Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào ngày 27/5 để lên đường đi Indonesia và sau đó là Singapore vào ngày 30/5 trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á kéo dài một tuần. Tại Hà Nội, ông đã chứng kiến hai nước ký hàng loạt thỏa thuận đáng chú ý.
Pháp và Việt Nam đã ký 14 thỏa thuận, trong đó có nhiều hợp đồng có trị giá hơn 10 tỷ USD, nhân chuyến thăm của ông Macron tại Việt Nam.
Các thỏa thuận nổi bật bao gồm việc mua 20 máy bay Airbus, hợp tác về năng lượng hạt nhân, quốc phòng, lưới truyền tải điện, đường sắt và vận tải biển, vệ tinh quan sát trái đất Airbus và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.
Hãng bay giá rẻ VietJet sẽ mua 20 máy bay thân rộng A330-900 của Airbus - sự tiếp nối thỏa thuận năm ngoái về 20 chiếc máy bay phản lực này.
Các công ty chưa công bố giá trị của thỏa thuận hoặc lịch trình giao hàng cho các máy bay.
Theo chia sẻ của hai quan chức ở Việt Nam với Reuters, việc ký kết diễn ra sau khi các quan chức Âu châu trong những tuần gần đây thúc giục Việt Nam cẩn trọng trong các nhượng bộ dành cho Nhà Trắng - trong đó có việc Vietnam Airlines và VietJet tìm cách mua thêm nhiều máy bay Boeing trong nỗ lực thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ.
Reuters đưa tin, trong buổi họp báo hôm 26/5, ông Macron khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với tự do hàng hải - một vấn đề mà Việt Nam rất coi trọng vì thường xuyên có va chạm với Bắc Kinh về các ranh giới tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Macron nhấn mạnh thêm rằng quan hệ đối tác với Việt Nam "bao gồm hợp tác quốc phòng tăng cường", dẫn chứng bằng việc ký kết nhiều dự án về quốc phòng và không gian.
Theo Reuters, về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường cho hay quan hệ đối tác quốc phòng liên quan đến chia sẻ thông tin về các vấn đề chiến lược cũng như hợp tác mạnh mẽ hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng và chống khủng bố.
Trang DW của Đức nhận định rằng Đông Nam Á đang tìm kiếm các đối tác an ninh ngoài Mỹ và Nga, với việc Đức và Pháp đang tăng cường hoạt động ngoại giao quốc phòng của họ.
Airbus Defence and Space - bộ phận về quốc phòng và hàng không vũ trụ của Airbus - đã ký một thỏa thuận với Việt Nam về vệ tinh.
Công ty đã đàm phán từ lâu với Hà Nội để thay thế vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam, được tiền thân của Airbus là EADS phát triển và được phóng vào năm 2013.
Một thỏa thuận đáng chú ý khác là giữa công ty vận tải Pháp CMA CGM và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trong việc xây dựng một cảng container nước sâu ở miền Bắc Việt Nam vào năm 2028 với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam và Pháp cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án nâng cấp lưới truyền tải điện phía Nam của Tổng công ty Truyền tải điện Nhà nước (EVNNPT).
Ông Macron cho biết Pháp cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực trọng yếu như khoáng sản quan trọng, đường sắt cao tốc, năng lượng hạt nhân dân sự và hàng không vũ trụ.
Theo hãng thông tấn AP, Pháp sẽ tập trung hợp tác với Việt Nam để giúp nước này chuyển đổi từ điện than gây ô nhiễm sang năng lượng tái tạo và điện hạt nhân dân sự.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Pháp cũng ký hiệp định hợp tác trong việc hồi hương công dân.
14 thỏa thuận được ký kết - theo chính quyền Việt Nam tuyên bố - ít hơn dự kiến về "hàng chục thỏa thuận" trước đó của Điện Élysée.
Ông Macron muốn gì từ Hà Nội?
Getty Images
Trong chuyến công du, vị tổng thống Pháp đã nhấn mạnh "quan hệ đối tác chủ quyền" giữa Pháp và Việt Nam có thể là trục trung tâm trong cách ứng xử của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hãng tin AP dẫn lời ông Macron cho hay, Pháp đã thể hiện "mong muốn bảo vệ luật pháp hàng hải quốc tế" khi khai triển nhóm tác chiến tàu sân bay của Pháp ở Biển Đông vào đầu năm 2025.
Biển Đông là tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới với tổng giá trị hàng hóa qua đây mỗi năm lên đến 3.000 tỷ USD. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực - gây mâu thuẫn với các tuyên bố từ nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.
Những năm gần đây, Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận tự do hàng hải trên vùng biển này và có các căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi nước này vẫn kiểm soát một số lãnh thổ hải ngoại, trong đó có Réunion và Mayotte.
Ông Macron nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với sự mất cân bằng lớn và nguy cơ quay trở lại các lời lẽ, hành vi hăm dọa dựa trên sức mạnh, việc thiết lập một "trật tự dựa trên luật pháp" là vô cùng cần thiết.
Một trợ lý của vị tổng thống Pháp đã nói với truyền hình nước này trước chuyến đi rằng thông điệp của ông Macron nhắm đến cả Washington và Bắc Kinh.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Pháp nói riêng và Liên minh Âu châu (EU) nói chung đang tìm cách củng cố quan hệ thương mại với Á châu để giảm thiểu những bất ổn từ các biện pháp quan thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giáo sư Zachary Abuza, từ trường National War College ở Washington DC, nhận định với DW, "Việt Nam giỏi hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á trong việc phòng ngừa rủi ro và đa dạng hóa thị trường, đối tác kinh tế và ngoại giao của mình; Pháp là chìa khóa cho chiến lược đó ở Âu châu."
Có chung nhận định, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan - trong bài viết cho BBC News Tiếng Việt hôm 23/5 cho rằng "hai bên đều nhìn nhận nhau là đối trọng có giá trị: với Pháp, Việt Nam là một mỏ neo vững chắc tại lục địa Á châu đang đối mặt với nhiều biến động; với Việt Nam, Pháp là đối tác Âu châu tin cậy giữa bối cảnh các áp lực địa kinh tế và địa chiến lược lên khu vực ngày càng gia tăng".
Cho đến nay, Pháp vẫn là quốc gia EU duy nhất mà Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao cao nhất - Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tiến sĩ Thắng nêu quan điểm: "Nếu Paris và Hà Nội biết nắm bắt thời cơ, không chỉ quan hệ song phương được củng cố, mà cả trật tự đa cực tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng sẽ được định hình theo hướng bền vững và công bằng hơn".
(Theo BBC)