Thay vì bắt kịp Sora, một số chuyên gia công nghệ Trung Quốc cho rằng cần giành được quyền truy cập vào mô hình của OpenAI. Ảnh: Bloomberg.

 

 

Sự ra đời của Sora khiến Trung Quốc một lần nữa trở thành “kẻ tụt hậu” trên thị trường AI. Quốc gia này quyết định học theo và tạo ra bản nhái của Sora.

 

Chỉ mới vài năm trước, Trung Quốc còn tưởng tượng cảnh mình thống trị cuộc đua AI toàn cầu bằng cách tận dụng kho dữ liệu khổng lồ nội địa. Đây là lợi thế lớn nhất của quốc gia tỷ dân, đặc biệt là cho các tính năng như nhận dạng khuôn mặt.

 

Song, những cải tiến AI tổng hợp gần đây - sử dụng các mô hình lớn để tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh và video - đã thay đổi cục diện, khiến Trung Quốc một lần nữa trở thành “kẻ tụt hậu”.

 

 

Trung Quốc đua nhau làm AI, nhưng không ai bằng Sora

 

Ra mắt hôm 15/2, Sora đã chuyển cuộc chiến AI từ tạo lập văn bản sang lĩnh vực sản xuất video. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi không thể tiếp cận các công nghệ hàng đầu như GPU được nhà thiết kế chip đình đám NVIDIA phát triển, do các hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngày càng leo thang.

 

Theo SCMP, những công ty giỏi nhất của quốc gia tỷ dân vẫn đi sau nhiều năm so với các công ty cùng ngành của Mỹ trong lĩnh vực AI tổng hợp.

 

Zhou Hongyi, người sáng lập công ty bảo mật Internet 360 Security Technology, đã tham gia cuộc đua trí tuệ nhân tạo trong nước và ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn ăn theo ChatGPT của riêng mình.

 

 

Video cô gái bước đi trên đường phố Tokyo được làm bởi Sora gây sốt toàn cầu. Ảnh: OpenAI Sora.

 

 

Theo chuyên gia, sự ra đời của Sora - công cụ chuyển văn bản thành video của OpenAI - như “gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt Trung Quốc”. “Nó làm nhiều người nguội lạnh, buộc chúng tôi phải nhìn thẳng vào khoảng cách với những cái tên công nghệ hàng đầu ở nước ngoài”.

 

Ở quốc gia tỷ dân, cơ quan quản lý không gian mạng quốc gia yêu cầu tất cả mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nếu muốn ra mắt phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, OpenAI và Google là hai ông lớn không hỗ trợ dịch vụ ở đại lục do không đăng ký.

 

Theo SCMP, sự vắng mặt của những đối thủ ngoại quốc đã khiến một số gã khổng lồ công nghệ nội địa tranh giành vị trí giữa một thị trường đông đúc, với tổng cộng hơn 200 LLM ra đời. Baidu, Tencent và Alibaba, những ông lớn ở mảng tìm kiếm, Internet và thương mại điện tử đều đã công bố LLM của riêng mình.

 

Tuy nhiên, rất ít cái tên trong số này có thể sánh ngang với Sora.

 

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một trận chiến khó khăn khi thị trường công nghệ của nước này ngày càng trở nên tách biệt với thế giới về vốn, phần cứng, dữ liệu và thậm chí cả con người.

 

Khoảng cách giá trị thị trường giữa các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc so với các công ty ở Mỹ như Microsoft, Google và NVIDIA đã bị nới rộng đáng kể trong những năm gần đây, kể từ khi chính quyền Bắc Kinh siết quản lý những gã khổng lồ công nghệ của mình dưới danh nghĩa kiềm chế “tình trạng bành trướng vốn một cách phi lý”.

 

 

 

Sora, một công cụ chuyển văn bản thành video, được ra mắt bởi OpenAI vào tuần trước. Ảnh: YouTube.

 

 

Mặc dù có lợi thế về số lượng dữ liệu, Trung Quốc hiện phải đối mặt với tình trạng khan hiếm dữ liệu chất lượng cao, là nguồn lực cần thiết để đào tạo các mô hình AI tiên tiến. Bên cạnh đó, việc không thể tiếp cận các con chip mạnh nhất hiện nay đến từ Mỹ càng tạo thêm nhiều thách thức cho quốc gia tỷ dân.

 

Theo chuyên gia Lu Yanxia, thiếu nhân tài là một mối lo ngại khác. Những người sáng giá nhất trong lĩnh vực AI của đất nước này thường chọn cách đầu quân cho những công ty hàng đầu ở Mỹ. Đơn cử như tại OpenAI, số chuyên gia công nghệ đến từ Trung Quốc là 23, đủ để tạo thành một nhóm nòng cốt.

 

 

Chạy theo xu hướng, Trung Quốc muốn bắt chước Sora

Thay vì bắt kịp Sora, một số chuyên gia trong ngành nhận thấy vấn đề cấp bách hơn là giành được quyền truy cập vào mô hình của OpenAI. Sinodata có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết họ sẽ là một trong những công ty đầu tiên đăng ký Sora API sau khi nó được công bố trên nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft, công ty đầu tư hàng tỷ USD đằng sau OpenAI.

 

Một nhà phát triển giấu tên người Trung Quốc cho rằng con đường khả dĩ dành cho các kỹ sư AI Trung Quốc là “giải mã Sora và huấn luyện Sora bằng dữ liệu của chính mình trước để tạo ra một sản phẩm tương tự”.

 

Đồng quan điểm, Xu Liang, một chủ công ty AI có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, khẳng định sẽ không lâu nữa Trung Quốc sẽ có các dịch vụ tương tự.

 

“Trong một hoặc hai tháng tới, sẽ có những AI giống Sora xuất hiện tại thị trường Trung Quốc và con số này sẽ tăng rất nhiều trong nửa năm tới”, chuyên gia nói. Nhưng Xu cũng lưu ý rằng vẫn còn một khoảng cách không thể xóa nhòa giữa các sản phẩm Trung Quốc và Sora.

 

 

 

Từ câu lệnh và mô hình Sora vừa được OpenAI giới thiệu, người dùng sẽ có cho mình một video ngắn dưới một phút, với độ chân thực cao. Ảnh: AFP.

 

 

Lu Yanxia, ​​giám đốc nghiên cứu về công nghệ mới nổi của IDC Trung Quốc, cho biết những gã khổng lồ công nghệ như Baidu, Alibaba và Tencent sẽ là những công ty đầu tiên triển khai các dịch vụ tương tự ở đại lục. Sau đó, những công ty AI địa phương như iFlyTek, SenseTime và Hikvision cũng sẽ tham gia cuộc đua.

 

Theo Wang Shuyi, giáo sư ngành AI và học máy tại Đại học Sư phạm Thiên Tân (TJNU), kinh nghiệm phát triển LLM trong nhiều năm qua đã giúp các Big Tech của Trung Quốc giữ rất nhiều bí quyết trong lĩnh vực này và đảm bảo đủ sức mạnh phần cứng, giúp họ tạo ra những sản phẩm tương tự Sora trong 6 tháng tới.

 

Wang nói với SCMP “Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các công ty Trung Quốc thà bắt chước và lươn lẹo mỗi khi các đối thủ Mỹ của họ nghĩ ra một sản phẩm mới, hay họ muốn đặt mục tiêu lớn hơn là tạo ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo tổng hợp của riêng mình?”.

 

 

Lời bình:

Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI là gì?

 

Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.

Cuốn sách The Ages of A.I and Our Human Future (tác giả: Tác giả       Eric Schmidt, Henry A. Kissinger, Daniel Huttenlocher) trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.