Tác phẩm “Comedian” (Diễn viên hài) của nghệ sỹ người Ý Maurizio Cattelan, một quả chuối được dán lên tường bằng băng keo, đã được bán với giá 6,2 triệu USD (bao gồm cả phí đấu giá). Người mua là Justin Sun, một doanh nhân gốc Trung Quốc, nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử. Phiên đấu giá diễn ra tại Sotheby’s ở New York và chỉ kéo dài khoảng 10 phút.

 

Thưa rằng, tác phẩm này được coi là ví dụ nổi bật của nghệ thuật ý niệm (conceptual art), trong đó trọng tâm không phải là bản thân vật thể mà là ý tưởng và ý nghĩa mà nó truyền tải. Nó có ý nghĩa châm biếm sự đầu cơ trong thị trường nghệ thuật. Dù từng bị chỉ trích vì sự “đơn giản hóa”, “Comedian” đã tạo ra một hiện tượng văn hóa toàn cầu và có lẽ đã, đang, và sẽ được bàn tán nhiều nhất trong thế kỷ 21.

 

Xin lược bàn các khía cạnh chính của nghệ thuật ý niệm trong tác phẩm này:

 

1. Bản chất của nghệ thuật ý niệm

Nghệ thuật ý niệm thách thức cách chúng ta định nghĩa giá trị nghệ thuật. Thay vì tập trung vào kỹ thuật hay chất liệu, tác phẩm nhấn mạnh vào ý tưởng mà nó đại diện. Với “Comedian”, Cattelan đã dùng một quả chuối — một vật thể tầm thường, có thể dễ dàng thay thế — để đặt câu hỏi về giá trị thực sự của nghệ thuật.

 

2. Biểu tượng và mỉa mai

Quả chuối: Cattelan cho rằng chuối là biểu tượng của thương mại toàn cầu, vừa phổ biến vừa dễ tiếp cận. Nó cũng mang ý nghĩa hài hước, liên tưởng đến sự trượt ngã trong các màn kịch câm hay các “trò [củ/rất] chuối” thường gặp.

Băng keo: Chất liệu rẻ tiền, thông dụng, lại được dùng để gắn kết một tác phẩm đắt đỏ, phản ánh sự bất đối xứng giữa giá trị thực và giá trị cảm nhận trong thế giới nghệ thuật.

Cattelan mỉa mai thị trường nghệ thuật và sự đầu cơ, ám chỉ cách mà những vật bình thường có thể được gán giá trị phi lý dựa trên bối cảnh.

 

3. Thách thức nhận thức giá trị

Việc quả chuối phải được thay thế khi hư hỏng không làm giảm giá trị của tác phẩm mà còn nhấn mạnh ý niệm về sự tạm thời và phi vật chất trong nghệ thuật. Giá trị thực sự nằm ở chứng nhận tính nguyên bản và “ý tưởng biểu hiện”, thay vì vật thể vật lý.

 

4. Phản ứng từ công chúng

Tác phẩm gây tranh cãi, với nhiều người chỉ trích giới nghệ thuật là “điên rồ” khi chi trả một số tiền khổng lồ cho một quả chuối. Nhưng đồng thời, nó thu hút sự chú ý, trở thành tâm điểm thảo luận văn hóa, vượt xa vai trò thông thường của một tác phẩm nghệ thuật.

 

5. Ý nghĩa văn hóa

“Comedian” kết nối nghệ thuật, meme, và cộng đồng tiền điện tử. Justin Sun, người mua tác phẩm, mô tả nó như một biểu tượng văn hóa toàn cầu. Hành động của hắn — dự định ăn quả chuối sau khi mua — càng củng cố tính ý niệm và tính trình diễn của tác phẩm.

 

Vì thế, “Comedian” không chỉ là một quả chuối dán tường, mà còn là tuyên bố táo bạo về nghệ thuật, giá trị, và văn hóa tiêu dùng. Nó ép chúng ta suy nghĩ về cách nghệ thuật và thị trường tương tác, và thậm chí về mối quan hệ giữa ý nghĩa và vật chất trong xã hội hiện đại.

 

 

VẬY, NÊN CƯỜI HAY KHÓC?

 

Giời ạ, nghệ thuật thế kỷ 21 chạm đỉnh cao… với một quả chuối. Một quả chuối giá 6,2 triệu USD, chưa tính phí vận chuyển hay phí thay mới vì “lỡ chuối thối”. Có lẽ Maurizio Cattelan đã dạy cho chúng ta bài học về giá trị cuộc sống: đôi khi, thứ vô giá trị nhất có thể là thứ đắt giá nhất. Hay nói đúng hơn, giá trị là khi bạn biết bán cái vô nghĩa bằng một câu chuyện đủ hay ho (sell nonsense with a good enough story).

 

Nhưng hãy chậm lại một chút — đừng vội coi quả chuối là đỉnh cao nghệ thuật! Có thể Cattelan không sáng tạo ra nghệ thuật, mà là một cú đùa rất “phạc”: một cú tát vào mặt những kẻ xem tiền là thước đo duy nhất của giá trị. “Nghệ thuật”, trong tay tên Ý này, biến thành cái bẫy ngọt ngào mà giới nghệ thuật lao đầu vào như con thiêu thân lao vào ánh sáng của… quả chuối vàng óng!

 

Justin Sun — nhà đầu tư tiền điện tử và giờ đây là ông chủ chuối vàng triệu đô — cũng đâu phải tay vừa. Anh hùng họ Tôn này mua chuối về, không phải để ngắm, mà để ăn. Một hành động đầy hào phóng với lịch sử nghệ thuật: “Giá trị nằm trong hành động tiêu diệt giá trị” (The value lies in destroying the value)! Đã vậy, mua hẳn được cái danh toàn cầu thế thì còn quá rẻ.

 

Hãy tỉnh táo khi cười — đây không chỉ là trò hề nghệ thuật, mà còn là một bài thử nghiệm xã hội quá tinh vi, một cú phác họa nền văn minh đang được xây dựng trên những quả chuối dán keo và những câu chuyện được thổi phồng.

 

Có thể Cattelan không phải nghệ sỹ, mà là “gã hề toàn cầu”; quả chuối của gã không chỉ là một tác phẩm, mà còn là cú troll nghệ thuật lớn nhất lịch sử. Và chúng ta, những khán giả “mua vé vào xem”, đều đang bị/được diễn vai trò chính trong vở hài kịch này!

[Phong Vệ biên & tổng hợp]