Nhận thức về căn bệnh ung thư cổ tử cung Nguồn: Getty

 

 

 

 

Úc có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa bỏ vĩnh viễn ung thư cổ tử cung. Chính phủ quốc gia, Ủy hội Ung thư và Tổ chức Y tế Thế giới đã cùng hợp tác nhằm đặt ra các mục tiêu vững chắc. Tuy nhiên, theo phúc trình cho biết, điều quan trọng để đạt được mục tiêu này đó là Úc phải vượt qua các rào cản văn hóa.

 

 

Những người sống sót đã chia sẻ cảm nghĩ về thách thức khó khăn và lâu dài mà họ phải đối mặt, khi căn bệnh ung thư cổ tử cung làm rung chuyển thế giới của họ từ trong cốt lõi.

 

 

‘Các bác sĩ đọc kết quả và thông báo rằng tôi đã bị ung thư cổ tử cung. Tôi phải nói với bạn rằng đó là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi bởi vì biết rằng bị ung thư, đối với tôi gần như là một bản án tử hình. Bản án đó đã tước đi tất cả niềm hạnh phúc, và toàn bộ cuộc sống của tôi, nó thật sự khủng khiếp.’

 

 

Một người sống sót khác cho biết:

‘Tôi gần như không thể chấp nhận kết quả đó trong một thời gian dài, vì cảm thấy tôi không thể là một bệnh nhân ung thư khi mới 26 tuổi. Tôi còn quá trẻ.’

 

 

Câu chuyện của họ được ghi lại trong chương trình ‘Hành động nhằm Xóa bỏ Ung thư Cổ tử cung'. Đây là chương trình hợp tác giữa chính phủ Úc, Ủy Hội Ung thư và Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Ung thư cổ tử cung là một kẻ giết người trên thế giới, và là một kẻ giết người đáng kể tại nước Úc.

 

Theo Dữ liệu Ung thư quốc gia AIHW, chỉ trong năm nay 2020, tại Úc đã có khoảng 930 ca bệnh ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán và hơn 200 trường hợp đã tử vong.

 

 

Tiến sĩ Adele Murdolo đến từ Trung tâm Đa văn hóa, thuộc tổ chức Sức khỏe Phụ nữ nói chìa khóa để xóa bỏ căn bệnh này là phải hướng dẫn và giáo dục cho người dân Úc bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.

 

 

‘Công việc chính của chúng tôi là cung cấp sự giáo dục y khoa cho những phụ nữ không thể tiếp nhận những thông tin này. Vì vậy, chúng tôi đi ra ngoài và cung cấp thông tin về việc tầm soát ung thư cổ tử cung và về vaccine nữa. Đây là những thông tin thực sự quan trọng nếu chúng ta muốn loại bỏ vĩnh viễn căn bệnh này. Những gì chúng tôi biết là phụ nữ di dân đặc biệt bị bỏ rơi trong quá trình sàng lọc. Họ không tham gia vào bất kỳ chương trình tầm soát ung thư nào và có tỷ lệ thấp hơn so với những phụ nữ khác trong cộng đồng.’

 

 

Một chiến lược toàn cầu được phát triển nhằm xóa bỏ bệnh ung thư cổ tử cung trên thế giới, cũng như thực hiện các kế hoạch kiểm soát ung thư cổ tử cung tại từng quốc gia.

 

Chương trình được thiết kế có mục tiêu cải thiện sức khỏe cho người phụ nữ, xây dựng một hệ thống y tế hữu hiệu hơn cũng như giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng.

 

Giáo sư Karen Canfell là Chủ tịch Ủy ban Sàng lọc và Miễn dịch thuộc Ủy Hội Ung thư.

 

 

Nghiên cứu của nhóm bà phát hiện rằng sẽ có hơn 62 triệu người được cứu mạng trong 100 năm tới, nếu 78 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới cùng nỗ lực điều trị và phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung.

 

‘Ung thư cổ tử cung là một vấn đề lớn trên thế giới. Tại nhiều nước, đây là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Thật không may là những quốc gia này lại là những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Mỗi năm có tới hơn 300 ngàn phụ nữ qua đời vì bệnh ung thư cổ tử cung. Vì vậy, ngay cả trong bối cảnh của Covid-19, thì đây vẫn là một cuộc khủng hoảng nằm trong khủng hoảng, nó đang xảy ra và sẽ gây ra cái chết của hàng trăm nghìn phụ nữ nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ.’

 

Nghiên cứu của nhóm bà dự đoán việc loại bỏ ung thư cổ tử cung có thể đạt được trên thế giới vào năm 2100, và Úc có thể xóa bỏ căn bệnh này sớm hơn nữa, vào năm 2035.

 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, mỗi quốc gia trên thế giới cần phải hoàn thành được ba mục tiêu trước năm 2030.

 

 

Đó là 90% các bé gái phải được tiêm chủng, 70% được nhận bảo hiểm để kiểm tra cổ tử cung hai lần trong đời và 90% được điều trị ung thư xâm lấn miễn phí.

 

Đối với phụ nữ Úc, các nghiên cứu và giáo dục về căn bệnh này đã bắt đầu tại các trường học, và thường bắt đầu sớm nhất khi các nữ sinh được 11 tuổi.

 

 

Tiến sĩ Murdolo cho biết 80% người di dân tới Úc sau khi họ đã tốt nghiệp trung học, vì vậy họ đã không được tiêm chủng phòng bệnh này và có thể không được giáo dục về căn bệnh.

 

 

Người ta tưởng rằng di dân thuộc các cộng đồng sắc tộc cũng được tiếp cận thông tin y tế ở phạm vi rộng và đa dạng như những người Úc khác nhưng thực tế không phải như vậy.

 

 

Tiến sĩ Murdolo nói rằng điều này không đơn giản là do văn hóa, do năng lực tiếp nhận của di dân hay do có quá nhiều thông tin không biết nghe chỗ nào.

 

 

Hơn 90% trường hợp tử vong vì ung thư cổ tử cung xảy ra tại các khu vực kém phát triển hoặc trong các cộng đồng kinh tế xã hội thấp kém.

 

 

Giáo sư Canfell nói những khu vực này cần được ưu tiên, và Úc phải giải quyết được những vấn đề này ngay trong sân nhà mình.