(Xem lại KỲ 3)

 

 

CẢM HỨNG ĐỂ VIẾT TIỂU THUYẾT "CU CHÍ - CU PHONG" LÀ TỪ NHÂN VẬT JD VANCE

 

Cu Chí - Cu Phong là tiểu thuyết tự truyện. Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong, một nhà khoa học, một doanh nhân với cuộc đời trải qua nhiều nghịch cảnh, đã không đầu hàng mà vươn lên bằng đôi chân trần. Nhân vật Cu Chí - Cu Phong là hình ảnh ẩn dụ về chính tác giả: một đứa trẻ bị định kiến vùi dập, nhưng không sờn lòng, nản chí mà tận dụng năng lực và sức phấn đấu liêm chính giữa dòng đời sỏi đá để trở thành người kiến tạo giá trị cho xã hội.

 

Theo tác giả, tiểu thuyết là một hành trình thật – không tô vẽ – đầy nước mắt, nghị lực, và khát vọng sống. Nhân vật là chủ thể, không đổ lỗi cho thời thế, không tìm cách biện minh nhưng xác định giá trị và vì giá trị mà bươn tới để đạt lấy giá trị.

 

Ông muốn chia sẻ một bài học Phong để hiểu rõ tâm tình của ông sống động cho những ai từng bị bỏ trước khi khám phá các bí kíp thành lại phía sau, nhưng vẫn ước nguyện đạt của ông được trình bày rõ ràng, và có ý chí để làm chủ chính cuộc mạch lạc nhưng không kém phần thực đời mình. Hãy đọc Cảm hứng và Lời Tự sự của
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong để hiểu rõ tâm tình của ông trước khi khám phá các bí kíp thành đạt của ông được trình bày rõ ràng, mạch lạc nhưng không kém phần thực tiễn, sôi động trong tác phẩm Cu Chí - Cu Phong.

 

 

(Xem lại KỲ 3)

 

 

Trưa hôm sau, tiếng kẻng beng beng vang lên khắp làng. Ba tôi đưa cho mỗi đứa con một cái chén và đôi đũa, dắt chúng tôi đến hội trường dự tiệc mừng Đại hội hợp tác xã cuối năm. Dòng người xếp hàng dài dằng dặc. Nhà “có công” được xếp trước, nhà tôi – bị xem là “ngụy quân, ngụy quyền” – phải xếp cuối hàng.

 

Từng người lần lượt nhận phần ăn. Tôi chìa chén ra, người phát cơm bỏ vào một vá cơm và một cục thịt to bằng bàn tay người lớn – nhưng toàn mỡ. Tôi ngấu nghiến cục mỡ, nuốt ực xuống bụng, nấc cụt một chút rồi cũng qua. Ăn xong ai nấy lặng lẽ ra về.

 

Buổi chiều, chúng tôi theo ba xuống đình Tiền Hiền Trà Đoá – nơi từng do ông đứng ra vận động xây dựng, giờ trở thành kho chứa lương thực của hợp tác xã. Chúng tôi ngồi xếp hàng chờ phát khoai lang. Khi đến lượt hộ ông Nguyễn Tấn Dương -ba tôi, tôi lon ton bưng cái rổ tre ba đan sẵn. Họ bỏ vào năm củ khoai. Tôi mừng quýnh, ôm về khoe với cả nhà.

 

Nhưng vừa về đến nơi, bóc ra thì ba củ bị sùng ăn gần hết, còn lại hai củ lem nhem, màu sậm sì sì, như khúc củi mục bị mối gặm nham nhở.

 

Tết đến, mọi thứ đều phải mua bằng tem phiếu. Nhà tôi được đổi hai lít dầu lửa, một ký đường cát vàng, một cái khăn mặt và vài mét vải. Số vải đó, với nhà đông con, chỉ đủ may vài bộ đồ. Anh em tôi -Người có áo mới thì mặc với quần cũ. Người có quần mới thì phải mặc áo sờn vai. Ba tôi chia đều, để không đứa nào phân bì với đứa nào.

 

Cuối năm, hợp tác xã chia thịt heo theo nhân khẩu. Nhà tôi cộng lại được khoảng 2,5 ký thịt – đó là phần dinh dưỡng cao nhất mà tôi từng thấy trong suốt những năm tháng tuổi thơ khốn khó.

 

Cái bóng của người lính thua trận không chỉ là nỗi chua xót trong cuộc hôn nhân gượng gạo, không tình yêu của chị tôi, hay thân phận đói khát, bị làm nhục trước đám đông như anh Lên – mà là cả một thế hệ bị xóa tên khỏi ký ức tập thể, lặng lẽ đi qua đời nhau như con đom đóm lịm tắt giữa lòng bàn tay tôi đêm ấy.

 

 

CHƯƠNG 3: TUỔI THƠ GẦY GUỘC

 

Phần 1: Tuổi thơ gầy guộc cùng em gái

 

Tuổi thơ trôi qua nhanh đến mức, tôi không nhớ rõ khi nào mình thật sự lớn – chỉ biết rằng mình buộc phải lớn.

 

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, dù khốn khó hay êm đềm thì mỗi người cũng phải trôi cùng với nó.

 

Sau biến cố mẹ mất.

 

Sau đám cưới lặng lẽ trong đêm của chị Hai.

 

Sau ngày anh Ba khoác áo lính, đi không một lời từ biệt.

 

Anh em tôi không còn là những đứa trẻ non nớt như trước nữa. Phải tự thân xoay sở để tồn tại cùng thời buổi khốn khổ.

 

Tôi bắt đầu đi học lớp Một. Năm ấy, tôi bảy tuổi.

 

Con đường làng bụi mịn và rát nắng chính là hành lang đầu tiên dẫn tôi bước vào thế giới chữ nghĩa.

 

Ngôi trường chỉ là một căn nhà tranh tuềnh toàng, vách đất trộn rơm dưới tán cây mù u lớn, bàn ghế xiêu vẹo. Ghế ngồi là hai cây tre dài, bóng lưỡng bởi bao lớp học trò đã mài mòn đũng quần. Bạn học của tôi – đứa không có dép, đứa không có tập, đứa chỉ học được vài tháng rồi nghỉ luôn. Nhưng tôi vẫn yêu thế giới ấy – thế giới đầy bụi bặm, thiếu thốn, không thấy âu lo nào trên mỗi gương mặt, và ở đó, tôi cảm thấy mình như lớn lên hơn mỗi ngày.

 

Tôi đi học, cõng theo em gái nhỏ.

 

Sát bên trường làng là Đình Tiền Hiền Trà Đoá – nơi thờ phượng người đầu tiên khai khẩn, lập nên làng này. Tôi len lén mở cửa căn phòng chứa chiêng trống của đình, nhét em gái vào trong, rồi khép cửa lại. Mặc kệ con bé hét lên, khóc ré không ngớt.

 

Khi tan học, tôi trở ra đón em. Mở cửa ra, thấy con bé vẫn nằm co ro trên nền đất, giữa bầy kiến, ruồi, và bồ hóng. Tôi sốc em lên vai, bụi đất vương cả vào mắt, vào mũi, rồi cõng em về.

 

Vừa đi, vừa vỗ về bé, hát:

 

“Đi học về là đi học về.

Em về nhà, em chào cha mẹ. 

Cha mẹ khen rằng: em rất ngoan.

Mẹ âu yếm hôn lên má em…”

 

Tôi cất tiếng hát, nhưng nước mắt thì trào ra, nghẹn đắng. Với tôi, hai tiếng “mẹ ơi” là một điều gì đó xa xỉ… quá xa xỉ.

 

Tôi nhớ bạn Sứt.

 

Bạn bị hở hàm ếch, đi cà nhắc với một cây gậy tre làm chân phụ. Người ta gọi bạn là “Sứt”, như người ta từng gọi tôi là “Phong” vì căn bệnh kinh phong của mình. Cái tên thành cái vết hằn, như để nhắc chúng tôi rằng mình khác biệt.

 

Một buổi sáng, đám học trò ùa vào lớp. Ai đó đẩy mạnh, gậy tre của bạn Sứt văng ra. Bạn ngã sóng soài, sấp mặt ngay bục cửa. Tôi dừng lại, cúi xuống kéo bạn dậy. Nhìn đôi mắt bạn nhòe nước và chiếc miệng móm mém cố mím lại, tôi muốn khóc.

 

Mới tới cửa lớp mà đã té như vậy, liệu bạn có theo nổi lớp nữa không? (tôi nghẹn đắng).

 

Cô giáo lớp 1 của tôi là người thành thị – cô từ Đà Nẵng theo chồng về sống ở làng tôi. Cô dịu dàng, giọng nói ấm áp, ánh mắt luôn trìu mến. Da cô trắng, nụ cười hiền. Cô không chỉ dạy chữ, cô dạy chúng tôi biết sống tử tế với nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn trong khốn khó của cuộc sống thời đó.

 

Tôi yêu quý cô giáo, bạn cùng lớp, yêu mái tranh của ngôi trường, yêu tiếng kẻng beng beng được phát ra từ một quả bom cho mỗi lần báo hiệu giờ ra chơi, giờ vào lớp ...

 

Giống như có một sự che chở đã được định sẵn từ trước.

 

Ngôi đình làng – nơi tôi từng tống em gái vào mỗi sáng đi học – lại chính là công trình do ba tôi đứng ra tổ chức xây dựng. Việc dựng nên đình làng ấy là một câu chuyện rất đặc biệt – bởi nó không hề có bản vẽ, chỉ có “bản chỉ”: ba tôi chỉ đâu, người ta làm đó.

 

Ông phát động cả làng đóng góp để dựng đình, như một cách tưởng nhớ công ơn người đầu tiên khai khẩn vùng đất này. Con người phải biết đâu là nơi xuất phát của mình.

 

Ba tôi không kêu gọi dân làng góp tiền – thứ mà người nghèo không bao giờ có – mà vận động mỗi nhà góp một buồng chuối. Mỗi ngày, những buồng chuối ấy được nhóm cận vệ của ông chở qua tận Chợ Được để bán lấy tiền trả công thợ và mua vật tư xây dựng. Ngôi đình ấy, được xây dựng từ không biết bao nhiêu buồng chuối của bao lớp dân nghèo quê tôi.

 

Ông chọn ông Võ Liên làm thợ chính. Không có bản vẽ nào cả – chỉ có tấm lòng và trí nhớ. Ba tôi chỉ tay – ông thợ chính nghiền ngẫm, đo đạc, rồi cho thợ phụ xây cất.

 

Mọi thứ đều dựa vào trực cảm, sự hài hòa và tình nghĩa. Tiền bán chuối chẳng bao giờ đủ, nên đình được xây theo kiểu “xây dần dần” – có vật tư thì xây, có tiền thì tiếp tục. Mỗi khi có đoàn lính hành quân ngang qua làng, ba tôi lại xin họ giúp công, góp của. Có đoàn cho bao xi măng, có đoàn cho tay thợ, thậm chí có đoàn lính ghé lại vài hôm chỉ để… phụ xây đình.

 

Phải mất ba năm trời, đình mới thành hình.

 

Tôi còn nhớ, mái đình cong vút lên trời, rêu xanh phủ kín, màu sắc sặc sở nhưng hài hoà, có 2 con kỳ lân lớn, ôm hai trái bóng thủy tinh lớn - thứ bóng dùng làm phao lưới của người chài biển quê tôi, được tận dụng cho việc thiết kế. Kiến trúc đình nhìn uy nghi, linh thiêng. Trước đình có cây mù u lớn kinh khủng, vòng thân phải ba người nối tay nhau mới khép kín chu vi thân cây, rễ cây trồi lên mặt đất nhấp nhô như một dãy núi thu nhỏ. Đình có sân bóng lớn, nơi mà ông Tổng thống Ngô Đình Diệm từng hạ cánh trực thăng, khi ông về thăm làng tôi.

 

Nhưng rồi sau 1975, đình bị trưng dụng làm kho lúa, kho khoai lang của Hợp tác xã. Họ dẹp bàn thờ, bãi bỏ lễ cúng ông Tiền Hiền – như thể muốn xóa sạch gốc rễ của một làng quê.

 

Nhưng lạ thay, họ lại chừa đúng căn phòng để chiêng trống – nơi tôi nhốt em gái vào mỗi sáng đi học. Căn phòng ấy – thứ duy nhất còn sót lại trong ký ức thờ phụng – bất ngờ trở thành “ngôi nhà nhỏ” của em tôi.

 

Ban đầu, mỗi lần tôi tống con bé vào đó, nó khóc ré lên, hét ầm cả đình. Nhưng dần dần, nó quen với mùi gỗ cũ, ánh sáng, tiếng gió thổi qua khe cửa gỗ và coi đó là nhà.

 

Sáng sáng, tôi cõng em tới, thả em vào căn phòng ấy, rồi khép cửa lại, vô lớp học. Tan trường, tôi mở cửa, bồng em lên. Bé nhoẽn miệng cười, bi bô líu lo. Tôi nghẹn ngào. Và phía sau tất cả những điều ấy – có lẽ – là ông Tiền Hiền đã lặng lẽ thấu lòng người, trả lại chút ân tình cho người con từng góp bao mồ hôi dựng nên nơi thờ phụng này: Ba tôi.

 

Khi tôi lớn lên, có lần tò mò hỏi ba:

 

-Ba ơi, vì sao quê mình lại có cái tên lạ – làng Trà Đoá?

 

Ba tôi nhìn ra xa, giọng chậm rãi như thể đang soi lại cả một dòng lịch sử chảy ngầm dưới lớp đất làng:

 

-Có thể người khai khẩn vùng đất này mang họ Trà, tên Đoá. Họ Trà là một trong những họ gốc của người Chiêm Thành – như họ Chế, họ Thân, họ Ung… Về sau, người Giao Chỉ – người Việt mình – đến, hai tộc giao thoa, hòa huyết. Phương ngữ ở đây cũng là từ đó mà thành – tiếng Quảng Nam mình ấy mà – giống như những đứa con lai với người ngoại quốc nói tiếng Việt lơ lớ, lẫn lộn dấu huyền dấu hỏi. Không sai đâu, chỉ là… hòa trộn.

 

Tôi lặng người. Chưa bao giờ tôi thấy ba… đẹp như thế. Không chỉ là người từng "chỉ đâu xây đó" để dựng xây đình làng, mà còn là người nhìn ra tận mạch ngôn ngữ, cội rễ văn hóa.

 

Ông không chỉ cừ khôi – mà còn đầy lý trí và lòng trân trọng lịch sử. Rồi ba tôi kể thêm – bằng giọng nhẹ như một lời trăng trối sớm:

-Hồi đó, khi lập đình Tiền Hiền, ba vận động dân làng góp tiền "kẻ ít, người nhiều" mua mười hai bộ thư đồng mạ vàng, cỡ 16–18, để thờ phụng thần linh. Bộ thư ấy gồm đầy đủ đỉnh, lư, chân nến, bình hoa – đặt ngay chính diện đình, như lời tri ân người mở đất. Nhưng sau ngày “tiếp quản”, ba bị bắt đi tù. Khi trở về, thì mười hai bộ ấy… đã biến mất.

 

Tôi im lặng, còn ba thì cúi đầu rất lâu.

 

Rồi đến tận lúc ông hấp hối, hơi thở cạn dần, ông vẫn thì thầm bên tai tôi – không phải trăng trối một điều gì cho riêng mình, mà là một nguyện vọng cho cả làng:

 

-Con… con hãy nhắn với dân làng…

 

Ai lỡ “mượn” mười hai bộ thư đồng mạ vàng của đình, thì hãy mang trả lại cho lành. Để còn thờ phụng, còn nhớ ơn ông Tiền Hiền (Ông dùng từ "mượn" làm tôi chết lặng người).

 

Còn ai trót bán đi, không chuộc lại được nữa… thì hãy đến chính điện đình mà sám hối, để thần linh tha tội và cứu rỗi cho sự tận cùng mê muội. Có như vậy, làng mình sẽ được an lành, cháu con học hành đỗ đạt, hiếu nghĩa, thành nhân…

 

Lúc ấy, tôi chỉ biết nắm tay ông. Mắt ông khép hờ. Câu nói cuối đời của ông, không phải để lấy lại thứ gì cho riêng mình, mà là trả lại linh hồn cho mảnh đất – nơi ông đã góp cả đời dựng nên.

 

 

Phần 2: Cô giáo lớp một là người mẹ hiền che chở những đứa con cút côi

 

Quay lại lớp Một. Những năm tháng ấy, quê tôi nghèo cùng tận. Dịch ghẻ ruồi, mụt chốc lan tràn. Thứ ghẻ ấy có mùi tanh khó tả, dính vào quần áo, giường chiếu, rồi lây từ đứa này sang đứa khác. Tôi cũng không thoát khỏi. Nhưng khác với bạn bè – có cha mẹ chăm lo, bôi thuốc, giặt giũ – tôi chỉ có một mình. Ghẻ mọc khắp thân thể, ngứa râm ran. Càng gãi càng lây lan. Ngồi đâu cũng bị ruồi bâu.

 

Ngay bên hông trường học có một cái đìa – người làng gọi là đìa Bà Bề. Nước từ lòng đất chảy ra trong vắt như mắt mèo, mát lạnh và thơm như có sương mai. Dòng nước ấy bắt nguồn từ rừng xanh - Dương liễu. Thứ cây lá kim, mọc san sát nhau tạo thành đại ngàn chắn gió bão và gió cát cho dân làng. Rừng dương liễu còn là nguồn năng lượng xanh, cung cấp lá cho đun nấu - để giúp dân lành đủ năng lượng tự bao đời. Rừng còn là nơi giữ nguồn nước ngầm tận sâu trong lòng đất, để rồi trào dâng ra các mạch đìa. Nên mạch đìa Bà Bề cũng từ nguồn nước ấy.

 

Một buổi trưa, cô giáo dắt tôi ra đìa, xoăn quần, và tắm gội cho tôi. Cô gỡ từng nắp mầy trên từng ổ ghẻ, móc từng con ghẻ ra khỏi tổ. Tôi giống như một ông vua, thỏa sức nô đùa, ngụp lặn, trồi lên mặt nước mát lạnh, thơm lựng. Còn cô giáo tôi như một "người hầu", phải tắm gội cho ông vua đầy ghẻ ruồi này.

 

Cô càng cào mạnh, tôi càng đã ngứa. Mùi tanh của ghẻ, bị nước cuốn trôi thay vào đó là mùi thơm của tình thương, mùi thơm từ long mạch quê nhà ...

 

Tắm xong, cô bồng tôi vào lớp, đặt tôi đứng trên chiếc ghế gỗ - chỗ cô ngồi giảng bài. Người tôi trần như nhộng. Rồi cô cẩn thận chấm lên các vết ghẻ lở một loại thuốc màu xanh lè, có mùi hăng hắc như lưu huỳnh. Cô chấm tới đâu, tôi cười khúc khích tới đó. Vì vừa nhột, vừa rát ...

 

Cô chấm từng chấm. Bạn bè ngồi dưới nhìn tôi, mắt tròn mắt dẹt – vì lúc này  tôi giống như một con báo gấm, loang lổ những đốm xanh to nhỏ méo tròn. Cô cứ vậy – chấm thuốc mỗi ngày, mỗi tuần. Dần dần, ghẻ ruồi, mụt chốc tan biến. Nhưng những vết sẹo do chúng để lại thì vẫn in trên da tôi đến tận bây giờ. Mỗi lần nhìn các vết thâm đen, tôi lại nhớ đến cô.

 

Cô tên Thông – trùng tên với mẹ tôi. Và với tôi, cô đúng là một người mẹ hiền. Có lần, cô lặng lẽ tặng tôi một chồng vở để viết. Thời ấy, vở quý như vàng. Bạn Lực nhà hàng xóm có người thân từ Sài Gòn gửi vở về. Lực viết xong, tôi xin lại vở cũ của bạn Lực, ngâm nước, làm mực phai ra, phơi khô, rồi tập viết (thương ba vất vả, tôi không muốn ba tốn thêm tiền bạc vì việc học của tôi). Và cũng chỉ tập viết những nét đơn giản, nên chỉ cần có trang giấy trắng là đủ.

 

Tôi viết rất nhanh và rất đẹp – có lẽ nhờ những ngày chăn bò, lấy que tre làm bút, vẽ từng nét chữ trên nền đất. Nét chữ tôi ngay ngắn, thẳng băng, rõ ràng từng nét đậm, nét lợt. Và sau này, hầu hết các bằng cấp tốt nghiệp đại học, các loại giấy khen, bằng khen, áp phích tại đại học tôi học là nét chữ của tôi. Rất đẹp và rất duyên.

 

Một lần, cô Thông nhìn thấy nét chữ tôi trên cuốn vở cũ ấy – cô lặng đi. Tôi thấy cô ra cửa, gọi thêm cô Sương – hai cô thì thầm gì đó rất nhanh. Rồi cả hai quay lại, trao cho tôi năm quyển vở mới. Tôi òa khóc trong sung sướng. Từ hôm đó, điểm môn Tập viết của tôi luôn luôn là mười tròn. Mỗi lần viết xong một bài, thay vì dùng thước gạch ngang, tôi vẽ một hàng dấu ngã liền nhau – như sóng lượn – từ trái sang phải.

 

Cô nhìn nét chữ ấy, vừa cười vừa xoa đầu tôi:

 

-Dương ~ Thông.

 

-Thông ~ Dương.

 

Cô gọi theo tên của ba mẹ tôi. Mà cũng như gọi tên tôi bằng tất cả tình thương cô có.

 

Nhiều năm sau, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi hỏi cô:

 

-Hồi đó, cái thuốc xanh xanh mà cô chấm ghẻ cho con, cô lấy ở đâu ra vậy? Chớ quê mình làm gì có thuốc? Tắm nước lá Sầu Đông còn chưa hết ghẻ ...

 

Cô cười nhẹ, rồi nói như chuyện thường ngày:

 

-Chiều thứ Bảy nào, cô cũng đạp xe về Đà Nẵng. Đến mấy người bạn làm trong các bệnh xá phường xin thuốc về cho con. Cô làm gì có tiền mà mua…

 

Tôi đứng chết lặng. Nước mắt tràn mi.

 

Trước mặt tôi lúc ấy, không còn là cô giáo lớp Một – mà là một vị thần thinh. Một người đàn bà gầy guộc, trắng trẻo, hiền hậu, sẵn lòng hy sinh cả ngày nghỉ, từng đồng lương còm cõi… để trị từng vết ghẻ cho một đứa học trò nghịch cảnh, khốn khổ ...

 

 

 

(Xem tiếp tuần tới)