Khi những chiếc xe điện giá rẻ của Trung Quốc như BYD đang tràn ngập thị trường Đông Nam Á cũng kéo theo nỗi lo về an ninh quốc gia từ những phương tiện kết nối này.

 

 

Có một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa hai người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đó là Huawei và BYD. Cả hai đều được thành lập từ hơn 2 thập kỷ trước để sản xuất các linh kiện nhỏ trong chuỗi cung ứng của ngành công nghệ: với Huawei, khởi đầu của họ là công tắc chuyển đổi mạng, còn với BYD là pin.

 

 

Cả hai đều nhận được những khoản trợ cấp lớn từ chính phủ để mở rộng hoạt động của mình ra nước ngoài: đối với Huawei là để phát triển mạng lưới viễn thông công nghệ 5G, còn với BYD là để thống trị thị trường xe điện toàn cầu. So với các đối thủ đến từ phương Tây, cả hai đều đưa ra mức giá rẻ hơn cho các sản phẩm công nghệ tiên tiến.

 

 

Quan trọng hơn cả là các công ty này đều phát triển những mạng lưới có thể trở thành xương sống của các quốc gia, với Huawei là mạng lưới liên lạc viễn thông, còn với BYD chính là hạ tầng trạm sạc với mạng lưới điện năng.

 

 

 

BYD xâm chiếm thị trường Đông Nam Á

 

Và cũng như Huawei, BYD đã có được các thành công lớn khi bước ra thị trường quốc tế. Cho dù mới chỉ xuất hiện tại thị trường Đông Nam Á từ năm 2022, BYD đã chiếm tới 47% thị phần trong quý đầu năm 2024. Chìa khóa cho thành công của họ là hợp tác với các đại lý phân phối lớn tại các thị trường đó.

 

 

Ví dụ quan hệ đối tác với tập đoàn ô tô Sime Darby Motors, đơn vị cũng bán xe BMW, Jaguar và Porsche, đã đưa BYD vào hàng ngũ các thương hiệu cao cấp, giúp công ty này thành công ở Malaysia và Singapore. Các mẫu xe của BYD hiện đang là xe bán chạy nhất và thứ hai tại hai quốc gia này. Bên cạnh đó, BYD cũng mở rộng sản xuất tại khu vực này. Chỉ tính riêng năm nay, công ty đã mở một nhà máy sản xuất ở Thái Lan và hứa hẹn xây dựng các cơ sở khác tại Campuchia, Indonesia và Việt Nam.

 

 

Một điểm chung khác giữa BYD và Huawei chính là hoạt động kinh doanh của họ đều xoay quanh dữ liệu. Đối với Huawei, nguồn thu thập dữ liệu của họ không chỉ đến từ các trạm thu phát sóng viễn thông mà còn cả các smartphone và thiết bị di động do họ sản xuất ra. Còn đối với BYD, chính là những chiếc xe điện kết nối internet.

 

 

Mới đây hãng BYD đã ký thỏa thuận hợp tác với Huawei về tính năng kết nối mạng trên xe điện

 

Được trang bị hàng loạt cảm biến với vô số loại kết nối khác nhau, bao gồm cả Bluetooth, vệ tinh, mạng viễn thông, Wifi, có thể nói về cơ bản những chiếc xe điện kết nối internet này là các smartphone có bánh xe và di chuyển trên đường, đồng thời thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ.

 

 

Quan trọng hơn, BYD và Huawei, cũng như các công ty công nghệ Trung Quốc khác, phải tuân thủ các quy định trong Luật An ninh Quốc gia, Luật Tình báo Quốc gia và Luật An ninh mạng và có thể phải chia sẻ dữ liệu mà họ có được với chính phủ Trung Quốc. Điều này không chỉ gây ra nguy cơ khi dữ liệu người dùng bị lọt vào tay một quốc gia khác mà còn có thể bị kiểm soát và lợi dụng trong các trường hợp căng thẳng.

 

 

Động thái ngăn chặn từ Mỹ và các quốc gia khác

 

Điều này có thể là lý do vì sao chính phủ Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đồng loạt ngăn chặn sự xuất hiện của Huawei và BYD tại các thị trường này. Trong khi Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào Danh sách Thực thể từ năm 2019 và ngăn chặn mọi nguồn cung ứng công nghệ có liên quan đến Mỹ cho công ty này, nhưng với BYD, mọi chuyện dường như mới chỉ bắt đầu.

 

Hàng loạt mức thuế suất cao được Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu áp đặt cho xe điện BYD nói riêng cũng như xe điện Trung Quốc nhằm ngăn chặn cơn lũ xe điện giá rẻ này tràn vào thị trường của họ.

 

 

 

Trong khi Mỹ đã hành động để bảo vệ thị trường của mình, các nước Đông Nam Á lại đang chào đón BYD một cách nồng nhiệt. Sức hấp dẫn của xe điện Trung Quốc dường như đang lấn át những lo ngại về tính dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này tương phản với cách tiếp cận của một số quốc gia đối với công nghệ 5G.

 

 

Mặc dù không cấm hoàn toàn Huawei, các nước như Singapore và Việt Nam đã trao hợp đồng 5G cho các nhà cung cấp đáng tin cậy như Nokia và Ericsson. Tuy nhiên, ngoài Tesla với mức giá cao, hiện có rất ít hãng xe từ Mỹ và các nước đối tác đang cạnh tranh được với tốc độ tăng trưởng của BYD.

 

 

Dù vậy, con đường của BYD cũng không hoàn toàn trải thảm đỏ. Tại Thái Lan, chủ sở hữu xe BYD đang tức giận vì việc giảm giá mạnh tay làm giảm giá trị bán lại của xe, buộc chính quyền phải điều tra khả năng kiện tập thể. Tại Việt Nam, BYD gặp khó khăn cạnh tranh với VinFast, công ty xe điện trong nước với mạng lưới trạm sạc rộng khắp và tâm lý e dè với hàng Trung Quốc của người dân.

 

 

Đà tăng trưởng của BYD trên thị trường quốc tế vẫn chưa dừng lại

 

Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại này, đà tăng trưởng của BYD vẫn đang tăng tốc. Các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế số và thu hút đầu tư công nghệ, còn BYD là một hãng đang sẵn sàng của sự đổi mới và vốn đầu tư.

 

 

Tuy nhiên, điều các nước này cần cân nhắc là liệu họ có sẵn sàng trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát dữ liệu và rủi ro thao túng thông tin hay không. Trong lĩnh vực 5G, các quyết định xoay quanh vấn đề này khá hỗn hợp, và sự tăng trưởng nhanh chóng của BYD có khả năng sẽ làm sống lại những câu hỏi về cách các nước đã xử lý vấn đề Huawei cho đến nay.

 

Để đối phó với nguy cơ này, tờ Nikkei cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần hành động ngay để bảo vệ an ninh dữ liệu của mình. Trước khi mở cửa cho BYD tiến vào thị trường của mình, các quốc gia này cần đầu tư vào việc tăng cường an ninh mạng, xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát việc truy cập và sử dụng dữ liệu, cũng như bảo vệ người tiêu dùng.