Biểu tượng của OpenAI được hiển thị trên điện thoại di động với hình ảnh trên màn hình máy tính được tạo ra bởi ứng dụng Dall-E của ChatGPT, ngày 8 tháng Mười hai năm 2023, tại Boston. (Ảnh AP/Michael Dwyer). Nguồn: AP / Michael Dwyer/AP

 

 

THẾ GIỚI - Trí tuệ / trí thông minh nhân tạo tạo sinh (generative A.I) đang bùng nổ trên toàn cầu, nhưng sự phát triển mạnh mẽ này cũng kéo theo những lo ngại nghiêm trọng về tác động môi sinh. Khi nhu cầu tính toán dữ liệu tăng cao, các trung tâm dữ liệu - “bộ não” đứng sau công nghệ A.I - đang tiêu tốn lượng lớn điện năng và nước, khiến các chuyên gia kêu gọi chính phủ và các tập đoàn công nghệ cần hành động khẩn cấp để hướng tới phát triển bền vững.

 

Hơn 400 triệu người dùng hàng tuần với tổng cộng một tỷ lượt yêu cầu mỗi ngày, đó là con số ước tính về mức độ phổ biến của ChatGPT. Và đó mới chỉ là một công ty.

 

Trên thực tế, hiện có hàng ngàn chatbot trí tuệ / trí thông minh nhân tạo (A.I) đang tính toán hàng triệu lượt truy vấn mỗi ngày từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng đằng sau sự tiện lợi gần như “vô hình” ấy là một tác động môi sinh rất lớn mà nhiều người chưa từng nghĩ đến.

 

Tiến sĩ Ascelin Gordon, Giảng viên cao cấp về Phát triển bền vững tại Đại học RMIT Melbourne, cho biết:

 

“Khi làn sóng A.I bùng nổ cách đây vài năm, tôi bắt đầu quan tâm đến dấu chân sinh thái mà việc sử dụng A.I ngày càng gia tăng này gây ra. Và từ đó tôi bắt đầu nghiên cứu mối liên hệ giữa việc sử dụng A.I, các trung tâm dữ liệu và những tác động môi sinh liên quan.”

 

Ông giải thích rằng A.I đòi hỏi lượng lớn năng lượng để đào tạo và vận hành:

 

“A.I cơ bản được vận hành trong các trung tâm dữ liệu. Khi có một mô hình A.I, đầu tiên nó cần được huấn luyện, điều này tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên. Việc huấn luyện diễn ra tại các trung tâm dữ liệu lớn, sau đó mô hình được khai triển để người dùng tương tác. Vấn đề là có thể có hàng triệu người dùng truy cập mô hình mỗi ngày. Và tài nguyên tiêu tốn sẽ tăng lên rất nhanh.”

 

Trong nhiều năm, các trung tâm dữ liệu giữ mức tiêu thụ năng lượng khá ổn định. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của A.I đang đẩy nhu cầu này lên cao chưa từng thấy.

 

Nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs năm 2024 cho thấy, một truy vấn với ChatGPT sử dụng gần gấp 10 lần năng lượng so với một lần tìm kiếm trên Google.

 

Thậm chí, đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh cho phép một số nhà máy điện than không bị đóng cửa theo kế hoạch, nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt.

 

Hiện có khoảng 7.000 trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, và con số này đang tăng nhanh chóng.

 

Tiến sĩ Ascelin Gordon, Giảng viên cao cấp về Phát triển bền vững tại Đại học RMIT Melbourne, nói “Giờ đây, người dùng không chỉ tạo văn bản mà còn tạo hình ảnh, âm thanh và thậm chí video. Những hoạt động đó tiêu thụ lượng điện và nước cao hơn gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với truy vấn văn bản thông thường.”

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng một trung tâm dữ liệu chuyên phục vụ A.I có thể tiêu thụ lượng điện bằng 100.000 hộ gia đình. Các trung tâm lớn nhất hiện đang xây dựng có thể tiêu thụ gấp 20 lần con số đó.

 

Tính đến năm 2024, các trung tâm dữ liệu chỉ chiếm khoảng 1,5% mức tiêu thụ điện toàn cầu, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ.

 

Không chỉ tiêu thụ điện năng, A.I còn là “cơn khát” nước.

 

Một số nghiên cứu cho rằng chỉ cần khoảng 20–50 truy vấn tới ứng dụng nói chuyện với người máy (chatbot) A.I có thể tiêu tốn tới nửa lít nước, chủ yếu là cho việc làm mát máy chủ.

 

Giáo sư Seyedali Mirjalili, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Tối ưu hóa Trí tuệ / Trí thông minh Nhân tạo tại Đại học Torrens (Adelaide), chia sẻ:

 

“Điều đó còn phụ thuộc vào mô hình bạn sử dụng, một số thì nhỏ, một số thì rất lớn. Trung tâm dữ liệu là nơi lưu trữ dữ liệu, chứa nhiều dãy máy chủ nên cần lượng điện rất lớn để vận hành. Đồng thời cũng cần rất nhiều nước để làm mát, đó là lý do tiêu thụ nước rất cao.”

 

Bên cạnh đó, còn có một vấn đề đáng báo động khác: rác thải điện tử (e-waste).

Tiến sĩ Gordon cảnh báo:

 

“Khi các trung tâm dữ liệu mọc lên khắp nơi, lượng rác thải điện tử từ những máy tính bị thay thế ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề e-waste là vô cùng quan trọng.”

 

Các chuyên gia đang kêu gọi chính phủ và các công ty công nghệ cần đưa ra các quy định về môi sinh cho hoạt động A.I, từ giám sát lượng tiêu thụ điện và nước đến việc bảo đảm A.I phù hợp với các giá trị nhân văn.

 

Giáo sư Seyedali Mirjalili, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Tối ưu hóa Trí tuệ / Trí thông minh Nhân tạo tại Đại học Torrens (Adelaide), nói: “Những yếu tố khác cũng cần được quy định và ưu tiên, như hiệu suất sử dụng điện, hiệu suất dùng nước, và bảo đảm rằng A.I phù hợp với các giá trị của con người. Tôi tin rằng điều này nên được đưa vào chương trình nghị sự của các chính phủ và tập đoàn lớn.”

 

 

Dù vậy, ông cũng tin rằng nếu được phát triển đúng cách, A.I có thể giúp nhân loại giải quyết chính những vấn đề mà nó đang góp phần gây ra:

“Nếu nghĩ về các công nghệ mới nổi có thể và sẽ giúp chúng ta đối phó với những thách thức toàn cầu, A.I chắc chắn là một trong số đó. Ví dụ như dự báo, mô hình hóa lượng phát thải của các công ty khác nhau, đó là những ứng dụng cụ thể mà A.I có thể hỗ trợ chúng ta hiểu rõ hơn và mô hình hóa biến đổi khí hậu.”

 

 

Với cách phát triển bền vững, trí tuệ / trí thông minh nhân tạo có thể trở thành một công cụ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, thay vì làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

 

 

(Theo SBS)