Dân chẳng bao giờ gọi Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Không nhất thiết là vì lý do chính trị.Thằng Tí thằng Tèo, trong mắt bà ngoại trăm năm vẫn là thằng Tí thằng Tèo, bất kể địa vị xã hội của nó là gì.

 

Dân Sài Gòn “quái chiêu” lắm, lúc nào cũng than thiếu tiền, nhưng không sống tằn tiện bao giờ! Họ hào hiệp với bản thân và bè bạn, họ luôn tìm được cách kiếm tiền.

 

Nhiều người bảo tôi rằng, dân Nam kỳ được thiên nhiên ưu đãi, sống hôm nay khỏi lo ngày mai, nên họ sống rộng rãi hơn dân miền Trung và miền Bắc.

 

Có lẽ đúng. Nhưng còn cái gì đó hơn thế nữa! Kiểu ăn xài “xả láng sáng dậy sớm”, dù nghèo rớt mồng tơi, dường như ăn vào máu của dân Sài Gòn. Dĩ nhiên để ăn xài thì đầu tiên phải kiếm ra tiền.

 

 

 

Kiếm tiền thì có lẽ không đâu có nhiều cách như Sài Gòn trong cái thời bao cấp ngăn sông cấm chợ của những thập niên 1970, 1980.

 

Trong thời bao cấp với chích sách bóp nghẹt kinh tế và xã hội, mọi người còn ăn bo bo, gạo tổ đỏ lòm, dân Sài Gòn đã bắt đầu nuôi heo chui, quấn thuốc lá Lạng Sơn pha lá dừa, làm pháo chui, ...

 

 

Những năm 79, 80 mà thấy anh nào bị cối kẹp nách, mặt mũi lấm lét ở chợ Nguyễn Hữu Cầu thì biết ngay là hắn buôn thuốc Tâỵ Sau khi chợ thuốc Tây bị dẹp thì đường Nguyễn Hữu Cầu biến thành cái chợ trời đầu tiên của Sài Gòn sau 1975. Ôi thôi thì quần zin áo pun, đồ Mỹ lẫn đồ chợ Lớn, bếp điện Liên Xô dây Gò Vấp.

 

 

Ở Sài Gòn cái thời đói khổ, cái gì bán được là có người bán. Ðừng hòng mà mua được đồ xịn nếu mà không quen biết hay hiểu biết. Nhiều người tự thị là “rành” nhất bị lừa mà vẫn còn hí hửng. Ðó là chưa nói đến giá cả trời ơi. Tôi thường tự hỏi ai cũng bán hết thì lấy ai ra mà mua? Tiền đâu ra mà mua? Thế mà chợ lúc nào cũng đông. Ðúng là Sài Gòn!

 

 

Nếu không thích cảnh chợ búa thì người ta quấn thuốc lá, nuôi heo với cơm thừa canh cặn pha cám lậu ở ngay trong nhà. Chuồng heo phải lau rửa ít nhất hai lần một ngày, sợ hôi thì ít, mà sợ công an phát hiện thì nhiều.

 

 

Lái heo bốn rưỡi sáng đã mang xe ba gác đến chở. Bọn lái heo lậu giết heo còn giỏi hơn công nhân chuyên giết-mổ heo ở xí nghiệp Cầu Tre sau nàỵ Chích điện con heo chỉ kêu cái “éc” là chết ngoẻo tò te, xẻ làm bốn mất độ mươi phút, sáng hôm sau bà con có thịt heo tươi bán ở chợ.

 

 

Người ta còn buôn cả những thứ tưởng chừng như chẳng có người mua vào thời đó như phô mai Liên Xô thúi hoắc, rượu XO pha rượu lúa, nước lã và cồn.

 

 

Ðến giữa và cuối thập niên 80 thì lại có thêm nhiều kiểu kiếm tiền để trang trải cuộc sống cơ cực. Sinh viên học sinh nghèo thì đi dạy thêm, quen biết hơn tí nữa thì đánh hàng Viễn Dương, hàng Ðông Ảu, buôn thuốc lá Campuchia, mua bán xe gắn máy,...

 

 

Các chị các cô khéo tay thì làm bánh, làm hoa giả, pha nước hoa bán đầy đường Tự Do, làm kem dừa, kem chuối để kiếm thêm tiền cho gia đình.

 

Ðừng tưởng dân Sài Gòn chỉ lo làm ăn không đọc sách. Sài Gòn có vài trăm tiệm sách cũ mà dân nghiền sách nhẵn mặt. Từ sách Tuổi Hoa trước ngày Miền Nam thất thủ, chưởng Kim Dung, đến hình ảnh sách báo khiêu dâm của Mỹ, Hong Kong hay báo và mọi loại truyện ngắn, dài, tiểu thuyết nội ngoại, đều có cả.

 

 

Sài Gòn là thế đấy, muôn người muôn mặt, đa dạng vô cùng!

 

Con gái Sài Gòn dễ thương lắm! Họ có cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, lại chẳng giận dai vùng vằng vô lý bao giờ. Ði đón trễ thì: “anh để em chờ nãy giờ đó coi có được hông? Ghét dễ sợ luôn hà!” Cộng với một cái lườm, hai cái nguýt thì bọn trai Sài Gòn hối hận quá cả 2 tháng sau mới… trễ lần nữa.

 

 

Con gái Sài Gòn còn biết ăn mặc, đi đứng, nhất nước. Tiền có thể thiếu chứ phong cách tiểu thư thì chẳng thiếu bao giờ. Tiểu thư Sài Gòn không ưỡn ẹo mè nheo, mà phóng xe vèo vèo đứng tim các anh trai.

 

Giọng gái Sài Gòn thì ngọt hơn mía lùi. Cái câu “hổng chịu đâu” mà nghe dân xứ khác nói thì ngứa lỗ nhĩ, nghe con gái Sài Gòn nói thì bọn đực rựa Sài Gòn như bong bóng xì hơi, biểu cái gì cũng nghe ráo trọi. Con gái Sài Gòn lãng mạn chẳng kém ai, nhưng cũng rất thực tế. “Ðược thì được hổng được thì thôi, làm chi mà dzữ dzậy!”.

 

Sài Gòn là vậy đó, ít nhất là từ cái nhìn của tôi. Sài Gòn dễ thương khôn tả, khoáng đạt và bao dung, rộng rãi và hào phóng. Người Sài Gòn sống nhanh nhất nước, không sợ cái mới, ghét cái lỗi thời, rất thực tế.

 

Tôi đã nghe rất nhiều những lời nhận xét kiểu vơ đũa cả nắm: con trai Sài Gòn thế này, con gái Sài Gòn thế kia, dân Sài Gòn thế nọ… Càng nghe càng thấy buồn cười vì đa số những người nói mấy câu đó chưa bao giờ thật sự sống ở Sài Gòn.