Một phần trong bức tranh “The Vow of Louis XIII” (Lời thề của Louis XIII) của họa sĩ người Pháp Jean Auguste Dominique Ingres, 1824, sơn dầu trên vải, trong tuyển tập Notre-Dame de Montauban. (Phạm vi công cộng)

 

 

Năm 1820 tại thành phố Firenze, Ingres bực bội gần phát hỏa trong phòng vẽ của ông.

 

Ông cần một người mẫu để tạo dáng cho tác phẩm mới của mình. Ingres nhờ người bạn thân Constantine (Abraham Constantin) giúp đỡ, không ngờ Constantine từ chối thẳng thừng. Đây là tác phẩm rất quan trọng đối với Ingres, đó là bức tranh lịch sử do Bộ Nội vụ Pháp ủy thác: "Lời thề của Louis XIII" - vẽ cảnh Vua Louis XIII của Pháp quỳ gối trước Đức mẹ Đồng trinh, giao phó Vương quốc Pháp cho Đức Mẹ, cầu xin Đức Mẹ Maria phù hộ. Ingres muốn sử dụng tác phẩm này để kỷ niệm chuyến trở về quê hương vinh quang của mình sau 20 năm sống ở Ý. Đây là một cơ hội lớn, cần phải thể hiện thật tốt.

 

Nhưng tại sao Constantine lại ngoan cố, không chịu nể mặt?

 

Nguyên là Ingres yêu cầu anh tạo dáng là tư thế Đức Mẹ Đồng Trinh bế Chúa Hài Đồng, nhưng để vẽ được cấu trúc cơ thể người chính xác, họa sĩ yêu cầu người mẫu phải khỏa thân hoàn toàn! Càng khó chịu hơn chính là, họa sĩ cố ý dành rất nhiều thời gian để hoàn thiện bức vẽ này...

 

Thảo nào Constantine không làm. Dù không thuyết phục được bạn nhưng Ingres không bỏ cuộc. Cuối cùng ông đã giải quyết thế nào?

Jean Auguste Dominique Ingres Lời thề của Louis XIII, 1824, sơn dầu trên vải, Notre-Dame de Montauban. (phạm vi công cộng)

 

 

 

Thật đơn giản, chỉ cần chuyển đổi vai trò. Tức là Ingres tự mình trèo lên bục cao của người mẫu, khỏa thân tạo dáng trong tư thế của Đức mẹ Đồng Trinh—nhưng thứ ông ôm không phải là Chúa Hài Đồng mà là một vật thay thế: một chiếc mũ. Đồng thời, để Constantine vẽ phác họa. Sau một vài bức phác họa, Ingres khá hài lòng với kết quả. Dù sao Constantine là một họa sĩ vẽ trên gốm có tiếng, kỹ thuật vẽ cũng rất tốt.

 

Vài năm sau, bức tranh “Lời thề của Louis XIII” này đã thành công rực rỡ ở Paris, nhưng không ai đặt câu hỏi về người mẫu để vẽ Đức Mẹ là ai!

 

Từ câu chuyện ngắn này, chúng ta có thể hiểu được thái độ nghiêm cẩn của hội họa truyền thống phương Tây. Ingres là một bậc thầy hàn lâm tân cổ điển. Trường phái hội họa cổ điển kế thừa tinh hoa của thời kỳ Phục hưng luôn coi trọng những kỹ năng cơ bản về phác họa chính xác, bao gồm cả sự huấn luyện nghiêm ngặt về cấu trúc cơ thể người và phối cảnh không gian.

 

Mặc dù bức tranh là Đức Mẹ Đồng Trinh mặc quần áo, nhưng để có một hình khối chuẩn xác, trước hết người họa sĩ phải nắm bắt được kết cấu nhân thể được bao phủ bởi bộ quần áo. Trên thực tế, nhiều họa sĩ cổ điển đã vẽ các nhân vật với những bản phác thảo khỏa thân trước, sau đó mới vẽ các nhân vật mặc quần áo. Đây là một quy trình vẽ vô cùng nghiêm ngặt và thái độ làm việc có trách nhiệm. Vì vậy, trường phái hội họa cổ điển thực sự là đỉnh cao của việc theo đuổi sự hoàn hảo trong hội họa phương Tây. Ingres có một câu nói nổi tiếng có thể dùng làm chú thích: "Sau một thời gian dài phác thảo, chúng ta mới tính đến việc bắt đầu vẽ (vẽ tranh sơn dầu). Chỉ trên một nền tảng vững chắc, chúng ta mới có thể yên tâm kê cao gối ngủ." ("Dessinez longtemps avant de songer à peindre. Quand on build sur un solid fondement, on dort silencele.")

 

Một bậc thầy tân cổ điển khác - Jacques Louis David, bản phác thảo của ông cho bức tranh "Le serment du Jeu de Paume" , cũng trước tiên vẽ các bản phác thảo khỏa thân làm cơ sở cho việc sáng tạo chính thức. (Phạm vi công cộng)

 

Chi tiết của bức tranh Le serment du Jeu de Paume của Jacques Louis David. (Phạm vi công cộng)

 

 

Tài liệu tham khảo: Artip

(Theo Sử Đa Hoa - Epoch Times)
(ntdvn.net; Thái Bình biên dịch)