Ảnh ghép từ nguồn được trích dẫn trong bản tin.
Bão số 5: 29 người thương vong, Quảng Nam lũ quét nghiêm trọng
Cập nhật tình hình thiệt hại do mưa bão số 5 gây ra tại Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng trên báo Lao Động. Theo thống kê thiệt hại ban đầu, tại Thừa Thiên Huế, 1 người bị thiệt mạng do cây đổ (nạn nhân ở tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và 23 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Và có khoảng 1700 ngôi nhà bị tốc mái, con số vẫn đang được thống kê.
Tại tỉnh Quảng Bình, có 6 người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa, chặt cây bị trượt ngã.
Tại Thừa Thiên Huế, mưa bão số 5 làm gãy đổ 200 cột điện. Công ty điện lực Huế đã huy động trên 550 nhân lực và phương tiện cơ giới tiếp tục khắc phục sự cố đến đâu cấp điện cho người dân đến đó.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều địa phương vùng núi ở tỉnh Quảng Nam có mưa lớn kéo dài do lũ quét, sạt lở nghiêm trọng. Riêng huyện Tây Giang có khoảng 100 điểm lớn sạt lở khiến các tuyến đường đi lên các xã biên giới và giao thông nông thôn bị cô lập, ách tắc hoàn toàn.
Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.
Chiều tối hôm 18/9, lực lượng chức năng huyện Tây Giang tĩnh Quảng Nam đã giải cứu được 9 người dân bị mắc kẹt do nước lũ chia cắt.
Hiện nhà chức trách địa phương đã sơ tán 110 hộ dân tại câc mặt bằng đã bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Còn tại Đà Nẵng mưa lớn cũng khiến nhiều cột điện tại thành phố này bị gãy đổ, tuy nhiên điều khiến dư luận quan tâm là trong cột điện bị đổ nhiều cây kém chất lượng thậm chí là không có cả cốt thép như cột điện tại số nhà 102, đường Tôn Đảng, quận Lương Triều. Theo báo Lao Động, chiều hôm 18/9, công ty điện lực Đà Nẵng đã có thông tin phản hồi về vụ việc. Cơ quan này giải thích rằng cột điện trước số nhà 102, đường Tôn Đảng là cột điện bê tông li tâm 8,4 mét có các sọi thép chịu lực được kéo giãn khi gia công đúc cột tại nhà máy. Khi có lực tác động lớn làm gãy cột thì các sợi thép có xu hướng tụt vào bên trong thân cột.
Nhật Bản tìm thấy thi thể của thực tập sinh Việt Nam mất tích sau siêu bão Haishen
Theo Thông tấn xã Việt Nam, hôm 18/9, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, thông báo các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ Nhật Bản vừa tìm thấy thi thể của anh Nguyễn Hữu Toán, một trong hai thực tập sinh Việt Nam bị mất tích sau siêu bão Haishen.
Trước đó, hôm 7/9, siêu bão Haishen đã quét qua đảo Kyushu, phía Tây Nam Nhật Bản, và gây thiệt hại nặng nề cho khu vực này, đồng thời khiến 4 người bị mất tích, gồm vợ con của Giám đốc Công ty Cổ phần Aioigumi và hai thực tập sinh Việt Nam là Nguyễn Hữu Toán và Trần Công Long.
Theo Tổng lãnh sự quán Việt Nam, cho đến thời điểm này, ngoài thi thể của anh Toán, các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ Nhật Bản vẫn chưa tìm thấy ba người còn lại.
Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.
Việt Nam yêu cầu người nhập cảnh trả chi phí cách ly
Đài tiếng nói Việt Nam loan tin hôm 18/9 cho biết, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa phê chuẩn đề xuất của Bộ Tài chính về vệc thu phí cách ly tập trung đối với người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, chi phí tiền ăn theo quy định là 80.000 đồng và các chi phí sinh hoạt khác là 40.000 đồng/ngày. Tổng cộng 120.000 đồng/ngày (khoảng 5 USD).
Mức phí mới được đưa ra sau nhiều tháng Việt Nam thực hiện miễn phí cách ly cho tất cả người nhập cảnh kể từ khi có đại dịch Covid-19. Quy định thu phí đối với người nhập cảnh được áp dụng kể từ ngày 1/9.
Ngoài quy định tự chi trả phí cách ly, Thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu tất cả người nhập cảnh phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có thể thanh toán chi phí chữa bệnh tại Việt Nam.
Việt Nam bắt đầu đưa ra các quy định mới liên quan đến người nhập cảnh sau khi bắt đầu mở lại các đường bay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan từ ngày 15/9, và 2 đường bay đến Campuchia và Lào vào ngày 22/9.
Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 khách quốc tế sẽ đến Việt Nam trong tháng này sau khi các đường bay trên được mở lại.
Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại ĐBSCL, Nghệ An
Truyền thông trong nước đưa tin ngày 18/9 , tại một số nơi như xã Khánh Thuận ( ĐBSCL) phát hiện hơn 64 con heo dương tính với Dịch tả Heo Châu Phi; tại ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, Ủy ban Nhân dân huyện Năm Căn công bố DTHCP (không nêu số lượng).
Nhiều con heo mắc bệnh ở địa bàn Cà Mau là số được cấp phát cho các hộ dân thông qua chương trình giảm nghèo.
Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh này cho biết đang phối hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp dập tắt ổ dịch, đưa ra chỉ đạo kiểm tra, rà soát nguồn gốc đã cấp phát cho hộ dân qua dự án nuôi heo thương phẩm và chương trình giảm nghèo.
Tại Nghệ An, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này ngay từ cuối tháng 8 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu phi (DTLCP) đã xảy ra ở khá nhiều hộ chăn nuôi tại các huyện trên địa bàn thuộc các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Nam Đàn, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Quế Phong…
Ảnh chụp màn hình báo Công Thương.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị triển khai kế hoạch khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật đợt 3 năm 2020, từ ngày 20/9 đến 20/10/2020, thực hiện đồng loạt ở các trang trại, hộ chăn nuôi tại 21 huyện, tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện.
(Theo dkn.tv)