Ảnh chụp màn hình Thiennhien.
Sáng 23/9, nhà chức trách Quảng Trị đề nghị hỗ trợ hai chó nghiệp vụ xua đuổi đàn voọc. Nếu dùng hết cách mà đàn voọc tiếp tục tấn công người thì có quyền tiêu diệt
VnExpress đưa tin, tại Đồn biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hoá), các nhà trách tỉnh Quảng Trị họp bàn giải pháp xua đuổi đàn voọc ba con, gồm hai đực một cái, trở lại rừng.
Từ tháng 7/2020 đến nay, tại đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), đàn voọc đã tấn công 9 người dân, trong đó có một phụ nữ mang thai tám tháng, ba người phải khâu bốn mũi ở chân.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, nói tình trạng trên kéo dài ảnh hưởng đến trật tự và tâm lý người dân. Bà Phương đề nghị Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ hai chó nghiệp vụ trong năm ngày, với mục đích chỉ sử dụng tiếng chó để xua đuổi, không để xảy ra xung đột giữa chó và voọc.
Cuộc họp cũng đề xuất các phương án gây mê, đặt bẫy lồng, đặt bả có chất gây mê… Nếu các phương án bảo tồn không hiệu quả, trong khi đàn voọc tiếp tục tấn công người thì nhà chức trách có quyền tiêu diệt theo quy định hiện hành.
Trước đó, về đề xuất dùng chó nghiệp vụ đuổi voọc vào rừng, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị đang thảo luận với chuyên gia và trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có hướng xử lý phù hợp.
“Voọc là loài quý hiếm, chuyên gia cũng nhận định loài này rất manh động, nhất là mùa sinh sản. Trong khi chó nghiệp vụ phục vụ chiến đấu cũng rất mạnh mẽ nên nếu không cẩn thận thì chó và voọc sẽ xung đột, cắn nhau khi giáp mặt. Điều này sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn động vật hoang dã”, đại tá Phương nói với báo Zing.
Trung tá Long lý giải “Chó nghiệp vụ được huấn luyện đánh hơi, truy tìm, chiến đấu trấn áp tội phạm trong các vụ án. Việc sử dụng chúng để đuổi đàn voọc là thiếu hợp lý, không khả thi vì chó khi đã giáp mặt sẽ càng gây nguy hiểm cho đàn voọc”.
Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
(Theo dkn.tv)