Ảnh chụp màn hình báo BBC Tiếng Việt.

 

 

 

 

Ông Phạm Phú Quốc đã thừa nhận: “Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018”, song phủ định việc mua hộ chiếu mà nói do được gia đình bảo lãnh.

 

 

Trước cáo buộc có tên trong danh sách mua hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp), đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) đã lên tiếng trả lời. Trao đổi với báo Tuổi trẻ ngày 25/8, ông Quốc thừa nhận năm 2018, ông được gia đình thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Song, không có chuyện ông mua quốc tịch Cyprus với giá 2,5 triệu USD.

 

 

Ông Phạm Phú Quốc giải thích thêm rằng, “vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân.

 

 

Năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.

 

Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus”.

 

Nói trên Zing, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nói: “Việc trả lời trên báo chí là quyền cá nhân của ông Quốc. Chúng tôi làm việc bằng hồ sơ, căn cứ vào hồ sơ và qua quy trình xác minh để đưa ra kết luận”.

 

 

 

Ông Phạm Phú Quốc trong phiên họp với tư cách ĐBQH, chiều 24/10/2019 (ảnh: quochoi.vn).

 

 

 

 

Trước đó, một bài báo điều tra của hãng thông tấn Al Jazeera hôm 24/8 dựa trên tài liệu mật của chính phủ Cyprus (Đảo Síp) bị rò rỉ cho thấy đảo quốc này tạo điều kiện cho các chính khách nước ngoài ‘dễ tham nhũng’ mua quốc tịch EU. Những người muốn “mua hộ chiếu” được mô tả là phải đầu tư tối thiểu 2.5 triệu đô la (khoảng 57 tỷ VND).

 

 

Al Jazeera nói rằng, họ là chính khách hoặc nằm trong ban lãnh đạo nhà nước và cũng có trường hợp mua hộ chiếu cho cả người nhà.

 

 

Bài báo này cho biết trong danh sách các chính trị gia “mua hộ chiếu vàng” đảo Síp có một thành viên Quốc hội Việt Nam đại diện TP.HCM tên Phạm Phú Quốc.

 

 

Hồi năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khoá 13 trúng cử khoá 14 thuộc khối doanh nhân nhưng sau đó bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta. Bà Hường sau đó bị bãi nhiệm.

 

 

------------000------------000-------------000-----------------000---------------------

Theo Luật Quốc tịch 2008, về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch, nhưng một số trường hợp ngoại lệ vẫn được chấp nhận mang 2 quốc tịch. Các trường hợp ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch cũ; trẻ em là con nuôi.

------------000------------000-------------000-----------------000---------------------

 

(Theo dkn.tv)