Trong thế giới rộng lớn của hoạt động chiến đấu hiện đại trên biển, xuất hiện một cái tên nổi bật như một biểu tượng cho công nghệ tiên tiến cùng năng lực vô song: Zumwalt. Tàu khu trục lớp Zumwalt, một tuyệt tác của kỹ thuật hải quân, thể hiện một bước nhảy vọt đáng gờm về sức chiến đấu và chiến lược của hải quân. Thiết kế độc đáo và các hệ thống cách tân của nó đã thu hút trí tưởng tượng của những người đam mê quân sự cũng như của các nhà tư tưởng chiến lược. Bài giới thiệu này sẽ đưa các bạn đi sâu vào hoạt động bên trong của con tàu hải quân hùng mạnh Zumwalt, khám phá những bí mật khiến chiếc tàu khu trục lớp này trở thành một tuyệt tác thực sự của hạm đội hải quân hiện đại.

 


 

Tàu khu trục Lớp Zumwalt là gì?

Tàu khu trục lớp Zumwalt là một phần chủ chốt trong Chương trình Chiến đấu trên Mặt biển cho Thế kỷ 21 (21st Century Surface Combatant, viết tắt là SC-21) của Hải quân Mỹ, được các nhà hoạch định của Hải quân khởi xướng từ năm 1991, nhằm thai nghén ra những con tàu có thể sở hữu sức mạnh của một thế hệ tàu chiến mới. Chương trình SC-21 vạch ra một dòng tàu biển được thiết kế để chiến đấu hiệu quả hơn trong các chiến dịch ven biển, tức là những nhiệm vụ được tiến hành gần bờ. Đồng thời, các tàu SC-21 cũng sẽ cần phải hoạt động tốt ở vùng biển khơi, ngang ngửa như ven biển. Điểm mấu chốt ở đây là tính linh hoạt, với việc các tàu thuộc dòng SC-21 phải thực hiện được gần như mọi nhiệm vụ, từ các nhiệm vụ thời chiến như tấn công trên bộ và chiến tranh dưới mặt biển tới việc sơ tán mà không tham chiến, cho đến các nhiệm vụ có mặt, hộ tống và cả sứ mệnh ngoại giao.
 

 



Tàu USS Zumwalt (DDG-1000) tại Căn cứ Hải quân San Diego vào tháng 12/2016. Ảnh: Seaforces.

 

 


Dòng tàu biển SC-21 bao gồm một lớp tàu khu trục và một lớp tàu tuần dương. Lớp tàu khu trục ban đầu được đặt tên là DD 21, và để đưa những chiếc tàu đầu tiên trong lớp này vào hoạt động, Hải quân Mỹ đã đề ra một quy trình phát triển gồm bốn giai đoạn. Hai nhóm cạnh tranh nhau, sẽ giám sát hai giai đoạn đầu tiên, bao gồm lên ý tưởng cho hệ thống và thiết kế ra hệ thống ban đầu. Công ty Bath Iron Works, cùng với Tập đoàn Lockheed Martin đóng vai trò nhà tích hợp hệ thống, đứng đầu nhóm đầu tiên. Northrop Grumman Ingalls, cùng với công ty Raytheon Systems là nhà tích hợp hệ thống, dẫn đầu nhóm còn lại.

 

 

Tàu USS Chester (CL-1) do Bath Iron Works đóng, là một trong những tàu tuần dương đầu tiên của Hoa Kỳ được sử dụng vào nửa đầu thế kỷ 20. Hình dạng của nó có một vài điểm chung nhất định so với khu trục hạm lớp Zumwalt. Ảnh: Wikipedia.
 

 


Công ty Northrop Grumman đã giành được hợp đồng để tiếp tục hoạt động thiết kế và phát triển của giai đoạn ba, giữ vững cái mà sau này được gọi là Đội hình Quốc gia DD(X). Raytheon trở thành nhà tích hợp chính cho các hệ thống nhiệm vụ của Đội hình Quốc gia đối với tất cả các hệ thống điện tử và chiến đấu. Các nhà thầu phụ lớn khác bao gồm Lockheed Martin, BAE Systems, Boeing và Bath Iron Works trực thuộc General Dynamics (BIW đã trở thành công ty con của General Dynamics vào năm 1995).


Vào tháng 11 năm 2005, chương trình DD(X) đã nhận được phê duyệt tài trợ để bước vào giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn cuối cùng: đóng 8 tàu. Năm tháng sau, Hải quân Mỹ thông báo rằng chiếc tàu đầu tiên trong lớp tàu này sẽ mang tên gọi và số hiệu thân tàu là DDG 1000 Zumwalt.


Ban đầu thì Hải quân Mỹ dự định đóng 32 tàu khu trục nhưng con số đó nhanh chóng giảm xuống còn 24 rồi xuống còn 8 do vấn đề chi phí. Cuối cùng, Hải quân chỉ đóng vỏn vẹn 3 tàu khu trục thuộc lớp Zumwalt bao gồm USS Zumwalt (DDG 1000), USS Michael Monsoor (DDG 1001) và USS Lyndon B. Johnson (DDG 1002). Vì vậy Zumwalt không phải là một con tàu riêng lẻ mà là một lớp tàu, tuy nhiên chúng ta có thể coi chiếc tàu cũng mang tên Zumwalt - USS Zumwalt - là đại diện tiêu biểu của nhóm này.

 



Chiếc USS Lyndon B. Johnson (DDG 1002) tương lai trước khi cho hạ thủy khỏi ụ tàu tại xưởng đóng tàu General Dynamic-Bath Iron Works. Phần đáy tàu màu đỏ là phần sẽ nằm chìm dưới nước khi nó hoạt động. Ảnh: Breaking Defense.

 


 

Quá trình đóng tàu khu trục lớp Zumwalt

Tàu USS Zumwalt (DDG 1000) bắt đầu được xây dựng vào tháng 2/2009, được đưa vào biên chế ngày 15 tháng 10/2016 và chính thức bàn giao cho Hải quân vào ngày 24 tháng 4/2020. Tàu gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và tham gia vào các cuộc thử nghiệm trên biển và diễn tập của hạm đội. Vào tháng 8/2022, DDG 1000 bắt đầu triển khai hoạt động lần đầu tiên và nó vẫn tiếp tục việc thử nghiệm, trước khi lắp đặt một hệ thống chức năng được gọi là CPS (Coventional Prompt Strike) vào tháng 10/2023.


Còn USS Michael Monsoor (DDG 1001), được đặt tên để vinh danh một lính Hải quân SEAL được trao Huân chương Danh dự, đã được chuyển giao cho Hải quân vào ngày 26 tháng 4/2018 và được đưa vào hoạt động ngày 26 tháng 1/2019. Nó đã hoàn thành tiêu chuẩn CSA (Combat System Availability) vào tháng 3/2020 và đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm và hoạt động khác nhau trong suốt năm 2022. Trong thời gian qua DDG 1001 đang ở vào giai đoạn Post Shakedown Availability, đã kết thúc vào tháng 5 năm 2023.

 



USS Michael Monsoor (DDG 1001) tại Căn cứ Chung Trân châu Cảng-Hickam, Hawaii vào tháng 7/2022. Chúng ta có thể dễ dàng phân biệt chúng qua số hiệu ghi ở mũi tàu. Ảnh: Seaforces.

 



Chiếc thứ ba, USS Lyndon B. Johnson (DDG 1002) được đặt tên vào tháng 4 năm 2019, với hoạt động sản xuất và thử nghiệm hoàn thành vào tháng 11/2021. DDG 1002 hiện có mặt tại xưởng đóng tàu của Huntington Ingalls Industries để lắp đặt và kích hoạt hệ thống chiến đấu, với một phương thức chuyển giao duy nhất đã lên kế hoạch một khi thử nghiệm được xem là thành công. Hải quân đang sửa soạn việc trang bị cho các tàu khu trục Lớp Zumwalt hệ thống chức năng CPS, dự kiến sẽ được tích hợp trong kế hoạch sẵn có vào năm 2024, bao gồm cả việc loại bỏ hai giá đỡ Hệ thống Súng Tiên tiến (AGS) cỡ 155 mm.

 

 

 


Tàu khu trục lớp Zumwalt được đặt theo tên của Đô đốc Elmo Russell Zumwalt (1920-2000) đô đốc bốn sao trẻ nhất trong lịch sử hải quân Hoa Kỳ và là người trẻ nhất giữ chức vụ Tư lệnh Tác chiến Hải quân (CNO). Zumwalt được Tổng thống Mỹ Nixon bổ nhiệm làm Tư lệnh vào năm 1970 và ông giữ vai trò đó cho tới năm 1974. Khi Zumwalt qua đời, Tổng thống lúc bấy giờ là Bill Clinton đã vinh danh các thành tựu của Zumwalt bằng việc đặt tên ông cho con tàu đầu tiên của chương trình khu trục hạm DD(X). Trong hình là Zumwalt (bên trái) khi đang trả lời một cuộc phỏng vấn vào năm 1982. Ảnh: USNI.
 

 

 

Các yêu cầu về thiết kế

DDG 1000 được thiết kế đặc biệt để tham gia cả các cuộc giao tranh quân sự truyền thống, cũng như các hoạt động có thể phát sinh như một phần trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Giống như các tàu khu trục thuộc lớp Arleigh-Burke, DDG 1000 sẽ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, có khả năng cung cấp năng lực răn đe và hiện diện ngay từ trước, đồng thời là một phần không thể thiếu của các lực lượng viễn chinh chung lẫn phối hợp. Nhưng không giống như các tàu khu trục ngày nay, nhiệm vụ chính của DDG 1000 sẽ là hỗ trợ tấn công trên bộ cho lực lượng mặt đất. Trên thực tế, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của nó không đến từ Hải quân Hoa Kỳ, mà đến từ Thủy quân lục chiến, lực lượng mà hồi năm 2002 đã yêu cầu Hải quân cung cấp năng lực bắn tên lửa tầm xa, trong mọi điều kiện thời tiết, và 24/7 nhằm hỗ trợ các hoạt động đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Điều đó có nghĩa là DDG 1000 sẽ cần hoạt động hiệu quả ở các vùng nước nông ven bờ - không phải trong các nhiệm vụ tấn công nhanh, tấn công rồi rút chạy (hit-and-run) mà là trong các cuộc giao chiến có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần.



Tàu USS Zumwalt cập bến tại Hạm đội Yokosuka, Nhật Bản vào tháng 9 năm 2022. Ảnh: Seaforces.

 



Có sự hiện diện liên tục ở các khu vực ven biển là một trong những yêu cầu thiết kế quan trọng nhất của tàu khu trục lớp Zumwalt. Bây giờ chúng ta hãy xem qua một số yêu cầu khác đối với con tàu, do các nhà hoạch định Hải quân vạch ra:
 


Sự bền bỉ
Khi di chuyển trong vùng biển thù địch gần bờ biển của địch thủ, DDG 1000 có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công từ tên lửa hành trình và thuyền bè nhỏ. Rõ ràng là nó sẽ cần phải phòng vệ một cách hiệu quả trước các mối đe dọa này cũng như các mối nguy từ tàu ngầm và mìn trên mặt nước. Nó cũng sẽ cần phải có các hệ thống luôn trong trạng thái sẵn sàng để giảm thiểu thiệt hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa gây ra.

 



Bộ phận hiển thị và điều khiển của một radar tìm kiếm và dẫn đường hàng hải phổ thông. Zumwalt sẽ cần phải giảm năng lượng điện từ của chúng để chúng không bị xuất hiện trên màn hình radar tìm kiếm trên bề mặt như thế này. Ảnh: Wikipedia.

 

 



Năng lực “tàng hình”
Có vẻ như không thể nào khiến một con tàu dài 183 mét trở nên vô hình trước kẻ thù, nhưng đó là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của DDG 1000. Điều đó có nghĩa là con tàu sẽ cần phải giảm đi tiếng ồn động cơ và giảm lượng năng lượng điện từ (ví dụ như radar và tia hồng ngoại) mà nó phản xạ tới các máy dò của đối phương.

 


Thân tàu màu trắng sáng giúp tàu Zumwalt dễ “ẩn mình” trên biển hơn, đặc biệt là trong điều kiện sương mù, hoặc ở các vùng biển lạnh giá. Ảnh: Nanaimo.

 

 



Sức mạnh
Ngay từ đầu, các nhà hoạch định của Hải quân đã hình dung DDG 1000 là một con tàu chạy hoàn toàn bằng điện để đáp ứng các nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Khoảng 80 megawatt điện - gần gấp 10 lần công suất sẵn có của các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke ngày nay - sẽ cung cấp năng lượng cho tất cả các hệ thống chính của con tàu, bao gồm cả các tháp súng. Động cơ điện được thiết kế để cung cấp năng lượng cho cánh quạt sẽ là một trong những động cơ tiên tiến nhất trên thế giới, có khả năng duy trì tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ.

 



Tàu khu trục lớp Arleigh-Burke USS Frank E. Petersen Jr. (DDG 121) tại Vịnh Mexico tháng 8, 2021. Các tàu thuộc lớp này có hình dáng cổ điển hơn nhiều so với lớp Zumwalt. Ảnh: Wikipedia.

 


 

Các yêu cầu bổ sung trong thiết kế

Ngoài nhu cầu về sự bền bỉ, khả năng 'tàng hình' trước radar đối phương và chỉ chạy bằng năng lượng điện, tàu khu trục lớp Zumwalt còn có những yêu cầu khác khiến nó trở thành một trong những tàu khu trục nguy hiểm và đáng sợ nhất hành tinh.


Tích hợp toàn diện
DDG 1000 sẽ có một kiến trúc công nghệ thông tin mở, giúp sử dụng phần mềm sẵn có dễ dàng hơn và thúc đẩy năng lực tương tác. Các nhà thầu giúp Hải quân phát triển các hệ thống khác nhau của tàu sẽ làm việc trong khuôn khổ công nghệ thông tin duy nhất này để đảm bảo rằng tất cả phần cứng và phần mềm sẽ được tích hợp đầy đủ.



Hệ thống máy tính trên tàu USS Zumwalt, tại Căn cứ Chung Trân Châu Cảng-Hickam, Hawaii, tháng 4/2019. Ảnh: Seaforces.

 



Tiết kiệm
DDG 1000 sẽ tốn rất nhiều chi phí để chế tạo nhưng nó sẽ là một trong những con tàu hoạt động hiệu quả nhất. Nhiều hệ thống trọng yếu của nó sẽ được tự động hóa hoàn toàn, chỉ cần ít thủy thủ đoàn hơn để duy trì việc vận hành tàu. Hệ thống năng lượng tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả của nó cũng sẽ giảm bớt chi phí nhiên liệu và có khả năng tiết kiệm năng lượng đáng kể.



USS cần ít thủy thủ đoàn hơn. Ảnh: Seaforces.

 

 

 


Tính tiên phong
Theo nhiều cách, tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ là nguyên mẫu thực tiễn cho tất cả các tàu được chế tạo như một phần trong Hạm đội Thế kỷ 21 của Hải quân Mỹ. Các công nghệ tiên tiến của nó sẽ được thử nghiệm và chứng minh trong các tình huống thực tế và sau đó sẽ được tích hợp trên các tàu, chẳng hạn như Tàu tuần dương DD(X) và Tàu Chiến đấu Ven bờ (LCS), đang được lên kế hoạch cho tương lai gần. Người ta cũng hy vọng rằng DDG 1000 sẽ ảnh hưởng đến thiết kế tàu chiến trong thời gian còn lại của thế kỷ này, tạo ra những năng lực mới mẻ hơn, tiên tiến hơn.



Tàu chiến đấu ven bờ USS Independence (LCS-2) của Hải quân Mỹ tới tại Trạm Không quân-Hải quân Key West, bang Florida vào ngày 29 tháng 3/2010. Ảnh: Wikipedia.

 


 

Các công nghệ quan trọng của Khu trục hạm lớp Zumwalt

Nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đã nêu trong hai phần trước, DDG 1000 sẽ có nhiều cải tiến chưa từng thấy trên một tàu chiến trước đây. Dưới đây là một số công nghệ quan trọng nhất đang được tích hợp trên tàu khu trục lớp Zumwalt:



Hình dáng tựa như một kim tự tháp
Boong tàu thấp và khá góc cạnh đem lại cho tàu khu trục lớp Zumwalt một vẻ ngoài bóng bẩy, hiện đại, không giống bất kỳ tàu chiến nào trước đây. Vẻ ngoài đặc biệt này chỉ được tăng cường hơn nữa nhờ thân tàu DDG 1000, là một phần thân dốc hướng vào trong từ phía trên mực nước. Được biết đến như một thân tàu theo phong cách "tumblehome" (thu hẹp dần về phía trên), tính năng này cho phép con tàu lướt 'ngọt' qua các con sóng, tối ưu hóa tốc độ và khả năng cơ động đồng thời giảm thiểu được các dấu hiệu về âm thanh và tia hồng ngoại.



Thân tàu tuân theo kiểu “tumblehome” vô cùng nhất quán từ mặt nước lên tới đỉnh cột radar, trái ngược với thân tàu mở rộng về phía trên theo lối cổ điển. Boong của nó cũng được coi là thấp khi chỉ cần một thang ngắn là leo lên được. Nếu kéo dài tất cả các cạnh của nó, hẳn là sẽ có một số cạnh giao nhau ở cùng một điểm. Ảnh: Seaforces.

 

 



Hệ thống vũ khí
Hỏa lực của DDG 1000 sẽ rất đáng gờm. Trọng tâm của hệ thống vũ khí trên tàu là Hệ thống Súng Tiên tiến, hay AGS, là một cặp súng cỡ 155 mm có khả năng bắn Đạn tấn công mặt đất tầm xa (LRAP). Một LRAP là loại đạn được dẫn đường bằng GPS có thể cung cấp đòn tấn công chính xác vào mục tiêu nằm cách xa tới 100 dặm. Sáu trăm quả LRAP có thể được bắn từ các tàu khu trục lớp Zumwalt trong 30 phút, đem lại cho con tàu khả năng bắn nhanh thực thụ, vượt xa khả năng được cung cấp bởi 12 khẩu súng cối 155 mm có trên các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke.



Hệ thống Súng Tiên tiến là một cặp súng 155m đặt phía trước tàu.

 



Ngoài AGS, DDG 1000 còn có 80 bệ phóng tên lửa thẳng nằm đứng được bố trí so le quanh chu vi tàu. Mỗi hệ thống phóng đều có cấu trúc điện tử mô-đun, giúp dễ dàng bố trí cả tên lửa hiện tại lẫn tương lai để tấn công mặt đất, chống tàu chiến, chống tàu ngầm và phòng không. Mỗi hệ thống cũng được khép kín và được bọc thép đầy đủ để hạn chế và cách ly khỏi tổn hại trong chiến đấu.



Thử nghiệm phóng tên lửa từ USS Zumwalt.

 

 


Cuối cùng, hai khẩu súng tầm gần cỡ 57 mm bắn 220 viên đạn mỗi phút từ mũi tàu. Cả hai khẩu súng đều gập xuống và cất đi để tàng hình.


Ban đầu, từng có kế hoạch trang bị súng ray điện từ, một loại vũ khí sử dụng từ trường chạy bằng điện để tăng tốc đạn lên tới 52,493 feet (16 ngàn mét) mỗi giây. Tuy nhiên, vào năm 2021, nguồn tài trợ của Hải quân Hoa Kỳ cho việc phát triển súng ray điện từ đã bị dừng lại và không có kế hoạch tiếp tục dự án. Thay vào đó, vào năm 2023, các bệ súng sẽ được dỡ bỏ và thay thế bằng tên lửa siêu thanh. Việc này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và sẽ trang bị cho Zumwalt một phần thân mang tên Common Hypersonic Glide Body (C-HGB), được phát triển cho Quân đội, Không quân và Hải quân. Hệ thống chức năng CPS sẽ mở rộng khả năng tấn công tầm xa của Hoa Kỳ.

 



Radar
Radar băng tần kép của DDG 1000 tích hợp các năng lực radar băng tần S và băng tần X trong một hệ thống duy nhất. Radar băng tần X hoạt động ở bước sóng 2.5-4 cm và tần số 8-12 GHz. Do bước sóng nhỏ hơn nên radar băng tần X nhạy hơn và có thể phát hiện các vật thể nhỏ hơn. Radar băng tần S hoạt động ở bước sóng dài hơn, khoảng 8-15 cm và tần số 2-4 GHz. Radar tần số cao hơn này sẽ cải thiện khả năng của tàu khu trục trong việc theo dõi máy bay và tên lửa cũng như phản công các khẩu pháo hoặc khẩu đội tên lửa đặt trên bờ đang cố gắng tấn công tàu.



Hệ thống radar băng tần kép nằm ở các tần trên cùng của tàu.

 



Thiết kế
Khi nhìn vào một chiếc tàu chiến điển hình, chúng ta sẽ thấy một dãy đĩa quay và ăng-ten nằm trên cột buồm cao. Thật không may, thiết kế này mang lại diện tích phản xạ năng lượng lớn hơn, khiến con tàu dễ bị radar của đối phương phát hiện hơn nhiều. Để khắc phục vấn đề này, DDG 1000 sẽ tích hợp phần cứng liên lạc trực tiếp vào "lớp vỏ" của boong tàu, được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp chắc chắn và có trọng lượng nhẹ.

 

 

 

Các công nghệ quan trọng khác

Hệ thống Sonar (Định vị dưới nước)
Hai loại hệ thống sonar được tập hợp lại với nhau trong một giải pháp duy nhất được gọi là hệ thống Chiến tranh Dưới biển Tích hợp (IUW). Sonar tần số cao có thể phát hiện các bãi mìn dưới nước, trong khi sonar tần số trung bình có thể đánh hơi tàu ngầm và ngư lôi. Mảng sonar băng tần kép được đặt ở mũi tàu, trong một khoang hình củ hành cung cấp phạm vi bao phủ hoàn toàn 360 độ về môi trường dưới nước.



Vòm của hệ thống định vị dưới nước của con tàu, chứa Hệ thống Bow Sonar tần số kép, bao gồm Sonar tần số cao AN/SQS-61, được gắn trên đầu vòm và Sonar tần số trung bình AN/ SQS-60, gắn ở đáy vòm. Ảnh: Wikimedia.

 

 


Hệ thống động cơ đẩy
Hầu hết các tàu chiến ngày nay đều sử dụng hệ thống đẩy truyền động-cơ học truyền thống với hai bộ tuabin riêng biệt - một bộ là động cơ đẩy, bộ còn lại dùng để tạo ra điện năng sử dụng trên tàu. Điểm trừ của loại hệ thống đẩy này là không có khả năng chuyển công suất đến nơi cần thiết nhất trên tàu. Ví dụ, vũ khí không thể mượn năng lượng từ các chân vịt trong trận chiến. Tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ khắc phục vấn đề này bằng Hệ thống Năng lượng Tích hợp, gọi tắt là IPS.



Động cơ tuabin MT30 của Rolls-Royce, được giới thiệu từ năm 2001, có thể tạo ra công suất lên tới 40 megawatt và là chìa khóa cho Hệ thống Năng lượng Tích hợp (IPS) của tàu khu trục lớp Zumwalt. MT30 điều khiển mạng lưới điện khổng lồ của tàu khu trục, điều khiển mọi thứ từ cảm biến của tàu đến động cơ điện khổng lồ truyền động cho các chân vịt của tàu. Ảnh: USNI.

 



Đây là cách IPS hoạt động: Các động cơ của tàu sẽ không còn được kết nối với chân vịt nữa. Thay vào đó thì các động cơ - bốn tuabin chất khí hàng hải mà Rolls-Royce mô tả là những tuabin chất khí mạnh nhất hiện nay - sẽ cung cấp năng lượng cho các máy phát điện tạo ra tổng công suất là 80 megawatt điện. Năng lượng điện này sau đó sẽ được phân phối đến hầu hết các hệ thống của tàu và động cơ điện sẽ truyền động cho các chân vịt. Bởi vì năng lượng được tập trung hóa nên nó có thể được phân phối khi cần thiết cho các hệ thống có nhu cầu cao.



Động cơ tuabin khí. Ảnh: Researchgate.

 

 


Khả năng kiểm soát an toàn và hỏng hóc
Các nhà thiết kế của tàu đã đưa hệ thống kiểm soát hư hỏng tiên tiến vào DDG 1000 để tăng thời gian phản ứng với các sự kiện đe dọa đến con tàu. Hệ thống này kết hợp các cảm biến, camera cùng khả năng chữa cháy tự động và sẽ cải thiện khả năng sống sót đồng thời giảm bớt số lượng thành viên cần thiết trong thủy thủ đoàn để kiểm soát thiệt hại.



Khả năng hỗ trợ cho máy bay
Boong tàu ở đuôi của DDG 1000 đóng vai trò là bãi đáp cho trực thăng, máy bay không người lái hoặc các loại máy bay khác.



Bãi đáp máy bay của USS Zumwalt.

 

 

 


Thủy thủ đoàn
Một tàu khu trục thuộc lớp Spruance cần thủy thủ đoàn gồm 330 người. Một tàu hộ tống Oliver Hazard Perry cần 200 người. Bởi vì có rất nhiều hệ thống đã tự động hóa nên thủy thủ đoàn của DDG 1000 sẽ chỉ có 140 người. Thế mạnh này giúp giảm chi phí vận hành con tàu, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho các thành viên thủy thủ đoàn, mà họ sẽ được tận hưởng phòng ốc lớn hơn và điều kiện sống được cải thiện.

 



Bộ phận phòng trên boong tàu nặng 1,000 tấn của tàu USS Zumwalt trong tương lai được cẩu về phía boong tàu để tích hợp với thân tàu tại xưởng đóng tàu của Bath Iron Works, tháng 12/2012. Ảnh: Seaforces.

 

 

 

 

Sơ đồ các thành phần chính bên trong khu trục hạm lớp Zumwalt







Sơ đồ tóm tắt các bộ phận chính của USS Zumwalt. Ảnh: Animagraffs.

 

 

 

 

Từ ý tưởng thiết kế đến khu trục hạm thực tế

Chuyến đi từ khi thiết kế cho tới lúc đưa vào hoạt động các tàu khu trục lớp Zumwalt là một hành trình đáng chú ý, được đánh dấu bằng sự đổi mới và mức chi phí chưa từng có. Chiếc tàu mang tính cách tân đầu tiên trong số này, USS Zumwalt, đã đặt ra một tiêu chuẩn mới với chi phí lên đến 4.4 tỷ USD, đem lại cho nó danh hiệu tàu khu trục đắt nhất của Hải quân vào thời điểm đó. Con tàu đặc biệt này bắt đầu được đóng vào tháng 10 năm 2008 và gây ấn tượng mạnh khi hạ thủy vào tháng 10 năm 2013, cuối cùng gia nhập hạm đội Hải quân Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2016.



Nhà máy đóng tàu Ingalls của Northrop Grumman ở Pascagoula, bang Mississippi nơi một chiếc Zumwalt nữa đang được đóng. Ảnh: Northrop Grumman.

 

 

 


Tầm vóc tuyệt đối của các tàu khu trục lớp Zumwalt là do mức chi phí đáng kể, gần gấp đôi so với một số tàu đáng gờm nhất của Hải quân, chẳng hạn như các tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Chỉ với ba tàu khu trục lớp Zumwalt đang hiện diện, kể cả USS Michael Monsoor và USS Lyndon B. Johnson, Hải quân đã đầu tư khoảng 22.4 tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhấn mạnh tầm quan trọng của các tàu này trong chiến tranh hải quân hiện đại. General Dynamics, chủ sở hữu nhà máy đóng tàu Bath Iron Works chịu trách nhiệm đóng tàu USS Zumwalt, đã nỗ lực rất nhiều khi đầu tư 40 triệu USD vào một cơ sở chuyên dụng để phục vụ cho việc đóng những con tàu khổng lồ này. USS Zumwalt hiện là một trong những tàu chiến trên mặt nước lớn nhất thế giới.

 



Tàu trong quá trình đóng vào tháng 1/2013. Ảnh: Seaforces.

 



Các tàu khu trục lớp Zumwalt đại diện cho một thành tựu về kỹ thuật và công nghệ, vượt qua các giới hạn về năng lực của hải quân. Mặc dù chi phí và thời gian phát triển rất to lớn nhưng những con tàu này tượng trưng cho sự cống hiến của Hải quân trong việc luôn đi đầu trong hoạt động đổi mới hàng hải. Từ những thiết kế ban đầu cho đến hoạt động thường trực, các tàu khu trục lớp Zumwalt là minh chứng cho việc không ngừng theo đuổi sự xuất sắc trong Hải quân Mỹ.

 

(tinhte.vn - Theo [1], [2], [3].)