Phượng Sài Gòn anh vẫn nhớ
Bày đỏ sân trường, từng cánh hoa tim
Xưa thân nhau, tan lớp chung đường
Anh mang hoa bôi má em hồng
Để em hóa thân, nàng tiên xuống thăm trần gian
Phượng Sài Gòn chim vẩn hót
Xưa buổi học hè hồi trống ra chơi
Quanh thân cây, anh khắc tên mình
Bên tên em, em vốn tên Phượng
Phượng thương mến thương, loài hoa vấn vương mộng mơ
Mùa hè Cali, anh nhớ sài gòn
Phượng hồng ban trưa, ve chắc gọi buồn
Em ghé ngôi trường, phượng rơi ai bán
Gom hết mua về, mà kết môi tim
Làm nhớ nhau thêm
Thiết tha kỷ niệm, để nhớ nhau thêm !!
Chiều mòn Cali, anh nhớ Sài gòn
Người tình khoa văn, duyên dáng mặn mà
Năm ngón nỏn nà, bàn tay xinh xắn
Em vẩy tay chào, ngày đó chưa phai
Còn nhớ trong anh, áo em học trò
Còn mãi trong anh,
Phượng Sài Gòn, hoa đẹp lắm
Đâu có nơi nào bằng đất quê hương
Anh phương xa, nhung nhớ muôn trùng
Hoa tên em, trang vỡ mong chờ
Tình thương vẫn thương
Màu hoa vấn vương...... lòng anh!!!
Hồi còn nhỏ khi còn học tiểu học, tôi vẫn còn nhớ những lời kể của ngoại tôi về Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, đó là lần đầu tiên trong đời nghe tên thành phố này mặc dù không hiểu chữ Hòn Ngọc Viễn Đông là gì. Hôm nay sống và học tập tại Sài Gòn tôi dần hiểu hơn về một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.
Thành phố Sài Gòn trong trí óc của cậu học trò bé nhỏ là nơi đúng nghĩa của chữ thành phố với nhà cửa to lớn, với đèn điện sáng choang, với xe cộ dập dìu, với những cửa hiệu đầy những hàng hóa sản xuất tại đây hoặc nhập cảng từ ngoại quốc. Sài Gòn có nhiều cái mới lạ, người đông đúc và đi hoài không hết. Lớn lên vào học ở Sài Gòn, tôi đã hiểu thêm một chút về thành phố hơn 300 tuổi, từng là thủ đô của Miền Nam khi đất nước chia cắt.
Nhà thơ Chế Lan Viên viết về Sài Gòn trong nhưng năm thập niên 40, ông có nhắc đến những bài ca vọng cổ văng vẳng khắp phố, nghe rất lạ đối với dân miền Trung như ông, và đó là nét đặc biệt nhất mà tác giả ghi nhận.
Có lẽ thời cách đây mấy chục năm và trước đó, đa số dân cư Sài Gòn nói giọng gần giống dân miền Tây Nam Ky`. Có hai chữ của người con gái Sài Gòn nói làm tôi nhớ nhất là “chời ơi” (trời ơi) và “phải hôn” (phải không), nghe rất ngộ, dễ thương. Cái chữ “ hôn” lại càng hấp dẫn được thốt ra từ miệng người đẹp.
Khi nền tân nhạc du nhập và phát triển vào Việt Nam, sau thời kỳ đất nước chia cắt năm 1954 thành hai miền Nam - Bắc thì Sài Gòn trở thành nơi quy tụ của biết bao nhân tài từ nhiều nơi. Sài Gòn là niềm cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ viết nên các ca khúc về Sài Gòn. Sau này tôi chỉ nghe lại các ca khúc này qua băng, đĩa nhưng tôi rất ấn tượng với các ca khúc.
Đầu tiên phải nói tới bản Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi, của nhạc sĩ Y Vân, gọi tắt là Sài Gòn có câu kết: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Điệu Chacha nhún nhẩy, âm thể trưởng vui tươi, âm điệu dễ nghe dễ hát dễ nhớ làm trở thành bài hát biểu tượng của thành phố. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Sài Gòn. Ngày nay tôi rất thích khiêu vũ Chachacha với bài này.
Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Sài Gòn Thứ Bảy diễn tả nỗi buồn của một người lính trẻ về thăm kinh đô nhưng sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”, rất nhiều ca khúc tuy không có tựa đề Sài Gòn nhưng người nghe cảm thấy chất thành phố này bàng bạc trong đó. Chẳng hạn như bản Nhớ Thành Đô của Hoàng Thi Thơ : “ Tôi xa đô thành một đêm không trăng sao. Thành đô còn nhớ mãi, nhớ mãi, chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga và khi gặp nhau trên lề đường hẹn hò”.
Một bản mà thập niên 60 rất phổ biến là Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Đỗ Kim Bảng với câu hát: “tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”. Riêng cái âm điệu của câu đầu: si đố si si sol mi sì sì để lại ấn tượng mà sau này bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn cũng có câu mở đầu giống 90% và lấy câu này làm nét nhạc chủ yếu của ca khúc.
Sài Gòn cũng là nơi tập trung các đại học nổi tiếng của miền Nam từ xưa cho đến nay và bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy đã đưa những nét của khung trời đại học với trường Luật thơ mộng : “ Trả lại em yêu khung trời đại học , con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.
Nhưng cũng có những bài hát tả những cảnh phố phường Sài Gòn hoa lệ hay những xóm lao động như bản Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bản Kiếp Nghèo của Lam Phương sáng tác trong một đêm mưa bước về ngang con hẻm nhỏ nghe tiếng ru con. Hay bản Nữa Đêm Ngòai Phố của Trúc Phương, khi cất tiếng hát lên là biết tác giả tả cảnh Sài Gòn lúc về khuya. Sau này mỗi dịp, khi có những người khảy cây đàn guitar thùng, ngân nga những bài hát điệu Bolero tương tự như bản Phố Đêm của Tâm Anh, là cả một bầu trời Sài Gòn hiện ra.
Sài Gòn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát. Cái tên Sài Gòn, đã gắn liền với cái tên Việt Nam.
Hòn Ngọc Viễn Đông.
Sài Gòn Xưa