Arisa Trew (trái) đã trở thành vận động viên trẻ nhất giành huy chương vàng của Úc. Matt Wearn (giữa) là một trong những người giành huy chương vàng trong một ngày tuyệt vời của Đội tuyển Úc. Và Cindy Ngamba (phải) là vận động viên đầu tiên giành huy chương của Đội tuyển Olympic người tị nạn. Source: Getty

 

 

Ngày tuyệt vời nhất từ trước đến nay của Úc, giành được nhiều huy chương nhất, và những khoảnh khắc làm nên lịch sử của Thế vận hội Paris.

 

Bên cạnh thành tích nổi trội lần đầu tiên của một số vận động viên, có nhiều chi tiết lần đầu tiên khác được chứng kiến tại Thế vận hội Paris.
 

 

Chỉ còn bốn ngày nữa là kết thúc Thế vận hội Paris. Sau đây là một số thành tích tự hào của Úc cho đến nay.

 

 

Cơn sốt huy chương vàng của Úc

Úc đã có một ngày tuyệt vời nhất từ trước đến nay tại Thế vận hội Olympic, nâng cao đáng kể tổng số huy chương của mình.

 

Đội tuyển Úc đã giành được bốn huy chương vàng và hai huy chương đồng vào ngày thứ 12 của Thế vận hội. 18 huy chương vàng trên bảng xếp hạng là thành tích kỷ lục của Úc, vượt qua kỷ lục trước đó là 17 huy chương được lập tại Athens năm 2004, và tại Tokyo năm 2021.

 

Trong số những người giành huy chương vàng lần này có vận động viên nhảy sào Nina Kennedy. Cô là vận động viên nhảy sào duy nhất vượt qua được 4,90m, giành huy chương vàng thứ 18 cho Úc.

 

 

 

Nina Kennedy đã giành huy chương vàng thứ 18 cho Úc tại Thế vận hội Paris. Nguồn: AAP / Dean Lewins

 

 

Đội đua xe đạp nội dung rượt đuổi nam của Úc đã đánh bại đối thủ đáng gờm là Vương quốc Anh trong trận chung kết để giành huy chương vàng Olympic lần đầu tiên sau 20 năm.

 

Vận động viên trượt ván Keegan Palmer đã đạt được kỳ tích phi thường khi xoay người và uốn mình để giành huy chương vàng Olympic thứ hai ở tuổi 21. Anh giành chiến thắng chỉ một ngày sau khi Arisa Trew 14 tuổi giành huy chương vàng ở nội dung nữ.

 

 Và Matt Wearn đã thống trị cuộc đua thuyền buồm nam ở Marseille để giành huy chương vàng Olympic thứ hai của mình. Anh đã giành chiến thắng tại sự kiện tương tự tại Thế vận hội Tokyo năm 2021.

 

 

Những quốc gia lần đầu tiên giành huy chương Olympic

 

Vận động viên chạy nước rút Julien Alfred đã ghi danh vào lịch sử khi giành huy chương vàng ở nội dung chung kết 100m nữ tại Paris.

 

Cô gái 23 tuổi đến từ quốc đảo St Lucia thuộc vùng Caribe không chỉ trở thành vận động viên đầu tiên của quốc gia này giành huy chương Olympic, mà còn giành huy chương bạc ở nội dung 200m ba ngày sau đó.

 

 

Julien Alfred đã giành huy chương vàng đầu tiên cho St Lucia. Nguồn: Getty / Catherine Steenkeste

 

 

 

Với dân số dưới 200.000 người, quê hương của Alfred lần đầu tiên tham gia Thế vận hội Olympic 1996 tại Atlanta.

 

Thành tích 10,72 giây của cô ở nội dung 100m cũng đã lập kỷ lục quốc gia.

 

Một quốc gia đảo Caribe khác cũng ăn mừng huy chương Olympic đầu tiên của họ - và đó cũng là huy chương vàng.

 

Thea LaFond của Dominica là người phụ nữ duy nhất trong cuộc thi của mình nhảy xa hơn 15m ở nội dung nhảy ba bước nữ để giành huy chương.

 

 

Vận động viên nhảy ba bước Thea LaFond của Dominica đã mang về cho đất nước mình huy chương Olympic đầu tiên. Source: Getty / Carl Recine

 

 

Vận động viên Úc trẻ nhất giành huy chương vàng

 

Những người bạn của vận động viên trượt ván người Úc Arisa Trew ở quê nhà chắc hẳn rất vui khi cô bé 14 tuổi này tham gia trận chung kết nội dung trượt ván công viên dành cho nữ tại Paris, vào ngày thứ 11 của Thế vận hội.

 

Vận động viên trượt ván sinh ra ở Cairns đã đạt 93,18 điểm trong lượt thi thứ ba và cũng là lượt thi cuối cùng của mình để đánh bại Cocona Hiraki của Nhật Bản với thành tích 92,63 điểm và Sky Brown của Anh với thành tích 92,31 điểm.

 

Chỉ mới 14 tuổi 86 ngày, Trew đã vượt qua vận động viên trẻ nhất giành huy chương trước đó của Úc, vận động viên bơi lội Sandra Morgan.

 

Arisa Trew là người Úc trẻ nhất giành huy chương vàng Olympic. Source: Getty / Julian Finney

 

 

Morgan mới 14 tuổi và 184 ngày khi cô giành huy chương vàng ở nội dung tiếp sức tự do 4x100m nữ tại Thế vận hội Melbourne năm 1956.

 

 

Một chiến thắng cho Đội tuyển Olympic người tị nạn

Vào Chủ Nhật, Cindy Ngamba giành chiến thắng trước Davina Michel của Pháp để lọt vào bán kết quyền anh 75kg nữ. Đây là kết quả bảo đảm cô có được một huy chương và giúp cô trở thành vận động viên đầu tiên của Đội tuyển Olympic người tị nạn giành được huy chương Olympic.

 

Ngamba sinh ra ở Cameroon, nhưng đã sống ở Vương quốc Anh từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, với tư cách là một người tị nạn, cô không có quốc tịch Anh; vì vậy cô không thể đại diện cho Vương quốc Anh tại Thế vận hội.

 

Cô sẽ phấn đấu để giành một chỗ trong trận tranh huy chương vàng, nhưng ngay cả khi cô thua trận tiếp theo, Ngamba sẽ đã tạo nên lịch sử, ít gì cũng giành được một huy chương đồng cho những nỗ lực của cô.

 

 

Cindy Ngamba (phải) của Đội tuyển Olympic người tị nạn đã đánh bại Davina Michel của Pháp để lọt vào bán kết quyền anh 75kg nữ. Source: Getty / Mohd Rasfan

 

 

 

Thành phố đăng cai đầu tiên

 

Ngay cả trước khi các sự kiện thể thao bắt đầu, Thế vận hội Olympic 2024 đã trở thành kỳ Thế vận hội đầu tiên có số lượng nam và nữ bằng nhau được liệt kê để thi đấu trong lịch trình.

 

 

Lễ khai mạc lần đầu tiên được tổ chức bên ngoài sân vận động chính của Thế vận hội, với các vận động viên đi thuyền dọc theo Sông Seine và đường đua có màu tím lần đầu tiên tại Thế vận hội.

 

 

Jessica Fox và Eddie Ockenden, những người cầm cờ của Đội tuyển Úc, trong cuộc diễu hành của các vận động viên tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 vào ngày 26 tháng 7. Source: AFP / QUINN ROONEY/POOL/AFP via Getty Images

 

 

Paris là Thế vận hội đầu tiên có các sự kiện được tổ chức cách xa thành phố đăng cai như vậy.

 

Các sự kiện lướt sóng được tổ chức cách Paris 15.716 km, trên Đảo Tahiti của Polynesia thuộc Pháp.

 

Thế vận hội này cũng có một môn thể thao mới trong lịch trình, với môn break dance, hay còn gọi chính thức là breaking, lần đầu tiên ra mắt.