Biểu tượng của hãng Huawei tại triển lãm MWC, tháng 2/2023. Ảnh: Lưu Quý
Kinh doanh smartphone lao dốc sau khi Mỹ cấm vận từ giữa 2019, Huawei tìm đường lấy lại vị thế bằng tự phát triển chuỗi cung ứng chip nội địa.
Huawei Technologies vừa báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng 18% lên 54,9 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD). Doanh thu tăng 34,3% lên 417,5 tỷ nhân dân tệ (58,6 tỷ USD), mức cao nhất nửa đầu năm kể từ 2020.
Huawei nói kết quả phù hợp với dự báo của công ty. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chất lượng tất cả quy trình kinh doanh, tối ưu hóa danh mục sản phẩm để tăng khả năng chống chịu và xây dựng các hệ sinh thái thịnh vượng", Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu tuyên bố.
Thông tin riêng gửi cho SCMP, công ty tiết lộ smartphone và giải pháp xe hơi thông minh "tăng trưởng nhanh chóng", còn mảng hạ tầng công nghệ thông tin, điện toán đám mây và năng lượng số ổn định.
Nửa đầu 2024, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến xuất xưởng 22,2 triệu chiếc smartphone, tăng 55,2% so với cùng kỳ 2023, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys. Điều này giúp Huawei chiếm 18,1% thị phần smartphone Trung Quốc vào quý II, cùng Vivo và Oppo đánh bật Apple khỏi top 5 thị phần nước này, theo hãng dữ liệu quốc tế IDC.
5 năm vượt khó cấm vận của Huawei
Kinh doanh smartphone lao dốc sau khi Mỹ cấm vận từ giữa 2019, Huawei tìm đường lấy lại vị thế bằng tự phát triển chuỗi cung ứng chip nội địa.
Huawei Technologies vừa báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng 18% lên 54,9 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD). Doanh thu tăng 34,3% lên 417,5 tỷ nhân dân tệ (58,6 tỷ USD), mức cao nhất nửa đầu năm kể từ 2020.
Huawei nói kết quả phù hợp với dự báo của công ty. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chất lượng tất cả quy trình kinh doanh, tối ưu hóa danh mục sản phẩm để tăng khả năng chống chịu và xây dựng các hệ sinh thái thịnh vượng", Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu tuyên bố.
Thông tin riêng gửi cho SCMP, công ty tiết lộ smartphone và giải pháp xe hơi thông minh "tăng trưởng nhanh chóng", còn mảng hạ tầng công nghệ thông tin, điện toán đám mây và năng lượng số ổn định.
Nửa đầu 2024, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến xuất xưởng 22,2 triệu chiếc smartphone, tăng 55,2% so với cùng kỳ 2023, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys. Điều này giúp Huawei chiếm 18,1% thị phần smartphone Trung Quốc vào quý II, cùng Vivo và Oppo đánh bật Apple khỏi top 5 thị phần nước này, theo hãng dữ liệu quốc tế IDC.
Arthur Guo, nhà phân tích cấp cao tại Client System Research của IDC Trung Quốc cho biết, "Trong nửa đầu năm, Huawei vẫn là công ty dẫn đầu thị trường bất chấp các hạn chế thương mại của Mỹ, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Apple trong phân khúc điện thoại giá trên 600 USD".
Nhưng hành trình tìm lại chỗ đứng không dễ dàng. Giữa tháng trước, Chủ tịch nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei Richard Yu thừa nhận đã đối mặt với những ngày "vô cùng khó khăn" sau khi Mỹ đưa họ vào danh sách đen (Entity List), đẩy mảng kinh doanh điện thoại thông minh từng béo bở trở nên ngột ngạt.
Cú giáng 'danh sách đen'
Ngày 15/5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào "Danh sách Thực thể" (Entity List), cấm các công ty Mỹ cung cấp công nghệ và linh kiện mà không có giấy phép đặc biệt. Quyết định đưa ra với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Mỹ cáo buộc thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để do thám, dù họ phủ nhận.
Quyết lập tức làm gián đoạn chuỗi cung ứng của công ty. Huawei không còn được phép mua công nghệ và linh kiện từ các công ty Mỹ, bao gồm cả các chip bán dẫn tiên tiến và phần mềm như hệ điều hành Android của Google. Điều này gây khó khăn lớn cho việc sản xuất các sản phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh và thiết bị mạng viễn thông.
Việc mất quyền tiếp cận khiến điện thoại Huawei không còn được cài đặt sẵn các dịch vụ như Google Play Store, Gmail, và YouTube, làm giảm mạnh sức hút với người tiêu dùng quốc tế, nơi người dùng rất phụ thuộc vào các dịch vụ Google.
Do đó, doanh số bán hàng, đặc biệt là trong mảng điện thoại thông minh, sụt giảm đáng kể. Huawei từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, nhưng cú giáng danh sách đen đánh tuột ngay sản lượng của họ.
Một năm sau trừng phạt, Huawei đã chịu thiệt hại ở thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng giảm 16% trong quý II/2020, trong khi Samsung và Xiaomi lần lượt tăng 20% và 48% so với cùng kỳ 2019, theo công ty nghiên cứu Canalays.
Về sản lượng, hồi 2019, Huawei xuất xưởng hơn 240 triệu điện thoại thông minh trên các nhà máy toàn cầu. Nhưng đến 2022, con số giảm 8,5 lần, chỉ còn 28,1 triệu chiếc, theo công ty nghiên cứu thị trường Omdia. Năm đó, họ lùi về đứng thứ 10 trong ngành, còn Samsung Electronics dẫn đầu với 258,5 triệu chiếc điện thoại xuất xưởng toàn thế giới. Yu nói "Đội ngũ của tôi không thể hoạt động".
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu cho mạng 5G toàn cầu. Việc vào danh sách đen làm giảm khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến cần thiết để phát triển và triển khai mạng 5G, lẫn khả năng làm điện thoại 5G. "Là công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ 5G, chúng tôi thậm chí còn không có smartphone 5G. Những ngày tháng của chúng tôi vô cùng khó khăn", ông nói.
Tự lực cánh sinh
Khi không còn được phép sử dụng hệ điều hành Android trên các thiết bị mới, Huawei phát triển và ra mắt hệ điều hành riêng tên HarmonyOS ngay năm 2019. Nó được thiết kế để hoạt động trên nhiều loại thiết bị khác nhau, từ điện thoại thông minh đến thiết bị IoT (Internet of Things). Việc chuyển sang HarmonyOS giúp Huawei giảm bớt sự phụ thuộc vào Android và tạo ra hệ sinh thái riêng.
Một trong những thách thức lớn nhất mà Huawei phải đối mặt là mất quyền tiếp cận chip bán dẫn tiên tiến do Mỹ sản xuất hoặc sử dụng công nghệ Mỹ. Để đối phó, họ nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp chip nội địa và các quốc gia khác, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để tự sản xuất chip. Huawei sau đó hợp tác với SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation), nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, để phát triển các vi xử lý mới.
Do bị hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ 5G, Huawei tập trung vào phát triển các dòng điện thoại 4G nhưng vẫn được trang bị các tính năng cao cấp. Các mẫu như Huawei P50 và Mate 40 đã được ra mắt với khả năng xử lý mạnh mẽ để duy trì sức hút với người tiêu dùng.
Trước sức ép từ thị trường quốc tế, họ tập trung mạnh vào thị trường nội địa, nơi vẫn có lợi thế và sự ủng hộ từ khách hàng. Trong tiếp thị, công ty nhấn mạnh quảng bá các tính năng nổi bật như camera chất lượng cao, thời lượng pin tốt, và tích hợp sâu với HarmonyOS.
Đến tháng 8/2023, Huawei gây bất ngờ khi phát hành Mate 60 - chiếc điện thoại thông minh 5G được trang bị bộ xử lý 7 nanomet "Made in China" Kirin 9000S. Shahram Mokhtari, Kỹ thuật viên công ty sửa chữa công nghệ trực tuyến iFixit kể lại tin tức về con chip 9000S đã tạo chút hoảng loạn trên chính trường Mỹ khi ấy.
Ông kể, "Các nhà lập pháp Mỹ phải đối mặt với khả năng các lệnh trừng phạt áp dụng đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc cuối cùng có thể vẫn không làm chậm tiến trình công nghệ của họ".
Giữa tháng 4/2024, Huawei ra mắt mẫu điện thoại Pura 70. Theo báo cáo phân tích của TechInsights, chipset Kirin 9010 trong Pura 70 là phiên bản mới hơn của Kirin 9000S có trong mẫu Mate 60. Các con chip này đều được sản xuất bởi (SMIC), cho thấy khả năng phục hồi của Huawei trong việc chống lại các lệnh trừng phạt và giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Theo đề nghị của Reuters, iFixit và công ty tư vấn TechSearch International đã kiểm tra bên trong mẫu điện thoại Pura 70 Pro của Huawei. Họ còn tìm thấy một chip nhớ NAND có khả năng được đóng gói bởi đơn vị chip nội bộ HiSilicon của Huawei và một số thành phần khác do các nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất.
Shahram Mokhtari nói dù không thể kết luận tỷ lệ chính xác nhưng rõ ràng Pura 70 dùng nhiều linh kiện nội địa hơn Mate 60. Ông nói "Tất cả những gì ta thấy khi mở chiếc smartphone là mọi linh kiện do Trung Quốc sản xuất, điều này liên quan đến khả năng tự cung tự cấp".
Một người đi ngang biển hiệu Huawei Pura 70 tại cửa hàng Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: Lưu Quý
Theo công ty nghiên cứu TechInsights, Huawei dự kiến xuất xưởng hơn 50 triệu chiếc điện thoại tại Trung Quốc trong năm nay, giành lại vị trí hàng đầu đại lục với thị phần dự kiến là 19%, tăng từ 12% vào năm 2023. Chủ tịch Yu nói, "Điện thoại thông minh Huawei sử dụng chip sản xuất trong nước thay vì tích hợp chip phương Tây, vì vậy người dùng của chúng tôi cũng đang đóng góp vào sự phát triển của chuỗi cung ứng điện tử tại Trung Quốc".
Tháng trước, Huawei đã hoàn thành việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) tại Thượng Hải, nơi họ sẽ tập trung vào chất bán dẫn, mạng không dây và IoT. Họ còn tham vọng sẽ phá vỡ sự thống trị của các hệ điều hành di động phương Tây tại Trung Quốc đại lục khi phát hành HarmonyOS Next, hệ điều hành sẽ chấm dứt hỗ trợ cho các ứng dụng Android.
Theo một số nguồn tin, Huawei sẽ sớm tung ra chính thức con chip Ascend 910C ứng dụng cho trí thông minh nhân tạo (AI). Con chip này được công ty tuyên bố là năng lực tương đương chip H100 của Nvidia. Năm ngoái, Nhà Trắng đã cấm Nvidia bán chip tiên tiến H100 cho khách hàng Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia.
Chip Ascend 910C đang được các công ty viễn thông và Internet Trung Quốc thử nghiệm. Theo Reuters, các cuộc đàm phán ban đầu cho thấy các khách hàng tiềm năng có thể mua hơn 70.000 con chip, mang về cho Huawei khoảng 2 tỷ USD.
Để giảm bớt phụ thuộc vào mảng smartphone, Huawei đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ đám mây, thiết bị đeo thông minh, xe hơi thông minh, và giải pháp doanh nghiệp. Công ty cũng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI và 5G để tăng cường khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực khác.
Tất nhiên, sự trỗi dậy của Huawei bất chấp cấm vận đã khiến Mỹ để ý đến. Theo SCMP, họ có thể phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ Washington. Năm nay, chính quyền Biden đã thu hồi 8 giấy phép một số công ty Mỹ vận chuyển hàng hóa cho công ty.
Phiên An (theo Reuters, SCMP, Nikkei)