Tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt do sạt lở tại đèo Khánh Lê. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

 

 

 

 

 

Mưa lớn kéo dài khiến hơn 2,000 m3 đất đá trên đèo Khánh Lê, thuộc huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) sạt lở xuống đường.

 

 

Tối 29/11, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, các đơn vị thi công đang khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt.

 

 

Đến 20h cùng ngày, các phương tiện chưa thể lưu thông theo hướng Nha Trang đi Đà Lạt và ngược lại.

 

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa cho biết, khối lượng đất đá sạt được ghi nhận đến 21h30 ngày 29/11, ước tính hơn 2.000m3 và có thể còn tăng thêm.

 

 

Sau khi xảy ra việc sạt lở, Công ty đã điều động 2 xe đào, 2 xe ben loại lớn, máy xúc lật để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do các điểm sạt lở là khu vực đèo dốc trong khi trời vẫn đang mưa lớn nên Công ty chưa thể thi công.

 

 

 

 

 

Điểm sạt lở đất đá tại đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). (Ảnh chụp màn hình)

 

 

 

 

 

Theo truyền thông Việt Nam, trước đó, từ chiều 28 đến tối 29/11 tỉnh Khánh Hòa có mưa lớn kéo dài diện rộng với lưu lượng từ 100-150mm.

 

 

Đến khoảng 17h ngày 29/11, trên quốc lộ 27C (thường gọi là tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt) xuất hiện điểm sạt lở đất đá tại Km 60+590, thuộc H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Ước tính khoảng 2.000 m3 đất, đá đã đổ xuống chắn ngang mặt đường.

 

 

Chi cục Quản lý đường bộ III.3 phối hợp với lực lượng chức năng chốt chặn tại 2 đầu đường đèo để cảnh báo các phương tiện tạm thời không lưu thông qua tuyến đường này.

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa khuyến cáo, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài nguy cơ cao sẽ xảy ra sạt lở tại các khu vực như: đèo Cả (Quốc lộ 1, đoạn đi qua địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đèo Phượng Hoàng (Quốc lộ 26, đoạn đi qua địa phận thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), đèo Cù Hin, đường Phạm Văn Đồng (thuộc TP. Nha Trang).

 

 

 

Ngoài ra, trên một số tuyến đường trong tỉnh cũng có hiện tượng đá rơi rải rác. Mưa lớn, nước chảy xiết đã cuốn sập mố cầu bêtông bắc qua sông Trang nối xã Liên Sang với xã Khánh Thượng, Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh). Người dân phải đi bằng cầu treo cách đó 50 m, còn ôtô chạy vòng hơn một km.

 

 

 

 

 

Nước lũ cuốn trôi mố cầu sông Trang ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh chụp màn hình).

 

 

 

 

 

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, tại tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn tập trung vào đêm 29 rạng ngày 30/11 với lưu lượng từ 100-170 mm/đợt; do đó, công việc khắc phục sạt lở sẽ gặp nhiều khó khăn.

(Theo ntdvn.com)