Ca dao là câu hát để ru con, ru em. Phải cho thằng nhỏ dễ ngủ, sợ thằng nhỏ khóc lồi rún, nên giai điệu của lời ru phải trầm bổng; phải có vần, phải có điệu theo thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát. Hai cái thể thơ nầy, Má hoặc Chị ngân nga và giữ giọng ru theo nhịp võng. Ru liền tù tì ắt phải thuộc hàng trăm câu ca dao chép đầy cả cuốn tập trăm trang. Chỉ ngưng ru khi Má hoặc Chị nghe tiếng thằng nhỏ khò khò. Thấy cái miệng nó mút chụt chụt như đang bú tí. Hai là ý nghĩa phải thâm sâu nhưng lời ru lại ngắn ngủn nên đôi khi làm mình khó hiểu. Một trong những câu lời ít, ý nhiều là: “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc. Gió nào độc bằng gió Gò Công. Thổi trận gió Đông lạc vợ xa chồng. Nằm đêm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”

 

 

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc? Châu Đốc với Thất Sơn, 7 núi: Núi Cấm, Núi Sam, Núi Ông Két, Núi Ngọa Long, Núi Tượng, Núi Cô Tô, Núi Nước. Châu Đốc thuộc đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại có núi. Có núi thì thế đất ắt phải cao. Nên đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc thì bà con mình hiểu được rồi.

 

Nhưng gió nào độc bằng gió Gò Công? Gò Công ở đâu? Và gió Gò Công sao độc dữ vậy? Nằm về phía đông, Gò Công cách Mỹ Tho 35 km. Về phía nam, Gò Công cách Sài Gòn 60 km. Vào năm 2022, dân số Gò Công khoảng 151,937 người. Theo Nghị định ký ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh từ ngày mùng 1, tháng Giêng, năm 1900. Hạt tham biện Gò Công thành tỉnh Gò Công. Tỉnh lỵ Gò Công đặt tại làng Thành phố, vốn là hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi nhập lại.

 

Còn gió độc Gò Công, ta biết qua một câu ca dao đau đớn khác: “Gặp đây mới biết em còn. Hồi năm bão lụt, anh khóc mòn con ngươi” Năm bão lụt là năm 1904. Bão từ Biển Đông đổ bộ vào Gò Công theo dương lịch là ngày Chủ Nhựt mùng 1 tháng Năm. Theo âm lịch là ngày 16 tháng 3 năm Giáp Thìn. Báo chí thời đó viết rằng: “Rằm tháng 3 đương mùa khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ bỗng trời nộ cuồng phong, mây đen bao phủ từ 10 giờ sáng đến chạng vạng. Hơn 5 giờ chiều: bỗng xoay chiều gió từ phương Đông ào ào xô gãy cây và trốc gốc, vách nhà đổ xiêu. Lá cây, lá lợp nhà tốc bay tứ tung, cây cối nằm la liệt. Rương xe, thùng bộng, mái lơn. Thuyền chài, cối giã, chạy bôn trên đồng. Xác người, xác thú chập chồng. Sóng dồi rêu dập, vun giồng lấp khe”

 

 

Bão lụt năm Giáp Thìn (1904) tại Gò Công – Ảnh tư liệu 

 

 

Định Tường và Gò Công thời đó, hơn 60% nhà dân bị sập trong có hơn 80% súc vật chết và trên 5,000 người chết. Đầu xóm nghe tiếng cưa cây đóng quách, giữa xóm cành cạnh tiếng niêm hòm. Chết nhiều đến nỗi thiếu hòm thiếu ván để đóng quách mà chôn, thật rùng rợn kinh hoàng. “Rủ nhau dập xác cho liền. Gặp đâu chôn đó, chớ hề ai khiêng. Thân chết chôn rồi đã yên.Còn người sống sót gạo tiền đâu ăn?”

 

Bão tàn phá Gò Công rồi tới Tân An. Gió thổi mạnh nhất vào 7 giờ đêm. Lần đầu tiên cục mưa đá to bằng cái hột gà rơi tại Tân An. Nước sông Vàm Cỏ Tây, Bảo Định, kinh Lính Tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp, bị nước cuốn trôi. Dân chúng chạy đến trú ở dinh chủ tỉnh và tòa bố. 7 giờ sáng ngày 17 tháng 3 âm lịch, mưa tạnh, nước rút lần lần. Quang cảnh thật điêu tàn, tất cả các nhà lá đều sập, các cây keo, cây me trốc gốc.

 

Còn Sài Gòn? Theo Nam Kỳ tuần báo, số 85, ra ngày mùng 8 tháng 6 năm 1944, bài “Trận bão năm Thìn”. Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn – Gò Vấp. Buổi sáng mùng 1 tháng 5 năm 1904, từ 7 giờ 55 cho đến 12 giờ,  Sài Gòn mưa lâm râm. Đến 1 giờ, gió thổi mạnh; đến 3 giờ, gió càng dữ dội. Lúc đầu, trời chỉ có giông, lần hồi vừa giông vừa mưa đến mức như trút nước…

 

Ông Nguyễn Liên Phong làm thơ “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”: Năm Thìn rủi mắc cơn giông bão. Dựng lại bằng xưa cũng phước trời. Gò Công xiết mấy hư hao. Trời sanh trời dưỡng biết sao mà phòng?”

 

 

Bão lụt năm Giáp Thìn (1904) tại Sài Gòn – Ảnh tư liệu

 

 

Trước thiên tai cuồng loạn giết cả hàng ngàn người, ông bà mình đôi phần được an ủi khi chứng kiến tình người trong bão lụt. Nhà cổ Đốc Phủ Hải, thị xã Gò Công nhờ xây cất kiên cố nên trụ vững. Nhà ngói của ông Lộ Công Tập  ở làng Long Thuận, 5 căn nền lót gạch tàu mới cất nên rất chắc chắn. Nên gần 400 người bị tai ương, sập nhà cửa đã về 2 nhà nầy xin ở tạm. Ông Lộ Công Tập gom hết quần áo trong nhà đem cho dân mà cũng không đủ. Cơm nấu bằng chảo lá sen hết chảo này tới chảo khác.

 

Cái đạo đức lá lành đùm lá rách; làm phước đặng phước của ông bà mình tỏ rạng như vầng nhựt nguyệt chớ không tàn ác như Hội đồng Thăng của soạn giả VC Tư Trang quá dóc trong tuồng cải lương Đời Cô Lựu

 

Rồi hằng năm, cứ tới ngày 16 tháng 3 âm lịch, dân Mỹ Tho và Gò Công hợp nhau giỗ hội. “Tháng ba mười sáu lai niên. Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung”

 

Thiên tai kinh hoàng đó xảy ra cách nay 120 năm nên khẩu ngữ của bà con mình có nói: “Ối! Chuyện hồi năm Thìn bão lụt tới giờ, ai mà nhớ!” Dù những người sống sót trong thiên tai kinh hoàng đó giờ già cả, chết hết rồi. Nhưng bà con mình, trong đó có tui, vẫn nhớ gió độc Gò Công qua lời ru, bài thơ, bài báo, câu chuyện truyền miệng từ đời nầy sang đời khác.

 

Theo âm lịch, cứ 60 năm, năm Giáp Thìn đáo lại. Năm Giáp Thìn, 1964, lúc đó đời đã có em, Miền Tây mình bị lụt lớn. Thế nên bà con cho là tại năm Thìn nên con Rồng hút nước Biển Đông phun xuống làm quê mình chìm trong bão lụt.

 

Những người con của Gò Công bị gió độc CS năm Ất Mão 1975 làm lạc quê người. Năm 2024, năm Giáp Thìn chúng ta cảm xúc nhớ về quê cũ.

 

 

(Nguồn: baotreonline.com; Đoàn Xuân Thu)