Việt Nam bị cáo buộc thao túng tiền tệ. (Ảnh minh họa)
Tạm thời Việt Nam chưa bị áp các biện pháp trừng phạt về thương mại cụ thể nào sau cáo buộc thao túng tiền tệ từ phía Mỹ.
Sáng nay ngày 16/1, chia sẻ với VnExpress, các doanh nghiệp liên quan hoạt động thương mại với Mỹ đánh giá Đây là một kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa) cho rằng, lần điều tra này là một cảnh báo, giúp các doanh nghiệp cảnh giác hơn trong quy trình kiểm soát gỗ.
Cựu đại sứ Mỹ Phạm Quang Vinh đánh giá, kết luận của USTR cho thấy vấn đề vẫn "đang treo". Tuy nhiên, về đại thể, đây là một kết quả tốt cho Việt Nam khi 2 bên vẫn tìm được tiếng nói, tiếp tục đàm phán song phương.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty U&I nói thêm, Việt Nam cần phải tiếp tục làm việc thận trọng và chặt chẽ với chính quyền mới Biden và có những lưu ý nhất định đến bà Katherine Tai.
Về phía Mỹ, đại diện Thương mại Robert E. Lighthizer cho biết, hiện chưa có động thái cụ thể nào liên quan đến các kết luận trong cuộc điều tra này. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn hiện có.
Theo Lighthizer, các động thái, chính sách không công bằng khiến tiền tệ yếu đi sẽ gây thiệt hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ. Những vấn đề này cần được giải quyết. Đại diện Thương mại Mỹ hy vọng 2 nước có thể tìm ra phương hướng chung để giải quyết các lo ngại từ phía Mỹ.
Trước đó, ngày 15/1, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ra thông cáo về kết quả cuộc điều tra theo Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 liên quan đến chính sách định giá tiền tệ của Việt Nam.
Trong đó USTR kết luận: "Các hành động, chính sách của Việt Nam, trong đó có can thiệp quá mức vào thị trường ngoại hối và các động thái liên quan khác là không hợp lý và gây sức ép lên thương mại Mỹ".
Cuộc điều tra do USTR khởi động từ tháng 10/2020, song song với điều tra của Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan đã xác định Việt Nam thao túng tiền tệ trong báo cáo ngày 16/12.
Sau cáo buộc trên, cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề tiền tệ.
Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Phúc khẳng định, Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Gần đây nhất, Mỹ và Chính phủ Việt Nam cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề này giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 6/1.
Cụ thể, trong thông cáo phát đêm 6/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng và Ngoại trưởng Mỹ đã trao đổi về việc Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 30, Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam; qua đó, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh giá cao việc 2 bên duy trì trao đổi về vấn đề này, đồng thời tái khẳng định rằng, Mỹ coi trọng và cam kết duy trì quan hệ ổn định với Việt Nam và ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực.
USTR đã từng sử dụng một cuộc điều tra Khoản 301 tương tự để biện minh cho mức thuế lên tới 25% áp với hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm rưỡi của Tổng thống Trump với Bắc Kinh.
(Theo ntdvn.com)