Câu hỏi "Điều gì xảy ra với những thiên tài nhí khi lớn lên?" nhận được sự quan tâm nhiều hơn sau khi Laurent Simon (9 tuổi) trở thành người trẻ nhất thế giới tốt nghiệp đại học và nhận bằng Kỹ sư điện tại Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan) vào tháng 12.

Với chỉ số IQ 145, các giáo sư cho rằng tương lai của Laurent rất "sáng sủa". Tuy nhiên, không phải thần đồng nhí nào cũng có được thành công và hạnh phúc khi trưởng thành bởi nhiều người tỏ ra lúng túng trước sức nặng từ sự kỳ vọng của gia đình và những người xung quanh.

Andrew Halliburton

Sinh ra trong một gia đình lao động ở Dundee (Anh), Andrew khiến cha mẹ kinh ngạc khi có thể nhận ra những con số và chữ cái trên màn hình đếm ngược trước khi lên 2 (năm 1988). Andrew tham gia giải đố Mensa trên các tờ báo và trường tiểu học phải gửi em đến trường THCS để tham gia học toán phù hợp với khả năng.

Lúc 9 tuổi, Andrew học cùng với những đứa trẻ 14 tuổi, làm được những bài toán cao cấp cho sinh viên đại học khi lên 11. Các tờ báo gọi Andrew là thần đồng, mời em xuất hiện trên TV để nói về khả năng của mình, nhưng những điều đó chỉ khiến Andrew cảm thấy căng thẳng.

Andrew Halliburton. Ảnh: The Guardian

Andrew Halliburton. Ảnh: The Guardian

Vào đại học năm 12 tuổi, Andrew theo học ngành khoa học máy tính và gặp khó khăn trong việc kết bạn. Nỗ lực hòa nhập không thành, thần đồng nhí bỏ học ngay trong năm đầu tiên và xin việc tại cửa hàng ăn nhanh McDonalds.

"Trong 5 năm làm việc tại đây, tôi rất thích thú với vẻ mặt ngạc nhiên của khách hàng khi có thể tính nhẩm số tiền họ phải trả mà không sử dụng máy tính", Andrew chia sẻ với tờ Guardian.

Nhiều người bị sốc khi Andrew tiết lộ không thật sự thích toán mà chỉ học theo sự sắp xếp của bố mẹ và kỳ vọng của xã hội. Năm 2010, khi cảm thấy sẵn sàng và không chênh lệch tuổi tác quá nhiều với bạn học, Andrew quay trở lại trường để theo đuổi đam mê thật sự của mình, ngành Công nghệ trò chơi máy tính.

"Tôi muốn sống một cuộc đời bình thường, điều mà gần 20 năm qua không có", Andrew nói trong lần cuối cùng trả lời phỏng vấn với báo chí.

John Nunn

Lớn lên ở Putney Heath, phía Tây Nam London (Anh), người cha phát hiện tài năng của John Nunn khi lên ba. Lúc đó, cậu bé có thể ghi nhớ số trang của tất cả cuốn sách trên giá. Lên 7 tuổi, John đánh bại cha mình khi chơi cờ vua và giành chức vô địch lần đầu tiên lúc 9 tuổi.

Năm 1970, John Nunn là chủ đề thu hút sự chú ý của báo chí vì giành suất tại Đại học Oxford khi mới 15 tuổi, trở thành người trẻ nhất tốt nghiệp đại học này.

Từ khi vào Đại học Oxford, John đã phải vật lộn để hòa nhập trong môi trường mà bạn học hơn mình rất nhiều tuổi. "Lúc nhỏ, tôi không chú ý nhiều đến tầm quan trọng của việc hòa nhập xã hội. Nhưng ở Oxford, mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi hầu hết sinh viên nam uống rượu. Tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống ở đây", John nói.

John Nunn thời điểm hiện tại. Ảnh: Telegraph

John Nunn thời điểm hiện tại. Ảnh: Telegraph

John được kỳ vọng trở thành một "người vĩ đại, làm những điều phi thường" khi trưởng thành. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Oxford, ông ở lại trường làm giảng viên, dạy sinh viên chơi cờ vua và tham gia các giải đấu của môn thể thao này. Thiên tài nhí năm xưa, nay là một người đàn ông 64 tuổi, sống cùng vợ trong ngôi nhà nhỏ tại Surrey (Anh).

Nhiều người cho rằng lựa chọn của John và cuộc sống hiện tại của ông không xứng đáng với khả năng mình có. "Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì mình có một cuộc sống bình thường", John khẳng định.

Ruth Lawrence

Năm 1981, Ruth Lawrence, khi đó 12 tuổi, trở thành người trẻ nhất tại Đại học Oxford. Cô học Toán tại trường và giành giải Ngôi sao đầu tiên vào năm 1985. Cô là một trong những người lấy bằng tiến sĩ trẻ nhất thế giới, thuộc top 30 người thông minh nhất hành tinh.

Lawrence có tuổi thơ bất hạnh khi bố mẹ đặt ra những quy định hà khắc, bắt tuân thủ để phát triển khả năng thiên tài. Thay vì đến trường, Lawrence phải học theo giáo trình riêng do bố biên soạn, không được tham gia chơi cùng bạn bè vì ông cho rằng đó là "những cuộc trò chuyện tầm thường và vô bổ". Tuổi thơ của Lawrence chỉ bao gồm công thức và những con số.

Ruth Lawrence học toán khi lên 10 tuổi. Ảnh: Daily Mail

Ruth Lawrence học toán khi lên 10 tuổi. Ảnh: Daily Mail

Năm 1998, Ruth Lawrence kết hôn với Ariyeh Naimark, một nhà toán học của Đại học Hebrew (Jerusalem, Israel). Ariyeh từng có một đời vợ và chỉ kém cha của Lawrence 6 tuổi. Cuộc hôn nhân lệch tuổi từng gây xôn xao thời bấy giờ nhưng cô đều bỏ ngoài tai.

Hiện, Lawrence công tác tại Viện Toán học Einstein, thuộc Đại học Hebrew, sống cuộc đời bình thường bên Ariyeh và hai con. Con của Lawrence cũng bộc lộ sự nhanh nhạy với những con số, nhưng cô muốn những đứa trẻ được phát triển bình thường, không cần đối mặt với áp lực, sự quan tâm quá mức của truyền thông và kỳ vọng trở thành một thiên tài như cô từng trải qua.

Thanh Hằng (Theo Telegraph, The Guardian)