“Chiều nay có phải anh ra miền Trung ..
Về thăm quê mẹ cho em về cùng
Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu
Về đến sông Hương núi Ngự
Để nhìn trăng soi cuối thôn…
Đó là lời của ca khúc nổi tiếng mang tên Quen Nhau Trên Đường Về mà hầu như ai yêu nhạc vàng cũng biết đến. Tác giả của ca khúc này là nhạc sĩ Thăng Long, lúc sinh thời ông đã kể lại rằng vào khoảng năm 1963, khi ngồi nghỉ chân ở bùng binh trước chợ Bến Thành, ông nhìn qua phía đối diện là nhà ga xe lửa Sài Gòn (nơi mà ngày nay là công viên 23/9), có rộn rịp người qua lại, kẻ lên tàu, người đưa tiễn, nhạc sĩ thoáng thấy những đôi tình nhân quyến luyến nhau rước khi bước vào sân ga, đó là cảm xúc để cho ông sáng tác bài nhạc vàng nổi tiếng này.
Chắc hẳn nhiều người sống ở Sài Gòn trước năm 1975 vẫn còn nhiều ký ức về ga xe lửa nằm ở ngay trung tâm đô thành, ngày nay đã không còn nữa.
Nhà ga Sài Gòn ở đối diện chợ Bến Thành này là nhà ga xe lửa đầu tiên của người Pháp xây dựng ở Đông Dương, được khởi công năm 1881 và hoàn thành năm 1885, là ga đầu tiên trên tuyến đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Thời gian sau đó, ga này cũng là ga khởi hành đi Lộc Ninh (để phục vụ cho việc khai thác cao su của người Pháp), và đây cũng là ga đầu của tuyến Sài Gòn – Hà Nội hồi trước năm 1954.
Năm 1914, cùng với chợ Bến Thành, người Pháp cũng cho xây dựng một tòa nhà trụ sở công ty Hỏa Xa ngay đối diện với nhà ga xe lửa ở gần chợ Bến Thành. Tòa nhà này đến nay vẫn còn ở số 136 Hàm Nghi, trở thành trụ sở của ngành đường sắt.
Ở bên ngoài ga Sài Gòn còn có một bến xe thổ mộ (xe ngựa kéo) để phục vụ hành khách đi xe lửa, có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn thường có câu “ngựa xe như nước” để mô tả sự sầm uất ở khu vực trung tâm Sài Gòn – nhà ga xe lửa này.
Thời xưa, có nhiều câu thơ truyền miệng tả cảnh ga Sài Gòn ở Bến Thành như sau:
Mười giờ tàu lại Bến Thành
Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao
Hay là:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu…
Ga xe lửa Sài Gòn khá rộng, nằm giữa các trục đường Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi), Lê Lai và công trường Quách Thị Trang (nơi đang xây dựng nhà ga tàu điện metro) – tương ứng với toàn bộ Công viên 23-9 và bến xe buýt hiện nay.
Sau năm 1955, chính quyền VNCH tiếp quản toàn bộ ngành đường sắt từ người Pháp, từ đó ga Sài Gòn chạy tuyến xa nhất là đến miền Trung, như trong bài hát Quen Nhau Trên Đường Về có nhắc đến.
Kề bên ga Sài Gòn là nhà hàng – phòng trà ca nhạc Hòa Bình nổi tiếng một thời
Tuy nhiên sau này đường tàu bị phá hoại nhiều khi chιến chinh lan rộng, đường xe lửa miền Trung thu hẹp dần, chỉ còn chạy tuyến Sài Gòn – Biên Hòa – Long Khánh. Ngay sau năm 1975, có một thời gian ga Sài Gòn tạm ngưng hoạt động.
Năm 1978, Ga Sài Gòn tạm dời về Ga Bình Triệu, nhà ga ở gần chợ Bến Thành được dẹp bỏ, thay vào đó là ga Hòa Hưng được sửa chữa nâng cấp để trở thành Ga Sài Gòn mới. Ga Hòa Hưng trước đó vốn chỉ là một nhà ga chuyên vận chuyển hàng hóa. Việc chuyển đổi này hoàn thành năm 1983, và từ đó cho đến nay, nhắc đến Ga Sài Gòn là người ta nghĩ đến ga Hòa Hưng, không còn nhiều người nhớ đến dấu tích một nhà ga hàng trăm năm tuổi từng ở đối diện chợ Bến Thành nữa.
Sau khi ga Sài Gòn cũ bị giải tỏa, toàn bộ khu này được quy hoạch thành công viên 23/9, tuy nhiên sau đó được bàn giao cho một tập đoàn Đài Loan để xây dựng một khu phức hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại trị giá đến 700-800 triệu đôla Mỹ, thuộc dạng hoành tráng nhất Việt Nam thời bấy giờ. Toàn bộ khuôn viên ga cũ được rào kín, một số tòa nhà trung tâm chỉ huy công trình đã được xây dựng. Tuy nhiên không lâu sau đó, dự án hoánh tráng này đã bị dừng lại vì công ty Đài Loan bị hụt vốn do khủng hoảng kinh tế. Công viên 23/9 vì vậy gần như bị bỏ hoang 1 thời gian, trở thành nơi trú ngụ của tội phạm. Từ khoảng giữa thập niên 2000, công viên 23/9 được tu sửa chỉnh trang để được sạch sẽ hơn, trở thành mảng xanh hiếm hoi giữa lòng trung tâm thành phố.
Mảng xanh giữa hình là công viên 23/9, trước đây từng là Ga Sài Gòn
Mời các bạn xem lại những hình ảnh trước năm 1975 của nhà ga Sài Gòn, nơi ngày nay là công viên 23/9:
Một góc đường Lê Lai. Phía bên phải là khuôn viên ga xe lửa cũ
Ga xe lửa và đường Lê Lai nhìn từ tầng 5 Cư xá sỹ quan Mỹ Walling Hotel trên đường Phạm Ngũ Lão
Đường Phạm Ngũ Lão, bên phải là ga xe lửa
Từ một khách sạn trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi) nhìn qua ga xe lửa cũ
Ga Sài Gòn nhìn từ trên cao (phía dưới của hình). Đường xéo lên bên trái là Lê Lợi, đường xéo lên bên phải là Hàm Nghi ra phía sông Sài Gòn
Ga xe lửa nhìn xuống từ khách sạn trên đường Lê Lai
Ga xe lửa và tường rào với đường Phạm Ngũ Lão
Trạm xe bus trước chợ Bến Thành. Phía sau các bảng quảng cáo là Ga xe lửa
Ngã sáu Cộng Hòa, các xe hơi đang đi về phía đường Hùng Vương. Phía xa là đường Hồng Thập Tự và Phạm Viết Chánh. Đường xe lửa sẽ chạy dọc theo đường Phạm Viết Chánh, vòng qua phía sau nhà thờ Huyện Sĩ rồi vào Ga Saigon.
Đường Phạm Ngũ Lão, bên kia là ga xe lửa, xa xa là chóp của nhà thờ Huyện Sỹ
Đường Lê Lai, bên phải là nhà ga xe lửa
Góc dưới bên phải hình là giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học. Đi Nguyễn Thái Học một đoạn ngắn sang tay trái sẽ đụng ga Sài Gòn.
Bên trong ga Sài Gòn những năm thập niên 1930
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)
Hình ảnh từ manhhai flickr