Thử tìm hiểu ai là tác giả bài văn tế một công chúa (Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009; Tr. 59 - 60),
Cập nhật lúc 11h54, ngày 16/11/2010
THỬ TÌM HIỂU AI LÀ TÁC GIẢ BÀI VĂN TẾ MỘT CÔNG CHÚA
(Thế Anh)
Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Trên Tạp chí Hán Nôm số 5 (84) - 2007 có bài Một số suy nghĩ về văn tế Việt Nam thời Trung đại của TS. Phạm Tuấn Vũ. Trong bài viết tác giả có nêu dẫn chứng và đánh giá cao một bài văn tế. Đó là bài văn tế một công chúa mà tác giả cho là bài văn tế đầu tiên của Việt Nam:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu
Hoa tàn, nguyệt khuyết.
Về tác giả bài văn tế này thì có một số nhà nghiên cứu như Dương Quảng Hàm trong cuốn Văn học Việt Nam (Nxb. Trẻ, 2003), Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển thuật ngữ văn học (Nxb. Giáo dục, 2004) cho là của Mạc Đĩnh Chi, còn Phạm Tuấn Vũ thì thận trọng hơn, anh không khẳng định là của Mạc Đĩnh Chi nhưng cũng không cho đó là của người Trung Quốc.
Trong cuốn Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề in trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (Tập I, Nxb. Thế giới, 1997) có chép bài thơ này kèm theo lời dẫn như sau:
"Bấy giờ Hậu phi Bắc triều chết. Triều đình làm lễ tế, sai ông (tức Mạc Đĩnh Chi - TA) đọc văn tế. Ông mở văn tế ra thì chỉ thấy có 4 chữ "nhất". Ông đọc luôn rằng:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu,
Hoa tàn, nguyệt khuyết.
Người Trung Quốc rất lấy làm kính phục. Bài văn tế này có chép ở Bắc sử. Có người bảo là của Lý Thái Bạch làm. Nhưng xét kỹ lời văn và ý văn thì giống văn chương của ông, không biết có phải không? (tr.576)". Như vậy ngay từ thế kỷ XVIII Vũ Phương Đề (1698 - ?) cũng không khẳng định tác giả bài văn tế là Mạc Đĩnh Chi.
Trong cuốn Thơ văn Lý - Trần (Tập II, Quyển thượng, Nxb. KHXH, H. 1989) cũng ghi nội dung bài thơ và lời dẫn như trên có kèm theo lời kết luận "Thật ra tất cả những điều ghi chép trên đây chỉ là truyền thuyết, do nhân dân và nhà Nho nhiều đời hâm mộ Mạc Đĩnh Chi rồi từ một cái cốt ban đầu nào đó đã gán ghép thêm thơ văn người này người khác vào làm cho câu chuyện có hệ thống và trở nên đẹp đẽ. Do đó những thơ văn trên đây không thể xem là sáng tác của Mạc Đĩnh Chi được (tr.850).
Trần Trung Viên trong cuốn Văn đàn bảo giám (Nxb. Văn học 1999) thì vẫn ghi tác giả bài này là Mạc Đĩnh Chi nhưng lại cho vào mục giai thoại (tr.192).
Để xác minh nguồn gốc bài văn tế này chúng tôi đã tìm đọc cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (Nxb. KHXH, H. 1977) do cụ túc nho Phạm Trọng Điềm dịch. Trong phần tùng đàm của cuốn sách có đoạn: "Thuyết phu tùng thuyết nói: Dương Ức nhà Tống sang sứ phương Bắc, triều đình phương Bắc sai ông đọc bài văn kính tế hoàng hậu, ông bưng chúc văn để đọc thì chỉ thấy giấy trắng không một chữ gì cả. Ông liền tự đọc lên rằng: Duy linh, Vu sơn nhất đóa vân, Lãng uyển nhất đoạn tuyết, Đào nguyên nhất chi hoa, Thu không nhất luân nguyệt. Khởi kỳ, vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết. Phục duy thượng hưởng; nghĩa là: Kính nghĩ anh linh như một đóa mây Vu Sơn, một khối tuyết Lãng uyển, một cành hoa nguồn đào, một vầng trăng trời thu. Ngờ đâu mây tán, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết. Kính xin hâm hưởng. Chân Tông nhà Tống nghe biết việc này khen là có tài mẫn tiệp, làm rạng rỡ được thể diện trong nước. Thế mà tục truyền việc ấy là Nguyễn Đăng Cảo bản triều (tr.448)".
Căn cứ vào tư liệu trên đây thì tác giả bài Văn tế là Dương Ức sống dưới thời Tống Chân Tông khoảng năm 998. Ông là người thông minh, đỗ Tiến sĩ được Tống Chân Tông tin dùng cất nhắc lên giữ việc chế cáo kiêm chức Tu soạn trong Sử quán. Tống Chân Tông đã có thơ tặng và ca ngợi tài học của ông.
Như vậy là đã rõ, bài văn tế này là của Trung Quốc và người đời sau đã đem gán cho Mạc Đĩnh Chi cách sau đời Tống đến trên ba thế kỷ, đã tạo thành một câu chuyện giai thoại, và theo Lê Quý Đôn thì bài văn còn được gán cho Nguyễn Đăng Cảo (1619 - ?) sống cách đời Tống sau 600 năm! "Hai" bài văn tế tuy có khác nhau một số từ nhưng đều là những tiểu tiết không làm ảnh hưởng đến chủ đề chính của bài văn. Bài của Trung Quốc thì tế Hoàng hậu, bài "của Việt Nam" thì tế Hậu phi, tế Công chúa. Ta hãy so sánh:
BÀI CỦA TRUNG QUỐC
Vu Sơn nhất đóa vân
Lãng uyển nhất đoạn tuyết
Đào nguyên nhất chi hoa
Thu không nhất phiến nguyệt.
BÀI CỦA VIỆT NAM
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Trên đây là một vài tư liệu nhằm làm sáng tỏ một câu chuyện giai thoại lâu nay được gán cho Mạc Đĩnh Chi.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009; Tr. 59 - 60)