Michio Kaku, sinh năm 1947, là người đồng sáng lập lý thuyết dây, tác giả của nhiều cuốn sách khoa học bán chạy như Parallel Worlds (Các thế giới song song, 2004), Physics of the Impossible (Vật lý của những điều tưởng chừng bất khả, 2008). Ông được coi là "người truyền thông cho khoa học" vì thường tham gia các chương trình truyền hình phổ cập kiến thức.

Con gái ông, Michelle Kaku, hiện là phó giáo sư thần kinh học tại trường Y thuộc Đại học Boston (thành phố Boston, Mỹ). Michelle đã chia sẻ cách cha truyền tình yêu khoa học cho hai chị em cô.

Nhà vật lý lý thuyết Michio Kaku. Ảnh: Shutterstock

Nhà vật lý lý thuyết Michio Kaku. Ảnh: Shutterstock

Những năm cấp ba, tôi thường ngồi tại bàn ăn để luyện New York State Regents Exams, kỳ thi chuẩn hóa tại tiểu bang New York (Mỹ). Cha tôi ngồi bên cạnh, nhìn chăm chú vào các tờ đề và tỏ vẻ thất vọng.

Khi tôi học về Khoa học Trái Đất, cha tôi thường hỏi: "Tại sao con phải ghi nhớ những loại đá này?" hay "Khi nào con sẽ vận dụng kiến thức này?".

Cha tôi dành hầu hết thời gian cho những giả thuyết khoa học. Đến bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn lưu giữ hình ảnh cha một tay cuốn lọn tóc dài, một tay viết các phương trình vào không trung, mắt nhìn vô định. "Cha được trả tiền để suy nghĩ, đó là công việc tốt nhất trên đời", ông thường nói như vậy.

Cha tiếc nuối và cho rằng giáo dục phổ thông đã sai lầm nghiêm trọng khi không truyền cảm hứng để học sinh tìm hiểu và phát huy niềm đam mê với khoa học hoặc dự án trí tuệ. Cha luôn muốn tôi và chị gái Alyson thấy được sự thú vị và tính thực tế của ngành khoa học.

Cha tôi thường đặt những cuốn sách khoa học rải rác trong nhà, ví dụ Bách khoa toàn thư về khoa học và công nghệ của tác giả Isaac Asimov. Những cuốn sách này chứa đầy hình ảnh sinh động và nội dung tuyệt vời hơn kiến thức được học trong sách giáo khoa tại trường.

Cha tôi còn mang về những bộ dụng cụ khoa học tự chế để chị em tôi tạo ra các phản ứng hóa học hoặc tạo ra dòng điện. Tôi vẫn nhớ rõ sự kinh ngạc tột độ khi làm sáng bóng đèn bằng một ít dây đồng và cục nam châm.

Khi tôi lớn hơn, cha không ngừng mở ra trước mắt tôi những điều kỳ diệu về khoa học. Các thí nghiệm trở nên phức tạp, khó thực hiện hơn. Có thể nói tôi và cha thân thiết, gắn bó nhờ những hoạt động như tự tạo buồng mây Wilson, dùng máy dò hạt để tìm dấu vết của phản vật chất. Chúng tôi đi bộ khắp thành phố tìm đá khô hoặc hòa mình trong khu phố Tàu để đặt thợ thủ công làm xi lanh nhựa.

Nhìn lại quãng thời gian này, tôi nhận ra việc truyền đạt các ý tưởng khoa học cho tôi và chị gái đã giúp cha hình thành khả năng diễn thuyết, tìm ra cách truyền đạt khoa học đến với công chúng. Cách ông mô tả những chủ đề khoa học trên truyền hình và đài phát thanh như bây giờ chính là phương thức đưa tôi và chị gái tiến vào địa hạt khoa học đầy hấp dẫn. Tôi ước có thể được cha truyền thụ kiến thức và tình yêu với khoa học ngay từ hồi mẫu giáo.

Cha khuyến khích chị em tôi sáng tạo và nuôi dưỡng sở thích. Biết chị gái tôi thích vẽ tranh và làm gốm, ông luôn động viên chị đi theo niềm đam mê của mình. Trong khi tôi tập đàn violin, cha ngồi đợi hàng giờ, nghe tôi chơi một dòng nhiều lần nhưng không hề tỏ ra chán nản. Cuối tuần, cha đưa cả gia đình đi trượt băng.

Cha mẹ tôi đều mong con cái theo đuổi ước mơ của mình, bất kể đó là gì, miễn là chúng tôi sẽ nỗ lực 100% để thực hiện nó. Cha tôi từng nói: "Nếu con thích thu gom rác, điều đó hoàn toàn ổn, nhưng hãy trở thành người thu gom rác tốt nhất vì con đang đặt đam mê của mình trong đấy".

Michio Kaku thường ngồi lắng nghe con gái tập đàn violin hàng giờ. Ảnh: Michelle Kaku.

Michio Kaku thường ngồi lắng nghe con gái tập đàn violin hàng giờ. Ảnh: Michelle Kaku.

Khi biết chị gái tôi thích nấu ăn và muốn học làm bánh, cha mẹ tôi đã thay mới toàn bộ dụng cụ nhà bếp để chị có cơ hội luyện tập. Chúng tôi cũng giúp chị nấu ăn hoặc tổ chức tiệc tối và mời bạn bè của gia đình tới dự. Nhận thấy niềm đam mê to lớn của Alyson, cha tôi đã khuyến khích chị thi tuyển thực tập tại các nhà hàng sang trọng. Giờ đây, Alyson đã trở thành thợ bánh ngọt thành công và tỏa sáng trong lĩnh vực yêu thích.

Nhờ được truyền thụ kiến thức về khoa học và khuyến khích tìm kiếm đam mê, tôi đã quyết định trở thành nhà vật lý lý thuyết như cha. Tuy nhiên, ở trường đại học, tôi nhận ra bản thân thực sự thích tương tác và giúp đỡ mọi người xung quanh, điều không phù hợp với lối sống cô lập một mình của các nhà vật lý, nhưng tôi vẫn yêu khoa học, yêu cách cha tôi giải thích về sự màu nhiệm của lĩnh vực này cho cô con gái bé bỏng.

Vì vậy, tôi đã chọn một con đường khác trong ngành khoa học phù hợp hơn với bản thân, đó là trở thành bác sĩ. Tôi đăng ký vào trường y, khám phá những lĩnh vực khác nhau và quyết định trở thành nhà thần kinh học. Hiện tại, tôi là phó giáo sư tại trường Y thuộc Đại học Boston, trưởng khoa Nội thần kinh tại trường. Công việc của tôi là truyền cảm hứng và đào tạo các nhà thần kinh học trong tương lai.

Tôi lựa chọn công việc này một phần vì tính cách hướng ngoại và niềm yêu thích khoa học, một phần vì những bài giảng tuổi thơ của cha. Tôi muốn trở thành người truyền cảm hứng cho thế hệ sau như cách cha đã làm với chị em tôi. Tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi nghĩ lại quãng thời gian được cùng cha làm thí nghiệm, được ngồi nghe và ngắm nhìn niềm hạnh phúc của cha khi nói về khoa học.

Tú Anh (Theo Fatherly)