Thưởng thức tinh tế tam tấu Piano “Opus. 70” của Beethoven

Kim Cương | DKN 

 

Trio for Piano, Violin, and Cello No. 6 in E-flat major, Op. 70 No. 2 là một bộ gồm hai tác phẩm tam tấu Piano của Ludwig van Beethoven, được viết cho piano, violin và cello. Cả hai bộ tam tấu được sáng tác trong thời gian Beethoven ở tại nhà của nữ bá tước Marie von Erdödy, và cả hai đều dành riêng cho cô vì lòng hiếu khách của cô. Chúng được xuất bản vào năm 1809.

 

 

Tác phẩm đầu tiên No. 1, trong giọng Rê trưởng, được biết đến với cái tên “Ghost”, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông trong thể loại này. Tam tấu cung Rê trưởng có các chủ đề được tìm thấy trong chương 2 của Bản giao hưởng số 2 của Beethoven.

 

 

Những tác phẩm này là đại diện cho thời kỳ sáng tác giữa của Beethoven, từ khoảng năm 1803 đến 1812, và là thời kỳ cho ra nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Beethoven đã viết hai bản tam tấu piano trong khi trải qua mùa hè năm 1808 tại Heiligenstadt, Vienna, nơi ông đã hoàn thành Bản giao hưởng số 5 vào mùa hè trước. Ông đã viết hai bản tam tấu ngay sau khi hoàn thành Bản giao hưởng số 6. Đây là khoảng thời gian không chắc chắn trong cuộc sống của Beethoven, đặc biệt vì ông không có nguồn thu nhập đáng tin cậy vào thời điểm đó.

 

Trio for Piano, Violin, and Cello No. 6 in E-flat major, Op. 70 No. 2 được viết trên giọng Mi giáng trưởng gồm 4 chương:

Chương 1: Poco sostenuto – Allegro ma non troppo
Chương 2: Allegretto
Chương 3: Allegretto ma non troppo
Chương 4: Finale. Allegro

 

Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi nhóm tam tấu gồm 3 nghệ sỹ:

Eugene Istomin, piano
Isaac Stern, violín
Leonard Rose, cello

 

 

Trio for Piano, Violin, and Cello No 6 in E flat major, Opus. 70 No. 2

 

 

 

Chương 1 bùng lên sự lãng mạn tràn đầy rung cảm tình yêu ngay từ những câu nhạc chủ đề đầu tiên, sau đó chương nhạc rơi vào nhịp nhanh với sự bộc lộ tinh tế về sắc thái của cả 3 nhạc cụ. Và vẻ đẹp trào dâng của chương nhạc có thể để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng thính giả.

 

 

Chương 2 tiếp nối trên nhịp nhanh Allegretto đầy lôi cuốn, mà trong đó mọi nét duyên dáng của âm nhạc, tính cách hài hước của Beethoven đã bộc một cách lãng mạn và tế nhị hơn nhiều so với những tác phẩm âm nhạc thời kỳ đầu của ông. Ở đây những nét điềm tĩnh của nội tâm được khắc họa vô cùng rõ ràng.

 

 

Chương 3 thông thường sẽ là một chương nhạc chậm nếu cả 2 chương trước nó đã là những chương nhanh. Nhưng ở đây chương 3 vẫn là chương nhạc nhanh Allegretto ma non troppo. Điều này cho thấy tinh thần vô cùng lạc quan của tác giả khi viết tác phẩm, và niềm lạc quan ấy chắc chắn đã thấm đẫm mọi nét nhạc như thính giả đã thấy. Mặc dù vậy cấu trúc âm nhạc trong chương cũng có rất nhiều sự thư giãn với những câu nhạc chậm được đan xen vô cùng tinh tế, gợi mở co giãn như trạng thái của mộng mơ.

 

 

Chương 4 trở nên sang trọng và lộng lẫy khác thường bởi những câu nhạc chủ đề tuyệt hay của chương và nối theo sau là những biến tấu bay bổng và sôi động, tất cả thật phù hợp cho một chương kết hoàn hảo. Đây quả là một tác phẩm tam tấu đặc biệt của Beethoven, khi cả 4 chương nhạc đều được viết trên nhịp nhanh mà vẫn duy trì được mọi sắc thái tương phản của cổ điển, không những không gây nhàm chán, mà còn tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn đối với thính giả.