Hãy coi nó như một “like” trên Facebook có giá trị tiền tệ, nhưng giá trị này thấp đến mức nực cười nên không ai coi trọng nó. Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào “giá trị” của một dogecoin, nó dao động khoảng 1/5 xu - nói cách khác, 5 dogecoin tương đương với một xu trong phần lớn thời gian tồn tại của nó. (Ảnh: Kiwipedia)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

"Khi cả những trò đùa cũng trở thành tài sản để đầu cơ, khi đó sự méo mó của giá trị tiền tệ và sự điên rồ của lòng tham đã đạt tới cực hạn. Ai cũng biết đó là trò đùa vô nghĩa, nhưng những ai bỏ tiền vào trò đùa đó cũng hy vọng rằng mình "khôn ngoan" hơn kẻ khác, có thể lừa dối kẻ khác và vì thế kiếm tiền của người khác bằng cách rút khỏi cuộc chơi sớm hơn. Nhưng kẻ được tiền sẽ mất 'đức', kẻ mất tiền được bài học về cái giá của lòng tham. Dù ai gặt hái được gì thì chắc chắn là thị trường tồn tại những nghịch lý điên rồ như vậy sẽ sớm vỡ tan bởi các giá trị ảo và lòng tham không đáy".

 

 

 

Bong bóng Dogecoin.

Dogecoin (CRYPTO: DOGE) gần đây đã cháy hàng. Giá một đơn vị giao dịch của nó đã tăng vọt hơn 3.000% trong năm ngoái và tăng 25.000% trong 5 năm qua. Hầu hết các tài sản khác không bao giờ có những loại lợi nhuận kiểu đó, nhưng kể cả như vậy, thì điều này cũng không làm cho Dogecoin trở thành một khoản đầu tư thông minh.

 

 

Tiền điện tử nói chung vốn được xếp vào loại hàng hóa có rủi ro cao và biến động lớn, nhưng Dogecoin thậm chí còn nằm trong nhóm rủi ro nhất của loại tiền này.

 

 

Dogecoin là một loại tiền điện tử, giống như Bitcoin hoặc Ethereum. Dogecoin (phát âm là “dozhe-coin”) là một trong những đồng tiền kỳ quặc nhất.

 

 

Tại sao nó kỳ quặc? Dogecoin ban đầu là một loại tiền điện tử được tạo ra để trêu đùa. Các kỹ sư phần mềm Billy Marcus và Jackson Palmer đã tạo ra Dogecoin vào cuối năm 2013. Palmer đã lấy biểu tượng của tiền điện tử này là một meme phổ biến vào thời điểm đó có từ "doge" có chủ ý sai chính tả để mô tả một chú chó Shiba Inu với gương mặt ngơ ngác đáng yêu.

 

 

Dogecoin được tạo ra sau 3 giờ để giải trí và ý tưởng là tạo ra một loại tiền điện tử ngốc nghếch và rất rẻ - mỗi đồng có giá trị bằng một phần nhỏ của tiền xu - để người hâm mộ có thể “boa” nhau vì những bình luận gây cười. Hãy coi nó như một “like” trên Facebook có giá trị tiền tệ, nhưng giá trị này thấp đến mức nực cười nên không ai coi trọng nó. Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào “giá trị” của một Dogecoin, nó dao động khoảng 1/5 xu - nói cách khác, 5 Dogecoin tương đương với một xu trong phần lớn thời gian tồn tại của nó.

 

 

Nhưng sau đó vào ngày 28 tháng 1 vừa qua, một người dùng Twitter có tên WSBChairman (người đã tuyên bố không có liên kết với trang web /r/wallstreetbets- nhóm người dùng Reddit đã đẩy GameStop lên một tầm cao mới một cách vô lý), đã tweet rằng Dogecoin là tài sản tiềm năng tiếp theo. Giá đã tăng vọt vào ngày hôm sau đến nỗi một Dogecoin được giao dịch ở mức 7 xu.

 

 

Đó là một trò đùa trị giá hơn 50 tỷ USD. Dogecoin trở thành đồng tiền duy nhất trong số 10 loại tiền điện tử hàng đầu có giá tăng đáng kể trong tuần qua, theo trang CoinMarketCap, chuyên theo dõi giá trị của tất cả các loại tiền phi vật chất hóa này. Và không chỉ có vậy, đồng tiền này đã tăng 400% trong 7 ngày, trong khi Bitcoin giảm 10% và Ethereum giảm 2,72% so với cùng kỳ.

 

 

Bất chấp câu chuyện về nguồn gốc bất thường, hiện nay, Dogecoin không phải là trò đùa nữa, nó đã bùng nổ giá trị và tăng hơn 8.000% vào năm 2021 và trở thành tiền điện tử lớn thứ năm thế giới tính theo vốn hóa thị trường.

 

 

Đà tăng giá của một loại tiền tệ khiến mọi người nhìn thấy phải bật cười này là nhờ “cú huých” của Elon Musk. Giám đốc điều hành Tesla này đã gọi Dogecoin là tiền điện tử yêu thích của mình và đăng dòng trạng thái "Chó sủa trăng (Doge barking at the moon)" kèm bức tranh cùng tên của họa sĩ Joan Miro trên mạng xã hội Twitter hôm 16 tháng 4. Dòng tweet khiến giá Dogecoin tăng hơn 100% chỉ trong một ngày, đạt mức cao chưa từng có, một Dogecoin đổi xấp xỉ 0,3 USD.

 

 

 

 

Tiền điện tử là một khoản đầu tư?

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rất nhiều thời điểm quan trọng mà thị trường giảm hoặc tăng đột ngột. Tất nhiên, thị trường có thể (và sẽ) tăng do các nền kinh tế phát triển mạnh. Đây là những lần bùng nổ thị trường tốt.

 

 

Tuy nhiên, đôi khi lại có bong bóng dẫn đến bùng nổ thị trường phi lý. Bong bóng xảy ra khi các nhà đầu tư đổ tiền vào một cổ phiếu hoặc phân khúc thị trường cụ thể, vượt quá giá trị thực tế của các doanh nghiệp và sản phẩm cụ thể.

 

 

“Sự hưng phấn về tài sản” đã được sử dụng để mô tả sự quan tâm của nhà đầu tư đối với một cổ phiếu hoặc lĩnh vực bong bóng. Giống như bong bóng xà phòng, bong bóng đầu tư tiếp tục phình to nhưng cuối cùng sẽ nổ vì không gì có thể làm chúng phồng lên nữa.

 

 

Các nhà phân tích cho rằng sự tăng giá gần như không thể tin được của Dogecoin là một ví dụ khác về cơn sốt mua “điều to lớn tiếp theo” đang thổi giá lên cao và những người mua vào ở thời điểm hiện tại có thể đang phải tự gánh chịu nỗi đau. Ngay cả các loại tiền điện tử được chấp nhận rộng rãi hơn và được coi là nghiêm túc thì cũng vẫn có tiếng là dễ bay hơi, và giá cả lên xuống thất thường.

 

 

 

Hơn nữa, nguồn cung cấp Dogecoin tiềm năng là vô hạn. Không giống như Bitcoin sẽ được giới hạn trong tổng số 21 triệu mã thông báo, Dogecoin không có giới hạn về số lượng mã thông báo có thể khai thác được. Miễn là các thợ đào tiếp tục xây dựng chuỗi khối blockchain thì sẽ có thêm nhiều đồng Dogecoin được tạo ra. Trên thực tế, đã có 129 tỷ token tồn tại. Điều này giống như sự giao thoa giữa mô hình kim tự tháp và chứng cuồng hoa tulip.

 

 

 

 

 

 

 

 

Dogecoin ban đầu là một loại tiền điện tử được tạo ra để trêu đùa. Các kỹ sư phần mềm Billy Marcus và Jackson Palmer đã tạo ra Dogecoin vào cuối năm 2013. Palmer đã lấy biểu tượng của tiền điện tử này là một meme phổ biến vào thời điểm đó có từ "doge" có chủ ý sai chính tả để mô tả một chú chó Shiba Inu với gương mặt ngơ ngác đáng yêu. (Ảnh: Flickr)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chứng cuồng hoa tulip.

Một ví dụ lịch sử khác dưới đây phù hợp với định nghĩa về "sự hưng phấn tài sản" và có sự tương đồng kỳ lạ với Dogecoin: Bong bóng hoa tulip ở Hà Lan những năm 1630.

 

 

Vào thế kỷ 17, Cộng hòa Hà Lan là cường quốc kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới. Từ năm 1600 đến năm 1720, người Hà Lan có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.

 

 

Hoa tulip, có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, được du nhập vào Hà Lan qua Vienna (Áo). Nhà thực vật học người Hà Lan Carolus Clusius đã trồng một số củ hoa tulip và nhận thấy rằng những bông hoa này có thể chịu được khí hậu lạnh của Hà Lan.

 

 

Màu sắc rực rỡ của những bông hoa khiến chúng ngay lập tức trở thành biểu tượng địa vị cho tầng lớp thương gia giàu có mới của Hà Lan. Hoa tulip đơn sắc màu đỏ, vàng hoặc trắng được gọi là Couleren, hoa tulip nhiều màu với các vệt trắng trên nền đỏ hoặc hồng được gọi là Rosen, hoa có vệt trắng trên nền tím hoặc hoa cà được gọi là Violetten, và hiếm nhất trong tất cả số đó là những bông hoa có vệt màu vàng hoặc trắng trên nền đỏ, nâu hoặc tím được gọi là Bizarden.

 

 

Hiện nay người ta biết rằng các hiệu ứng nhiều màu là do một loại virus đã nhiễm vào các củ hoa ở Hà Lan.

 

 

Trồng hoa tulip từ hạt đến củ mất 7 năm, những giống có virus thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn. Những bông hoa chỉ nở trong khoảng một tuần từ tháng 4 đến tháng 5. Từ tháng 6 đến tháng 9, trong giai đoạn ngủ yên của cây, các củ hoa tulip có thể được nhổ lên và di chuyển.

 

 

Đây là khi các củ được mua trên thị trường giao ngay. Các tháng khác trong năm, từ tháng 10 đến tháng 3 khi không thể di chuyển củ hoa, người mua và người bán đã ký hợp đồng quy định ý định mua củ hoa tulip ở một mức giá nhất định vào một ngày nhất định.

 

 

Đây là những hợp đồng tương lai đầu tiên trên thế giới, đưa người Hà Lan trở thành nhà phát minh ra nền tài chính hiện đại. Một hợp đồng quyền lựa chọn tương tự như hợp đồng tương lai, nhưng nó không có tính ràng buộc.

 

 

 

Các nhà đầu cơ vào cuộc.

Đến năm 1634, trước nhu cầu ngày càng tăng và giá cả lên cao, các nhà đầu cơ đã tham gia vào thị trường buôn bán hoa tulip. Năm 1636, người Hà Lan đã tạo ra một thị trường kỳ hạn chính thức, nơi các hợp đồng mua củ vào cuối mùa được mua và bán. Người Hà Lan gọi giao dịch hợp đồng hoa tulip này là "windhandel", tiếng Hà Lan có nghĩa là "buôn bán gió".

 

 

Cái tên đó biểu thị rằng người Hà Lan nhận thấy những gì đang được giao dịch là "không khí", rằng bản thân những củ hoa tulip không được mua bán, nhưng những gì đang được giao dịch là khả năng mua củ hoa ở một mức giá nhất định tại một thời điểm nhất định trong tương lai.

 

 

Do các nhà đầu cơ, giá của các hợp đồng liên tục tăng, và một hợp đồng đơn giản có thể đổi chủ tới 10 lần trong một ngày. Sau đó, vào tháng 2 năm 1637, tại thị trấn Haarlem của Hà Lan, một điều tồi tệ đã xảy ra - bệnh dịch hạch bùng phát, người mua không thể tham dự cuộc đấu giá hoa tulip ở đó, kết quả là giá hợp đồng củ hoa tulip giảm, và các giao dịch cũng dừng lại.

 

 

Nếu phân tích bong bóng hoa tulip, chúng ta có thể thấy rằng mọi người đang mua củ hoa tulip với giá ngày càng cao và có ý định bán lại để kiếm lời. Điều này chỉ xảy ra nếu có một nhóm người mua mới sẵn sàng trả giá cao hơn.

 

 

Tháng 2 năm 1637, hồ nước ở Haarlem cạn kiệt, nhu cầu về hoa biến mất, và giá cả giảm mạnh. Mọi người vẫn giữ các hợp đồng cho phép họ mua hoa tulip với giá cao gấp mười lần so với giá hiện tại trên thị trường giao ngay. Những người đã sở hữu củ hoa lúc đó nắm giữ một sản phẩm có giá trị chỉ còn một phần nhỏ so với những gì họ đã thanh toán.

 

 

 

Lòng tham của cộng đồng có làm mất đi bản chất của Dogecoin – Hoa tulip 2.0 ?.

Và đến năm 2021, Dogecoin – một trò đùa bắt chước Bitcoin, đang tạo ra các triệu phú mới và thu hút sự tham gia của những người nổi tiếng. Cuộc chơi này không có giới hạn về số lượng sản phẩm được tạo ra và hầu như không thể đổi lấy bất cứ thứ gì. Một phần nhờ vào các đợt chi trả kích cầu liên tiếp, lãi suất liên tục tăng. Không khó để thấy điều này sẽ có kết cục như thế nào.

 

 

 

Cũng giống như củ hoa tulip không bán được khiến mọi người tìm cách chạy thoát thân vào năm 1636, các nguyên tắc cơ rồi bản cuối cùng vẫn sẽ thắng thế điều mới lạ. Ngay cả khi Coinbase hỗ trợ Dogecoin và Tesla bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền này thì nguồn cung không giới hạn sẽ khiến Dogecoin không có kết cục tốt hơn loại tiền tệ fiat mà nó mong muốn thay thế.

 

 

Người ta nói rằng một củ hoa tulip trong thời điểm thị trường hưng phấn có thể mua được một dinh thự tại Hà Lan. Vẫn chưa thể nói trước được Dogecoin sẽ leo cao đến mức  nào; giới hạn của nó phụ thuộc vào lòng tham của con người. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng ra một kịch bản nào khác mà cuối cùng đồng Dogecoin không trở nên vô giá trị. Đối với những người thích đánh bạc, Dogecoin có thể là một thử nghiệm thú vị. Điều đó nói rằng, bất cứ ai mua nó nên sẵn sàng chuẩn bị tâm lý mất sạch ngay khi nó quay trở về đúng giá trị nội tại. 

 

 

Có lẽ chính bản chất “thiếu nghiêm túc” của Dogecoin đã mang đến thành công cho nó. Đồng tiền điện tử này có một tài sản mà nhiều đối thủ cạnh tranh của nó thiếu: một cộng đồng mạnh mẽ, rất năng động. Đây cũng là điều làm nó trở nên khác biệt.

 

 

Cộng đồng Dogecoin trong một thời gian đã từng là cộng đồng lành mạnh nhất. Họ biết đồng tiền của mình không có tiềm năng thay đổi thế giới như Bitcoin, không có nền tảng công nghệ sâu rộng như Ethereum, và cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào để có thể phát triển cao hơn như DOT hay DeFi. Tuy nhiên, họ có với nhau hai chữ “Cộng đồng”.

 

 

Tuy nhiên, với cơn sốt trong thời gian qua, cộng đồng của Dogecoin đã có một sự xáo trộn chóng mặt. Việc giá Dogecoin tăng mạnh đã kéo theo đó nhiều hệ lụy, giống như làn sóng đầu cơ ập đến, đi đâu cũng thấy nhan nhản, khiến Dogecoin đánh mất đi bản sắc của nó – cũng chính là 2 chữ “cộng đồng”. Dogecoin trong 1 tháng vừa rồi cũng giống như bao đồng “shitcoin” khác.

 

 

Ông Billy Markus, người đã dành khoảng 3 giờ đồng hồ để tạo Dogecoin, đã đăng một bức thư ngỏ trên Reddit vào ngày 8 tháng 2 vừa qua, kêu gọi cộng đồng lấy lại tinh thần vui vẻ. Nhưng những nhận xét chốt lại của anh lại là lời cảnh báo với tất cả các nhà đầu tư:

 

“Xin hãy nhận thức đúng đắn về cách tiền điện tử hoạt động, cách các thị trường này đang hoạt động, đừng bao giờ tạo ra rủi ro nhiều hơn mức bạn có thể chấp nhận, hãy cảnh giác và tỉnh táo”.

 

 

Thủy Tiên (ntdvn.com)

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://www.forbes.com/advisor/investing/what-is-dogecoin/
  2. https://www.france24.com/fr/%C3%A9co-tech/20210420-dogecoin-la-cryptomonnaie-parodique-prise-trop-au-s%C3%A9rieux-par-les-investisseurs
  3. https://coin68.com/dogecoin-la-gi-tu-dong-doge-vo-hai-den-uoc-mo-cua-moi-nha-dau-tu/
  4. https://interestingengineering.com/what-do-bitcoin-and-tulip-mania-have-in-common
  5. https://www.nasdaq.com/articles/forget-dogecoin%3A-buy-this-tech-stock-instead-2021-04-07
  6. https://www.patriotinvestment.com/blog/dogecoin-might-be-a-case-of-asset-euphoria/
  7. https://www.fool.com/investing/2021/04/23/can-dogecoin-be-more-than-a-meme/