Ngày 17/3, Declan Chan bay từ Thuỵ Sĩ về Hong Kong sau sáu tuần ở nước ngoài. Quan chức thành phố đã yêu cầu anh đeo một vòng tay màu trắng trông khá đơn giản. Trước khi rời sân bay, anh phải tải một ứng dụng tên StayHomeSafe về điện thoại. Khi về đến nhà, Declan được yêu cầu đăng nhập vào ứng dụng và bắt đầu đếm ngược 14 ngày cách ly. Anh phải đi bộ đến bốn góc của căn hộ để ứng dụng có thể xác định vị trí căn nhà.

Declan Chan nói so với việc bị theo dõi vị trí thì anh thà bị cách ly tập trung.

Declan Chan nói nếu được lựa chọn, anh sẽ cách ly tập trung thay vì bị theo dõi vị trí khi cách ly tại nhà.

Khi Covid-19 bùng phát, một số quốc gia đã dùng công nghệ định vị để theo dõi những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh - đặc biệt là những người đến từ nước ngoài.

 

Israel vừa phê duyệt đề xuất dùng công nghệ định vị để theo dõi điện thoại di động của những người nghi ngờ có nCoV. Biện pháp này trước đây chỉ dùng để chống khủng bố. Hàn Quốc thậm chí cho phép trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera giám sát để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

 

Nhiều người lo ngại việc theo dõi vị trí để kiểm soát dịch bệnh có thể mở ra một nguy cơ lớn hơn về quyền riêng tư của công dân. Ở Israel, các chính trị gia phe đối lập cùng các chuyên gia lập hiến chỉ trích gay gắt biện pháp theo dõi vị trí này. Nó không chỉ vi phạm quyền riêng tư của công dân mà còn thiếu sự kiểm soát đủ mạnh của chính phủ về việc sử dụng dữ liệu thu thập được.

 

Việc Covid-19 bùng phát cũng làm dấy lên một cuộc tranh cãi mới về quyền riêng tư và bảo mật thông tin. Trong nhiều năm qua, việc một số chính phủ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, thu thập dữ liệu điện thoại để bảo vệ đã vấp phải nhiều chỉ trích. "Tôi muốn nghe một lời biện luận rõ ràng tại sao những yêu cầu về dữ liệu cá nhân là bắt buộc. Tại sao chính phủ không chọn những biện pháp khác tốt hơn, không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân", Jennifer King, giám đốc quyền riêng tư tại Trung tâm Internet và Xã hội của Đại học Stanford nói với CNN Business.

 

Theo tuyên bố của Hong Kong, vòng đeo tay của Declan Chan làm một trong 60.000 chiếc mà chính phủ triển khai để kiểm dịch và ngăn chặn nCoV lây lan. Ứng dụng này được phát triển bởi một công ty khởi nghiệm địa phương. Bất kỳ ai "chống lại hoặc cố tình cung cấp thông tin sai lệch cho Bộ Y tế" đều có thể bị phạt đến 5.000 HKD (644 USD) và sáu tháng tù. "Nếu ứng dụng bị xóa trong thời gian cách ly, Bộ Y tế và cảnh sát sẽ được thông báo để có hành động tiếp theo", một phát ngôn viên của chính phủ Hong Kong nói.

 

"Người dùng có thể xoá ứng dụng sau 14 ngày. Chính phủ không thu thập thêm bất kỳ dữ liệu cá nhân nào từ điện thoại. Việc theo dõi, giám sát chỉ là bước cần thiết để hạn chế virus lây lan", vị này cho biết thêm.

 

Raz Nizri, đại diện bộ tư pháp Israel nói việc theo dõi vị trí công dân là "thiết yếu" để cứu người. Chính phủ cũng cố gắng tìm những giải pháp tối ưu để giảm thiểu sự xâm phạm quyền riêng tư của công dân.

 

Theo các các chuyên gia, nếu buộc phải theo dõi vị trí để tránh virus lây lan thì người dùng phải được bảo vệ trước khi bị biến thành một công cụ giám sát trên diện rộng. "Những yêu cầu bắt buộc hoặc không có giới hạn rõ ràng về việc thu thập dữ liệu rất đáng lo ngại", Jennifer King nói. Giám đốc về quyền riêng tư tại Trung tâm Internet và Xã hội của Đại học Stanford cũng lo ngại việc thu thập dữ liệu có dừng lại hay vẫn được tiếp tục khi dịch bệnh qua đi.

 

Nhà Trắng cũng đang tích cực làm việc với các công ty công nghệ hàng đầu về việc sử dụng dữ liệu vị trí người Mỹ để theo dõi sự lây lan của coronavirus.

 

Google, Facebook xác nhận họ đang tìm cách để người dùng có thể chia sẻ dữ liệu vị trí ẩn danh.

 

Chính phủ các nước phương Tây phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc truy cập vào dữ liệu cá nhân của công dân. "Mỗi quốc gia đều có những biện pháp khác nhau để kiểm soát dịch bệnh. Việc theo dõi vị trí công dân phù hợp hơn với các quốc gia có diện tích nhỏ, mật độ dân số dày", Dipayan Ghosh, chuyên gia tại Đại học Harvard nói.

Khương Nha (theo CNN)