Chiến tranh, thời cuộc xoay vần, nỗi bất hạnh không có chỗ đứng trong tranh của Pierre Bonnard (1867-1947). Chịu ảnh hưởng của Gauguin, của hội họa dân gian Nhật Bản, một thoáng gì của Matisse, của Renoir, nhưng Bonnard sớm khẳng định ông vẽ tranh để « tô điểm cho cuộc đời ». (Tạp chí phát lần đầu ngày 08/05/2015). 

 

 

Le Jardin- Khu vườn (1936-1938). Tranh sơn dầu- P. Bonnard Musée d'Art Moderne Paris

 

 

 

Tranh của Bonnard tràn đầy nhựa sống. Cảnh sinh hoạt thường ngày trên đường phố Paris, khu vườn ở Normandie hay chỉ đơn thuần là tô sữa bên cửa sổ, dưới cây cọ của Bonnard tất cả đều trở nên sống động hơn, thơ mộng hơn, xanh tươi hơn. Đằng sau ánh sáng chan hòa, những đường nét sinh động, là một thoáng lo âu, là một chút gì dễ vỡ, là « những thiên đường đã mất ».

 

 

Bảo tàng Mussée d’Orsay quận 7 Paris tổ chức cuộc triền lãm « Pierre Bonnard, Peindre l’Arcadie » từ ngày 17/03/2015 đến 19/07/2015, quy tụ hơn 150 tác phẩm hội họa và một số những bức ảnh đen trắng tiêu biểu cho từng giai đoạn sáng tác trong hành trình nghệ thuật gần 60 năm của một họa sĩ bậc thầy cuối thế kỷ thứ XIX, nửa đầu thế kỷ XX.

 

 

 

« Pierre Bonnard, Peindre l’Arcardie »

 

Arcadie là một vùng núi ở miền nam Hy Lạp. Trong thần thoại, đấy là chốn thanh bình nơi địa đàng. Như tên gọi của nó, triển lãm ở bảo tàng Musée d’Orsay đã tập hợp những tác phẩm của ông phù thủy thổi nhựa sống vào trong tranh, dù đó là cảnh đồng quê vùng Normandie miền bắc nước Pháp hay là những chân trời bát ngát dưới nắng vàng rực rỡ, dưới sắc biếc của miền nam ven bờ Địa Trung Hải, hay chỉ đơn thuần là cảnh một cô gái trong buồng tắm, một bức khỏa thân bên lò sưởi, một tác phẩm nature morte hay một bức chân dung tự vẽ.

 

 

 

Ở bất cứ khung trời nào, thế giới của Bonnard luôn toát lên một sự hài hòa giữa con người với cảnh vật chung quanh. Isabelle Cahn, quản thủ bảo tàng Musée d’Orsay :

« Tranh của ông nói về sự sống, về hơi thở, về những chuyển động trong cuộc đời, về thời gian về những gì không nắm bắt được. Nhìn dưới góc độ đó, phải nói là danh họa Bonnard đã đặt ông trước một thách thức rất lớn ».

 

 

Xem tranh của Bonnard, ta như nghe được cả tiếng lá xào xạc, tiếng chim hót, như cảm thấy được cả vị ngọt của những quả cam vàng mọng nước, hay những ngọn gió thổi vào một gian phòng …

 

Để tạo được những cảm giác như vậy là cả một sự tìm tòi công phu về cách sắp đặt từng chi tiết trong tác phẩm của mình, là cách sử dụng màu sắc rất tinh vi chỉ Pierre Bonnard mới có được. Bên cạnh những gam màu nóng, như vàng, nâu, đỏ, luôn kèm theo một vài sắc tía, ngả về màu tím, xanh lơ. Chính những sắc màu đệm đó phản ảnh những giày vò nội tâm, những vết thương thầm kín mà tác giả đã cố tình không đưa vào tranh của ông.

 

 

Giám đốc điều hành bảo tàng Bonnard tại Le Cannet, vùng Côtes d’Azur Véronique Serrano nhận xét :

« Ông làm việc với một gam màu khá giới hạn nhưng ông đã phối hợp những màu sắc đó với nhau, để thổi hồn vào mỗi tác phẩm của mình, để mỗi tác phẩm của Bonnard đều có sức lôi cuốn lạ thường. Bonnard thường được xem là người ‘tô điểm cho cuộc sống’, là họa sĩ ‘đem lại hạnh phúc’ cho thiên hạ. Trong khi đó như chính ông đã từng tâm sự : ‘kẻ hay hát, chưa hẳn là đã yêu đời hay hạnh phúc’. Đâu đó, những bức tranh rực rỡ sắc màu như thể là cách để ông che giấu những vết thương nội tâm. Đó cũng là hình thức để ông cưỡng lại nỗi hoang mang sâu thẳm ».

 

 

Trong gian trưng bầy đầu tiên của triển lãm « Pierre Bonnard, Peindre l’Arcadie » bảo tàng Musée d’Orsay giới thiệu đến người xem những tác phẩm trong thời kỳ Pierre Bonnard chịu ảnh hưởng rất lớn của nghệ thuật hội họa dân gian Nhật Bản với những motif đan xen vào nhau mà điển hình là bức bình phong Paravent à trois feuilles - thực hiện năm 1889. Trong đó, Bonnard mượn từ màu đỏ thẫm của hội họa Nhật Bản đến ánh trăng vàng, từ hình ảnh con chim hoàng yến, trĩ, hạc đến những bụi trúc hay cụm thạch thảo của Đông phương.

 

 

Cũng trong thời kỳ này, Pierre Bonnard đã thực hiệu nhiều bức tranh rất lạ, chẳng hạn như tác phẩm Intimité – thân mật (năm 1891), mà trong đó, ta thấy một người đàn ông ngồi hút tẩu thuốc. Bên trái là một người đàn bà chìm trong bóng tối. Ở phía trước của hai người, là một bàn tay với một tẩu thuốc pipe thứ nhì, lớn hơi quá khổ so với phần còn lại của tổng thể bức tranh. Thậm chí khi mới nhìn thoáng qua, chưa chắc ta đã trông thấy bàn tay to lớn đó và khói thuốc gần như tan trong những hình vẽ của giấy dán trên tường.

 

 

Với Intimité, Pierre Bonnard đã đan xen những motif vào nhau, như vừa để đánh lừa người xem, nhưng vừa để tạo ra một bầu không khí cho bức tranh của mình. Ta như cảm nhận được chút gì thân mật, ấm cúng và cả mùi thơm của khói thuốc đang lan tỏa ra khắp căn phòng.

 

 

 

 

Tính tinh nghịch, đùa giỡn với không gian của một Pierre Bonnard thủa trẻ được xác định một lần nữa với tác phẩm Danceuses (1896) mà ở đó tác giả vẽ những cô vũ nữ của nhà hát Opéra như thể ông chụp hình các cô từ trên cao nhìn xuống.

 

 

 

Con người thầm kín của Bonnard

 

Năm 1947 khi Bonnard qua đời, Pablo Picasso, một cây đại thụ khác của làng hội họa thế giới trong thế kỷ XX, thốt lên rằng : « Vẽ như Bonnard thì không phải là vẽ ». Trong mắt cha đẻ của trường phái lập thể này, Bonnard là một họa sĩ hời hợt, chỉ hướng về những đề tài mang tính nhẹ nhàng. Nhưng có lẽ tác giả của những Guernica hay Người Đàn bà Khóc đã không cảm được sự hoang mang, sự chua xót của Bonnard qua những bức chân dung tự vẽ vào năm 1930, 1931, 1939- 1945.

 

 

Tuổi già, nỗi cô đơn, hiện rõ trên khuôn mặt của người trong gương. Đôi mắt u uẩn của Bonnard trong bức chân dung tự vẽ năm 1945 thể hiện thái độ cam chịu của một con người đã đi gần hết cuộc đời. Ở đây ta thấy Pierre Bonnard trong một chiếc áo nâu gần như một chiếc áo ca sa, trong tư thế của một nhà sư Nhật Bản. Ông hơi mỉm cười như nụ cười của Rembrandt trong bức chân dung tự họa cuối cùng.

 

 

Nhưng bi tráng hơn cả là bức tự họa được Bonnard đặt cho cái tên Le Boxeur- Võ sĩ quyền anh. Mình trần, khuôn mặt chìm trong bóng tối, nhưng đủ để cho thấy những vết bầm dập của thời gian. Bonnard trong tư thế của một võ sĩ quyền anh, chung quanh là ánh sáng vàng nhạt. Ánh sáng nhạt và hơi bệnh hoạn đó đã được tác giả tạo lại trong một bức chân dung khác ông thực hiện năm 1939-1945. Nhưng lần này Bonnard trong gương chỉ còn là một chiếc bóng lập lờ, của một người đang gần đất xa trời.

 

 

 

Marthe, nguồn sáng tác vô tận

 

Đôi mắt u uẩn của Pierre Bonnard trong các bức chân dung tự họa đang nhìn thấy những gì ? Phải chăng ông đang hồi tưởng lại thân hình ngọc ngà, mềm mại, của Marthe ở độ tuổi đôi mươi ? Marthe là người mẫu, là nguồn sáng tác bất tận, là người tình và người vợ, là người theo chân ông gần suốt ¾ cuộc đời. Bà là bến đỗ, là nữ thần hộ vệ là một phần linh hồn của danh họa Pierre Bonnard.

 

 

Nàng là người đàn bà tóc vàng ngồi bên cạnh con mèo trắng trong La Femme au Chat (1912), là chủ đề của La sieste – Giấc ngủ trưa năm 1900. Marthe là nguồn cảm hứng của cả chục bức khỏa thân trong phòng tắm mà ông miệt mài sáng tác trong hơn hai mươi năm trời. Ông đưa cặp vú căng tròn của cô vào bức họa La Cheminée- Lò sưởi năm 1916.

 

 

Hình bóng Marthe luôn ẩn hiện trong những khu vườn của ông ở vùng Normandie hay Côtes d’Azur. Dưới bút pháp của Pierre Bonnard, thân hình của Marthe không hề có một nếp nhăn, như thế dấu ấn thời gian không đọng lại trên nước da trắng ngà của người con gái ông đã quen khi mới vừa 26 tuổi. Đôi mắt xanh lơ và thân hình quyến rũ của cô gái bán hoa vải ở phố Pigalle cũng là những cánh cổng sắt, cô lập ông với thế giới bên ngoài.

 

 

Liên hệ giữa Bonnard với Marthe đã được đưa vào tác phẩm L’Homme et la Femme, tranh sơn dầu sáng tác năm 1900. Marthe và Pierre sau một cuộc ân ái. Người đàn bà ngồi trên giường, vuốt ve con mèo. Người đàn ông khỏa thân, trực diện với chính mình trong gương. Giữa họ là một tấm bình phong ngăn cách hai thế giới nội tâm khác biệt.

 

 

Isabelle Cahn, quản thủ bảo tàng Musée d’Orsay nói về ảnh hưởng và vị trí của cô gái bán hoa vải, Marthe đối với Bonnard :

« Marthe đã đem lại rất nhiều cho Bonnard về mặt cá nhân. Chàng họa sĩ trẻ tuổi con nhà lành, Pierre Bonnard đã bị thân hình gần như tuyệt hảo của cô làm choáng ngợp. Trong gần 20 năm, thân hình ngọc ngà đó không ngừng là đề tài được ông đưa vào hội họa và cả nghệ thuật nhiếp ảnh nữa. Ngược lại Bonnard ít khi tập trung vào khuôn mặt của người tình ».

 

 

 

Histoire d'eau

 

Loạt tranh khỏa thân trong phòng tắm thực hiện vào những thập niên 1920- 1930, chiếm riêng một gian trưng bày với chủ đề « Histoire d’eau ». Những vật dụng trong phòng tắm, từ gạch đá hoa đến giấy dán tường, từ tấm màn cửa, thảm, gương, bồn tắm … đều được tác giả bố trí như để bọc lấy một thân hình mảnh mai, thụ động. Nu dans le bain hay Nu dans la baignoire … cho thấy mức độ gần gũi giữa Bonnard với người mẫu của ông. 

 

 

 

 

Năm 1925 Pierre Bonnard thành hôn với Marthe sau hơn 20 năm chung sống. Vài tuần lễ sau, người tình của ông, Renée Monchaty, kết liễu cuộc đời. Sau này người ta mới biết, người mẫu trong série tranh khỏa thân của Bonnard, không nhất thiết là Marthe.

 

 

Normandie- Côtes d’Asur, chốn địa đàng

 

Vào cuối đời Pierre Bonnard tâm sự « Không bao giờ có nghệ thuật nếu không có thiên nhiên ». Ánh sáng muôn màu, lung linh vì hơi nước, thay đổi từng giờ bên dòng sông Seine uốn lượn của vùng Normandie đã thuyết phục Bonnard năm 1912 mua một căn nhà trên ngọn đồi ở Vernonnet, cách không xa khu vườn Giverny của Monet.

 

 

Hơn một chục năm sau, sắc màu của vùng nắng ấm miền nam, biển biếc của bờ Địa Trung Hải đã làm ông xiêu lòng. Bonnard tậu thêm một căn hộ thứ nhì ở Le Cannet vùng Côtes d’Azur, về ở gần Renoir. Dù rất khâm phục hai danh họa bậc thầy của trường phái ấn tượng là Renoir và Monet, nhưng khác với Monet và Renoir, Pierre Bonnard vẽ theo ký ức để, như chính ông định nghĩa : vẽ để « giữ lại một khoẳnh khắc phù du ».

 

 

 

Décor à Vernon- 1920-1939-The Metropolitan Museum of Art

 

 

 

Nếu như khung trời miền Bắc là nguồn cảm hứng cho những Eté en Normandie – Mùa hè ở Normandie, Le Jardin Sauvage- Vườn hoang, Le Paradis terrestre –Địa Đàng, La Symphonie pastorale- Bản giao hưởng đồng quê, thì nắng ấm chói chang của vùng Côtes d’Azur là nơi Pierre Bonnard đã sáng tác ra những La Palme – Cành cọ (1926), L’Atelier du Mimosa (1939-1946) với những chùm mimosa vàng rực rỡ khoe sắc bên kia khung cửa sổ, là cây hạnh đào lộng lẫy trong mùa nở hoa, L’Amandier en fleur (1946-1947).

 

 

Màu vàng và gam màu nóng vẫn là chủ đạo, nhưng Bonnard đã pha vào đó những sắc tía, xanh, tím. L’Amandier en fleur là tác phẩm cuối cùng của Pierre Bonnard. Trong đó, sắc xanh nước biển ẩn hiện bên những chùm hoa trắng. Đó cũng là những chùm hoa cuối cùng ông « tô điểm cho đời » hay đấy là những hình ảnh ông vĩnh viễn mang đi khi từ dã trần gian ? Pierre Bonnard từ trần một ngày sau khi ông hoàn tất Cây hạnh đào trong mùa nở hoa.

 

 

L'Amandier en fleur -1946-1947. Musée d'Orsay

 

 

 

(Nguồn: RFI Việt ngữ)