(Xem lại KỲ 4)

 

 

CẢM HỨNG ĐỂ VIẾT TIỂU THUYẾT "CU CHÍ - CU PHONG" LÀ TỪ NHÂN VẬT JD VANCE

 

Cu Chí - Cu Phong là tiểu thuyết tự truyện. Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong, một nhà khoa học, một doanh nhân với cuộc đời trải qua nhiều nghịch cảnh, đã không đầu hàng mà vươn lên bằng đôi chân trần. Nhân vật Cu Chí - Cu Phong là hình ảnh ẩn dụ về chính tác giả: một đứa trẻ bị định kiến vùi dập, nhưng không sờn lòng, nản chí mà tận dụng năng lực và sức phấn đấu liêm chính giữa dòng đời sỏi đá để trở thành người kiến tạo giá trị cho xã hội.

 

Theo tác giả, tiểu thuyết là một hành trình thật – không tô vẽ – đầy nước mắt, nghị lực, và khát vọng sống. Nhân vật là chủ thể, không đổ lỗi cho thời thế, không tìm cách biện minh nhưng xác định giá trị và vì giá trị mà bươn tới để đạt lấy giá trị.

 

Ông muốn chia sẻ một bài học Phong để hiểu rõ tâm tình của ông sống động cho những ai từng bị bỏ trước khi khám phá các bí kíp thành lại phía sau, nhưng vẫn ước nguyện đạt của ông được trình bày rõ ràng, và có ý chí để làm chủ chính cuộc mạch lạc nhưng không kém phần thực đời mình. Hãy đọc Cảm hứng và Lời Tự sự của
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong để hiểu rõ tâm tình của ông trước khi khám phá các bí kíp thành đạt của ông được trình bày rõ ràng, mạch lạc nhưng không kém phần thực tiễn, sôi động trong tác phẩm Cu Chí - Cu Phong.

 

 

(Xem lại KỲ 4)

 

Sau nhiều năm xa quê, tôi quay lại quê nhà, đại ngàn dương liễu không còn nữa, chính quyền chặt trụi lủi - một sự phá hoại, mà tôi xem là khốc liệt. Mạch đìa khô rốc, giếng làng khô rốc. Tôi cố gắng tìm lại dòng nước mát, thơm lựng khi xưa, nhưng vô vọng - Nước đã thành “nước chết”, cứng ngắt, mùi phèn, mùi thối của tạp chất sul phua     chỉ có tấm lòng Cô Thông là nguyên vẹn, không đổi. Cô xoa đầu tôi, dịu dàng:

- Con khỏe là cô mừng rồi. Cuộc đời luôn luôn rộng mở với những ai thực sự lao động, và lao động một cách chính đáng. Cô đã nhìn thấy ở con điều đó. Con hoàn toàn xứng đáng.

 

Giọng cô vẫn ấm nồng như cách đây bốn mươi lăm năm.

 

Về sau, khi nhìn lại những năm tháng khốn khó ấy, tôi đã cho in rất nhiều vở học sinh, để tặng cho các em nhỏ khắp mọi miền của tổ quốc - như là cách để bày tỏ lòng ơn với cô Thông.

 

Ở mỗi cuốn vở, tôi đều ghi đúc kết của UNESCO, 1999 Học để làm gì?

 

Học để biết

Học để làm

Học để chung sống

Học để tự khẳng định mình

 

Trong ký ức gầy guộc của tuổi thơ, tôi cõng em đến lớp trên đôi chân nhỏ, cõng em băng qua cánh đồng nắng gió, tay dắt theo con bò – và được ba, được cô giáo cõng tôi đi qua những ngày khốn khó bằng tình thương âm thầm mà sâu lắng. Nhờ có ba, có cô, con chữ không còn xa lạ – và lòng tôi, mỗi ngày mỗi ấm hơn.

 

 

CHƯƠNG 4: SÁCH VỞ NHƯ PHAO CỨU SINH

 

Phần 4.1: Vườn nhà – Kho lương thực xanh cải thiện cuộc sống

 

Trong muôn trùng khó khăn – thiếu ăn, thiếu mặc – ba tôi đã biến khu vườn nhà thành một kho thực phẩm xanh quý giá. Ông gọi đó là “vườn sưu tập”, vì gần như loại cây trái nào cũng có mặt, mỗi thứ một ít. Nào là ổi, ô-ma, chanh, khế, bòng, dừa, mận, vối, thơm… rồi xen kẽ đủ các loại rau như mướp, đậu tây, bí đỏ, bầu bí, bồ ngót, cải xanh, xà lách, ngò gai, mã đề… Cạnh rau là những khóm hoa: huệ ngải, huệ Phật, bông trang, móng tay, mười giờ, hoa tỏi… cứ thế bừng nở trong cái tận cùng của sự túng thiếu.

 

Nhà nuôi hai con bò, ba con heo, một đàn gà, vài con vịt xiêm. Tất cả đều được quy đổi: bò, heo, gà, vịt là “hàng hóa” để đổi lấy cá biển, cá đồng, phân bón, vải vóc. Chỉ khi có đám giỗ hay ngày Tết, ba mới thịt gà – trước để cúng, sau mới ăn.

 

Tôi nhớ rõ, bí đỏ là loại rau ăn quả có năng suất cao, trái to, vỏ cứng, thu hoạch xong ba xếp dưới gầm giường để dành ăn quanh năm. Rau bồ ngót là loại rau đa niên, mùa nào cũng xanh tươi, và món canh bồ ngót gần như có mặt suốt mọi bữa ăn.

 

Cá biển thường được ba muối thành từng chum lớn, theo công thức “một cá – ba muối” (tức một ký cá trộn ba ký muối). Món này vừa rẻ, vừa để được lâu. Vào dịp Tết, ba thường thịt một con heo, phần thịt ăn không hết lại được muối giống như muối cá – mặn đến độ ăn từ xuân sang hè vẫn còn.

 

Ông dạy chúng tôi đủ cách chế biến món ăn từ rau quả nhà trồng: xào, nướng, kho, luộc… mỗi món là một cách để sống sót giữa thiếu thốn. Quê tôi, người nghèo chủ yếu ăn bí đỏ, rau bồ ngót và cá ngừ – thứ cá rẻ nhất vùng biển.

 

Thế nhưng, trớ trêu thay, chính ba món dân dã ấy lại giàu Omega-3 - dưỡng chất quan trọng cho phát triển não bộ. Rau bồ ngót chứa hàm lượng Omega-3 cao nhất trong các loại rau; tiếp đến là bí đỏ, rồi cá ngừ - chỉ sau cá hồi và cá thu. Có lẽ nhờ vậy, trí óc chúng tôi được nuôi dưỡng tốt. Đó cũng là “chất nền” giúp tôi học tốt về sau.

 

Tôi luôn tin rằng: người miền Trung học giỏi không chỉ vì khổ luyện để thoát nghèo, mà còn nhờ nguồn thực phẩm nuôi trí não - đơn sơ mà tinh túy.

 

Đến Tết, vườn nhà rực rỡ sắc hoa: thược dược, vạn thọ, cúc vàng, mồng gà, móng tay  mỗi loài một vẻ, chen nhau khoe sắc như muốn xua tan cảnh khốn khó, túng thiếu.

 

Vườn còn là nơi hội tụ của chim muông. Chim chích choè làm tổ trên cây dừa, chào mào (đội mũ) chọn cây chanh, chim mía (áo già) trú ở hàng cau, chim chột dột làm tổ trên ngọn tre, chim chàng loàn rúc rích trong hàng tre, chim sẻ gắn tổ quanh mái nhà, chim sâu tàu cuộn tròn trong lá bòng… Mỗi sáng, tiếng gà gáy, tiếng chích choè ríu rít, tiếng tu hú ngân vang như nhắc: “trưa rồi đó hỡi!”, và âm thanh rộn ràng của cả khu vườn trở thành bản hòa ca quen thuộc trong ký ức tuổi thơ.

 

Mỗi lần cho gà ăn, tôi tung lúa, sắn, khoai xuống sân, chim sẻ cũng sà xuống ăn cùng như bạn bè. Ba tôi nghiêm khắc dặn: không được phá tổ chim. “Tổ là nhà của nó - phá nhà ai cũng là tội. Chim làm con người vui vẻ, bớt u sầu.” Ông cũng cấm tuyệt đối việc câu cá lóc đang nuôi con, không được bắt cá diếc hay cá rô vào mùa sinh sản.

 

"Hãy sống cùng tự nhiên, đừng tận diệt.”

 

Những năm tháng ấy, dù thiếu ăn thiếu mặc, nhờ khu vườn mà đàn con được nuôi lớn. Thời đó, nhiều đứa trẻ bụng to, đít lép, da vàng vì suy dinh dưỡng. Riêng tôi, nhờ được ăn đủ rau xanh, bí đỏ, cá ngừ mà lớn lên cao lớn như con nhà khá giả. Lên mười sáu tuổi, tôi đã cao 1m7, vượt trội so với một số bạn bè cùng trang lứa.

 

Vườn nhà – nơi nuôi sống thể xác và nâng đỡ tinh thần – là cái nôi âm thầm giúp tôi vượt lên số phận nghịch cảnh. Tôi chưa bao giờ than vãn về sự chưa đủ đầy mà gia đình tôi không may mắn có được, dù ba tôi đã cố gắng lao động cật lực. Tôi luôn an ủi và làm những thứ có thể để vượt qua nghịch cảnh.

 

 

Phần 4.2: Cầu nối cho cơm áo cho mai sau

 

Thời ấy, sách quý như vàng – vừa hiếm, vừa bị kiểm soát chặt chẽ sau dư chấn của “cách mạng văn hóa”.

 

Trong khốn khó cùng cực, ba tôi vẫn giữ trọn tình yêu với chữ nghĩa. Ông từng là người cầm bút, cầm súng, nhưng khi sa cơ lỡ vận, ông phải làm đủ thứ nghề  lao động tay chân để nuôi đàn con thơ. Cày cuốc, bửa củi, xây chuồng heo, trồng chuối… ai thuê gì, ông đều làm nấy. Tiền công thường không cố định, tuỳ vào lòng hảo tâm của người thuê, vì phần lớn công việc ông làm là “bất đắc dĩ” - chẳng nghề nào thành chuyên môn.

 

May mắn là trong những người thuê ấy có bà Cổ – bạn thân của bà nội – người thường giao việc đều đặn và trả công hậu hĩnh như một cách âm thầm giúp đỡ gia đình tôi. Kế đến là ông Tri, chủ một xưởng ép dầu đậu phụng trong xóm, cũng hay gọi ba làm.

 

Chính trong những ngày làm thuê ấy, ba lượm lặt từng tờ báo cũ, từng cuốn sách người ta bỏ đi, giữ kỹ như báu vật. Nhờ vậy, nhà tôi – khó khăn chồng chất – lại có một tủ sách đầy ắp: từ sách văn chương như Hương sắc trong vườn văn, Ruồi trâu, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Bên dòng sông Trẹm, Thiên đường mù… đến các bộ truyện kinh điển như Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa rồi cả sách khoa học,

toán, lý, hóa ...

 

Cuốn sách đầu tiên tôi được ba cho đọc là về Thomas Edison – nhà phát minh vĩ đại của nước Mỹ. Quyển thứ hai là Tây Du Ký – dày cộm, in mực đen nhòe, nhưng mê hoặc tôi từng đêm. Còn quyển mà tôi luôn gối đầu giường, đọc mãi không hết, nhớ mãi không xuể nhân vật – chính là Trăm năm cô đơn.

 

Ba tôi thường dặn:

“Sách sẽ là cơm áo của con mai sau.”

 

Ở vùng quê nghèo, nơi đầy rẫy những giới hạn và định kiến, sách vở với tôi thực sự là chiếc phao cứu sinh giữa biển đời chòng chành. Mỗi trang sách mở ra một thế giới khác – nơi tôi được sống một cuộc đời khác, nơi cái đói khổ không còn quyền chi phối tâm hồn.

 

Tôi đọc như người đói ăn - chăm từng chữ, ngấu nghiến từng dòng.

 

Quê tôi lúc ấy chưa có điện. Buổi tối, tôi học dưới ánh đèn dầu lập lòe, hơi khói cay mắt, ám cả vào lỗ mũi. Nhiều đêm lạnh, tôi kẹp tập dưới nách, vừa học vừa run. Có khi ngoáy mũi ra là một lọn muội đen. Có lần, mưa tạt ướt hết góc bàn học, tôi vẫn cặm cụi che vở chép bài, miệng lẩm nhẩm đọc như sợ chữ trôi mất.

 

Sách vở quý như vàng. Một cuốn sách giáo khoa phải dùng ba năm: năm đầu các anh tôi học, năm sau tôi học lại, năm nữa dành cho đứa em kế tiếp. Có bài học nhàu mép, có trang sách lem nước mắt. Nhưng tôi chưa từng than phiền – vì tôi biết: những trang giấy đó đang chở tôi ra khỏi bóng tối.

 

Bạn bè tôi, phần lớn đã nghỉ học. Có người bỏ học để lo ruộng đồng, có người theo cha mẹ di dân lên Đắk Lắk làm rẫy. Cả xóm tôi, dần dà chỉ còn lác đác vài đứa theo học tiếp. Nhiều người không tin vào tương lai của việc học – “học để làm gì?”, họ hỏi, khi mà cái ăn còn không đủ, áo còn rách vai, quần còn thủng đáy.

 

Riêng tôi, tôi tin. Tôi tin học là con đường ngắn nhất để thoát nghèo, thoát khỏi cái mác “con ngụy quyền”. Học giỏi là cách duy nhất để tôi có tiếng nói, để được xem là một con người bình thường như bao người khác. Mỗi điểm mười là một cái vỗ tay thầm lặng từ ba, là ánh mắt dõi theo của người mẹ đã khuất. Là từng bước đi trên “con đường cơm áo” mà ba tôi đã tin và trao lại cho tôi.

 

Những buổi trưa hè gió nồm khô rốc, tôi nằm dưới bóng tre, vừa quạt ruồi vừa đọc sách. Lũ ruồi vo ve quanh ổ khoai lang nướng, còn tâm trí tôi thì phiêu du đến những vùng đất xa xôi – nơi những đứa trẻ không phải lo từng bữa ăn, từng vết mực lem trên áo, từng đôi dép sứt quai phải đắp vá các lớp nhựa năm lần bảy lượt chồng lên nhau như một ngọn núi tầng tầng lớp lớp.

 

Tôi tưởng tượng: nếu một ngày thoát khỏi cái nơm chật hẹp, thì con cá sẽ bơi ra sông lớn.

 

 

Phần 4.3 – Bóng mình trong lòng đất

 

Đường đến trường ngày ấy là lối mòn đất xám bạc màu, len lỏi giữa những cánh đồng lúa, ruộng khoai. Trưa nắng gắt, tôi thường ghé bên đầm nước đầu làng Phước Long nghỉ chân. Mạch nước ngầm từ rừng chảy ra trong vắt như gương soi, phản chiếu hình tôi – nhỏ bé, gầy gò nhưng đầy hy vọng. Tôi vẫy tay chào chính mình trong bóng nước, như lời nhắn nhủ âm thầm:

 

“Ngày mai rồi sẽ sáng. Cố lên!”

 

Khi chân tôi khẽ chạm mặt nước, bóng ấy tan vỡ theo làn sóng gợn. Tôi vốc nước rửa mặt, mùi thơm đất trời quê hương nhẹ bay lên, mát rượi, lâng lâng. Bỗng từ xa, có ai cất lên câu vè xứ Quảng:

 

"Chán ơi là chán, Xách cái quần đi bán,

Nhầm cái quần rách háng, Bán cho hàng bánh tráng. Bà chủ quán không mua, Bán cho hàng bán khoai. Bà chủ khoai không lấy, Bán cho bà đi cấy,

Bà đi cấy đớp liền"

 

Tôi khựng lại. Nước theo kẽ tay nhỏ giọt xuống mặt đầm, vang lên âm thanh lụp bụp như điểm nhấn của một câu hỏi lặng. Như bừng tỉnh giữa nắng trưa

 

Tôi tự hỏi: Phải chăng bà bán bánh tráng, bà bán khoai không nghèo đến mức cần chiếc quần rách háng. Bởi dù gì họ cũng là tiểu thương nghiệp? Nhưng bà đi cấy thì khác – người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chẳng màng rách hay lành, miễn có cái che thân để tiếp tục cuộc mưu sinh – thì mua ngay không đắn đo, bởi người cày ruộng đời nào cũng khổ.

 

Câu vè dân gian đơn sơ, ngắn gọn, hóm hỉnh, nghịch ngợm mà thấm đẫm tầng sâu thân phận. Nó nói với tôi một điều:

- Muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, phải đi con đường khác. Phải làm điều khác đi. Cần học hành tới nơi, tới chốn!

 

Vào những ngày mưa to, gió lớn, đường làng ngập bùn, tôi men theo rừng để đến trường.

 

Rừng quê tôi là dải cát vàng lộ thiên, trải dài từ Hội An đến tận Tam Kỳ, dài đến Quảng Ngãi. Nó vừa là tường thành chắn biển, vừa là bức bình phong ôm trọn ruộng đồng.

 

Sát bờ biển là rừng hàng phi lao lộng gió. Tiếp theo là rừng cây tạp, cây bụi, rồi đồng lúa nối dài đến con sông Trường Giang. Từ trên cao nhìn xuống, rừng như một bức tranh sống – lớp lớp sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ. Những bụi Mộc quả hường rực như đá quý, cây Móc trĩu chùm trái tím như ngọc thạch anh. Trái rừng ấy là món quà của thiên nhiên – nguồn sống cho chim chóc, và cho cả tuổi thơ chúng tôi.

 

Tôi nhớ những lần ăn trái Móc, răng tím ngắt, môi tím rịm như vừa ăn sim. Xen trong bụi cây là những nấm mộ – những giấc ngủ dài của người làng bao đời, nằm lại giữa thiên nhiên mênh mông.

 

Một hôm, tôi tung tăng hái trái Móc, Mộc, tay cầm chùm bông trang rừng đỏ rực, miệng ngậm trái Móc chưa kịp nuốt. Bất chợt một trận lốc nổi lên, gió giật từng cơn xoáy, cát bay mịt mù. Tôi chạy thục mạng, rồi… rơi xuống một huyệt đạo đã đào sẵn.

 

Tôi nằm gọn dưới lòng đất. Gió rít trên đầu, cát bạt vào tóc, mặt. Tôi co ro, dưới đáy huyệt, ngước nhìn lên trời. Bốn bức tường đất cát vàng óng vây quanh, sâu thăm thẳm. Chùm bông trang rụng rơi tơi tả, ướt nước mắt và cơn sợ hãi mơ hồ.

 

Tôi tự hỏi: Ai sẽ là người nằm lại nơi đây? Là người chết vì đói, chết no vì bội thực, chết vì bệnh, hay một cụ già lìa đời? Và tôi là ai? Sao lại rơi xuống đây? Nếu tôi chết lúc này… ai sẽ thả nắm đất đầu tiên? Có ai nhớ đến tôi không?

 

Lần đầu tiên, tôi thấy mình… già trước tuổi. Lần đầu tiên, tôi hiểu: cái chết gần hơn ta tưởng. Nhưng tôi chưa kịp sống – chưa giúp được ba tôi thoát khỏi bóng tối, chưa hành động cho ước mơ của mình.

 

Như có một sức mạnh kỳ diệu trỗi dậy, tôi bật người đứng dậy, dang hai chân đạp vào thành huyệt, trèo lên. Gió cũng dịu lại, như thấu hiểu điều tôi vừa quyết định. Tôi đứng trên miệng huyệt, nhìn xuống một lần nữa – như chào vĩnh biệt một linh hồn nào đó đã dốc cạn kiếp người và đang chờ gọi tên

 

Rồi tôi chạy. Chạy thật nhanh. Phía trước là ánh sáng, là con chữ, là cuộc đời chưa viết. Tôi phải sống. Và phải thay đổi số phận nghịch cảnh của mình.

 

 

Phần 4.4: Cơn bão Cecil năm 1989 không làm gục ngã chúng tôi - Những đứa trẻ mồ côi

 

Qua bậc trung học cơ sở, lớp cũ chỉ còn lại vài đứa tiếp tục theo học. Chúng tôi hòa vào bạn bè mới, thầy cô mới, và một ngôi trường khác. Cả nhóm chọn nhà Phước làm nơi tụ họp học tập – chúng tôi gọi nhau là “Huynh - Đệ chăm học”.

 

Phước mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, rồi để cậu lại sống một mình, dù vẫn chu cấp đầy đủ. Căn nhà lá nằm đơn sơ trên đồi cát cao, xung quanh toàn bụi móc, bụi mộc. Không hiểu sao, tôi lại thấy nơi ấy rất “art”, rất thơ mộng – từ trên đó, nhìn được dòng Trường Giang uốn lượn như một con rồng, ôm lấy cánh đồng Lành bao la, nơi từng gắn với tuổi thơ tôi những buổi câu cá, đánh ong ngựa (loài ong mắt cầy, thân vàng nghệ). “Đồng Lành” – cái tên nghe dịu dàng như một miền đất lành, gần bên Phường Củi, nơi cô giáo lớp Một của tôi sinh sống.

 

Phường là chợ. Có lẽ xưa kia, “Phường Củi” từng là nơi chuyên buôn bán chất đốt. Sông ở đó rộng lớn, uốn cong tạo nên một hõm sâu như bến cảng tự nhiên cho ghe thuyền tụ hội. Nhìn từ nhà Phước xuống, cảnh ấy như một bức thủy mặc – núi non, sông nước, làng quê.

 

Dọc triền dốc nhà Phước mọc nhiều cây sơn – loài cây có mủ độc, dễ gây phồng rộp da. Thứ mủ ấy từng được người dân lấy để quét lên mạn thuyền, chống hà (một loại nhuyễn thể) bám phá gỗ. Cuối dốc là đìa Chín Bông – nguồn nước mạch trong vắt, nơi chúng tôi thường ra tắm sau giờ nghỉ trưa. Món ăn quen thuộc chỉ là củ ngải (dong riềng), khoai lang, sắn Canh Nông chấm muối mè – quanh nhà trồng được gì, ăn nấy, chẳng còn của cải gì khác.

 

Nhóm chúng tôi thuộc tốp học sinh giỏi của trường. Tôi là “thủ lĩnh” môn Toán, Phước là “đầu tàu” môn Văn. Thuận, Hải cũng giỏi Toán; còn Văn thì Phước luôn đứng đầu. Kỳ lạ thay, phần đông nhóm đều là trẻ mồ côi – tôi mất mẹ, Phước, Vũ, Bình, Thuận đều mất cha. Ai cũng nghèo khó tận cùng, nhưng lại học xuất sắc.

 

Từ lớp 6 đến lớp 12, chúng tôi luôn giành giải nhất báo tường toàn trường. Tờ báo của lớp 6 còn vượt cả lớp 9. Khi vào lớp 10, vẫn vượt lớp 12. Báo tường khi ấy không chỉ là cuộc thi, mà là một sân chơi sáng tạo: nội dung, tranh vẽ, kiểu chữ, bố cục, kiểu mẫu … ª

 

(Xem tiếp tuần tới)