Phạm Thanh Chương

 

“Tưởng bây giờ là bao giờ

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao…”

               (Nguyễn Du)

 

Sài Gòn có một con đường nổi tiếng và được nhắc nhở với tất cả lòng thương yêu của những người sống xa Saigon, cũng như những người còn ở lại thành phố này, các bạn có biết là con đường nào không?

 

Đó là con đường “Duy Tân cây dài bóng mát”...mà Phạm Duy đã viết trong ca khúc: “Trả Lại Em Yêu” một ca khúc đầy ấn tượng và dạt dào kỷ niệm của biết bao thế hệ sinh viên từ một Saigon đã xa mờ trong ký ức:

“..Trả lại em yêu, khung trời Đại học

  Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

  Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát

   Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt …

   Trả lại em yêu, khung trời mùa hạ

   Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá

   Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má

   Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa…”

 

Đường Duy Tân nằm ở trung tâm thành phố, đầu đường là hồ Con Rùa và Viện Đại học Sài Gòn, phía trước là Vương Cung Thánh Đường mà người Saigon thường gọi là Nhà thờ Đức Bà. Bên hông nhà thờ là Bưu điện Trung tâm Saigon.

 

Theo khảo sát của tạp chí Architectural Digest của Mỹ thì Bưu Điện Trung Tâm Saigon đứng thứ 2 trong danh sách 11 Bưu Điện đẹp nhất thế giới.

 

Công trình này do Kiến Trúc sư lừng danh người Pháp Gustave Eiffel thiết kế và xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891.

 

Ông cũng là người xây dựng ngôi tháp biểu tượng của nước Pháp mang tên ông tại Paris: tháp Eiffel và tượng đài Nữ Thần Tự Do tại New York, Hoa Kỳ.

 

Bưu Điện Trung Tâm Saigon là một dãy nhà màu vàng như màu nắng úa,  đẹp lung linh dưới những tàng cây,  không lúc nào vắng bóng du khách, đa số là người phương Tây, họ đến tham quan, chụp hình và mua đồ lưu niệm.

 

Từ bên kia bờ đại dương, nhạc sĩ Song Ngọc cứ thắc mắc cùng những câu hỏi xốn xang nhưng nào có ai trả lời được cho ông

   “Saigon bây giờ buồn không em!

    Đường Duy Tân còn lá đổ muôn chiều?

    Em còn đợi chờ ngoài hiên vắng

    Em còn gọi nắng trong sân trường? ”

 

Cũng như ông Phạm Duy và ông Song Ngọc, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cứ đòi trả lại cho người tình con đường Duy Tân cùng với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ thuở đầu đời.

“..Trả lại cho em con đường kỷ niệm

Tay nắm trong tay dìu nhau bước say

Trả lại cho em con đường Duy Tân

Những chiều chủ nhật… hẹn hò xôn xao”

 

Không biết tại sao mà các ông nhạc sĩ này cứ đòi “trả lại” con đường Duy Tân cho những người quen cũ ? Đã gắn bó với mình cả một quãng đời thơ mộng.

 

Một Saigon xinh đẹp, phồn hoa, một Saigon dịu dàng như buổi chiều còn vương vương  nắng, và.. một Saigon lộng lẫy khi phố lên đèn mà ông nhạc sĩ Văn Phụng gọi là “..đèn đêm tung ánh sáng như hào quang”.

 

Nhưng tiếc thay, con đường Duy Tân bây giờ không còn nữa, hai hàng cây vẫn còn đó, rủ bóng như một nỗi buồn,  con đường đã đổi sang một tên khác, không còn tên của nhà vua vì lòng yêu nước mà bị người Pháp đày sang Réunion, một hòn đảo thuộc Pháp tại châu Phi khi tuổi đời còn rất trẻ.

 

Một buổi chiều ngập nắng, tôi ra quán cà phê bên cạnh hồ Con Rùa gặp người bạn cũ, từ xa xa tôi thấy bạn tôi đi dưới bóng mát của con đường… Duy Tân.

 

Tôi bồi hồi nhớ lại ngày ông Trịnh Công Sơn mất, những lẵng hoa viếng ông tràn ngập một quãng đường này và tiếng kèn trumpet vọng ra từ con hẻm ngôi nhà ông ở…

Ông cũng bước vào “một cõi đi về” rồi sao?

 “…Saigon bây giờ buồn không em?

     đường Duy Tân còn lá đổ muôn chiều…? ”

 

Tôi muốn trả lời cho ông Song Ngọc. Ông xa cách muôn trùng nên mới hỏi, còn tôi, tôi đang ở nơi này, nhưng không biết phải trả lời với ông như thế nào đây?

 

Ngày xưa, những buổi chiều mùa đông quạnh quẽ, tôi thường ra ga xe lửa chờ nghe tiếng còi tàu khô khốc, buồn bã vọng về từ xa trên đường thiên lý.

 

Có những chuyến tàu về muộn màng như chuyến cuối cùng trong chiều 30 Tết, trời se lạnh, tàu chạy qua cánh đồng cỏ úa khi nắng chiều vừa tắt:

  “Trời lạnh buốt chuyến tàu ba mươi Tết

    Mãng nắng chiều sót lại cũng vừa tan

    Nghe thoang thoảng mùi khói đồng ai đốt

    Đường tàu qua lấm tấm những hoa vàng…”

“Lấm tấm, rời rạc, buồn bã, hiu hắt” như một phận đời.

 

Biết trả lời ông nhạc sĩ thế nào?

“Saigon bây giờ buồn không em? Đường Duy Tân còn lá đổ muôn chiều?...”

 

Thưa ông, lá vẫn đổ cả trong buổi sáng khi tôi đi ngang qua đó.

 

Có lẽ từ nỗi buồn này...nên ông Phạm Duy mới viết:

 “Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá

 Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má"

 

 

Đường Duy Tân không còn trên bản đồ thành phố Saigon, nhưng còn mãi trong lòng những người đã sống và từng gắn bó với Saigon.

 

Một Saigon tình nghĩa, hào hiệp, độ lượng.

 

Một Saigon mà tôi luôn luôn thương yêu kính ngưỡng..như bậc trượng phu.

 

Saigon cuối năm 2023

gởi những người bạn của tôi.       

 

Phạm Thanh Chương.