CẢM HỨNG ĐỂ VIẾT TIỂU THUYẾT "CU CHÍ - CU PHONG" LÀ TỪ NHÂN VẬT JD VANCE
Cu Chí - Cu Phong là tiểu thuyết tự truyện. Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong, một nhà khoa học, một doanh nhân với cuộc đời trải qua nhiều nghịch cảnh, đã không đầu hàng mà vươn lên bằng đôi chân trần. Nhân vật Cu Chí - Cu Phong là hình ảnh ẩn dụ về chính tác giả: một đứa trẻ bị định kiến vùi dập, nhưng không sờn lòng, nản chí mà tận dụng năng lực và sức phấn đấu liêm chính giữa dòng đời sỏi đá để trở thành người kiến tạo giá trị cho xã hội.
Theo tác giả, tiểu thuyết là một hành trình thật – không tô vẽ – đầy nước mắt, nghị lực, và khát vọng sống. Nhân vật là chủ thể, không đổ lỗi cho thời thế, không tìm cách biện minh nhưng xác định giá trị và vì giá trị mà bươn tới để đạt lấy giá trị.
Ông muốn chia sẻ một bài học Phong để hiểu rõ tâm tình của ông sống động cho những ai từng bị bỏ trước khi khám phá các bí kíp thành lại phía sau, nhưng vẫn ước nguyện đạt của ông được trình bày rõ ràng, và có ý chí để làm chủ chính cuộc mạch lạc nhưng không kém phần thực đời mình. Hãy đọc Cảm hứng và Lời Tự sự của Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong để hiểu rõ tâm tình của ông trước khi khám phá các bí kíp thành đạt của ông được trình bày rõ ràng, mạch lạc nhưng không kém phần thực tiễn, sôi động trong tác phẩm Cu Chí - Cu Phong.
Tôi và Ngọc Anh vẽ tranh; Phước và tôi viết văn; Hải phụ trách kiểu chữ và trang trí; chữ đẹp thì cả lớp đều có. Báo tường của lớp tôi từng được thiết kế dưới dạng chiếc thuyền giương buồm – buồm là thơ, thân là tranh. Có lần, báo tường làm như quyển “cạc-nê” dày một gang tay, đóng lên mặt gỗ, nhìn như cổ sử hùng tráng. Bút lá tre là thứ bút viết nên chữ đẹp như in máy. Những tác phẩm đầu tay ấy, với chúng tôi, là cả một phát minh.
Chúng tôi còn tự biên và dựng kịch dân ca Quảng Nam, được giải nhất toàn trường. Vở ấy – do Hữu Phước và tôi biên soạn – đến nay vẫn còn được lưu truyền như một vở kịch đặc sắc ở quê. Phước viết văn rất hay, sau này bạn ấy đạt giải II toàn trường Tiểu La với truyện ngắn Giàn mướp của mẹ – một tác phẩm đậm chất văn chương mà tôi thích.
Tôi thì luôn có tên trong đội tuyển học sinh giỏi Toán từ cấp 1 đến cấp 3, nhưng chưa bao giờ đoạt giải. Có lẽ, tôi không thật sự yêu Toán – mà say mê Văn và Sử hơn. Thầy cô luôn chọn tôi làm “cán bộ chuyên Toán”, giao nhiệm vụ giải tất cả bài khó trong SGK cho lớp, phải xong trong 30 phút, trước giờ học chính thức.
Ngoài học, lớp tôi còn giỏi văn nghệ – hát, kịch, ảo thuật. Tôi nhớ lần diễn trên sân khấu làng, tôi – một Cu Phong gầy đen, ôm nhách – cầm khăn mù-soa lau mặt, rồi bất ngờ đốt cháy bừng sáng trước cả hàng trăm khán giả. Khi lửa tắt, khăn vẫn trắng tinh. Khán giả vỗ tay như sấm.
Có người xì xào:
– Thằng Cu Phong có tà… đốt khăn cháy rừng rực mà khăn còn nguyên. Pháp sư chăng?
Họ đâu biết: tôi nhúng khăn vào nước trước, tiếp đến là cồn. Khi đốt, cồn cháy hết, nước còn nên khăn không cháy. Ảo thuật đơn giản bằng hóa học – cô Thanh dạy Hóa đã luyện tôi kỹ lưỡng.
Tôi còn trình diễn tiết mục tưới nước ra lửa (tưới H₂O vào natri– Na), phản ứng sinh nhiệt, tạo ra lửa cháy rực. Và cũng dung dịch ấy, tôi tạt lên background làm hiện chữ "Lớp 9A yêu thương". Bởi chữ được dán lên phông bằng các sợi phenol- phtalein không màu, các sợi này khi gặp bazơ sẽ chuyển màu hồng.
Dân làng cho là phép màu, là mẹ tôi hiển linh phù hộ. Nhưng đó là khoa học – tôi học được từ phòng thí nghiệm đơn sơ của trường.
Môn Hóa học – từ những lần thí nghiệm cháy bỏng ấy – theo tôi suốt đời. Dù vài lần bị xút bắn gây bỏng, để lại mấy vết sẹo nơi cánh mũi – “đặc điểm nhận dạng” ghi rõ trong thẻ căn cước. Nhưng với tôi, đó là vết sẹo đẹp – vì nó đánh dấu khởi đầu cho giấc mơ khoa học.
Sau này, tôi đậu 5 trường Đại học thuộc khối B (Toán-Lý-Hoá) với điểm Hóa luôn trên 9.5. Chính môn học ấy là nền tảng cho công ty Vidan – nơi tôi sáng lập, nơi biến kiến thức hóa học thành các sản phẩm phục vụ nông nghiệp và xử lý môi trường.
Chúng tôi dìu nhau qua gian khổ, nâng nhau đi học, đến khi gom lại chỉ còn khoảng mười đứa – phần còn lại bỏ học vì đói, vì nghèo, vì không thấy ánh sáng tương lai.
Quê tôi là rốn của bão tố và lũ lụt – năm nào cũng năm bảy trận bão, kèm một trận lụt lớn. Cuộc sống đã khốn khó, thiên tai lại càng dập vùi.
Đêm 20/5/1989, đài loan tin bão số 2 – cơn bão Cecil. Chúng tôi đang ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 thì gió nổi lên từng cơn dữ dội. Căn nhà lá của Phước lắc lư, nghiêng ngả. Chúng tôi đội mưa, dựng cọc chống gió, dùng dây thừng giữ mái nhà, kéo ngược hướng gió. Mưa quất, gió rú như muốn bốc cả đám học trò lên trời. Sách vở ướt nhòe mực tím. Nhưng thay vì sợ hãi, chúng tôi vẫn cười đùa: “Trời của ta, đất của ta, căn nhà này cũng là của ta – không thể sụp!”
Chúng tôi gồng mình giữ lại một mái nhà – nơi sinh hoạt, học tập, nơi đã dựng nên những kỳ tích báo tường, văn nghệ, ảo thuật, thành tích học tập và cả ước mơ.
Gió lặng, căn nhà còn – chúng tôi ôm nhau, mừng rơi nước mắt.
Sáng hôm sau, chúng tôi ủi lại áo quần ướt đẫm đêm qua, băng qua đường làng tan hoang, cây ngã chắn lối, nhà sụp xiêu vẹo, đến trường thi. May thay, kỳ thi hoãn lại – chờ lịch mới.
Sân trường xác xơ, dương liễu trốc gốc, cột cờ gãy đôi. Nhưng chúng tôi thì không gãy – dù bé nhỏ, khốn khó, mồ côi, nhưng đã đi qua được cả một cơn bão khủng.
PHẦN 4.5: Rời làng lên thị trấn
Sau cơn bão dữ dội, kỳ thi tốt nghiệp PTCS được tổ chức lại bằng đề phụ. Tôi còn nhớ như in đề Văn năm ấy:
“Hãy bình luận câu tục ngữ:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Tôi – một đứa học Toán, viết văn dở tệ. Nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy, tôi lại mạnh dạn mở bài bằng câu:
“Trong cuộc sống, tôi không thể sống cho tôi. Anh không thể sống cho anh. Tôi và anh cùng sống cho một cái chung nhất.”
Đó là lần đầu tiên tôi xưng “tôi” trong một bài văn thi – dù thầy cô vẫn dặn dùng “em” mới đúng mực. Có lẽ sau cơn bão Cecil, tôi đã mạnh mẽ hơn. Và cũng lần đầu tiên, tôi được 9,5 điểm Văn – cao nhất kỳ thi hôm ấy.
Toán là sở trường, Sử là đam mê, Địa thì siêng học. Nên với cú bứt phá từ môn Văn, tôi đạt tổng điểm 36,5 cho bốn môn thi – một con số cao ngất, giúp tôi đứng đầu toàn trường.
Bài viết ấy khắc sâu trong ký ức tôi – như một kỳ tích, bởi suốt bao năm, Văn luôn là môn tôi sợ nhất.
Tôi từng ngồi cạnh bạn Phước – người viết Văn như gió. Mỗi bài tập làm văn, bạn viết mấy trang giấy, xin thêm giấy, còn tôi thì rặn mãi cũng chưa hết một mặt. Cô giáo nào cũng phê:
“Có ý hay, song viết quá ngắn.”
Vậy mà kỳ lạ thay, sau bão Cecil, tôi viết liền ba trang giấy xấp đôi – chữ nghĩa tuôn ra như nước lũ, mở bài như ông cụ non. Cái “tôi” trong bài Văn hôm ấy không chỉ là một đại từ, mà là lời thức tỉnh tôi mang theo cả đời:
Phải sống cho một cái chung nhất! Không thể chỉ sống cho riêng mình.
Tôi từng viết trong bài phân tích thơ Giang Nam, câu:
“Giặc bắn em rồi quăng mất xác Chỉ vì em là du kích, em ơi!”
Tôi thắc mắc:
“Nếu em không là du kích, thì liệu có bị bắn? Bởi quân lính các nhà binh đánh nhau, hiếm khi bắn dân, trừ khi lạc đạn…”
Cô giáo gọi tôi lên, nhẹ nhàng nói:
– Em nên bôi đoạn ấy đi, đừng hỏi vì sao!
Tôi nghe lời, dù chưa hiểu hết sức mạnh và ranh giới của văn chương trong một xã hội còn nhiều khuôn phép.
Lần khác, cô ra đề:
Phân tích tình yêu trong bài Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn.
Tôi cắn bút. Câu thơ:
“Khung cửa sổ, hai nhà cuối phố Chẳng hiểu vì sao, không khép bao giờ” làm tôi bối rối.
“Chắc người ta quên đóng thôi, có gì mà phải làm thơ?” – tôi cằn nhằn, trong khi đứa bạn sát bên lại viết hàng trang.
Tôi cãi với nó, rồi nó chỉ nói một câu:
- Mày chưa biết yêu. Thì làm sao hiểu nổi cái cửa sổ không khép?
Nó hỏi tiếp:
- Làng mình có đứa con gái nào đẹp không, mày thử kể một đứa mày thấy đẹp xem?
Tôi ú ớ – thật sự, tôi không biết “đẹp” là như thế nào. Nó lắc đầu:
- Đó, con gái mà mày còn chưa biết đẹp ra sao, thì làm sao mày hiểu được những
bài thơ tình yêu đầy lãng mạn. Họ không cần nói, nhưng trong đáy mắt của họ luôn có nhau. Mày có thấy hình ai trong mắt của mày bao giờ chưa?
Tôi gãi đầu, mắt tròn xoe. Câu thơ ngắn củn mà đằng sau là câu chuyện tình sâu sắc ... tôi chưa từng trải nghiệm.
Từ lớp 6 đến lớp 9, tôi chẳng biết rung động là gì. Tôi chơi với Thùy, với Hoa… như chơi với mấy thằng bạn trai. Sau mỗi buổi học nhóm ở nhà Phước, chúng tôi ngủ chung, ôm nhau mà chẳng hề bận tâm đến giới tính. Bởi vậy, tôi chẳng thể hiểu được cái “không khép” đầy thơ kia, và điểm Văn lẹt đẹt cũng là điều dễ hiểu.
Lên lớp 10, chúng tôi chuyển lên học tại một ngôi trường gần đình Tiền Hiền Trà Đoá – nơi tụ hội học sinh từ 7 xã miền Đông. Nhưng sĩ số cả khóa chỉ dăm ba chục người.
Lớp cứ vơi dần, rồi vơi mãi… Đến mức trường không thể duy trì, và đóng cửa. Lớp tôi phải di dời lên thị trấn Hà Lam – vùng đất từng là Phủ Thăng Hoa của triều Nguyễn hơn 500 năm trước.
Ngôi trường mới mang tên nhà cách mạng Tiểu La - Nguyễn Hàm, người đã dựng trường này để tặng đồng bào nhằm khơi nguồn một phong trào học tập nâng tầm kiến thức để kháng Pháp. Đó là trường trung học duy nhất ở Việt Nam mang tên ông.
Nhưng khi chúng tôi đến, cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng. Lớp tôi bị đẩy vào một nửa căn phòng thư viện cũ, tối om, chỉ có hai cửa sổ nhỏ nhìn ra sân trường.
Chúng tôi bị xem như “con ghẻ” – phần vì quê mùa, nghèo khó, đứa nào cũng đen sạm, tay chân thô ráp vì nắng gió; phần vì lớp có quá nhiều học sinh cá biệt.
Dần dần, nhiều bạn bỏ học. Lớp chỉ còn 28 người. Và đau nhất, Phước – người bạn giỏi Văn nhất lớp – cũng nghỉ học.
Tôi thấy trống rỗng. Từ đây, môn Văn không còn ai để tôi học hỏi.
May thay, chúng tôi có cô Hà – giáo viên Văn, đồng thời là chủ nhiệm. Thầy cô khi ấy, không ai chịu nhận lớp tôi, vì sợ ảnh hưởng thành tích thi đua. Nhưng cô – giọng Huế nhẹ như mưa xuân – lại nhận lời.
Ban đầu, hai miền phương ngữ, âm điệu khác nhau. Cô giọng Huế; Bọn tôi giọng Quảng - Khiến cả lớp nhìn nhau, khó hiểu hết ý cô. Nhưng rồi… cô trở thành thần tượng.
Cô xinh đẹp, hiền lành và có cách dạy Văn rất “văn”, rất "đời". Học trò nghèo chúng tôi thích được nghe cô đọc thơ, phân tích, giảng giải - như thắp sáng điều gì trong lòng mình.
Vài tháng sau, cô lấy chồng. Tin ấy như sét đánh ngang tai.
- Cô mình lấy chồng rồi! – cả lớp xôn xao. Đám con trai rầu rĩ, như vừa đánh mất điều gì rất đẹp, rất quý.
Cô mời cả lớp dự tiệc cưới – tổ chức đơn giản tại văn phòng Đoàn trường.
Lần đầu tiên, chúng tôi được đi dự đám cưới của một cô giáo – đứa nào cũng mặc bộ đồ đẹp nhất mình có.
Cô không nhận quà, chỉ nhận nụ cười hồn nhiên của những học trò nghèo.
Mà có lẽ, với cô – đó là món quà đẹp nhất.
Còn tôi, tôi được mặc cái quần - do nhà may Minh - Chợ Được thiết kế và sản xuất ra- Đó là kết quả dành dụm tiền từ mấy tháng đãi sạn tại sông Hương An, chở về Bình Đào bằng xe bò để bán cho người ta xây nhà. Sạn và xi măng dùng để đổ bê tông.
Cái quần rin ấy là một báu vật, được giữ kín với mùi thơm của hột long não, chỉ show ra cho một dịp gì đó rất quan trọng.
Phần 4.6: Chia tay trường PTTH Tiểu La
Từ ngày lên Thị trấn học, tôi phải tân trang lại chiếc xe đạp cũ – phương tiện duy nhất giúp tôi vượt gần chục cây số mỗi ngày để đến trường. Đó là chiếc xe dàn ngang, được tôi và bạn Hải liên tục “mông má”, thay màu sơn như thay áo: khi thì đỏ, khi thì xanh biển, có lúc lại là màu tím. Hễ có dịp đặc biệt nào đó, dù chỉ là một buổi sinh hoạt Đoàn hay tiết học ngoài trời, chúng tôi lại hì hục “đề mân tê” – dé- monter – dưới bóng tre râm mát với bộ đồ nghề đơn sơ nhưng đầy đủ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cái ghi-đông nhôm từ thời Pháp để lại và đôi pedal nhôm của Nga – không hiểu sao, chiếc xe tạp nham của tôi lại sở hữu hai “bảo vật” bền chắc này. Còn lại toàn đồ lặt vặt, xi-ba-chao: xích sên phải đảo chiều nhiều lần mới chạy, trục bị trật cóc liên miên, ổ bi méo mó phát ra tiếng kêu rột rạc mỗi lần đạp.
Nhiều bạn khác thậm chí còn không có pedal, chỉ đạp bằng trục trơ nhọn hoắt. Ấy vậy mà vẫn đi học đều đặn, không than vãn.
Năm lớp 12, chương trình học nặng nề hơn. Tôi được chọn vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Toán của trường, gồm khoảng mười bạn đến từ các lớp: Phong, Đ. Hải, Tiến, Thi, Dũng, Vũ, Cường, Khôi… Cuối cùng, cả nhóm “rớt sạch trơn”. Trường Tiểu La dường như không có duyên với môn Toán, nhiều thế hệ học sinh giỏi đều chịu chung số phận. Ngược lại, môn Văn thì rực sáng. Những cái tên như Phan Thị Lựu từng đem về giải quốc gia. Tôi vẫn tiếc cho Phước – bạn học của tôi – người có thể đi xa với Văn chương nếu không bị cuộc sống nghèo khổ ép lui giữa đường.
Lớp tôi chỉ còn lại 28 học sinh, đại diện cho 7 xã vùng Đông của huyện Thăng Bình. Chúng tôi là những đứa trẻ đã được tôi luyện qua đói nghèo, thử thách và ý chí vượt lên số phận. Sau này, hầu hết đều thành công: người tốt nghiệp đại học, người có công việc ổn định, có bạn trở thành giáo sư, tiến sĩ.
Tôi nhớ mãi thầy Đồng – dạy Sử kiêm Hiệu phó. Một buổi học, thầy hỏi:
– Hãy nêu nhược điểm của Chủ nghĩa Xã hội?
Lớp im phăng phắc. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi như thúc giục. Tôi đứng lên, đáp:
– Thưa thầy, xét về lý thuyết, Chủ nghĩa Xã hội… không có khuyết điểm ạ!
Viên phấn trên tay thầy rơi xuống bục giảng. Sau buổi học, thầy gọi tôi vào phòng riêng, hỏi thăm gốc gác: con nhà ai, cha mẹ làm gì, ở đâu. Có lẽ thầy muốn ghi nhớ điều gì đó. Sau cùng, thầy nhìn tôi, nói chậm rãi:
– Sau này em ra đời… hoặc là đứng trên người khác, hoặc là bị người khác đạp dưới gót.
Tôi không hiểu hết lời ấy, chỉ thấy cổ họng khô khốc, uống vội ngụm nước thầy rót.
Nhiều năm sau, anh Hiệp – một cán bộ cấp huyện – vẫn thường nhắc lại câu nói ấy. Đúng như lời thầy tiên đoán, tôi từng bị dìm xuống tận đáy, rồi lại gượng dậy, tiếp tục bước đi.
Khoá học của tôi chứng kiến nhiều biến động lớn: toàn bộ hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ liên hoàn. Rừng làng tôi, lô cốt mọc lên san sát; chó sủa inh ỏi hằng đêm vì du kích mai phục dọc các cánh rừng. Ngay gần nhà bạn Phước, trên động cát cao, một lô cốt bê tông được xây lên như chuẩn bị cho một cuộc chiến nào đó.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện về phi hành gia Sergei Krikalev – người bay lên trạm Mir khi Liên Xô còn tồn tại, nhưng khi trở về, liên bang đã tan rã. Ông rơi xuống một quốc gia khác, còn quân phục vẫn thêu cờ Liên Xô – một biểu tượng đầy chua xót cho biến động thời đại.
Sự chuyển mình của thế giới kéo theo những thay đổi cả trong sách vở.
Sang học kỳ II, chúng tôi được học văn học 1930–1945 – những tác phẩm từng bị cấm, nay được “cởi trói”.
Đề thi tốt nghiệp năm ấy: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Những hình ảnh như “Đoàn quân không mọc tóc” gợi tôi nhớ đến ba tôi – người lính gầy rộc trong trại tù Tiên Lãnh. ª
(Xem tiếp tuần tới)