Ảnh chụp màn hình Dân Trí và VTC.

 

 

 

Vụ cổng trường đổ xuống đè lên người làm 3 em bị thương và 3 em tử vong, chủ tịch huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho rằng, cổng trường xây trụ gạch không có cốt thép bên trong là hoàn toàn bình thường.

 

 

Sáng 10/9, ông Phí Công Hoan, Chủ tịch huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho VTC biết, cổng trường Bản Phung (xã Khánh Yên Thượng) bị sập, đè chết 3 học sinh được thi công vào năm 2016 với mức đầu tư 72 triệu đồng.

 

 

Trong đó, phần cổng (bao gồm trụ và cánh cổng kim loại) có giá hơn 14 triệu, phần hàng rào chắn thép gai xung quanh trường giá 58 triệu đồng.

 

 

Phần trụ cổng bị đổ hôm 7/9 đè thương vong 6 học sinh được thiết kế với kích thước 50x50cm, xây bằng gạch đặc mác 75, vữa xi măng mác 50, bên ngoài quét vôi. Trọng lượng mỗi cánh cổng 82kg.

 

 

Ông Phí Công Hoan cho rằng, cổng trường xây trụ gạch không có cốt thép bên trong là hoàn toàn bình thường.

 

 

“Trước đây do tình hình khó khăn, điểm trường ở xa nên thường dùng vật liệu thông thường, xây trụ gạch cho tiện dụng.

 

 

Cổng có trụ bằng cốt thép sẽ chắc chắn, an toàn hơn so với trụ bằng gạch, nhưng chi phí cao hơn. Tuy nhiên, cổng trụ gạch nếu xây đảm bảo vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Phần cổng bị sập có đảm bảo hay không cơ quan chức năng sẽ làm rõ.

 

 

Lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn cho hay “Thực tế cũng phải nói không có cổng nào thiết kế để chịu một lúc nhiều học sinh đu nghịch trên đó”.

 

 

Chuyên gia xây dựng phân tích nguyên nhân cốt tử

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, về mặt nguyên tắc, công trình cột, trụ phải đảm bảo khả năng chịu lực, đảm bảo ổn định.

 

 

“Chịu lực ở đây bao gồm tải trọng thẳng đứng của bản thân trụ, trọng lượng của cánh cửa treo lên, đồng thời khi cánh cửa vào pha sẽ là một ‘công xôn’ rất lớn, khi có tải trọng bám vào ‘công xôn’ đó thì cột trụ tiếp tục phải chịu thêm lực uốn và kéo.

 

 

Ở đây, khi học sinh bám vào cánh cửa để đu, trụ cột ngoài chịu trọng tải thẳng đứng của bản thân nó, tải trọng của cánh cửa cổng lại chịu thêm tải trọng thẳng đứng do mô men lệch tâm từ trọng lượng của học sinh gây ra”, ông Thịnh nói.

 

 

Do vậy, theo ông Thịnh, người thiết kế, xây dựng cột trụ phải đảm bảo để cột này vừa phải có khả năng chịu lực thẳng đứng, vừa phải chịu được lực ép, uốn và móng của trụ phải đảm bảo ổn định khi cánh cửa quay, toàn bộ 2 cạnh của móng phải được làm như nhau.

 

 

Để đảm bảo các yếu tố đó, hầu hết những trụ cổng như vậy phải làm bằng bê tông cốt thép, móng phải đặt sâu, đặc biệt là khi đặt ở địa hình sườn dốc.

 

 

Trong trường hợp xấu nhất phải tiết kiệm chi phí thì cột trụ cũng phải làm móng bằng bê tông cốt thép, sau đó cắm cốt cứng và hàn bản lề cánh cửa vào, và xung quanh mới xây bằng gạch. Như vậy, kể cả trụ gạch thì lõi vẫn phải bằng thép cứng.

 

 

Trong bản thiết kế không có cốt thép mà chỉ có gạch vữa

Tối cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng Hùng Mạnh cho biết: “Năm 2016, chúng tôi có thiết kế bản vẽ cổng điểm trường Bản Phung cho xã Yên Khánh Thượng, tuy nhiên sau đó xã có sử dụng bản vẽ này hay không thì chúng tôi không biết, tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

 

 

Đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng Hùng Mạnh lý giải, do đây là công trình từ nguồn vốn xã hội hóa nên công ty không tham gia xây dựng và nghiệm thu, bàn giao mặt bằng. Đơn vị này cũng khẳng định, trong bản thiết kế không có cốt thép mà chỉ có có gạch vữa.

(Theo dkn.tv)