Vừa qua, TTƯT-DSCK II Trần Tựu được vinh dự nhận bằng Tiến sĩ do Đại học Apollos của Hoa Kỳ trao tại Ấn Độ ngày 21.12.2023 khi ông đã bước vào tuổi 75. Ông là một minh chứng cho sự học hỏi, vươn lên bất kể tuổi tác. Hiện ông Trần Tựu vẫn đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SaVipharm, doanh nghiệp dược hàng đầu về khoa học công nghệ và đạt chuẩn GMP châu Âu, GMP Nhật Bản. Đây là một vị trí đầy áp lực, nhưng dường như vị thủ lĩnh cao tuổi này vẫn đang vững vàng tay chèo lái, phát triển doanh nghiệp SaVipharm vươn ra biển lớn và đóng góp tích cực cho ngành dược cả nước nói chung.

Những đóng góp ấn tượng cho ngành Dược Việt Nam từ thời chiến tranh, tới thời kinh tế thị trường

Vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe của Đại học Apollos - một trường có 20 năm kinh nghiệm trong giáo dục, đào tạo từ xa, và hiện nay cũng đứng hàng tiên phong xu thế Đại học mở -  đào tạo từ xa, ông Trần Tựu đã được trường ĐH Apollos cấp bằng Tiến sĩ danh dự ngành Dược. Tiến sĩ danh dự là danh hiệu cao quý được các trường đại học uy tín quốc tế trao tặng cho những nhà khoa học hàng đầu thế giới, những chính trị gia lỗi lạc, các nhà hoạt động xã hội xuất sắc và những người có đóng góp đặc biệt cho sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Việc ông Trần Tựu được phong Tiến sĩ ở tuổi 75 có ý nghĩa lớn không chỉ với bản thân ông, là sự ghi nhận quốc tế đối với công lao đóng góp cho cộng đồng của ông, mà còn là nguồn động lực thúc đẩy tinh thần củng cố kiến thức, học tập suốt đời của hơn 100 cán bộ khoa học ngành Dược tại SaVipharm, cũng như toàn thể đội ngũ CBNV công ty.

Hình: TTƯT, Tiến sĩ - DSCK II Trần Tựu nhận hoa chúc mừng từ Hiệp hội dược Việt Nam nhân dịp ông được trao bằng tiến sĩ quốc tế

 

Đây là một dấu mốc đáng nhớ ở tuổi 75 của ông, người dược sĩ từng trưởng thành trong chiến khu Lộc Ninh, tham gia tiếp quản các xí nghiệp dược tại Sài Gòn ngày Giải phóng, sau đó được giao nhiều trọng trách trong ngành dược Việt Nam, như: Tổng Giám Đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Tp.HCM gồm 12 Nhà máy sản xuất thuốc và các công ty kinh doanh dược phẩm trên địa bàn Tp.HCM, và Giám đốc Dự án Hợp tác Liên Hợp Quốc (UNDP – UNIDO) với Chính phủ Việt Nam, Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế bao gồm 25 nhà máy sản xuất thuốc và Công ty kinh doanh Dược phẩm toàn quốc. Ông từng chủ trì các Đề tài khoa học, như: Chủ trì xây dựng Qui hoạch tổng thể đầu tư phát triển ngành Dược Việt Nam thời kì 1996 – 2010; Nghiên cứu công nghệ điều chế 6-APA, 7-ABCA và Cephalexin từ Penixillin (1999 - 2000); Nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất các kháng sinh mới hiệu quả cao bằng nguyên liệu trong nước (năm 2004). Các Đề tài trên đã được Hội đồng Nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt. Ngoài ra, ông Trần Tựu còn là đồng chủ nhiệm Đề tài khoa học “Nghiên cứu Tình hình bệnh và sử dụng Thuốc điều trị ung thư tại một số cơ sở chuyên khoa ở Việt Nam giai đoạn 2015-2018”, Chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự án Đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng.

Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu của Ấn Độ (GTTC) đã đề cử hồ sơ của ông Trần Tựu trong ngạch nghiên cứu khoa học, quản lý sản xuất kinh doanh ngành Dược, căn cứ trên thực tế đóng góp lớn vào tiến trình phát triển kinh tế và KHCN nước nhà, căn cứ trên uy tín tại Việt Nam và quốc tế của ông trong suốt 50 năm hoạt động trong ngành này tới trường Đại học Apollos đề nghị sắc phong tiến sĩ danh dự.

Căn cứ vào hồ sơ và các quy tắc tiêu chí xét duyệt, Hội đồng Giáo sư và Hội đồng Khoa học của Trường Đại học Apollos đã công nhận cấp bằng và sắc phong cho ông Trần Tựu chức danh tiến sĩ danh dự ngành Dược vào ngày 21.12.2023 trong sự kiện trang trọng tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ - Diễn Đàn Khoa học và Kinh tế Toàn cầu 2023. Đây là sự kiện được tổ chức, phối hợp giữa nhiều cơ quan liên quốc gia trên toàn cầu bao gồm Phòng Thương mại & Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ; Trường Đại học Apollos của Hoa Kỳ; Trường Đại học Quốc tế mở & trực tuyến Cambrige. Tới tham dự sự kiện trang trọng này có nhiều vị Đại sứ các nước tại Ấn Độ, như: Đại sứ Macedonia - Ngài Solobodan Uzunov; Đại sứ Seychelles - Bà Lalatiana Accouche; Đại sứ Suriname - Ngài Arukoemar Hardien; Tổng lãnh sự Liên bang Comoros Ngài KL Ganju; Phó Ủy viên Thương mại Liên Bang Nga Ông Evgeny Griva…Về phía Chính phủ Việt Nam tới dự sự kiện có ông Bùi Trung Thướng – Tham tán TM ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ, cùng các cơ quan Việt Nam, các tổ chức Việt Nam hợp tác với Ấn Độ như: Viện Phát triển Du lịch Châu Á; Viện Khoa học Phát triển Nhân tài và Trí tuệ Việt; Trung Tâm Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế Việt Nam – ASEAN; Phòng Thương mại và Công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI); Phòng Thương mại công nghiệp Quốc tế về ngành truyền thông & giải trí Ấn Độ (ICMEI) cùng các danh nhân, chính trị gia như: Tiến sĩ Bùi Đặng Dũng - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội; bà Đặng Thị Thanh – Trưởng đại diện GTTCI tại Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Khoa học và Kinh tế Toàn cầu.

 

Hình: Toàn cảnh Diễn đàn Khoa học và Kinh tế Toàn cầu 2023

 

Từ Thủ lĩnh Cao sao vàng tới tiên phong xuất khẩu dược phẩm

Trong suốt nửa thế kỷ tập trung toàn bộ tài năng, tâm huyết và sức lực cống hiến cho ngành Dược, TTƯT, Tiến sĩ - DSCK II Trần Tựu đã được phong tặng nhiều danh hiệu khác nhau, trong đó có Huân chương Lao động hạng III. Tuy nhiên, trong cuộc đời ấn tượng của mình, thậm chí một số lần ông còn từ chối những danh hiệu cao quý, bởi không muốn bị truyền thông chú ý quá nhiều, sẽ làm ông bị xao lãng khỏi công việc. Suốt đời ông chỉ tâm nguyện, làm sao tập trung nghiên cứu ra những dược phẩm hữu ích, tổ chức sản xuất tại Việt Nam với giá thành thấp nhất, để phục vụ được đông đảo người dân một cách hiệu quả nhất. Người trong ngành Dược và nhân dân biết đến ông rất sớm, từ khi ông chưa tròn 30 tuổi, với danh hiệu nhân dân phong cho ông, đó là vị thủ lĩnh Cao Sao Vàng, người có công lớn trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước và cải tiến dây chuyền sản xuất, giúp tăng năng suất lên 60 lần, xuất khẩu Cao Sao Vàng sang Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu, mang lại nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước thời đang bị cấm vận với khó khăn, thiếu thốn bộn bề, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng cho Tp. HCM những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước. Và nay ở tuổi 75, ông vẫn đang miệt mài sáng tạo trong quản lý, truyền lửa nhiệt huyết cho đội ngũ SaVipharm để không chỉ sản xuất dược phẩm đa dạng phục vụ, chữa trị bệnh tật cho người dân, áp dụng những nghiên cứu khoa học mới nhất vào sản xuất, mà còn nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế, đưa viên thuốc Việt ra toàn cầu. Những năm qua,  dược phẩm SaVipharm đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia, Cam pu chia, và sẽ tiếp tục mở đường sang các nước Âu, Mỹ.

 

Hình: TTƯT, Tiến sĩ - DSCK II Trần Tựu tại một buổi gặp gỡ đối tác nước ngoài

 

Trong Lễ sắc phong vừa qua của Đại học Apollos Hoa Kỳ tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), TTƯT-DSCK II Trần Tựu được xướng tên trang trọng trước nhiều quan chức Chính phủ Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada  và giới ngoại giao, khoa học, kinh tế nhiều nước, khiến chúng tôi, những người có dịp may biết và hiểu về ông, được làm việc cùng ông, cũng như bạn hữu, và nhất là đội ngũ cán bộ nhân viên SaVipharm vô cùng cảm động. Ông chính là tấm gương sáng, là bài học trực tiếp nhất, gần gũi nhất để chúng tôi soi vào mà tiếp tục rèn luyện, tu chí, phấn đấu vươn lên bất chấp mọi khó khăn, thách thức hàng ngày. Đặc biệt, trong những lúc bị rơi vào hoàn cảnh gian nan nhất, thử thách khốc liệt nhất, khi bất kỳ ai đó nản lòng, muốn đầu hàng, thì hình ảnh của ông, ý chí của ông lại trở thành nguồn động viên cho họ tiếp tục dấn bước. Có lẽ, ông chưa từng bước lên bục giảng một trường Đại học nào dù từng nhiều lần được mời thỉnh giảng, nhưng hàng ngày, trong công việc, ông là người thầy mẫu mực nhất, sáng trong nhất và thông thái nhất của hơn 500 cán bộ công nhân viên SaVipharm, và biết bao người trong ngành Dược được cộng tác với ông. Hình ảnh TTƯT, Tiến sĩ - DSCK II Trần Tựu hàng ngày sáng suốt chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý tại công ty với những từ cửa miệng quen thuộc “sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ”, và hình ảnh ông nghiên cứu, làm việc bền bỉ hàng đêm tại nhà, với tủ sách hơn 400 cuốn sách về nghệ thuật kinh doanh phía sau lưng, luôn là biểu tượng, là hình ảnh đẹp đẽ nhất cho ý chí vươn lên của người Việt.

Kiều Bích Hậu