9h sáng ngày 1/4, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, 35 tuổi, chủ một quán cơm chay ở 49 đường Ngô Quyền, quận 10 đã chuẩn bị sẵn 50 phần quà, gồm một hộp cơm chay, một hộp sữa dành tặng những người bán vé số và người vô gia cư đang gặp khó khăn. 

Ngoài một hộp cơm chayvà một hộp sữa, người dân còn được mạnh thường quân ủng hộ thêm nước rửa tay, người nào không có khẩu trang cũng sẽ được tặng. Ảnh: Diệp Phan.

Ngoài một hộp cơm chay và một hộp sữa, người dân còn được mạnh thường quân ủng hộ thêm nước rửa tay, người nào không có khẩu trang cũng sẽ được tặng. Ảnh: Diệp Phan.

Từ ngày 24/3, TP HCM yêu cầu các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Từ ngày 1/4, dịch vụ xổ số cũng dừng phát hành trong 15 ngày. Đây là những hành động quyết liệt của chính quyền, được người dân đồng tình nhưng ngược lại, cũng khiến đời sống của những lao động nghèo, lao động di cư... gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí mất hẳn nguồn thu nhập. 

 

"Hôm nay những người bán vé số thất nghiệp, thấy họ khó khăn nên tôi tặng cơm. Quán tôi vẫn nấu bán mang đi, nấu thêm một ít cũng không cực gì mấy", chị Trang nói.

 

Bà chủ quán cơm chay dán thông báo trước cửa, mỗi ngày chỉ phát 50 phần, nhưng sau khi phát hết vẫn còn nhiều người đến hỏi. Lúc nhân viên báo hết cơm, Trang thấy khuôn mặt khắc khổ của một ông lão chùng xuống, dắt chiếc xe đạp cũ quay đi, chị quay sang bảo nhân viên: "Lấy cơm và thức ăn trên khay cho vào hộp đưa bác đi em".

 

Gần đến bữa trưa, người đến nhận cơm càng đông. Cứ thế, nồi cơm và những khay thức ăn chị chuẩn bị để bán được chuyển thành cơm tặng miễn phí. Đến 11h30, khoảng 500 phần cơm đã đến tay những người khó khăn. 

 

Nhưng chị Trang không đơn độc. Nhiều người đi đường thấy việc làm của chị, dừng lại hỏi thăm và rồi cứ tự móc ví dúi vào túi chị vài trăm nghìn. Người không góp tiền thì góp gạo, nước suối, nước tương. Họ cứ mang đến đặt trước quán rồi vội ra về, họ không đợi ghi tên vào danh sách ủng hộ.

 

Anh Dương Văn Đạt (38 tuổi), ở huyện Thủ Thừa, Long An biết quán của chị Trang sẽ phát cơm chay nên đã mua 200 miếng đậu hũ tươi cho vào thùng xốp. Sáng nay, anh chạy xe máy hơn 50km đến trao tận tay chị Trang.

 

Anh Đạt nói "Chỉ cần mỗi người giúp một chút thì cuộc sống của những người nghèo sẽ đỡ hơn trong thời điểm dịch bệnh này".

 

Hết đợt phát cơm buổi sáng, 14h, chị Trang bắt đầu phát cơm đợt hai. Rút kinh nghiệm lần phát đầu tiên nên vào buổi chiều chị đã nhờ lực lượng trật tự của phường 6 đến hỗ trợ. Mọi người được hướng dẫn đứng cách nhau 2 mét, trước khi nhận quà, tình nguyện viên xịt dung dịch sát khuẩn lên tay từng người. Nhân viên của quán chuẩn bị sẵn phần quà đặt trên bàn để người dân tự lấy, hạn chế tiếp xúc nhất có thể.

 

"Lần đầu tiên trong đời tui biết thế nào là nước rửa tay khô", ông Đỗ Văn Chung, 64 tuổi thường nhặt ve chai ở khu vực phường 6 nói.

 

Quán cơm chay của chị Trang sẽ nấu và phát miễn phí cho người khó khăn đến hết ngày 15/4. Hôm nay, vợ chồng chị Trang cùng một vài nhân viên đã dậy từ 2h sáng để chuẩn bị nguyên liệu và nấu đồ ăn. Khoảng 1.000 phần cơm đã đến tay người dân. Bắt đầu từ ngày mai, ngoài hai bữa chính, chị sẽ phát thêm hơn 100 phần nữa lúc 8h để mọi người ăn sáng.

 

Chị Trang chia sẻ "Vì số lượng phần cơm tăng lên đột ngột và làm việc liên tục nên tôi chưa tổng kết chi phí hôm nay. Được nhiều người góp vào, tôi sẽ nấu nhiều phần cơm nhất có thể".

Bà Hân và gia đình mong muốn chia sẻ khó khăn với người nghèo đến hết ngày 15/4. Ảnh: Diệp Phan. 

Bà Hân và gia đình mong muốn chia sẻ khó khăn với người nghèo đến hết ngày 15/4. Ảnh: Diệp Phan. 

Tại TP. HCM, những ngày này có rất nhiều địa điểm phát quà, cơm cho người lao động nghèo. Ở 155, đường Hùng Vương, phường 9, quận 5, hai dì cháu bà Vương Nguyệt Hân (46 tuổi) và chị Ngô Trần Thảo Nguyên (29 tuổi) đang cho gạo, mì tôm và khẩu trang vào túi để tặng người nghèo.

 

Bà Hân nói "Tui thấy người ta khổ quá, có chút ít thì giúp thôi chứ không vì do gì cả".

 

16h, ngày 31/3, bà Hân cùng cháu gái treo băng rôn với nội dung: "Nếu khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Bên dưới, 150 phần quà được đặt trên bàn để người dân ai cảm thấy cần thì đến lấy.

 

Một tiếng sau, chiếc bàn trống trơn. Nhìn thấy nhiều người khó khăn vui vẻ ôm chặt phần quà ra về. Bà Hân và cháu gái kêu gọi thêm bạn bè, người thân ủng hộ.

 

Được "tiếp sức", sáng 1/4, số phần quà tăng lên đến 200. Chị Thào Nguyên nói "Nhiều bạn bè tôi nói chiều nay sẽ đem thêm bánh gạo và nước rửa tay đến nữa".

 

Mặc dù đặt những phần quà trên bàn để mọi người lấy tự do nhưng bà Hân để ý có những người không thật sự khó khăn, người trẻ còn có thể lao động được vẫn đến lấy quà, có người còn lấy 2-3 phần. Lần phát thứ 2, bà Hân đặt những phần quà trong nhà, thấy ai thật sự khó khăn, hoặc những người già sẽ trao tận tay. 

 

Cạnh điểm phát quà của bà Hân là đại lý vé số nơi anh Trần Khoa (24 tuổi) làm việc. Thấy việc làm ý nghĩ của bà, anh đã ủng hộ thêm tiền để bà mua thêm 100 kg gạo. Anh Khoa nói  "Tôi cũng chỉ là người làm công, hôm trước thông báo ngưng phát hành vé số, thấy nhiều người khổ lắm mà tôi chưa giúp được gì nên giờ góp một ít".

 

Sau lệnh đóng cửa quán ăn có công suất phục vụ trên 30 người. Hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười giá 2.000 đồng bắt đầu phát cơm miễn phí cho người nghèo. Hiện nay, hệ thống quán phối hợp với các mạnh thường quân đặt hàng công ty nấu cơm để phát miễn phí cho người dân. Để tránh tụ tập đông người, ngoài việc đặt những phần cơm tại quán để người dân đến lấy, tình nguyện viên còn chở cơm đến các cổng bệnh viện, xóm lao động phát cho người dân.

 

Hôm nay, riêng quán cơm Nụ Cười 7 do ông Minh Nghĩa, 67 tuổi quản lý đã phát được gần 200 phần cơm. Ông Nghĩa nói "Dù là miễn phí, nhưng chất lượng cũng giống như ngày thường, tất cả đều là cơm có thịt".

Diệp Phan