Nhà máy thủy điện Ialy, Việt Nam, dự án mở rộng (2021-2024) được thực hiện nhờ hỗ trợ tài chính của Liên Hiệp Âu Châu trong khuôn khổ JETP. Ảnh chụp ngày 2/05/2025. © Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
VIỆT NAM - Ngày 12/05/2025, đại sứ Liên Hiệp Âu Châu Julien Guerrier và đại sứ Pháp Olivier Brochet tại Việt Nam thăm thực địa dự án mở rộng nhà máy thủy điện Ialy, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện với khoản vay ưu đãi 74,7 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp - AFD và khoản viện trợ 2 triệu euro từ Liên Âu. Dự án cũng nằm trong khuôn khổ JETP - Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hướng tới loại bỏ sử dụng than đá.
Được đưa vào hoạt động cuối năm 2024 sau bốn năm thực hiện, nhà máy Ialy lắp đặt thêm hai tổ máy có công suất 180 MW mỗi tổ, nâng tổng công suất của nhà máy lên 1.080 MW. Dự án Ialy được coi là một trong những dự án tiêu biểu thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam, theo hướng của phương thức Team Europe Initiates (Đề xướng của Nhóm Âu Châu) và sẽ được tổng kết trong năm 2025.
JETP được Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế, bao gồm Liên Hiệp Âu Châu, nhóm G7, Na Uy và Đan Mạch, ký ngày 14/12/2022. Việt Nam trở thành một trong ba nước trên thế giới, cùng với Nam Phi và Nam Dương (Indonesia), ký thỏa thuận được đánh giá là rất có lợi, với khoản tài trợ ban đầu lên tới 15,5 tỷ đô-la, để hỗ trợ Việt Nam đạt được bốn mục tiêu đầy tham vọng (1) và sẽ có vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam muốn xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Trong khuôn khổ JETP, Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư Âu châu (BEI) ký Biên bản ghi nhớ thể hiện cam kết chung trong việc thành lập một cơ sở tín dụng đa dự án trị giá 500 triệu euro, để tài trợ cho các dự án hỗ trợ quá trình khử cacbon và chuyển đổi năng lượng. Ngoài ra, Liên Hiệp Âu Châu cũng cấp cho Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) một khoản ngân sách để hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc phát triển và khai triển các dự án liên quan đến JETP.
Để hiểu thêm về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP và những dự án hỗ trợ của Nhóm đối tác, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ rút khỏi nhiều cam kết về chống biến đổi khí hậu, đại sứ Liên Hiệp Âu Châu tại Việt Nam Julien Guerrier dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn.
Đại sứ Liên Hiệp Âu Châu, Julien Guerrier, trong buổi họp với chính phủ Việt Nam, Hà Nội, ngày 02/03/2025. © EuroCham
RFI: Tháng 12/2022, Nhóm các đối tác quốc tế, bao gồm Liên Hiệp Âu Châu, G7, Na Uy và Đan Mạch, đã ký JETP (Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng) với Việt Nam. Việt Nam là nước thứ ba (cùng với Nam Phi và Nam Dương) được hưởng lợi từ quan hệ đối tác này. Tại sao Việt Nam được chọn? Xin ông giải thích ý nghĩa và mục tiêu của thỏa thuận này?
Đại sứ Julien Guerrier: Vâng, Việt Nam là một quốc gia rất đặc biệt và đó là lý do vì sao chúng tôi chọn Việt Nam, bởi vì tăng trưởng kinh tế ở đây cực kỳ nhanh và cao, nhu cầu năng lượng tăng trung bình gần 7% mỗi năm trong 10 năm qua và sản lượng điện sẽ phải tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030 để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại. Nhưng vì than vẫn được sử dụng rất nhiều ở trong nước, đến năm 2024 vẫn chiếm đến 50% cơ cấu năng lượng. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bình quân đầu người đã tăng gần sáu lần trong hai thập niên qua. Chính vì thế chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam, quốc gia nhận thức được về những tác động môi sinh và sức khỏe của lộ trình này và đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tháng 12/2022, Việt Nam đã ký một tuyên bố chính trị với nhóm IPG - Nhóm đối tác quốc tế - như chị đề cập, bao gồm các nước G7, Đan Mạch và Na Uy, do Liên Hiệp Âu Châu và Vương quốc Anh đồng lãnh đạo, nhằm hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng này. Điều chúng tôi muốn cố gắng thực hiện với JETP là giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa về cacbon vào năm 2050, bằng cách đẩy nhanh và hạn chế mức đỉnh phát thải khí nhà kính từ ngành điện từ nay đến năm 2030, hạn chế công suất lắp đặt các nhà máy điện than ở mức 30 gigawatt từ nay đến năm 2030 và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng lên 47% vào năm 2030.
Và để giúp chính phủ Việt Nam thực hiện được điều đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ với khoản tài trợ ban đầu là 15 tỷ euro, một nửa trong số đó là nguồn tài trợ của khu vực công, từ các nhà tài trợ và một nửa là nguồn tài trợ của khu vực tư nhân được tạo điều kiện bởi liên minh các ngân hàng chống biến đổi khí hậu Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ).
RFI: Nhiều chuyên gia và cơ quan truyền thông đã đưa tin rằng có rất ít tiến triển đạt được sau hai năm. Quá trình thực hiện thỏa thuận này bị cản trở ở điểm nào? Sự chậm trễ này ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ quá trình? Liệu những khó khăn và trở ngại hiện tại có thể sớm được giải quyết không?
Đại sứ Julien Guerrier: Tuyên bố chính trị mà tôi đã đề cập ở trên được ký vào tháng 12/2022, cho nên có tương đối ít thời gian để đạt được nhiều tiến bộ. Và quá trình chuyển đổi năng lượng là điều khó khăn ở Việt Nam, cũng như ở mọi quốc gia khác, bao gồm cả Pháp và Liên Hiệp Âu Châu, vì có nhiều thách thức lớn cần phải giải quyết.
Không phải chỉ xây dựng các nhà máy điện mới và tăng sản lượng năng lượng tái tạo là xong mà còn là xem xét lại cơ sở hạ tầng năng lượng hiện tại, vốn được xây dựng phục vụ nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt. Điện gió và điện mặt trời phải có tiềm năng kết nối với cơ sở hạ tầng năng lượng này, vốn phải được thiết kế lại hoàn toàn, từ hệ thống sản xuất đến truyền tải và tích trữ điện. Đó là những khoản đầu tư lớn, tốn kém và mất thời gian. Và đó là lý do tại sao tiến độ còn bị tương đối hạn chế. Nhưng như đã đề cập trước đó, Indonesia và Nam Phi cũng đã ký JETP. Nước thứ ba là Việt Nam và hiện nay, Việt Nam đang tiến nhanh hơn cả hai nước kia.
Để vượt qua những thách thức tôi đã đề cập, cần phải hợp tác ở mọi cấp độ của chính quyền Việt Nam, các doanh nghiệp và cá nhân. Và cần phải thực hiện những khoản đầu tư đáng kể, thiết thực, và tất cả các đối tác này cần phải cam kết lâu dài. Đây là những gì chúng tôi đang thực hiện bằng cách xây dựng kế hoạch khai triển đã được Việt Nam thông qua vào cuối năm 2023.
Chúng ta thấy rằng Việt Nam đang tổ chức với việc thủ tướng đã bổ nhiệm bộ trưởng Công Thương làm người phụ trách JETP vào tháng 10/2024, và kể từ đó, một số cơ cấu đã được đưa vào hoạt động để tham khảo ý kiến của các đối tác khác nhau, phối hợp các chuyên môn cần thiết và lập danh sách các dự án mà chúng tôi sẽ tài trợ thông qua JETP - những dự án sẽ cho phép chúng tôi đạt được các mục tiêu đã đề ra : đạt đỉnh sử dụng than vào năm 2030 và tăng năng lượng tái tạo lên tới 47% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2030.
Vì vậy, chúng tôi tin rằng tiến độ tuy chậm nhưng vẫn đạt được và chúng tôi sẽ có những dự án cụ thể được khai triển trong tương lai gần.
Nhà máy thủy điện Ialy, Việt Nam, dự án mở rộng (2021-2024) được thực hiện nhờ hỗ trợ tài chính của Liên Hiệp Âu Châu trong khuôn khổ JETP. Ảnh chụp ngày 2/05/2025. © Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
RFI: Để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra, các dự án trong JETP với Việt Nam có được nhóm đối tác quốc tế hỗ trợ không? Và tiến triển của dự án được đánh như thế nào?
Đại sứ Julien Guerrier: Có, tất cả các dự án thuộc JETP đều được hưởng sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) và liên minh các ngân hàng chống biến đổi khí hậu GFANZ cũng tham gia vào JETP mà tôi đã đề cập. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu về danh sách 9 dự án được các nhà tài trợ đề nghị. Về phần mình, Việt Nam đang xây dựng danh mục 35 dự án để sớm trình lên Nhóm các đối tác quốc tế và ngân hàng tư nhân. Và để được hưởng sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ quốc tế, mỗi dự án phải được nghiên cứu và đánh giá trong suốt vòng đời của dự án theo các chặng thời gian đều đặn, với sự hợp tác của thành viên tài trợ sẽ hỗ trợ về mặt tài chính và các bên liên quan. Vì vậy, mỗi dự án riêng biệt đều khác nhau và liên quan đến nhiều bên liên quan khác nhau, nhưng trong mọi trường hợp, đều có hoạt động giám sát và đánh giá.
RFI: Hoa Kỳ, một trong những đối tác của Việt Nam trong JETP, đã rút khỏi nhiều chương trình về khí hậu. Quyết định của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thỏa thuận đối tác đã ký với Việt Nam cũng như nỗ lực của các nước ký kết còn lại trong Nhóm đối tác quốc tế?
Đại sứ Julien Guerrier: Đúng vậy, đáng tiếc là Hoa Kỳ đang rút khỏi nhiều chương trình về khí hậu. Trong khuôn khổ JETP với Việt Nam, khoản đóng góp công của Hoa Kỳ là khoảng một tỷ euro, chiếm chừng 7% tổng cam kết thông qua sự kết hợp giữa tài chính và hỗ trợ kỹ thuật. Vì vậy, 7% không phải là con số không đáng kể.
Liên Hiệp Âu Châu và Vương quốc Anh, như tôi đã nói trước đó, là hai thủ lĩnh trong Nhóm các đối tác quốc tế. Cùng với Anh Quốc, chúng tôi hoàn toàn cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt được mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2050. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục. Và sức mạnh của quan hệ đối tác chính trị, tài chính và kỹ thuật của JETP còn nằm ở sự đa dạng của các đối tác cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng tại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng huy động số tiền tài trợ đã được lên kế hoạch, các khoản tài trợ còn cần thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện mà tôi đã đề cập trước đó - kế hoạch huy động nguồn lực. Và chúng tôi cũng nhận thức rằng về phía khu vực tư nhân, các nhà đầu tư đang rất nỗ lực vì có rất nhiều cơ hội lớn cho sản xuất năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm hợp tác với Việt Nam để JETP thành công và tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được điều đó.
Đại sứ Liên Hiệp Âu Châu, Julien Guerrier, và đại sứ Pháp Olivier Brochet (G) thăm thực địa dự án mở rộng nhà máy thủy điện Ialy, Việt Nam, ngày 12/05/2025. © Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
RFI: Ông đã tham gia một cuộc họp với thủ tướng và chính phủ Việt Nam vào tháng 03. Sau cuộc họp này, liệu có hy vọng rằng dự án, cũng như đầu tư của Âu châu sẽ được khởi động lại nhanh hơn trong tương lai không?
Đại sứ Julien Guerrier: Có, chắc chắn là có. Ngày 02/03, thủ tướng Việt Nam đã gặp gỡ đại diện các công ty Âu châu có trụ sở tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Các công ty Âu châu đã giải thích các biện pháp và cải cách quy định là điều cần thiết để thu hút đầu tư vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các dạng năng lượng tái tạo khác. Thủ tướng đã lắng nghe, các bộ trưởng cũng có mặt. Các chỉ dẫn rõ ràng đã được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Âu châu nói chung và trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng với sự lãnh đạo như vậy ở cấp cao nhất của nhà nước, chúng ta sẽ thấy những tiến bộ nhanh chóng trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Âu châu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn đại sứ Liên Hiệp Âu Châu Julien Guerrier tại Việt Nam.
- Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030.
- Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030.
- Giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW.
- Đẩy nhanh khai triển năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.
Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.
(1) Thông cáo báo chí của Liên Hiệp Âu Châu, ngày 14/12/2022.
(Theo RFI)