Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

 

HÀ NỘI, VIỆT NAM - Hàng loạt thông tin rao bán các tòa nhà mặt đường với giá gần 1.000 tỷ đồng (tương đương với gần 3 tỷ đồng/m2 đất) tại Hà Nội khiến nhiều người "choáng váng".

 

 

Vừa qua, hàng loạt thông tin rao bán nhà tại Hà Nội với giá trị từ hàng trăm đến gần nghìn tỷ đồng đang xuất hiện trên các sàn môi giới bất động sản, trong đó có khu vực giá đất gần mức 3 tỷ đồng/m2 khiến nhiều người hoang mang.

 

 

Cụ thể, hiện giá đất tại khu vực phố cổ đang có mức đắt nhất Hà Nội, khoảng 700 – 2,8 tỷ đồng/m2. Đáng chú ý, một khách sạn mặt đường Cầu Gỗ, nằm gần bờ hồ Hoàn Kiếm có diện tích 300m2, với 9 tầng gồm 38 phòng đang được rao bán với giá 800 tỷ đồng, tương đương 2,67 tỷ đồng/m2 - ngang một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ ở nội thành Hà Nội.

 

 

 

 

 

Hay một ngôi nhà 2 tầng có diện tích 51m2, mặt tiền 5m ở đường Lê Thái Tổ (Hàng Trống, Hoàn Kiếm) ngay đối diện hồ Hoàn Kiếm đang được rao bán với giá 68 tỷ đồng, tương đương 1,33 tỷ đồng/m2.

 

Cũng tại đường Lê Thái Tổ, một căn nhà 2 tầng diện tích 55m2 đối diện quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được ra giá 68 tỷ đồng, tương đương 1,24 tỷ đồng/m2.

 

Cũng đắt đỏ không kém, một tòa nhà mặt đường Trần Hưng Đạo (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) có diện tích 1260m2 đang được rao bán với giá 960 tỷ đồng (hơn 761 triệu đồng/m2).

 

Tương tự, một tòa nhà văn phòng gồm 1 hầm và 21 tầng nổi có tổng diện tích 1815m2 trên đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm) đang được rao bán với giá 999 tỷ đồng (550 triệu đồng/m2).

 

Ngoài ra, giá đất tại các phường như Phương Canh, Phú Đô, Cầu Diễn, Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 của quận Nam Từ Liêm cũng đang dao động trong khoảng 199 - 359 triệu đồng/m2 và giá bán đã tăng khoảng 7,8% trong một năm qua.

 

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên giá nhà mặt đất tại phố cổ gây bất ngờ bởi lẽ từ năm 2021, ngay trong thời điểm đại dịch COVID -19 bùng phát, hàng loạt tòa nhà hay khách sạn ở khu vực này đã được rao bán với giá từ 1 – 2 tỷ đồng/m2. Điển hình là một khách sạn 4 sao trên phố Hàng Bông, xây dựng vào cuối năm 2016 có diện tích 330m2 với 12 tầng được rao bán ở mức 650 tỷ đồng (trung bình khoảng 1,97 tỷ đồng/m2). Theo lời giới thiệu thì doanh thu khi bình thường của khách sạn là 5 tỷ đồng /tháng.

 

Nhiều môi giới nhận định, các khách sạn khu vực phố cổ đang được rao bán ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây và người mua chủ yếu nhắm vào giá trị "kim cương" của đất bao gồm giá trị về lịch sử, văn hóa, vị trí trung tâm, thuận tiện về buôn bán.

 

Một nhân viên môi giới cho biết, các khách sạn ở phố cổ rao bán giá cả tỷ đồng m2 chủ yếu đắt là tiền đất chứ giá trị xây dựng không nhiều, nhiều khách sạn khách mua lại chủ yếu là mua đất vì mua xong phải đập xây mới hoặc phải cải tạo lại.

 

 

Giá chung cư tăng phi mã

Theo Batdongsan.com, nhiều người mua - bán và các môi giới bất động sản nhận xét giá chung cư Hà Nội đang “leo thang”. Không ít dự án tại Hà Nội được xác định đạt mức tăng trên 20% chỉ sau 1 năm.

 

 

Nhiều dự án chung cư có giá rao bán tăng mạnh như: Royal City, The Pride, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà – Sudico, Sun Grand City giá tăng khoảng 33%; Mipec Rubik 360, Vinhomes West Point tăng 28%; Chung cư Đại Thanh tăng 27%; Seasons Avenue tăng 26%; Goldmark City, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, The Emerald tăng 25%; còn các Khu đô thị mới Xa La, Vinhomes Skylake, Golden Palace, Masteri West Heights, A10-A14 Nam Trung Yên, Feliz Homes, Imperia Garden, Vinhomes Gardenia có mức tăng từ 20-23%...

 

 

Nhìn lại thời điểm đầu năm 2018, giá rao bán chung cư Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 27 và 31 triệu đồng/m2. Sau 6 năm, tốc độ tăng giá trung bình của chung cư ở Hà Nội lên đến 70%, vượt cả TP.HCM - nơi chung cư tăng giá 55%. Đến quý 1/2024, chung cư ở thủ đô có mức giá trung bình là 46 triệu đồng/m2, trong khi giá chung cư TP.HCM là 48 triệu đồng/m2.

 

Xem xét sự biến động giá rao bán chung cư từ quý 1/2023 đến quý 1/2024 càng thấy khác biệt rõ rệt giữa thị trường Hà Nội và TP. HCM.

 

 

Tại Hà Nội, giá rao bán chung cư ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân đều tăng đáng kể, lần lượt là 17%, 19% và 11%. Trong khi đó, giá rao bán ở TP. HCM chỉ tăng nhẹ 5% và 2% với chung cư cao cấp và trung cấp. Ở phân khúc bình dân, giá rao bán thậm chí giảm 4%.

 

 

Theo 'sóng' chung cư, giá nhà riêng tại Hà Nội tăng 20%

Giá chung cư tăng cao đột biến khiến một bộ phận không nhỏ người dân chuyển hướng sang tìm mua nhà đất. Điều này làm cho giá cả phân khúc nhà riêng có dấu hiệu tăng nhanh.

 

Giá bán nhà riêng Hà Nội tiếp tục tăng trước làn sóng tăng giá của căn hộ chung cư. Khảo sát của Batdongsan.com.vn ghi nhận, giá bán nhà riêng Hà Nội đã tăng từ 10-20% so với cuối 2023.

 

Cụ thể, giá nhà riêng tại Quận Nam Từ Liêm diện tích 30-40 m2, ngõ nhỏ, xe hơi không vào được thuộc các khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Phú Đô… giá bán đã tăng từ 2,8-4.4 tỷ đồng/căn lên mức 3,4-4,8 tỷ đồng/căn, tăng khoảng 21%.

 

 

Những căn diện tích 30-4 0m2, xe hợi đậu ở ngay cửa nhà, giá cũng tăng từ 4,8-5,5 tỷ đồng/căn lên mức 5,2-6,4 tỷ đồng/căn, tăng khoảng 16%.

 

Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, giá nhà đất ở Quận Nam Từ Liêm hiện tại đang được rao bán với mức giá 162 triệu đồng/m2, mức giá này tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức đỉnh giá 1,2%.

 

 

Trên các trang thông tin mua bán nhà, một số căn nhà ở trong ngõ sâu tại Quận Nam Từ Liêm được chủ nhà rao bán với mức giá lên tới khoảng 140 triệu đồng/m2.

 

Tại Quận Hà Đông, với những căn xe hơi đậu ngay cửa, diện tích 30-38 m2, giá cũng tăng từ mức 4,8-5,5 tỷ đồng/căn lên mức 5,4-6,5 tỷ đồng/căn, tăng khoảng 19%. Khu vực La Khê, Phú Lãm, Dương Nội, Kiến Hưng, Yên Nghĩa, Hà Cầu với đặc điểm diện tích 30-40 m2, xe hơi không vào được, giá nhà riêng phổ biến từ mức 2-3 tỷ đồng/căn tăng lên 2,4-3,5 tỷ đồng/căn, tăng gần 17%.

 

 

Tại Quận Đống Đa, giá nhà riêng các khu vực Khâm Thiên, Thái Hà, Thịnh Quang, Trung Tự, Kim Liên, Đê La Thành, Trung Tự với diện tích 25-40m2, trong các con ngõ nhỏ, xe hơi không vào được đã tăng giá từ 3-4,8 tỷ đồng/căn lên mức 3,5-5,5 tỷ đồng/căn.

 

 

Những căn nhà riêng xe hơi cách cửa 10-20 m, giá tăng từ 6,2-6,8 tỷ đồng/căn lên mức 6,7-7,5 tỷ đồng/căn.

 

Tại Quận Thanh Xuân, khu vực Khương Trung, Khương Đình, Triều Khúc, Nhân Chính, Kim Giang với những căn diện tích nhỏ, ngõ bé… giá nhà riêng cũng tăng từ mức 2,5-3,7 tỷ đồng/căn lên mức 3-4,5 tỷ đồng/căn, tăng 21%.

 

Những căn xe hơi đỗ cửa hoặc cách đường xe hơi đỗ 20m, giá tăng 10-15%, chạm mốc 6,8-7,7 tỷ đồng/căn.

 

Tại Quận Cầu Giấy, khu vực Yên Hoà, Trung Hoà, Dịch Vọng, Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, với những căn có diện tích 25-40 m2, trong các con ngõ nhỏ, xe hơi không vào được, giá tăng từ 2,7-4,2 tỷ đồng/căn lên mức 3,2-4,6 tỷ đồng/căn, tăng gần 10%.

 

Lý giải về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Phạm Đức Toản cho biết, trước đây nhà đất trong ngõ hẻm thường là phân khúc được người mua ở thực đem lên bàn cân với chung cư mới. Tuy nhiên, giá chung cư tăng đột ngột ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp thời gian qua đã thúc đẩy một nhóm khách hàng chuyển hướng sang nhà đất.

 

 

Theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, giá nhà Hà Nội có tốc độ tăng đột biến trong vài năm trở lại đây chủ yếu là do sự chênh lệch trong cung cầu, đặc biệt là sự lệch pha giữa phân khúc nhà ở cao cấp và phân khúc nhà ở giá rẻ.

 

 

Việc bỏ quên phát triển dự án nhà ở giá thấp đã khiến bình diện chung của thị trường thiếu dự án nhà giá thấp, thừa dự án nhà ở cao cấp, làm cho giá nhà Hà Nội liên tục phá mốc và lập đỉnh giá mới. Việc chạy theo lợi nhuận đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền có nhà ở của mỗi người dân cũng như chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

 

 

Bên cạnh yếu tố cung cầu, việc chi phí phát triển tăng cao, giá đất tăng, chi phí xây dựng ngày càng đắt đỏ khiến chủ đầu tư luôn đặt mục tiêu tối đa về lợi nhuận, khiến các sản phẩm cung cấp cho thị trường đều thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang.

 

 

(Theo ntdvn.net)

 

(Chú thích của DanViet: ở Hà Nội, người ta dùng chữ “phố” thay cho “đường”; ở Việt Nam hiện nay, người ta dùng chữ “ô tô” thay cho “xe hơi”.)