(Hình ảnh minh họa)

 

 

Cùng với nhiều biện pháp mạnh tay khác, các đề xuất này được kỳ vọng sẽ chấm dứt vĩnh viễn thế độc quyền của Google trên thị trường tìm kiếm.

 

Cuối cùng điều mà Google lo sợ nhất đã xảy ra. Sau một số báo cáo đồn đoán, giờ đây Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức công bố các biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng độc quyền của Google trong mảng tìm kiếm trực tuyến, một trong số đó bao gồm cả việc chia tách hoặc rao bán trình duyệt Chrome.

 

Theo công bố của Bộ Tư pháp Mỹ, ngoài việc phải rao bán mảng kinh doanh trình duyệt Chrome, Google sẽ còn phải chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhiều khả năng Google cũng phải thực hiện cả việc rao bán hệ điều hành Android – theo lập luận của công tố viên trước tòa, các biện pháp này là nhằm chấm dứt sự độc quyền của Google trên thị trường tìm kiếm trực tuyến.

 

Các biện pháp do Bộ Tư pháp đề xuất là một phần của vụ kiện điển hình ở Washington, có khả năng định hình lại cách người dùng tìm kiếm thông tin. Chúng sẽ áp dụng trong tối đa một thập kỷ, được thực thi thông qua một ủy ban do tòa án chỉ định để khắc phục những gì thẩm phán giám sát vụ án cho là độc quyền bất hợp pháp trong tìm kiếm và quảng cáo liên quan ở Mỹ, nơi Google chiếm 90% lượt tìm kiếm.

 

(Hình ảnh minh họa)

 

 

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Google gọi các đề xuất là "choáng váng". Giám đốc pháp lý của Alphabet, Kent Walker nói: "Cách tiếp cận của Bộ Tư pháp sẽ dẫn đến sự can thiệp chưa từng có của chính phủ, gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ - đồng thời đe dọa vị thế lãnh đạo kinh tế và công nghệ toàn cầu của Mỹ vào đúng thời điểm cần thiết nhất".

 

Một doanh nghiệp khác cũng bị thiệt hại lớn nếu các đề xuất của Bộ Tư pháp được thực thi đó chính là Apple. Hiện tại mỗi năm Google đang trả hàng chục tỷ USD cho Apple để công cụ tìm kiếm của họ xuất hiện mặc định trên các thiết bị của Apple. Nhiều công ty khác cũng nhận được thỏa thuận tương tự như Apple, nhưng số tiền họ nhận được ít hơn nhiều.

 

Hơn thế nữa, Google có thể còn bị cấm tham gia vào thị trường trình duyệt web trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra Bộ Tư pháp còn đề xuất cấm Google mua lại hoặc đầu tư vào các đối thủ trên thị trường tìm kiếm, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo có thể truy vấn thông tin hoặc công nghệ quảng cáo.

 

Các nhà xuất bản và trang web sẽ được cung cấp một tùy chọn để không tham gia vào việc đào tạo các sản phẩm AI của Google. Chrome và Android, được xây dựng trên mã nguồn mở và miễn phí, sẽ phải tách khỏi Google. Một ủy ban kỹ thuật gồm 5 người do thẩm phán chỉ định sẽ giám sát việc tuân thủ các đề xuất của công tố viên.

 

Các biện pháp này nhằm phá vỡ "vòng phản hồi vĩnh viễn làm Google thêm độc quyền" thông qua việc có thêm người dùng, dữ liệu và doanh thu quảng cáo. Số phận của Google sẽ được định đoạt vào tháng Tư năm sau khi phiên tòa để đưa ra phán quyết về các đề xuất này được tổ chức. Tuy nhiên, việc ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ mới và nếu Bộ Tư pháp Mỹ có người đứng đầu mới, nhiều khả năng các đề xuất này sẽ bị hủy bỏ hoặc thay đổi.