Hình ảnh ruồi lính đen bay trong ống thí nghiệm màu xanh lá cây (Ảnh: SBS).

 

 

Nhiều người cho rằng một trong những câu hỏi cấp bách nhất trong thời đại chúng ta là làm thế nào để giảm phát thải khí nhà kính? Các nhà khoa học Đức nói côn trùng có thể là nhân tố chính cung cấp nguồn thức ăn quý giá cho gia súc, từ đó có thể giảm bớt áp lực lên môi trường. Tuy nhiên ý tưởng này vẫn là một đề tài gây tranh cãi.

 

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Fraunhofer ở Đức đang xem xét cách mà côn trùng có thể được dùng làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi trong tương lai.

 

Giáo sư Andreas Vilcinskas từ Học viện nói các khu rừng nhiệt đới đang bị chặt phá với tốc độ đáng báo động chỉ để trồng đậu nành, cũng như việc đánh bắt cá quá mức để lấy bột cá đang gây hại cho các đại dương của chúng ta.

 

Ông nói mục đích nghiên cứu của học viện là làm cho côn trùng trở thành một lựa chọn thay thế cho việc sử dụng các protein có nguồn gốc từ đậu nành hay bột cá, thường được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

“Xin nói cho rõ là chúng tôi không quan tâm đến việc thuyết phục mọi người ăn côn trùng. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, mối quan tâm của chúng tôi là dùng côn trùng như một giải pháp thay thế cho việc sử dụng protein có nguồn gốc từ đậu nành, bởi vì sự phát triển quy mô lớn gieo trồng đậu nành là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng nhiệt đới. Vì vậy, để sản xuất protein bền vững hơn, chúng ta cần giải pháp thay thế. Và tôi thấy côn trùng là một công cụ hoàn hảo để dùng trong việc sản xuất lương thực và thức ăn cho nuôi trồng thủy sản cũng như gia súc.”

 

Một số người chỉ trích việc nuôi trồng côn trùng hàng loạt để làm thực phẩm nói rằng có quá nhiều điều chúng ta chưa biết và không có sự đồng thuận trong việc nuôi côn trùng một cách có đạo đức nghĩa là gì.
 

Một nghiên cứu năm 2019 từ Thụy Điển nói tác động môi trường trong tương lai của việc nuôi trồng côn trùng hàng loạt phần lớn là chưa được biết đến.
 

Ngoài ra còn có những lo ngại về điều gì sẽ xảy ra nếu côn trùng vô tình được thả vào một quốc gia nhập cảng.
 

Giáo sư Vilcinskas nói việc nuôi côn trùng phải đối mặt với một hạn chế lớn khác.
“Protein có nguồn gốc từ côn trùng vẫn đắt hơn nhiều so với protein có nguồn gốc từ đậu nành. Đó là vấn đề về giá cả. Và bạn có hai cách để tạo ra nguồn protein từ côn trùng, chẳng hạn như nuôi trồng côn trùng hàng loạt, thì kinh tế hơn. Bạn có thể giảm chi phí, qua việc tạo ra thức ăn gia súc rẻ. Vì vậy, chúng tôi đang phát triển chế độ nuôi côn trùng dựa trên các dòng sản phẩm phụ trong nông nghiệp vốn không thể sử dụng được ở nơi nào khác nữa. Và thứ hai, bạn cũng có thể phát triển các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thực tế, mọi thứ từ côn trùng đều có thể được phát triển thành sản phẩm giá trị cao. Bản thân protein có thể được cải thiện. Ví dụ, chất béo có thể được phát triển thành chất nhờn chất lượng cao để thay thế dầu hóa thạch. Chất chitin và chitinozoan chẳng hạn có thể được phát triển cho mỹ phẩm, hoặc để bào chế thuốc. Có rất nhiều ứng dụng từ protein của côn trùng."

 

Giáo sư Vilcinskas nói ấu trùng của ruồi lính đen có thể làm thức ăn gia súc rất tốt.
 

Đảo Sumatra tại Indonesia sẽ sớm trở thành một nơi có trang trại ruồi lính đen lớn nhất thế giới, ước tính trị giá hơn nửa tỷ đô la.
 

Các nhà nghiên cứu nói ví dụ ở Indonesia và Malaysia, chất thải từ quá trình sản xuất dầu cọ thường bị đốt cháy hoặc để cho thối rữa, và cả hai quá trình đều phát sinh khí nhà kính.
 

Trang trại ruồi lính đen đang được xây dựng bên cạnh một nhà máy dầu cọ khổng lồ như vậy.
 

Chất thải ra từ nhà máy dầu cọ sẽ được dùng để nuôi ấu trùng ruồi lính đen.
“Việc nuôi trồng và sản xuất côn trùng hàng loạt hiện nay đang bùng nổ ở các quốc gia nơi có nàh máy sản xuất dầu cọ. Và lý do rất đơn giản. Như bạn thấy nó ở tại đây. Đây là dầu cọ và chùm quả. Chúng đã được nấu chín. Đây là phần còn lại. Và từ những thứ còn lại này, chúng ta có 40 triệu tấn chất thải mỗi năm ở Indonesia và 25 triệu tấn chất thải ở Malaysia. Bạn có thể làm gì với khối lượng lớn chất thải này? Nếu bạn cứ để nó ở đó và chờ thối rữa, bạn sẽ thúc đẩy khủng hoảng khí hậu bởi vì chúng tạo ra khí mê-tan. Vì vậy, những gì đã được thực hiện ở châu Á, như Indonesia, như Malaysia, là bạn đốt nó, đâu đâu cũng có những lò nung chuyên dụng này và cái mùi này có ở khắp mọi nơi trên đất nước.”

 

Quy định của chính phủ tại các quốc gia khác nhau vẫn còn là một rào cản đối với sự phát triển của thức ăn chăn nuôi làm từ côn trùng.

 

Ở Úc, trường Đại học Queensland đang phát triển một chuỗi cung ứng chuyên sử dụng côn trùng để tái chế chất thải thực phẩm thành protein cao cấp, thành thức ăn chăn nuôi và phân bón.

 

Ấu trùng ruồi lính đen chỉ được phép sử dụng cho cá và gia cầm tại một số khu vực pháp lý ở Úc chứ không được dùng cho heo hoặc các động vật nhai lại.

 

Những mối lo ngại khác còn bao gồm nguy cơ côn trùng bị bệnh và truyền nhiễm cho người tiêu dùng, hoặc đến nay vẫn chưa biết cách xử lý chất thải côn trùng tốt nhất sẽ là gì.