017), GrabFood, GrabRewards, ví Moca trên ứng dụng Grab (năm 2018), Hotels (năm 2019) và đến nay là GrabKitchen.

Vai trò của siêu ứng dụng với startup 

Sự phát triển của các siêu ứng dụng được xem là cơ hội cho các startup tham gia vào cuộc chơi, nhằm giải quyết từng bài toán nhu cầu của người dân. Khi tham gia vào hệ sinh thái mở, các startup sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, kết nối với các ông lớn siêu ứng dụng, từ đó mở rộng hệ sinh thái phục vụ cuộc sống người dùng.

Nhận định về vai trò của siêu ứng dụng đối với startup, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, đây là bước đệm giúp các doanh nghiệp non trẻ đi nhanh và đi xa hơn trong hành trình khởi nghiệp. Cần xác định rõ hướng đi, mục tiêu kinh doanh, sau đó mới hợp tác với những nền tảng đã thành công.

Đại diện Grab Việt Nam chia sẻ về hành trình thành công của siêu ứng dụng.

Đại diện Grab Việt Nam chia sẻ về hành trình thành công của siêu ứng dụng.

Một ví dụ điển hình là Grab Việt Nam hợp tác Swift247 tung dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh đến tay người dùng. Ông Huy đánh giá Swift247 có ý tưởng kinh doanh rõ ràng, thay vì tự mình phải giải quyết nhiều bài toán "khó nhằn" từ nhân lực, công nghệ, vận chuyển..., startup chọn cách bắt tay cùng những thương hiệu hàng đầu, tận dụng nền tảng đã vận hành chuyên nghiệp của các đối tác. Nhờ vậy startup có đủ thời gian và nhân lực tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi. Khi đã thành công ở thị trường trong nước, startup hoàn toàn có cơ hội nhân rộng mô hình kinh doanh của mình ra các nước khác dựa trên nền tảng sẵn có.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết luôn mở rộng khả năng đầu tư cho các startup Việt phù hợp. Trong tương lai, doanh nghiệp này muốn tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các vấn đề xoay quanh dịch vụ tài chính như cho vay tiêu dùng, bảo hiểm... thông qua hợp tác với các đối tác. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, nông nghiệp... ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng được Grab Việt Nam quan tâm, mong muốn có thể hợp tác cùng các startup để tìm ra những giải pháp mang lại giá trị tốt nhất cho người dân.

"Chỉ cần đối tác có chiến lược kinh doanh trong các lĩnh vực mục tiêu của Grab, đối tác sẽ nhận được hỗ trợ trên nền tảng hệ sinh thái mở mà Grab đang có, cùng tạo ra giá trị thặng dư cho cả hai bên", ông Huy nhấn mạnh.