Đồ uống có chứa đường nhân tạo có thể đem đến nhiều tác hại cho sức khỏe của chúng ta về lâu dài... (Pixabay)

 

 

 

 

Một số nghiên cứu đã phát hiện chất làm ngọt nhân tạo có thể hữu ích giúp giảm cân, nhưng nhiều tác hại lâu dài cũng đã được tìm thấy từ các nghiên cứu khác...

 

 

 

Các nhãn hàng “Diet”“Zero Calo”  gần đây mọc lên như nấm để hỗ trợ công cuộc giảm cân và làm đẹp của cả phái yếu lẫn phái mạnh. Để làm không biến đổi hương vị cũ, các loại sữa chua, bánh nướng, nước ngọt có ga và hàng ngàn loại thực phẩm khác thường sử dụng chất làm ngọt nhân tạo. 

 

 

Những tưởng đường nhân tạo có thể thỏa mãn cơn nghiện ngọt đồng thời giúp chúng ta giảm cân, nhưng theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: thỏa mãn nghiện ngọt thì đúng, nhưng giảm cân thì không phải là kết quả lâu dài. Thậm chí, nó còn tác động gây hại cho sức khỏe.

 

 

Phó giáo sư Marta Yanina Pepino thuộc khoa Khoa Học Thực Phẩm và Dinh Dưỡng tại trường Đại học Illinois cho biết: “Chúng ta cần loại bỏ ý tưởng sai lầm khi nghĩ đường nhân tạo không có calo nên không có tác động đến quá trình trao đổi chất”

 

 

 

Những hiệu quả nhỏ

Trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ gần đây đã đăng tải nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston với chủ đề: Điều gì sẽ xảy ra khi những người uống soda chuyển sang uống nước lọc hoặc đồ uống có chất ngọt nhân tạo. 

 

 

Nghiên cứu đã tuyển chọn 203 người trưởng thành tiêu thụ ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày, chỉ có ít người trong số họ bị thừa cân. Người tham gia được chia thành ba nhóm:

 

  • Nhóm A chỉ uống thức uống có đường nhân tạo
  • Nhóm B chỉ uống nước và nước có ga không đường.
  • Nhóm C tiếp tục uống đồ uống có đường theo thói quen cũ.

 

 

Sau một năm theo dõi, nghiên cứu không tìm thấy khác biệt về cân nặng, mức cholesterol hoặc chất béo trung tính giữa các nhóm. Chỉ khi xem xét kỹ chỉ số vòng bụng, thì nghiên cứu mới tìm thấy hiệu quả rõ rệt của thức uống có chất ngọt nhân tạo:

Sau một năm, nhóm C uống theo thói quen cũ tăng trung bình 4,5 kg; nhóm A tăng 0,45 kg. Chỉ có nhóm C không uống gì khác ngoài nước và nước có ga không đường mới giảm cân, khoảng ¼ kg. 

 

 

Tiến sĩ David Ludwig, tác giả của nghiên cứu và cũng là giám đốc Trung tâm Phòng chống Béo phì của Tổ chức New Balance tại Bệnh viện nhi Boston cho biết: “Đó là một tác động lớn và rất đáng kể”. Ông giải thích sự khác biệt này là do những người có nhiều mỡ bụng tiết ra nhiều insulin hơn để tích trữ chất béo - một cách cơ thể phản ứng lại khi hấp thụ quá nhiều đường.

 

 

 

Lợi bất cập hại

Từ năm 1970, một nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ung thư. Các nghiên cứu sau đó ở người đã phản bác tuyên bố này. Đến năm 2016, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và một số tổ chức khác cũng chỉ có thể kết luận: không có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa chất tạo ngọt ít calo và ung thư ở người.

 

 

Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra chất làm ngọt nhân tạo có thể gây tích tụ chất béo về lâu dài, thậm chí làm tăng nguy cơ gây béo phì, tiểu đường, và rối loạn chuyển hóa.

 

 

 

Nghiên cứu của Đại học Purdue
Năm 2019, các nhà khoa học tại Đại học Purdue đã công bố kết quả của một thử nghiệm lâm sàng so sánh tác động của đường và bốn chất làm ngọt ít calo khác nhau đối với việc tăng cân ở người lớn thừa cân và béo phì. Bốn chất làm ngọt đó là sucraloseaspartameReb-A (một dẫn xuất của stevia), và saccharin

 

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy: các nhóm uống đồ uống có chứa sucraloseaspartame và Reb-A ít có thay đổi về trọng lượng cơ thể. Chỉ có những người tiêu thụ đồ uống có đường hoặc saccharin mới tăng trọng lượng cơ thể lên đáng kể - chỉ sau ba tháng. 

 

 

Có thể do saccharin thúc đẩy những thay đổi có hại trong hệ vi sinh vật đường ruột, phá vỡ việc kiểm soát lượng đường trong máu và ảnh hưởng đến mức insulin. Cũng có bằng chứng cho thấy nó có thể gia tăng sở thích ăn các món quá ngọt.

 

 

 

Nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina (UNC) Chapel Hill
Trường đại học UNC Chapel Hill đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng về đồ uống có chứa đường nhân tạo ở những người trưởng thành thừa cân và béo phì. Các tình nguyện viên được hướng dẫn đổi từ đồ uống có đường sang (1) nước, hoặc (2) đồ uống đường nhân tạo. 

 

 

Trong sáu tháng, những người này đã giảm trung bình từ 2% đến 2,5% trọng lượng cơ thể. Nhưng kết quả này chỉ xuất hiện ở nhóm chuyển sang uống nước. Nhóm này cho thấy sự cải thiện đáng kể về đường huyết - yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường. Nhóm sử dụng đồ uống đường nhân tạo không thấy kết quả này.

 

 

 

Thêm một số nghiên cứu khác
Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy: trẻ em uống đồ uống có đường nhân tạo vẫn sẽ tăng cân và tích tụ chất béo, chỉ là ít hơn so với những đứa trẻ tiếp tục uống đồ uống có đường sau 18 tháng.

 

 

Nghiên cứu của Tiến sĩ Pepino tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign thì phát hiện thấy tình trạng kháng insulin ở người bị béo phì sau khi uống đồ uống có chứa sucralose. nhiều thử nghiệm lâm sàng khác cũng ghi nhận sucralose gây ra tình trạng này ở ngay cả người bình thường. Điều này làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

 

 

Tiến sĩ Robert Lustig là một chuyên gia về béo phì và là giáo sư danh dự của trường Đại học California, San Francisco. Ông cho biết: chất làm ngọt nhân tạo có thể khiến cơ thể bị bối rối, “hương vị ngọt ngào của chúng gửi tín hiệu đến não và hệ tiêu hóa để chuẩn bị cho một lượng lớn đường. Điều này khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone như insulin để chuẩn bị, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Tình trạng này theo thời gian sẽ dẫn đến rối loạn chức năng trao đổi chất”.

(Theo ntdvn.com)