Microsoft tuyên bố đầu tư khoản tiền khổng lồ vào OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, trong bối cảnh cuộc đua trí tuệ nhân tạo nóng lên.

 

Ngày 23/1, Microsoft cho biết khoản đầu tư hàng tỷ USD sẽ được phân bổ trong nhiều năm, trong đó có việc phát triển siêu máy tính và hỗ trợ điện toán đám mây, nhằm thắt chặt mối quan hệ với OpenAI. Theo hãng phần mềm Mỹ, đây là "giai đoạn thứ ba" của mối quan hệ đối tác.

 

Microsoft không tiết lộ con số chi tiết, nhưng nguồn tin từ Bloomberg cho biết khoản tiền này lên tới 10 tỷ USD. Hãng cũng đã lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing nhằm cạnh tranh thị phần với Google Search.

 

Bên ngoài văn phòng Microsoft ở New York chụp vào tháng 7/2015. Ảnh: Reuters

 

OpenAI do tỷ phú Elon Musk, nhà đầu tư Sam Altman và một số tên tuổi khác đồng sáng lập. Microsoft là một trong những hãng đầu tiên đổ tiền vào startup này với một tỷ USD năm 2019. Công ty đã gặt hái được những thành công đầu tiên với mô hình GPT-3 năm 2020, Dall-E năm 2021 và ChatGPT dựa trên mô hình GPT-3.5 cuối 2022.

 

Theo Reuters, việc Microsoft đổ tiền vào OpenAI là hướng đi đúng đắn, giúp đón đầu xu hướng AI tiên tiến và tạo tiền đề cho sự cạnh tranh nhiều hơn với đối thủ Alphabet.

 

ChatGPT vượt qua kỳ thi MBA

 

Sự thông minh của ChatGPT hiện tiếp tục được khẳng định khi vượt qua kỳ thi MBA của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania danh tiếng.

 

Giáo sư Christian Terwiesch của trường đã thử thách khả năng của ChatGPT với hàng loạt bài thi như một người bình thường. Một trong đó là bài kiểm tra cuối kỳ của Quản lý hoạt động - bộ môn cốt lõi của chương trình MBA tại Wharton.

 

Giáo sư Terwiesch đánh giá ChatGPT đã "thể hiện một cách tuyệt vời, từ những câu hỏi phân tích quy trình và quản lý hoạt động cơ bản cho đến khả năng xử lý điển hình". Tuy vậy, vị giáo sư cho rằng AI của OpenAI có một số thiếu sót khi xử lý các câu hỏi phân tích ở quy trình nâng cao.

 

ChatGPT đang được đánh giá là AI thông minh nhất khi có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ như tra cứu, viết văn, lập trình... chỉ bằng một đoạn mô tả hoặc câu lệnh ngắn. Tuy nhiên, AI này cũng gây lo ngại, ẩn chứa rủi ro khi được phổ cập cho mọi nhà. Theo Guardian, siêu AI được đào tạo dựa trên một lượng lớn văn bản từ Internet và nhiều trong số đó chưa được sự cho phép của tác giả, dẫn đến tranh cãi về việc công nghệ có thể bị lạm dụng để "rửa bản quyền", tiếp tay cho tình trạng đạo văn. Số khác lo ChatGPT mở đầu cho sự sụp đổ của giới trí thức văn phòng hay lập trình viên. Học sinh, sinh viên cũng có thể dùng để làm các bài tập, tiểu luận một cách tinh vi. Một số đơn kiện đã được gửi lên các tòa án tại Mỹ để ngăn AI này.

 

Dù vậy, với tiềm năng lớn, giới chuyên gia nhận xét các mô hình như ChatGPT có thể thay đổi hoàn toàn cách con người giao tiếp, tìm kiếm thông tin, mang lại cảm giác như đang trò chuyện với con người chứ không phải những dòng lập trình khô cứng.