Ứng dụng Zoom không có tính bảo mật cao. Ảnh: SCMP

Ứng dụng Zoom không có tính bảo mật cao. Ảnh: SCMP

Lệnh cấm của Elon Musk có hiệu lực chỉ vài ngày sau khi cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cảnh báo người dùng về tính an toàn của ứng dụng Zoom. Email của ông được gửi đi vào ngày 28/3 và quyền truy cập vào ứng dụng nói trên ngay sau đó bị vô hiệu hóa với toàn bộ công ty SpaceX

 

Tuy nhiên, động thái này cũng khiến công ty chế tạo tên lửa đối mặt với thách thức làm sao để gắn kết các bộ phận làm việc tránh sự lây lan của Covid-19 nhưng vẫn giữ tính bảo mật tối đa cho an ninh quốc gia. "Hãy sử dụng email, tin nhắn SMS hoặc gọi điện làm các phương tiện liên lạc thay thế", thông báo của SpaceX có đoạn. 

 

NASA, một trong những khách hàng lớn nhất của SpaceX, cũng cấm nhân viên của mình sử dụng Zoom, theo Stephanie Schierholz, phát ngôn viên của cơ quan vũ trụ Mỹ. 

 

Văn phòng FBI tại Boston đầu tuần này đã đưa ra cảnh báo về tính an toàn của ứng dụng Zoom. Người dùng được khuyên không nên tổ chức các cuộc họp trên trang web công khai hoặc chia sẻ liên kết rộng rãi. FBI trước đó nhận được một số báo cáo cho thấy các cá nhân không xác định đã thâm nhập được vào các buổi họp, hiện tượng được gọi là zoombombing. 

 

"Ứng dụng Zoom không mã hóa dữ liệu đầu cuối giữa những người tham gia cuộc họp", The Intercept viết và khẳng định bất kỳ thông tin nào trên ứng dụng này đều có thể bị khai thác bởi các tin tắc. 

 

Zoom không đưa ra bình luận về quyết định của NASA, SpaceX hay cảnh báo của FBI nhưng khuyến cáo người dùng nên sử dụng tất cả các chức năng bảo mật có trên nền tảng của mình. 

Hoài Anh