GETTY IMAGES/BBC
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam vừa cho biết Hà Nội có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trị giá 8,3 tỷ USD trong đó có nguồn vốn vay từ chính phủ Trung Quốc.
Trong tờ trình xin ý kiến, chủ trương Quốc hội chiều 13/2, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ đi qua 9 tỉnh, sử dụng ngân sách trung ương, địa phương; nguồn vốn trong nước, vốn vay từ Chính phủ Trung Quốc và các nguồn hợp pháp khác.
Theo đó, Việt Nam đang tìm cách nâng cấp hệ thống đường sắt cũ kỹ của mình và đã tiếp cận Trung Quốc để xin tài trợ và công nghệ, bao gồm ba tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc và một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến TP HCM, trung tâm thương mại ở phía Nam.
Chủ trương xây dựng các tuyến đường sắt lớn này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh và được thống nhất trong các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 8/2024, cũng như giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường ở Hà Nội hồi giữa tháng 10/2024.
Ông Trần Hồng Minh phát biểu trước Quốc hội, "Đất nước đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhanh, đồng thời bước vào kỷ nguyên mới, trong bối cảnh hệ thống đường sắt đã lạc hậu sau hơn 100 năm xây dựng, cần đầu tư các công trình đường sắt mới, đáp ứng mục tiêu nhu cầu phát triển của đất nước".
Ông Minh cho biết tuyến đường sắt dài 391km sẽ chạy từ thành phố biên giới Lào Cai qua thủ đô Hà Nội đến Hải Phòng, nơi có cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam.
Tuyến đường sắt này sẽ có khổ đường ray 1.435 mm, so với khổ 1.000mm hiện có của tuyến đường sắt Bắc - Nam, cho phép tàu chạy với tốc độ lên tới 160 km/giờ, được thiết kế để vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Về tiến độ thực hiện, Chính phủ cho biết dự kiến việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ bắt đầu trong năm nay và hoàn thành vào năm 2030.
Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào 19/2, ngày cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ 9 khóa 15.
Trước đó, vào tháng 11/2024, các cơ quan lập pháp cũng đã thông qua một nghị quyết ủng hộ dự án đường sắt cao tốc trị giá 67 tỷ USD, dài 1.541 km, nối Hà Nội với TP HCM, với mục tiêu bắt đầu hoạt động vào năm 2035.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm đầu tiên khai thác, doanh thu dự kiến của tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành và bảo trì. Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ khoảng 110 triệu USD cho bảo trì kết cấu hạ tầng trong giai đoạn này.
Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng dự kiến lỗ khoảng 778 triệu USD trong bốn năm khai thác đầu tiên.
Tổng cộng, Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ khoảng 887 triệu USD cho hai dự án này.
Đề nghị miễn trách nhiệm người đứng đầu 'siêu dự án' đường sắt
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, Chính phủ Việt Nam đề nghị áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, trong đó có 15/19 cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép áp dụng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và 4 cơ chế, chính sách mới.
Trong 4 chính sách mới, Chính phủ đề nghị loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia, thực hiện dự án, một động thái được cho là là góp phần bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, "Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là chính sách chưa có tiền lệ, do vậy trường hợp cần thiết Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định".
VGP
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh (trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (BBC)
Miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ trong dự án này cũng được cho là "không cần thiết" theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, vì lý do có thể tạo ra "chính sách không đồng đều đối với các cán bộ, công chức đã tham gia tham mưu các dự án có tính chất tương tự".
Lợi hại thế nào?
Việc Việt Nam nối ray với đường sắt Trung Quốc được cho là có ý nghĩa to lớn trong kết nối chiến lược hai nền kinh tế, kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters vào tháng 8/2024 từng nhận định sự thiếu tin cậy giữa hai nhà nước cộng sản - đã từng xảy ra chiến tranh tại biên giới vào cuối thập niên 1970 và thường xuyên xảy ra tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông - từ lâu đã cản trở tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cân nhắc về kinh tế dường như đã vượt lên lo ngại về an ninh.
Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều hãng sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất cảng sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các chuyên gia nói với BBC rằng với các tuyến đường sắt trên, Việt Nam có thể kết nối với Trung Á, Âu châu qua Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.
Tháng 10/2024, một chuyên gia đường sắt nắm vấn đề ở Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt trong điều kiện ẩn danh rằng phạm vi và quy mô hợp tác đầu tư phát triển đường sắt giữa hai quốc gia khá lớn, dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Chuyên gia này đánh giá rằng việc phát triển đường sắt xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của hai phía.
"Về chiến lược phát triển đường sắt liên vận quốc tế thì Chính phủ Việt Nam muốn nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập cảng bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4-5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm, tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm."
Ông nói thêm, "Điểm dễ thấy nhất là Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng nguồn vốn từ phía Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đang được đánh giá là láng giềng ngày càng thân thiện. Nhưng đánh giá và quản trị các rủi ro khả dĩ khi vay nguồn vốn từ Trung Quốc để phát triển hạ tầng cơ sở đang là thử thách lớn cho Việt Nam. Chắn chắn, trong các điều khoản hợp tác, Việt Nam mong muốn Trung Quốc trao đổi và chuyển giao công nghệ đường sắt để tự mình có thể phát triển. Nhưng đây chắc chắn chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng, dù Trung Quốc đang là cường quốc số một".
GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,Chính phủ Việt Nam xác định dự án đường sắt cao tốc có tầm quan trọng chiến lược, là tiền đề để đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong ảnh là người dân chờ tàu hỏa băng qua ở Hà Nội vào tháng 11/2024
Xét về công nghệ đường sắt, Trung Quốc được đánh giá là một trong những cường quốc trên thế giới.
Và hiện Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập cảng lớn nhất và thị trường xuất cảng lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy, quyết tâm thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu thời hậu Chiến tranh Lạnh và sẽ có sức ảnh hưởng mang tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Việt Nam lại thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ - Trung nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Nga.
Hà Nội trong nhiều năm vẫn lập lờ về việc sử dụng quỹ của Sáng kiến Vành đai - Con đường, chương trình hạ tầng cơ sở trọng yếu của Trung Quốc, sau khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam vào năm 2018 đối với các kế hoạch có thể dẫn đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư tư nhân Trung Quốc vào Việt Nam.
(Theo BBC)