Hồi còn bé cứ mỗi lần nghe tiếng chuông cúng Phật sau bữa cơm chiều của bà cụ nhà cạnh bên, là tôi biết sắp sửa nghe một tuồng cải lương dài lê thê phát ra từ chiếc máy quay đĩa. Nghe cải lương buồn làm sao, hết tuồng cải lương là kết thúc một ngày để chuẩn bị cho một ngày mới.

 

Rạp Aristo gần ga xe lửa Sài Gòn, nơi các đoàn cải lương thường xuyên trình diễn trước 1954 (Nguồn: Manhhaiflickr)   

 

 

Tuổi nhỏ, làm sao biết cái hay của một tuồng tích cải lương nên lòng tôi không vui là chuyện chẳng lạ gì. Mấy đứa trẻ khác trong xóm cũng vậy thôi, sau giờ cơm chiều thường bắt đầu vào giờ học bài, làm toán đố để sáng mai đến lớp thì tâm trí còn đâu để nghe cải lương dành cho những người lớn. Sau này, lớn lên một chút, tôi cũng không mê cải lương nhưng thỉnh thoảng vẫn ngồi xem truyền hình cuối tuần cho một tuồng mới của đoàn Dạ Lý Hương có những đào kép đẹp như Bạch Tuyết, Hùng Cường. Tôi thích tuồng của đoàn Dạ Lý Hương bởi lẽ nó gần gũi với đời sống xã hội hiện thời, không phải những tuồng tích lịch sử hay tình cảm éo le của thời phong kiến ngày xửa ngày xưa.

 

Thời lên hương của đoàn Dạ Lý Hương hình như cũng không được bao lâu, nghe đâu bắt đầu thập niên 1970 và xuống dốc sau năm 1975 cùng chung số phận với nhiều đoàn cải lương khác do cuộc sống sau chiến tranh còn nhiều khó khăn, mặc dù nhiều đoàn cố gắng xoay sở để tiếp tục được diễn cho công chúng Sài Gòn hoặc đi diễn ở các tỉnh lẻ để kiếm sống. Đó là nhận xét của chú Ba Nghĩa, nhân viên hậu trường của đoàn Dạ Lý Hương trước đây kể về một thời đam mê cải lương trải qua nhiều đoàn hát từ lúc tôi chưa ra đời. Tôi quen chú Nghĩa khi đi công tác thực địa ở Củ Chi một tháng cho việc thực hiện bản đồ hiện trạng trung tâm huyện. Sống ở nhà chú cả bao nhiêu ngày nhưng ít khi nào gặp chú. Tôi gặp chú chỉ một lần duy nhất khi đoàn cải lương Hương Mùa Thu về địa phương lưu diễn. Chú về làm việc cho đoàn này, có vài vé biếu nên mời tôi đến sân vận động xem cải lương.

 

Nghệ sĩ trên truyền hình thì tôi biết, nhưng đó là lần đầu tôi thấy được các nghệ sĩ trên sân khấu ngoài đời thật. Đoàn cải lương về diễn không khí tưng bừng chẳng khác gì ngày hội ở các làng quê. Từ chiều, ngồi ở quán cà phê cóc đầu làng, tôi thấy nhiều người già trẻ lớn bé hớn hở kéo nhau đến sân vận động. Lần đó, chú Nghĩa kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về thời hoàng kim cũng như lúc thăng trầm của ngành cổ nhạc Việt Nam. Tôi vẫn chưa mê cải lương nhưng từ đó lại mở cho tôi một cái nhìn mới, quan tâm hơn về văn hoá cổ nhạc truyền thống mà hiện nay lớp trẻ gần như không còn mặn mà vì có quá nhiều loại hình giải trí hiện đại.

 

Bà bầu Thơ, Nghệ sĩ Thanh Nga, soạn giả Viễn Châu (bên trái ngoài cùng) và ký giả Nguyễn Anh Ca sau suất diễn khai trương của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga . Ảnh: TƯ LIỆU

 

 

Chú Nghĩa kể: Thời gian trước đó nữa, tôi làm việc cho đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn, tôi mê giọng hát của Út Trà Ôn từ lúc còn thanh niên. Nhắc đến Út Trà Ôn là phải nhắc đến bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu. Nhờ bài này mà Út Trà Ôn được nổi tiếng, dân miền Nam dù là dân ghiền cải lương hay không đều biết đến bài vọng cổ để đời đưa tên tuổi ông vua vọng cổ lên hàng đầu nghệ danh của các nghệ sĩ thời đó.

 

 

Ngày ấy, chú Nghĩa ngồi nhâm nhi ly cà phê đen bên tôi, hồi tưởng lại quãng thời gian hoàng kim của các đoàn hát cải lương, không riêng gì đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn mà một thời gian dài ông làm việc cho đoàn. Sở dĩ đoàn có tên kép như vậy là do các nghệ sĩ Kim Chưởng, Thanh Tao, Út Trà Ôn hợp tác lập đoàn với nhau. Đoàn mướn rạp Aristo với giá rẻ (vị trí ngày nay là khách sạn New World) để tập tuồng và trình diễn. Thế nhưng, do sự cạnh tranh của các đoàn khác hát ở các rạp quy mô lớn hơn, sang hơn như Nguyễn Văn Hảo, Hưng Đạo hay rạp Thành Xương, Olympic có mặt tiền rộng rãi. Trong khi rạp Aristo bị hàng rào ga xe lửa Sài Gòn án ngữ, lại là nơi tụ tập của giới xì ke ma tuý nên khán giả cũng ngại đi xem hát bước chân vào khu vực không mấy an ninh này.

 

Tôi tìm được tấm ảnh tư liệu cách nay hơn trăm năm chụp rạp Aristo rất đỗi bình yên và tĩnh lặng trước khi bên hông nhà hát có con hẻm thông ra ngã Sáu tụ tập dân tứ chiếng đường phố sinh hoạt về đêm. Vật đổi sao dời, chỉ mới chục năm hơn đã làm thay đổi tất cả khi tôi đọc được bài viết của người trong cuộc soạn giả Nguyễn Phương. Ông soạn tuồng cho nhiều đoàn: Tiếng Chuông, Thanh Minh, Năm Châu, Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga. Trong hồi ký Sân khấu cải lương, ông viết: “Thời gian tập tuồng và suốt 3 tuần lễ hát khai trương tuồng Tình Duyên Hoa Thắm đoàn Kim Thanh đã cho chăng hai dây đèn 100 bóng loại 100 watts dọc theo con đường trước mặt và bên hông rạp, khiến cho cả vùng này sáng chóa như một hội chợ đêm. Theo lời nữ nghệ sĩ Kim Chưởng chỉ trong một tháng đầu hát khai trương, đoàn Kim Thanh đã thu hồi được số vốn đã bỏ ra khi thành lập gánh hát. Như vậy, chúng ta biết là khán giả đến xem đoàn hát Kim Thanh nghẹt rạp hằng đêm và rạp Aristo đã là địa điểm thu hút những người thích giải trí, xem hát về đêm của Đô thành Sài Gòn trong những tháng năm hòa bình đầu tiên của Việt Nam (1954-1955)”.

 

Thuở thập niên 1960, các đoàn cải lương chiếm lĩnh hầu hết các rạp tại Sài Gòn (Nguồn: Manhhaflickr)

 

 

Đó là thời điểm hoàng kim của ngành cải lương cho đến giữa thập niên 1960 khi các rạp chiếu bóng mọc lên như nấm ở Sài Gòn. Phim ảnh phương Tây chia sẻ thị phần với cải lương đã làm điểm mốc cho ngành cải lương bắt đầu lụi tàn. Nhưng theo tôi, ngành cải lương đã có một thời gian huy hoàng kéo dài phát triển khi cải biến hình thức ca nhạc đàn ca tài tử ở miền Nam. Nhất là, sau bài “Dạ cổ hoài lang” của ông Cao Văn Lầu. Chính bản vọng cổ này được phổ biến trong các gánh hát đã làm nghệ thuật cải lương bước lên đỉnh cao trong ngành cổ nhạc.

 

Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Châu Á Trần Quang Hải phân tích nguồn gốc của “cải lương” bắt nguồn từ câu: “Cải biến kỳ sự / Sử ích tự thiên lương”. Nghĩa là đổi những gì cũ còn lại thành những gì mới và hay hơn. Ông viết trên trang mạng của mình rằng: Danh từ cải lương được xuất hiện đầu tiên trên bảng hiệu của gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông vào năm 1920. Sân khấu được trang hoàng đẹp đẽ, có màn nhung, có tranh cảnh, và hát bài La Madelon bằng tiếng Việt trước khi kéo màn”. Còn theo tác giả Tuấn Giang làm việc cho Viện Sân khấu, nghiên cứu nghệ thuật cải lương ghi nhận rằng: Cải lương đã có từ năm 1918 do ông Năm Tú dùng cho tên gánh hát của mình. Ông Năm Tú là người áp dụng thương hiệu từ cải lương để gọi gánh hát của mình Ban hát cải lương Châu Văn Tú. Đến năm 1920 thì Ban Tân Thinh mới ra đời, sáng tác hai câu thơ treo trước rạp: Cải lương ca hát theo tiến bộ / Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

 

Áp-phích của đoàn Dạ Lý Hương quảng cáo các nghệ sĩ nổi tiếng (Ảnh: Internet)

 

 

Thật ra chính xác cải lương ra đời năm 1918 hay 1920 không quan trọng. Chuyện chính trong giới nghiên cứu là cải lương bắt nguồn từ hát bội và người Việt được tiếp cận với kịch nói cổ điển của Pháp, sân khấu có cảnh trí phông màn sau khi Nhà hát lớn Sài Gòn được khánh thành năm 1900. Mặt khác, sự kết hợp đàn ca tài tử (đứng hoặc ngồi) bắt đầu cải tiến, có nghĩa là nghệ sĩ vừa hát vừa ra bộ, gọi là ca ra bộ. Khi diễn trên sân khấu cùng với cảnh trí lớp lang nó mang một hình thức mới, gọi là sân khấu cải lương. Vương Hồng Sển viết trong Hồi ký 50 năm mê hát: “Ca ra bộ bắt đầu từ cô Ba Đắc (mà trước đó cô đã có trong ban nhạc tài tử của ông Tống Triều) khi ông Mười Hai lúc ghé Mỹ Tho và có thấy cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán trong một buổi trình diễn: Cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán với giọng gần như đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà, ông Phó Mười Hai, nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên bộ ván tứ có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ lối năm 1915-1916. Cách hát trình diễn ca ra bộ là tiền đề để đàn ca tài tử ảnh hưởng và xâm nhập vào các tuồng hát bội trở thành hát bội cải cách hay hát bộ và từ đó ra hình thức mới của sân khấu nghệ thuật cải lương”.

 

 

Từ khi hát bội được coi là nghệ thuật sân khấu chính đại diện cho Nam kỳ ở hội chợ thế giới Paris 1889, và sau đó là nhạc tài tử và hát bội ở Hội chợ thế giới Paris 1900, Hội chợ thuộc địa Marseille 1906, 1922 cho đến sân khấu cải lương ở hội chợ Paris vào năm 1931 thì sự cải tiến của sân khấu nghệ thuật từ hát bội đi đến hình thành sân khấu cải lương đã hoàn tất và bước vào thời đại hoàng kim kéo dài đến trước 1975.

 

(Nguồn: baotreonline.com; Trang Nguyên)