Nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại Warren Buffett tuyên bố “Bitcoin không tạo ra bất cứ thứ gì, nó không làm được gì cả. Nó chỉ ngồi đó. Nó giống như một cái vỏ sò hay một thứ gì đó và đó không phải là một khoản đầu tư đối với tôi”. (Ảnh: Flickr)

 

 

26 nhà khoa học máy tính và chuyên gia công nghệ của Mỹ đã viết thư gửi lên Quốc hội, các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ,... với mong muốn tha thiết các cơ quan này không mắc bẫy các phù thủy tài chính bất lương đang vận động hành lang, tạo ra một câu chuyện gian dối về tiền ảo với tư cách là tài sản dự trữ. Đó là trò lừa đảo lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua.

 

Thực vậy, tiền ảo không có bất kỳ đặc tính nào để xứng đáng trở thành tiền; công nghệ mã hóa chuỗi khối (blockchain) của nó cũng không đặc biệt và duy nhất đến mức có thể trở thành tài sản dự trữ. Sự xuất hiện của nó trên thị trường tiền tệ, ngoài việc tạo đầu cơ, lũng đoạn, hỗ trợ tội phạm,... thì còn để vô hiệu quá tiền pháp định, cướp đi tài sản thực sự của người dân khắp toàn cầu.

 

Vấn đề ở chỗ, trò lừa đảo này lại được pháp luật Mỹ và nhiều quốc gia bảo vệ, coi nó là một loại phương tiện thanh toán và tài sản dự trữ. Các chính trị gia và nhà đầu tư bắt đầu nhận ra 'cái đuôi cáo' của toàn bộ câu chuyện này. Nhưng những người đang kiếm bộn tiền trong ngành công nghiệp tiền ảo khó có thể chấp nhận trò chơi kết thúc. Họ phải làm một điều gì đó mạnh mẽ. Thực ra, họ vẫn đang làm miệt mài kể từ khi trò đùa của họ được dựng lên: vận động hành lang chính sách. Một cách gọi khác có thể đúng bản chất hơn: 'thao túng chính sách bằng tiền và truyền thông tạo dư luận'.

 

Bức thư của 26 nhà khoa học máy tính và chuyên gia công nghệ gửi tới cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ, kết hợp với kiến thức phổ thông về tiền tệ, có thể cho chúng ta thấy rằng các nhận định 'khó nghe' ở trên là không hề quá lời.

 

Vận động hành lang nhiệt huyết

Những người đầu tư, phát triển và kiếm tiền trong ngành công nghiệp tiền ảo (crypto) đã thuê chính cựu Chủ tịch Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), ông Jay Clayton. Ông ta trở thành một trong những người vận động hành lang đắt giá, nhằm đảm bảo cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ không thúc đẩy các quy định về quản lý tiền tử; chẳng hạn như minh bạch giao dịch hoặc không thừa nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán hay tài sản dự trữ. Ông Jay Clayton là Chủ tịch của SEC từ năm 2017-2020. Trong nhiệm kỳ của ông Clayton, SEC đã tích cực theo đuổi các dự án tiền điện tử, bao gồm Block.One. Dự án này đã đạt được thỏa thuận với SEC về phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) trị giá 4 tỷ USD cho blockchain EOS vào cuối năm 2019.

Diễn viên Hollywood Matt Damon trong một clip giới thiệu về dự án tiền ảo (Ảnh chụp màn hình video, bởi NTDVN ngày 22/6/2022).

 

Trong số các nhân vật tăm tiếng, đắt giá, vận động hành lang trong ngành này còn thấy tên tuổi diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hollywood như Matt Damon, LeBron James, Spike Lee, Tom Brady, Alec Baldwin. Những người xuất hiện, tạo niềm tin, dư luận để đảm bảo cho ngành công nghiệp tiền ảo tiếp tục được huy động, bơm, thổi và phát nổ tự do, được giao dịch bí mật cho các tổ chức, tập đoàn tội ác như hiện nay.

 

Số lượng người vận động hành lang trong ngành công nghiệp tiền ảo đã tăng gấp 3 lần, số tiền bỏ vào vận động tăng gấp 4 lần (từ 2,2 triệu USD lên 9 triệu USD) trong 3 năm, theo Báo cáo của Capital Coin phát hành ngày 8/3/2022.

 

'Đuôi cáo' của câu chuyện đùa

Trước sự tham dự của SEC, tiền ảo Block.One huy động được bộn tiền nhưng sau đó chỉ trả cho SEC 24 triệu USD, không thể trả nổi tiền cho các nhà đầu tư khác vì giá trị của nó mất luôn 85% sau khi huy động xong tiền. Các nhà đầu tư đã đệ đơn kiện công ty phát hành Block.One là "trò lừa đảo lớn nhất". Hiện tại, Block.One là một trong vô số các tiền ảo rác, đứng thứ hạng hơn 1.200 trong số hàng ngàn đồng tiền ảo vô nghĩa đã huy động vốn.

 

Các đồng tiền ảo khi phát hành, hầu hết là để kêu gọi vốn, giá cả và thanh khoản được bơm, thổi một cách đầy mờ ám qua các sàn giao dịch không có giám sát, các tài khoản không cần kê khai. Nhà phát hành tiền ảo cùng với công ty quản lý sàn giao dịch bắt tay nhau trở thành đội "cá mập" tạo giá ảo, cầu ảo. Các nhà đầu tư cảm thấy tương lai rất sáng sủa với lợi nhuận cao ngất ngưởng, họ đã đầu tư tiền thật vào một thứ không thể gọi là tài sản cũng như là tiền bạc, vào một sân chơi mà mình luôn thua. Khi lượng tiền huy động đủ, cuộc chơi kết thúc. Còn nhà phát triển tiền ảo và quản lý sàn giao dịch thì chia sẻ lợi nhuận. Trong trường hợp của Block.One, công ty phát hành tiền ảo còn có chia sẻ với SEC (một cách công khai là 24 triệu USD). SEC có phải chịu trách nhiệm về vụ 'lừa đảo Block.One" hay không? Đó là một câu hỏi ngỏ như hàng tá câu hỏi ngỏ trên thị trường tài chính hiện nay.

 

Không chỉ thế, hiện tại, các nhà đầu tư khắp toàn cầu không thể chạm vào khoản tiền 11 tỷ USD trong tài khoản của họ trên nền tảng Celsius Network. Nhưng các công ty kinh doanh trong ngành công nghiệp hỗn loạn này đã kịp chi tiền chung để thuê công ty luật lớn Akin Gump, chỉ để giải thích lý do [nghe có vẻ hợp pháp, khoa học] rằng tại sao các nhà đầu tư không thể lấy tiền của họ ra khỏi Celsius Network.

 

Theo giới thiệu của Tino Group, Celsius Network (CEL) được biết đến là dự án cho vay tiền mã hóa cá nhân (Person-to-Person) phi tập trung. Dự án được thành lập vào tháng 07/2017 tại London (Anh). Mục tiêu của Celsius Network là cho phép người dùng nhận lãi từ các khoản cho vay tiền mã hóa như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH). Hiểu đơn giản, Celsius Network là nền tảng công nghệ tài chính (Fintech), cung cấp tài khoản tiết kiệm chịu lãi suất, vay và thanh toán bằng tiền mã hóa.

 

Cùng với sự sụp đổ của các nền tảng như CEL, sự lao dốc của tiền kỹ thuật số phi pháp định, trong vụ phá sản tiền điện tử gần đây nhất, các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin rầm rộ về những người mất toàn bộ khoản tiết kiệm hưu trí hoặc số tiền họ đã chắt chiu để mua ngôi nhà đầu tiên.

 

Vạch trần lời nói dối về công nghệ blockchain

Một nhóm 26 nhà khoa học, kỹ sư phần mềm và nhà công nghệ đã phát hành một bức thư mà họ gửi đến các thành viên chủ chốt của Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện; Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện; và Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.

Những người ký tên trong lá thư bao gồm Kelsey Hightower, kỹ sư chính tại Google Cloud; và Bruce Schneier, Giảng viên về Chính sách Công tại Trường Harvard Kennedy, thành viên hội đồng quản trị của Electronic Frontier Foundation, cố vấn đặc biệt của IBM Security và là tác giả của 14 cuốn sách - bao gồm sách bán chạy nhất của New York "Data and Goliath: The Hidden Battles to Collect Your Data and Control Your World".

 

Bức thư đề cập tới lĩnh vực chuyên môn về công nghệ blockchain, vạch trần các lời nói dối về tính năng của công nghệ này để đảm bảo tiền ảo phi pháp định được trở thành một công cụ đầu cơ, huy động vốn, một tài sản tài chính có thể dự trữ.

 

“Hôm nay, chúng tôi viết thư cho ông/bà kêu gọi Ủy ban thực hiện một cách tiếp cận nghiêm khắc, hoài nghi đối với các tuyên bố trong ngành rằng tài sản tiền điện tử (đôi khi được gọi là tiền điện tử, mã thông báo tiền điện tử hoặc web3) là một công nghệ đổi mới tốt một cách đáng kinh ngạc. Chúng tôi kêu gọi ông/bà chống lại áp lực từ các nhà tài chính, vận động hành lang thúc đẩy ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số để tạo ra một nơi trú ẩn an toàn theo quy định cho các công cụ tài chính kỹ thuật số rủi ro, thiếu sót và chưa được chứng minh này".

 

Câu chuyện về Bitcoin được xây dựng trên nền tảng của sự thật nửa vời, thậm chí là dối trá, theo chủ nghĩa Darwin xã hội (lý thuyết về sự tiến hóa xã hội), chủ nghĩa hoài nghi (không còn tin tưởng vào tiền pháp định của các chính phủ). Nó là một sự thoải mái kỳ lạ với tội phạm và sự thờ ơ về an ninh của các chính phủ trên khắp toàn cầu, đặc biệt là Mỹ. (Ảnh: Pixabay)

 

“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với câu chuyện - được đăng tải bởi những người có cổ phần trong ngành tài sản tiền điện tử - rằng những công nghệ này đại diện cho một sự đổi mới tài chính tích cực, theo cách rất phù hợp để giải quyết các vấn đề tài chính mà người Mỹ bình thường phải đối mặt…".

“Với tư cách là các kỹ sư phần mềm và nhà công nghệ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực của mình, chúng tôi phản đối những tuyên bố được đưa ra trong những năm gần đây về tính mới và tiềm năng của công nghệ blockchain. Công nghệ blockchain không thể và sẽ không có các cơ chế đảo ngược giao dịch vì chúng trái ngược với thiết kế cơ sở của nó. Tương tự, hầu hết các sản phẩm tài chính dựa trên blockchain công khai đều là một thảm họa đối với quyền riêng tư tài chính; các trường hợp ngoại lệ là một số ít các lựa chọn thay thế tài chính blockchain tập trung vào quyền riêng tư mới nổi và đây là món quà dành cho những kẻ rửa tiền. Các công nghệ tài chính phục vụ công chúng luôn phải có cơ chế giảm thiểu gian lận và cho phép nhân viên được đảo ngược các giao dịch; chúng ta không thể làm được việc này với blockchain". 

 

Nhưng lời tuyên bố mới nhất này khác xa so với lời kêu gọi duy nhất mà các chuyên gia đã vang lên. Nhóm chuyên gia khẳng định công nghệ Blockchain và sổ cái của nó không có gì mới mẻ, nó đã được phát triển từ thập niên 1980 của thế kỷ 20.

 

Không có bất kỳ tính chất hay ưu thế nào của tiền tệ

Thực ra, bức thư của 26 nhà khoa học không phải là tiếng nói lương tri và sở cứ khoa học, công nghệ duy nhất về tiền ảo. Cách đây 3 năm, Giáo sư và nhà kinh tế Nouriel Roubini của Đại học New York tuyên bố trên tài khoản Twitter của ông:

“Tiền điện tử thậm chí không phải là tiền tệ. Chúng chỉ là một trò đùa… Giá Bitcoin đã giảm bao nhiêu trong một tuần, tới 30%. Nó tăng 20% ​​vào một ngày, rồi sụp đổ vào ngày hôm sau. Nó không phải là phương tiện thanh toán. Không ai, kể cả hội nghị blockchain này, chấp nhận Bitcoin để thanh toán phí hội nghị vì bạn chỉ có thể thực hiện năm giao dịch mỗi giây với Bitcoin. Với hệ thống Visa, bạn có thể thực hiện 25.000 giao dịch mỗi giây… Tiền điện tử là vô nghĩa. Đó là một sự thất bại. Không ai sử dụng nó cho bất kỳ giao dịch nào. Đó là giao dịch một đồng tiền rác rưởi này lấy một đồng tiền rác rưởi khác. Đó là toàn bộ giao dịch hoặc tiền tệ trong không gian có thao túng giá, giả mạo, giao dịch rửa, bơm và bán phá giá, lừa đảo trực tuyến. Đó chỉ là một trò lừa đảo hình sự lớn và không có gì khác". 

 

Tiền tệ buộc phải có ba đặc tính sau: (i) là phương tiện thanh toán, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dùng; (ii) phải đo lường được giá trị của cải trong một không gian cụ thể (như một nền kinh tế hay một khu vực kinh tế hoặc toàn cầu); (iii) phải minh bạch giao dịch, có thể đảo ngược giao dịch, tra vết được giao dịch để trừng phạt tội phạm rửa tiền, lừa đảo, hay giao dịch tội ác khác...

 

Tiền ảo, thậm chí không đáp ứng được bất kỳ đặc tính nào trong này.

 

Rõ ràng, về công nghệ, tiền ảo không đáp ứng được khả năng thanh toán so với công nghệ thanh toán tiền pháp định truyền thống như Giáo sư Roubini đã chỉ ra.

 

Về đo lường giá trị, khối lượng tiền phải cố định hoặc cố định một cách tương đối thì mới có thể đo lường được khối tài sản đã có và làm thêm ra trong một năm. Nhưng công nghệ Blockchain không phải là một bí mật đến mức chỉ có Bitcoin là sở hữu nó. Bitcoin có 21 triệu coin, nó có vẻ là một khối lượng cố định. Tuy nhiên, có hàng ngàn đồng tiền như Bitcoin được tạo ra mỗi ngày bởi công nghệ Blockchain. Nó không phải là một bí mật, một điều gì mới mẻ hay khó khăn như mô tả của các chuyên gia ở trên. Một không gian trên mạng internet được mã hóa (blockchain), có thể tạo ra vô số, làm sao có thể trở thành tài sản để dự trữ?

Bitcoin khi kết hôn với Internet bóng tối, đã khiến thị trường tội ác bùng nổ. Bộ đôi này dường như đang đàng hoàng dắt tay nhau công khai trong ánh sáng bất lực của nền văn minh hiện đại. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

 

Cuối cùng, tính minh bạch. Đó chính là điều không một đồng tiền ảo nào có. Hầu hết các dự án tiền ảo ra đời chỉ để lừa đảo vốn, như cách mà Block.One bắt tay với SEC của Hoa Kỳ đã làm. Sau đó, chúng trở thành rác. Các coin uy tín nhất như Bitcoin cũng chỉ được giới tội phạm hết lòng ưu ái vì khả năng "mất dấu vết" của nó cũng như không thể đảo ngược trong giao dịch của nó.

 

Từ góc độ chính sách tiền tệ mà xét, sự hỗn loạn của thị trường tiền ảo đã kích thích đầu cơ, lừa đảo tài chính, gian lận thương mại, giao dịch tội ác, rửa tiền; một công cụ hoàn hảo để vô hiệu hóa giá trị đồng tiền pháp định của chính phủ.

 

Vậy tại sao các cơ quan chính phủ vẫn cho phép nó giao dịch, tồn tại, huy động tiền trên thị trường tài chính? Thậm chí, một số chính phủ, như Mỹ, còn cho phép nó giao dịch như một công cụ tài sản, một nơi 'trú ẩn' tài sản? Họ mơ hồ về sự thật này hay đơn giản là các khoản tiền vận động hành lang đã quá lớn, các chia sẻ từ dự án như Block.One quá nhanh, hợp pháp và đơn giản?

 

Dù câu trả lời là gì, dù các chính trị gia, các nhà lập pháp có muốn lắng nghe sự thật về tiền ảo và 'hiệu năng' của blockchain hay không, thì có một sự thật khó có thể phủ nhận là: Tiền ảo là một câu chuyện đùa, một lời nói dối trắng trợn trong hơn một thập kỷ qua!

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam. Bài viết có sử dụng một số nguồn tin từ trang Wall Street on Parade.

(Theo ntdvn.net)