Elon Musk đứng cạnh R1, một cỗ người máy dùng để lắp đặt chip N1 của Neuralink (Nguồn: BBC Việt ngữ)

 

 

Jim Reed và Joe McFadden

Phóng viên Y tế

 

 

Chuyện Elon Musk tuyên bố ầm ĩ thì không có gì lạ - từ kế hoạch chinh phục Sao Hỏa cho đến ước mơ xây dựng tuyến giao thông ngầm kết nối các thành phố lớn nhất của chúng ta. Tuần qua, người đàn ông giàu nhất thế giới tuyên bố rằng công ty Neuralink của ông đã thành công trong việc cấy ghép chip não không dây đầu tiên vào con người.

 

Liệu ông ấy có đúng khi nói rằng công nghệ này - trong dài hạn - có thể cứu chính loài người?

 

Việc đặt điện cực vào mô não thực ra không có gì mới mẻ.

 

Trong thập niên 1960 và 1970, biện pháp kích thích điện đã được sử dụng để thúc đẩy hoặc làm giảm sự hung dữ ở mèo. Đến đầu thập niên 2000, khỉ đã được huấn luyện để chỉ dùng ý nghĩ của chúng mà di chuyển một con trỏ trên màn hình máy tính.

 

Bà Anne Vanhoestenberghe, giáo sư về thiết bị y tế có thể cấy ghép tại Đại học King's College London, nói “Điều này không mới lạ gì, nhưng mất rất nhiều thời gian để công nghệ cấy ghép chín muồi và đạt đến một giai đoạn mà các công ty có đầy đủ mọi mảnh ghép của bức tranh, và thực sự có thể bắt đầu ghép chúng lại."

 

 

N1 là chip tế bào thần kinh đầu tiên của Neuralink có thể cấy vào não người, được thiết kế để giải mã 'ý định di chuyển'

 

 

Neuralink là một trong số ngày càng nhiều công ty và các khoa tại trường đại học đang cố gắng phát triển và cuối cùng là thương mại hóa công nghệ này. Mục đích chủ yếu, ít nhất là trong giai đoạn đầu, là giải quyết chứng liệt và điều trị các tình trạng thần kinh phức tạp.

 

Não người chứa khoảng 86 tỷ tế bào thần kinh, các tế bào thần kinh được kết nối với nhau qua các điểm tiếp hợp (synapse). Mỗi khi chúng ta muốn di chuyển, cảm nhận hoặc suy nghĩ, một xung điện nhỏ được tạo ra và truyền đi rất nhanh từ một tế bào thần kinh sang một tế bào thần kinh khác.

 

Các chuyên gia khoa học đã phát triển các thiết bị có thể phát hiện một số tín hiệu ấy - bằng cách sử dụng một chiếc mũ không xâm lấn đặt trên đầu hoặc cấy dây cáp điện vào não bộ.

 

Công nghệ này - được gọi là giao diện não-máy tính (BCI) - có vẻ đang thu hút hàng triệu đô la đổ vào nghiên cứu.

 

Thiết bị của Neuralink, có kích thước khoảng bằng một đồng xu, được cắm vào hộp sọ, với các dây vi mô có thể đọc hoạt động của tế bào thần kinh và gửi lại tín hiệu không dây đến một đơn vị tiếp nhận. Công ty này đã tiến hành thử nghiệm trên lợn và khẳng định rằng khỉ có thể chơi phiên bản cơ bản của trò chơi video Pong.

 

Thiết bị Neuralink đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép thử nghiệm trên người vào tháng 5 năm 2023.

 

Chúng ta hiện đã biết rằng bệnh nhân đầu tiên đã nhận được cấy ghép thiết bị này - nhưng thông tin chi tiết còn hạn chế. Musk chỉ nói rằng người đó “đang hồi phục tốt” và kết quả ban đầu cho thấy “việc phát hiện đuôi gai tế bào thần kinh là đầy hứa hẹn”.

 

Dù mọi thứ nghe có vẻ rất khoa học viễn tưởng, nhưng xét một số khía cạnh, Neuralink đang cố gắng bắt kịp các đối thủ.

 

Một trong những đối thủ chính của Neuralink, là một công ty khởi nghiệp mang tên Synchron được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư do Bill Gates và Jeff Bezos kiểm soát, đã cấy ghép thiết bị giống như ống (stent) đầu tiên của mình vào 10 bệnh nhân.

 

Hồi tháng 12 năm 2021, Philip O'Keefe, một người Úc 62 tuổi sống chung với một dạng bệnh thoái hóa cơ, đã dùng ý nghĩ để điều khiển con trỏ viết tweet đầu tiên.

 

 

Các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne đã sử dụng công nghệ cấy ghép tương tự để khôi phục một số chức năng vận động của người bị chấn thương cột sống

 

 

 

 

Và các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ đã cho thấy rằng có thể giúp một người bị liệt đi lại được bằng cách cấy ghép nhiều thiết bị để khắc phục những tổn thương do tai nạn xe đạp gây ra.

 

Trong một bài báo khoa học được xuất bản trong năm nay, họ đã trình bày việc một tín hiệu có thể được phát từ một thiết bị trong não người đó xuống một thiết bị thứ hai được cấy vào gần xương cùng của cột sống, từ đó có thể kích thích cơ chân để di chuyển.

 

Một số người phải sống chung với chấn thương cột sống tỏ ra nghi ngờ về việc công nghệ mới này đột nhiên được quan tâm đặc biệt.

 

Hayes đã bị liệt sau một tai nạn xe máy vào năm 2017 và hiện đang quản lý mảng quan hệ công chúng cho Hiệp hội Chấn thương Cột sống. Glyn Hayes nói “Những đột phá ấy đã được công bố hết lần này đến lần khác nhưng rồi dường như không có tiến triển gì thêm,”

“Tôi nghĩ mình có thể ước bất cứ điều gì, nhưng khó mà ước việc có thể bước đi trở lại được. Tôi thà bỏ thêm tiền để làm giảm các cơn đau thần kinh, chẳng hạn thế, hoặc tìm cách cải thiện chức năng ruột, bàng quang và chức năng tình dục.”

 

 

'Quan trọng cho cả loài người'

 

Nhưng đối với Elon Musk, “giải quyết” chấn thương não và cột sống chỉ là bước đầu tiên đối với Neuralink.

 

Mục tiêu dài hạn hơn là “sự cộng sinh giữa người và trí tuệ nhân tạo”, điều mà ông mô tả là có mức độ “quan trọng đối với cả loài người”.

 

Điều khó khăn thực sự sẽ là việc phát triển một hệ thống có thể diễn giải hoặc chuyển đổi các tín hiệu từ não với độ chính xác cao hơn rất nhiều. Khi và nếu điều đó xảy ra, con người có thể giao tiếp với máy tính và các thiết bị điện tử khác theo một cách mà hiện nay vẫn không thể hiểu nổi.

 

Hãy tưởng tượng rằng bạn có thể dùng ý nghĩ để đặt món ăn mang về, hoặc thực hiện việc tìm kiếm trên internet, hoặc dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác ngay trong đầu bạn, chỉ bằng cách nghĩ về nó.

 

Chính Elon Musk đã nói về một tương lai khi mà thiết bị của ông có thể cho phép người ta giao tiếp với điện thoại hoặc máy tính “nhanh hơn cả một người đánh máy nhanh hoặc người bán đấu giá”.

 

 

 

Tỷ phú Elon Musk nói rằng công nghệ của ông quan trọng cho nhân loại

 

 

 

Trước đây, ông ấy thậm chí từng nói rằng việc lưu trữ và phát lại ký ức có thể là khả thi, dù thừa nhận rằng “điều này nghe có vẻ ngày càng giống như phim Black Mirror (tên một phim khoa học viễn tưởng)”.

 

Những người khác thậm chí hoài nghi hơn. “Hiện tại, tôi chưa thấy một ứng dụng nào mà người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ đó, sau khi đã mạo hiểm để thực hiện phẫu thuật xâm lấn,” giáo sư Vanhoestenberghe nói.

 

“Bạn phải tự hỏi, liệu có cần mạo hiểm thực hiện phẫu thuật não chỉ để có thể đặt pizza bằng điện thoại hay không?”

 

Thay vào đó, bà nghĩ rằng những thiết bị được bán đại trà đầu tiên có thể được sử dụng để kích thích não giúp giải quyết các vấn đề như trầm cảm kháng trị, mất trí và thậm chí là một số chứng rối loạn giấc ngủ, tuy nhiên, các lợi ích vẫn chưa có gì là chắc chắn và nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu.

 

Tiến sĩ Dean Burnett, nghiên cứu viên danh dự tại trường tâm lý học thuộc Đại học Cardiff, cũng nói rằng có những rào cản thực tiễn rất lớn để Neuralink có thể trở thành một sản phẩm tiêu dùng chính thống.

 

Ông nói “Não bộ mỗi người khác nhau. Bạn không thể có một chip phù hợp với mọi người và làm đúng một điều như nhau. Đó phải là một quy trình rất kỳ công,”

“Công nghệ thì luôn phát triển, vậy liệu bạn có phải thay chip mới mỗi năm hay không? Liệu nó có giống như việc bạn đã có một chiếc điện thoại Nokia trong đầu, lúc ấy thì vui đấy, nhưng giờ chẳng còn mấy tác dụng?”

 

Có một điều mà hầu hết mọi chuyên gia trong lĩnh vực này đều nhất trí, đó là sẽ phải mất hàng thập niên, trong trường hợp lạc quan nhất, để một bác sĩ phẫu thuật ở trung tâm thành phố có thể sử dụng công nghệ này.

 

Elon Musk cũng đã nói rằng cứu cánh của chuyện này không phải là để giúp người ta đặt mua hàng nhanh, mà là để bảo vệ loài người khỏi những rủi ro của Trí tuệ Nhân tạo (AI), những rủi ro mà ông từng mô tả là một “đe dọa sinh tồn”.

 

Bằng cách kết hợp tốt hơn giữa bộ não của con người và máy tính, loài người chúng ta sẽ không bị “bỏ lại”, ông lập luận. “Với một giao diện não-máy tính băng thông cao, chúng ta thực sự có thể cùng nhau đi trên hành trình này.”

 

(BBC Việt ngữ)